Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha lập Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện

Hôm 31-8, Đức Thánh Cha đã thành lập Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và bổ nhiệm Đức Hồng Y Peter Turkson làm Bộ trưởng của cơ quan mới này.

Quyết định của Đức Thánh Cha được trình bày trong tự sắc thành lập và được công bố hôm 31-8 cùng với qui chế của Bộ tân lập.

Bộ Dịch Vụ phát triển nhân bản có thẩm quyền đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến di dân, những người nghèo túng, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề và các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các tù nhân, người thất nghiệp cũng như các nạn nhân của bất kỳ hình thực nô lệ và tra tấn.

Qui chế của Bộ mới được phê chuẩn thử nghiệm, theo đó, từ ngày 1 tháng Giêng tới đây, thẩm quyền của 4 Hội đồng Tòa Thánh hiện nay sẽ tập trung vào Bộ Dịch Vụ phát triển nhân bản toàn diện, đó là Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Cor Unum (Đồng Tâm), mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế.

Kể từ ngày đó, 4 Hội đồng vừa nói sẽ ngưng hoạt động và bị bãi bỏ, cùng với các điều khoản từ số 142 đến số 153 của Tông Hiến Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành).

Theo qui chế mới, trong Bộ tân lập sẽ có một Phân Bộ đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với những người tị nạn và di dân. Thực vậy, ngày nay không thể có một dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện mà không đặc biệt quan tâm đến hiện tượng di dân. Vì thế, phân bộ này được tạm thời ở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Thánh Cha (Qui chế, art, 1,4).

Đức Hồng Y Peter Turkson, tân Bộ trưởng, người Ghana, năm nay 68 tuổi, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục thành phố Cape Coast hồi năm 1992 và được thăng Hồng Y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình.

2. Khủng bố Hồi Giáo IS doạ giết Đức Thánh Cha Phanxicô

Dabiq, ấn phẩm của quân khủng bố Hồi Giáo IS nhằm kêu gọi “thánh chiến” chống lại các Kitô hữu, trong số mới nhất đã có bài công khai chỉ trích cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô và đe dọa giết ngài.

Bình luận về diễn biến này, Đức Hồng Y Louis Sako Raphael là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê của Babylon nói với thông tấn xã AsiaNews rằng đây là một phần trong chiến dịch tuyên truyền với mục tiêu tối hậu là “cực đoan hóa người Hồi giáo”

Đức Hồng Y chỉ ra rằng trang đầu của tờ Dabiq trong số ra gần đây trình bày hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo sư Ahmed el Tayeb, người đứng đầu Đại học Azhar Al bên Ai Cập. Mục tiêu của quân khủng bố Hồi Giáo IS không phải là Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 như tờ báo này nói; nhưng là giáo sư Ahmed el Tayeb và tất cả những lãnh tụ Hồi Giáo ôn hòa nào dám công khai chống lại ý thức hệ cực đoan của chúng.

Đức Thượng Phụ nói:

“Họ có trong tâm trí một kế hoạch cho một quốc gia thần quyền, dựa vào đạo Hồi. Đức Giáo Hoàng không phải là mục tiêu thực sự. Đây chỉ là trò tuyên truyền cho các mục đích chính trị.”

3. Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề “Chúng ta hãy có lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9 trong một cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít phải chịu trách nhiệm về những thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này”.

Đức Thánh Cha xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và chống lại Thiên Chúa.

Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. Đức Thánh Cha viết:

“Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v. (LS 211).

“Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ “một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).

Sau cùng, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. “Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc “chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha kết thúc với lời nguyện, “xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con.

4. Đức Hồng Y Nigeria phàn nàn tổng thống hứa cho nhiều làm chẳng bao nhiêu

Đức Hồng Y Anthony Okogie, Tổng giám mục nghỉ hưu của thủ đô Lagos, Nigeria, đã kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari hãy thực hiện những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử và mang lại những trợ giúp cho người nghèo.

Đức Hồng Y Okogie viết trong một bức thư ngỏ đến tổng thống Buhari.

“Hôm nay, những tiếng kêu gào vì đói khát vang vọng trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước bao la của chúng ta. Nigeria đói không chỉ thực phẩm, mà còn đói các nhà lãnh đạo tốt, biết hoạt động cho hòa bình, an ninh, và công lý.”

Tổng thống Muhammadu Buhari từng là một tướng lãnh trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, ông vẫn thất bại trong việc ngăn chặn bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.

Những cuộc tấn công liên tục của Boko Haram đã khiến hơn 2.5 triệu người phải di dời trên khắp miền Trung và Tây Phi, với khoảng 2.1 triệu người chạy loạn trong nội bộ Nigeria. Hơn 172,000 người tị nạn đã chạy trốn qua biên giới các nước xung quang để tìm kiếm sự an toàn. Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã tăng các cuộc tấn công vào các nước láng giềng của Nigeria. Những quốc gia này giờ đây phải đối phó với cả những người tị nạn Nigeria và hơn 200,000 người dân của chính họ phải chạy giặc.

Đức Hồng Y đã kết luận với lời cầu chúc:

“Cầu xin cho không có trang nào trong lịch sử đất nước này ghi lại rằng người Nigeria đã chết vì đói dưới thời cai trị của ngài”.

Tổng thống Muhammadu Buhari là một người Hồi Giáo đã thắng cử trong cuộc bầu cử năm ngoái 2105. Ông nhậm chức ngày 29 tháng Năm, 2015 thay cho tổng thống Goodluck Jonathan là một người Công Giáo.

Bất chấp những hứa hẹn đẹp như mơ của ông trong thời gian tranh cử, tình hình tại Nigeria đã tỏ ra ngày càng tồi tệ hơn.

5. Liên Hội Đồng Giám Mục châu Âu kêu gọi các tín hữu cử hành 5 tuần 'thời gian cho sáng tạo'

Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, gọi tắt là CCEE, đã tham gia cùng Hội nghị các Giáo Hội Châu Âu và Mạng lưới Môi trường châu Âu trong việc kêu gọi cử hành năm tuần chăm sóc đặc biệt cho thiên nhiên.

Thời gian 5 tuần cho sáng tạo bắt đầu vào ngày 01 Tháng Chín, là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, và kết thúc vào ngày 04 Tháng 10, lễ kính Thánh Phanxicô thành Assisi.

“Theo Tin Mừng, trách nhiệm đối với môi trường không bao giờ có thể được tách ra khỏi trách nhiệm đối với tha nhân: đối với những người lối xóm của chúng ta, đối với người nghèo, đối với người bị lãng quên, tất cả trong một tinh thần liên đới và yêu thương thực sự”

Các Giám Mục trong Liên Hội đồng Giám mục châu Âu cho biết như trên trong tuyên bố của các ngài.

Các Giám Mục cũng kêu gọi cộng đồng Kitô hữu “nêu cao đức tin Kitô chung nơi Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa” và “cầu nguyện cho việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và các ân sủng Chúa ban cho chúng ta qua các kỳ công sáng tạo của Ngài”.

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Trưa ngày 31 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến chào thăm và gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ, đến từ 140 quốc gia, tham dự Hội nghị thế giới về bệnh tim, nhóm tại khu vực Hội chợ ở Roma, gần phi trường Fiumicino.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha cho biết “Giáo Hội đồng hành với các nhà khoa học trên con đường cam go là nghiên cứu về sự sống và sức khỏe con người, đồng thời cổ võ và nâng đỡ họ, vì Giáo Hội biết rằng mọi điều góp phần vào thiện ích thực sự của con người, đều là một hành động đến từ Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “nguyên khoa học thiên nhiên và vật lý mà thôi không đủ để hiểu mầu nhiệm mà mỗi người hàm chứa trong mình. Nếu ta nhìn con người toàn diện, ta có thể có một cái nhìn đặc biệt khẩn trương đối với những người nghèo khổ nhất, những người kém may mắn và bị gạt ra ngoài lề, để họ cũng được săn sóc, được quan tâm và giúp đỡ qua các cơ cấu y tế công và tư nhân”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu mong rằng điều quan trọng là nhà khoa học, trong khi cứu xét mầu nhiệm cao cả về cuộc sống con người, không để cho mình bị đè bẹp vì cám dỗ muốn bóp nghẹt sự thật (Xc Rm 1,18).

7. Một linh mục Tây Ban Nha bị kỷ luật vì chúc lành cho một cặp đồng tính

Một linh mục Tây Ban Nha có thể phải đối mặt với những hình thức kỷ luật nghiêm trọng sau khi cử hành một buổi lễ “chúc lành” cho một cặp đồng tính.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 30 tháng 8, Giáo phận Segorbe-Castellon, Tây Ban Nha nói rằng cha José Garcia “không phân biệt nổi thái độ niềm nở đi kèm với những chăm sóc mục vụ cho những người trong hoàn cảnh này, và sự chấp thuận rõ ràng một kết hiệp mà Giáo Hội không thể chấp nhận được.”

Đức Giám Mục Casmiro Lopes Llorente đã đích thân khiển trách cha José Garcia. Tuyên bố cho biết vị linh mục này đã “nhìn nhận trước Đức Giám Mục bản quyền tính chất sai lầm nghiêm trọng trong hành vi của mình.”

Giáo phận đang xem xét có nên áp dụng một hình thức kỷ luật chính thức hay không.

8. Hội Đồng Giám Mục Venezuela ủng hộ cuộc biểu tình chống chính quyền lên đến hàng triệu người

Trong khi chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát động một chiến dịch bắt bớ các chính trị gia đối lập trước cuộc biểu tình ngày 01 tháng 9, các giám mục tại quốc gia này đã ra thông cáo khẳng định quyền của các công dân tuần hành chống chính phủ một cách hòa bình.

Bày tỏ tình đoàn kết với những người đang gánh chịu đau khổ, Hội Đồng Giám Mục Venezuela kêu gọi chính phủ phải “đảm bảo cho mọi công dân có quyền tự do trình bày ý tưởng của họ” cũng như “tự do đi lại trong nước”.

Một biển người kéo dài gần như vô tận khắp Caracas. Có thể có tới một triệu người ủng hộ phe đối lập đã tuần hành, hô vang các khẩu hiệu yêu cầu một cuộc trưng cầu nhằm truất phế Tổng thống Nicolas Maduro và bầu cử lại. Lãnh tụ đối lập Henrique Capriles nhận xét rằng cuộc tuần hành phản đối đã có một khí thế áp đảo.

Ông nói:

“Người dân Venezuela đang chiến đấu cho một cuộc trưng cầu dân ý, cho một giải pháp hợp hiến để thông qua một cuộc bầu cử, chúng tôi có thể đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, và có thể có một giải pháp cho quốc gia.”

Những người biểu tình đổ lỗi cho Maduro đã gây ra các vấn đề như lạm phát cao, thiếu hụt sản phẩm và tội phạm tràn lan. Phe đối lập hy vọng sẽ khởi động các cuộc trưng cầu trước cuối năm, để cuộc bầu cử mới có thể được tổ chức.

Tổng thống Nicolas Maduro vu cáo những người biểu tình là có âm mưu lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã diễn ra trong trật tự và hòa bình.

9. Hội đồng Giám mục Italia trích 3,5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

Văn phòng Truyền thông Quốc gia của Hội đồng Giám mục Italia loan báo: số tiền 3.5 triệu euro trích từ ngân quỹ 8/1000 sẽ được dùng để giúp các người tị nạn Syria.

Ngân quỹ 8 phần ngàn là số tiền nhà nước Italia trích 8 phần ngàn từ khoản tiền thuế của người dân Italia và cung cấp cho các Giáo Hội tại Italia.

Đoàn chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia đã phân bổ số tiền khoảng hai triệu Euro giúp cho các người tị nạn Syria, thuộc các Giáo Hội Kitô Canđê, Công Giáo Sirô và Chính thống Sirô, chạy trốn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê, tìm được chỗ trú ngụ tạm thời trong các ngôi nhà gạch mà Giáo phận Canđê Erbil thuê.

Số tiền một triệu sáu trăm ngàn euro khác được sử dụng để cung cấp thực phẩm, trợ giúp y tế và các nhu yếu phẩm cho hơn 12 ngàn gia đình của cộng đồng Kitô giáo Aleppo, thông qua các cha dòng Phanxicô và Hiệp hội pro Terra Sancta.

Cả hai khoản tiền sẽ được giải ngân trong hai lần; lần thứ hai sẽ chỉ được thực hiện sau khi các tài liệu được đệ trình chứng minh kết quả tích cực trong lần thứ nhất.

10. Lễ truyền chức và mở tay của tân Linh mục đầu tiên người Mông cổ

Ngày 28 tháng 8, Giáo Hội Mông cổ, một cộng đoàn Công Giáo nhỏ nhất thế giới đã có vị Linh mục người bản xứ đầu tiên.

Tại nhà thờ chánh toà thánh Phêrô và Phaolô ở thủ đô Ulan Bato, Đức Cha Wenceslao Padilla, Giám quản Tông tòa, đã xức dầu thánh hiến cho thầy Giuse Enkh-Baatar. Đồng tế trong Thánh lễ truyền chức còn có Đức Cha Lazzaro You Heung-sik, Giám mục Giáo phận Daejeon - Nam hàn - nơi thầy Enkh-Baatar đã học thần học, và Đức Cha Oswaldo Padilla, khâm sứ Tòa Thánh tại Hàn quốc và Mông cổ, cùng hơn 40 Linh mục, các nhà thừa sai Consolata đã hiện diện ở đây nhiều năm. Có khoảng 1500 tín hữu và khách mời, bao gồm các đaị diện chính phủ và chính quyền thành phố, các đại diện ngoại giao.

Đặc biệt có sự hiện diện của hòa thượng Dambajav, trụ trì chùa Dashi Choi Lin. Hòa thượng đã tặng cho tân Linh mục trẻ một khăn choàng truyền thống của Phật giáo màu xanh, màu tượng trưng cho bầu trời, nghĩa là sự thanh sạch, nhưng cũng là biểu tượng của lời chúc tốt lành và mời gọi cảm thông. Những người hiện diện đã vỗ tay khi hòa thượng choàng tấm khăn lên vai vị tân Linh mục. Vị thư ký của hòa thượng cho biết: “Chúng tôi có mối liên hệ tốt đẹp với các tín hữu Công Giáo. Chúng tôi học hỏi từ họ như họ học hỏi từ chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì một người trong chúng tôi, một người Mông cổ, trở thành Linh mục của Giáo Hội này.

11. Lễ tang các nạn nhân động đất ở Ascoli Piceno, Italia

Trong bầu khí trịnh trọng và đau thương, sáng ngày 28/8, tại Ascoli Piceno đã diễn ra Thánh lễ an táng cho 35 nạn nhân trong số gần 300 nạn nhân của trận động đất xảy ra rạng sáng ngày thứ 4, 24/8, tại miền Trung Italia. Trận động đất đã tàn phá các thành phố Amatrice, Accumoli, Arquata và các làng xung quanh.

Nhà thể thao Ascoli, nơi lập tức nhắc nhớ người ta đến niềm vui của các thanh thiếu niên vui chơi, nhưng ngược lại, hôm nay nó là nơi của đau buồn, nơi chia tay cảm động cuối cùng với một người mẹ, một người cha, một người con.

Đức Cha Giovanni D’Ercole, Giám Mục giáo phận Ascoli Piceno đã chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Domenico Pompili, Giám mục Giáo phận Rieti và Tổng Giám mục Petrocchi của Tổng Giáo phận Aquila. Đến tham dự Thánh lễ có Tổng thống Sergio Mattarella của Italia, Thủ tướng Matteo Renzi, các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Grasso và Boldrini. Hình ảnh của các trẻ em được đặt cạnh các quan tài là những hình ảnh gây xúc động nhất.

Giây phút tên các nạn nhân của trận động đất được đọc lên như dài vô tận và là giây phút đánh động lòng người. Sau Thánh lễ, Đức Cha và Tổng thống đã ôm chào từng người các thân nhân của các nạn nhân. Những cái ôm thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi nước mắt. Cử chỉ của Tổng thống và Đức Cha D’Ercole là một dấu chỉ của tình huynh đệ mà không có một trận động đất kinh khủng nhất nào trong các trận động đất có thể phá vỡ.

12. Tòa Thánh quay video 4K trong lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa

Khoảng 600 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ xô đến Rôma để tường thuật lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, một buổi lễ đang được nhiều người coi là điểm nhấn của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hơn một chục nhà lãnh đạo các nước sẽ tham dự Thánh Lễ.

Trong số những người phát biểu tại cuộc họp báo đầy chật người tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào lúc 11h30 sáng thứ Sáu 2 tháng 9, có nữ tu Mary Prema Pierick, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái Mẹ Têrêsa, cha Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Mẹ và ông Marcilio Haddad Andrino, là người đàn ông Brazil đã được chữa lành cách kỳ diệu nhờ lời cầu bầu của Mẹ Teresa.

Andrino cho biết ông bị nhiễm trùng não và các bác sĩ đã mất hết hy vọng cứu sống ông. Vợ ông là Fernanda đã cầu nguyện với Mẹ Têrêsa và ngay sau đó ông thấy mình được chữa lành khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Ông bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Têrêsa và nhấn mạnh rằng trường hợp của ông chỉ là một ví dụ về lòng thương xót và tình yêu phong phú của Thiên Chúa. Trong vòng một năm, vợ ông đã có thai và nay họ đã có hai con mặc dù Andrino đã được các bác sĩ cho biết là các loại thuốc mạnh họ tiêm vào người anh trong lúc chữa bệnh cho anh đã làm anh vô sinh. Ông cho rằng hai đứa con của mình là "phần mở rộng của phép lạ đó."

Về mặt kỹ thuật của Thánh lễ phong thánh, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nói với các nhà báo rằng sự kiện này sẽ được quay phim với hệ phân giải cao nhất là 4K và sử dụng chín máy ảnh truyền hình.

Cho đến nay, các frames hình trên các videos của VietCatholic gồm 1080 dòng, mỗi dòng có 1920 điểm sáng, từ chuyên môn gọi là pixels.

Các frames hình Tòa Thánh quay trong thánh lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa gồm 2160 dòng, mỗi dòng có 3840 điểm sáng. Như thế, số điểm sáng gấp 4 lần các videos VietCatholic đang phát. Hình ảnh, do đó, sẽ mịn và đẹp hơn.

Từ năm 2014, YouTube đã có khả năng phát được 4K. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản thậm chí có khả năng phát được 8K.

13. Tên đường mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta ở bang Orissa, Ấn độ

Vào ngày 4 tháng 9, ngày Mẹ Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, được tôn phong hiển thánh tại quảng trường thánh Phêrô, một con đường mới mang tên Mẹ Têrêsa cũng được khánh thành.

Quyết định này được Ủy ban thành phố Bhubaneshwar đưa ra theo lời yêu cầu của Đức Cha John Barwa, Tổng giám mục Cuttack-Bhubaneshwar. Đức Cha Barwa nói với thông tấn xã Asia News: “Quyết định này làm cho chúng tôi vui mừng”, đặc biệt là vì bang Orissa là nơi cách đây tám năm, các tín hữu Ấn giáo quá khích đã tàn sát cách dã man các Kitô hữu.

Trong một cuộc họp ngày 28 tháng 8, Hội đồng đã quyết định bật đèn xanh cho con đường mới “Mẹ Têrêsa”, nối từ Satyanagar Cuttack tới đường Puri. Đức Cha Barwa cho biết đó là con đường chạy thẳng trước Tòa Tổng giám mục.

Sau thánh lễ, ông Naveen Patnaik, Thủ tướng của bang Orissa đã mở cho dân chúng thấy tấm bảng với tên đường mới. Các quan chức chính phủ tiểu bang cũng như địa phương cũng hiện diện tại buổi lễ này.

Nhiều tu sĩ Thừa sai bác ái đang làm việc ở bang Orissa, sống trong 11 cộng đoàn tại 6 Giáo phận. Các nữ tu đã tham dự vào sự kiện nói trên.

14. Tỉnh Chiết Giang cấm các hoạt động tôn giáo tại bệnh viện

Từ 2 năm nay, chính quyền Chiết giang đã phát động chiến dịch chống các biểu tượng và sự hiện diện của Kitô giáo. Từ hôm nay, các hình thức hoạt động tôn giáo tại các bịnh viện cũng bị cấm. Các việc cầu nguyện, rao giảng và đón tiếp các Linh mục hay Mục sư Tin Lành đến giường bệnh nhân đều vị cấm.

Bệnh viện trung tâm Ôn châu, đã được một Hội Tin lành thành lập và điều hành, nơi từng được xem là “Giêrusalem của Trung quốc” vì là nơi tập trung của số đông Kitô hữu, đã dán thông cáo ở lối vào. Các y tá và nhân viên có nhiệm vụ giải thích luật mới cho các bệnh nhân và các khách đến thăm.

Tỉnh Chiết giang đứng đầu về đàn áp tự do tôn giáo. Chiến dịch chống các Thánh giá và các cơ sở nhà cửa thuộc Kitô giáo đã bắt đầu từ đầu năm 2014, hay đúng ra là từ khi bí thư chi bộ Đảng địa phương lưu ý là nhìn vào chân trời Ôn châu, một trong những thành phố của tỉnh Chiết giang, người ta thấy quá nhiều Thánh giá. Các tín hữu tin là nguyên nhân chính đàng sau chiến dịch này là để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của các cộng đoàn Kitô hữu, công khai cũng như hầm trú, trong xã hội Trung Quốc, đã đưa đến việc gia tăng đáng kể các cuộc trở lại đạo.

15. Bảo tàng Gioan Phaolô I tại Italia

Hôm thứ Năm 25 tháng 08 năm 2016, nhân kỷ niệm 38 năm ngày Ðức Hồng Y Albino Luciani trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô I (26-08-1978), Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã khánh thành Bảo tàng dành cho vị “giáo hoàng luôn có nụ cười trên môi” này.

“33 ngày ở cương vị giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô I không phải là thời gian trong ngoặc đơn của lịch sử Giáo Hội mà là cả một giáo huấn luôn mang tính thời sự”, Ðức Hồng Y Pietro Parolin đã ca ngợi vị giáo hoàng được ngài “đặc biệt quý mến” như vậy, nhân dịp khánh thành Bảo tàng Gioan Phaolô I trong một lâu đài cổ thuộc thế kỷ XV tại làng Canale d'Agondo, vùng Dolomite, quê hương của vị giáo hoàng có triều đại ngắn ngủi này.

Trong những năm 1970 Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh còn là chủng sinh của giáo phận Vicenza, và Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô I khi ấy là Hồng Y Albino Luciani đang coi sóc giáo phận Venezia gần đó. Ðức Hồng Y Parolin đã bày tỏ sự gắn bó của ngài với vị giáo hoàng tại vị trong một thời gian ngắn ngủi, vỏn vẹn 33 ngày kể từ khi được bầu, nhưng cũng đã để lại hình ảnh của một con người tốt lành trong ký ức của mọi người. Ngài quả là một “mục tử đích thực” mà các Hồng Y đã bầu lên cách nay 38 năm, “một mục tử với một đức tin chắc chắn, đã sống giữa đoàn chiên và cho đoàn chiên, đã chia sẻ những nỗi đau của con người, đặc biệt người nghèo và các di dân”.

Một số tập vở của thời ngài học tiểu học, một cuốn sách do mẹ ngài là bà Bortola tặng, một chiếc cặp của thời chủng sinh, một chén thánh riêng và cả chiếc vali vị giáo hoàng tương lai sử dụng khi tới dự mật nghị Hồng Y đã bầu ngài làm giáo hoàng# Ðó là những đồ dùng có thể gợi lên cảm xúc cho các khách viếng thăm Bảo tàng.

Tại đây, người ta cũng có thể tiếp xúc với cuộc sống thường nhật tại Valle del Biois nơi Albino Luciani lớn lên. Một số phòng (của Bảo tàng) họa lại mười một năm của Ðức cố giáo hoàng khi coi sóc giáo phận Vittorio Veneto, rồi việc ngài tham dự Công đồng Vatican II, trước khi được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venezia vào năm 1969.

Việc dựng lại mật nghị Hồng Y mùa hè năm 1978 cho thấy cảnh “Don Albino” tiến tới ban công của Ðền Thánh Phêrô. Các dãy phòng tuần tự đưa khách tham quan chìm trong những khoảnh khắc cảm động nhất của mấy tuần Ðức Gioan Phaolô I ở trên ngôi vị giáo hoàng, ghi dấu bởi một lòng đạo đức mạnh mẽ và bình dân. Tầng thứ ba dành để giới thiệu các giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô I, qua các bài diễn văn và các lần ngài xuất hiện trước công chúng với tính cách giám mục, rồi giáo hoàng.

Ðến từ vùng biên, nhưng Albino Luciani lại có một “óc khôi hài sâu sắc” có thể “tháo gỡ các căng thẳng” và “đưa các kẻ kiêu căng về lại chỗ của họ”, Ðức Hồng Y Parolin nói tiếp. “Từ chủng viện đến sứ vụ của Phêrô, ngài luôn gắn với bản chất của Tin Mừng như chân lý duy nhất vượt lên trên các chuyện nhỏ nhặt ngẫu nhiên của lịch sử. Triều đại ngắn ngủi của vị tông đồ của Công đồng không hề là một giai đoạn trong ngoặc đơn của lịch sử Giáo Hội”.

Bảy năm để chuẩn bị và sắp xếp là cần thiết để mở ra Bảo tàng này. “Câu chuyện mà chúng ta cố gắng kể lại trong các phòng này không đơn thuần là một sự góp nhặt các ký ức về một người con nổi tiếng của vùng đất này”, phó thị trưởng Marco Arcieri, người đã ủng hộ dự án Bảo tàng này, nhấn mạnh. “Chúng tôi hy vọng có thể cho mọi người thấy giáo huấn của Don Albino vẫn mang tính thời sự như thế nào trong những thời khắc khó khăn mà chúng ta đang trải qua hiện nay”.

16. Tôn vinh Mẹ Têrêsa tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.

Nhân dịp lễ tuyên thánh Mẹ Têrêsa, Chúa Nhật 04 tháng Chín năm 2016, Văn phòng Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên hiệp quốc phối hợp với ADF quốc tế - một hiệp hội luật gia vì quyền tự do sống đức tin – đã tổ chức một hội nghị và triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của vị sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái, tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Hoa Kỳ. Triển lãm mở cửa từ ngày 06 đến ngày 09 tháng Chín năm 2016, nhằm mục đích nhắc nhớ cuộc đời và sự nghiệp của vị nữ tu cũng như di sản của thánh nữ cho Liên hiệp quốc.

“Hôm nay chúng ta tưởng nhớ cuộc đời của Mẹ Têrêsa qua cuộc triển lãm này ở trung tâm của Liên hiệp quốc, để nhớ lại sự khôn ngoan, công việc phi thường và lòng yêu thương chan chứa của Mẹ đối với mỗi con người, người nghèo, người bệnh, thai nhi, và người hấp hối”: đó là lời giới thiệu của Douglas Napier, giám đốc điều hành hiệp hội ADF quốc tế. Ông nhìn nhận vị thánh tương lai là “một đại sứ đích thực cho tính bất khả xâm phạm của sự sống và của gia đình”.

Ông nói thêm: “Mẹ Têrêsa đã hoạt động một cách trung thành và không mệt mỏi. Niềm say mê này phải là một mẫu gương cho bất cứ ai làm việc cho Liên hiệp quốc hoặc tại Liên hiệp quốc. Bảo đảm rằng những người như Mẹ Têrêsa hoàn toàn có thể sống trọn vẹn đức tin của mình và có tác động tích cực trên thế giới phải là ưu tiên đối với mọi quốc gia”.

Triển lãm này kết thúc với một hội nghị vào ngày 9 tháng Chín, quy tụ nhiều diễn giả quốc tế, trong đó có một số người thân của Mẹ Têrêsa. Các bài thuyết trình sẽ kể lại cuộc đời và những việc làm của “vị trạng sư của hòa bình” vì những người nghèo nhất.

Sau khi công nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Têrêsa Calcutta, ngày 15-03-2016 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã công bố lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa sẽ được tổ chức tại Roma vào ngày 04 tháng Chín 2016, trước ngày kỷ niệm Mẹ qua đời cách nay 19 năm, tức là ngày 5 tháng Chín 1997.

17. Đức Hồng Y Turkson khích lệ các tôn giáo bảo vệ môi trường

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, cổ võ các tôn giáo cộng tác để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều 29 tháng 8, trong bài tham luận tại Hội nghị về chủ đề: “Nước và tín ngưỡng: các tổ chức tôn giáo góp phần vào chương trình gọi là “Nước để phát triển dài hạn”.

Hội nghị được tổ chức tại thành phố Stockhol, Thụy Điển, nhân “tuần lễ thế giới về nước” do Liên Hiệp Quốc đề xướng. Tham dự Diễn đàn có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau.

Đức Hồng Y Turkson đặc biệt nói về đề tài “tín ngưỡng và phát triển” và ngài nhận xét rằng “khoa học có thể cho biết số lượng sự ô nhiễm dưới biển sâu hoặc quanh các quặng mỏ, tiên đoán những hậu quả tiêu cực và đề nghị phương thức chữa trị. Nhưng khoa học không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp. Cũng vậy, trong lãnh vực các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, kinh tế và luật gia có thể phân tích và giải thích những hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu cơ và tham nhũng: họ có thể cảnh giác chúng ta về những chênh lệch, những chính sách mâu thuẫn hoặc những bất an địa lý chính trị. Nhưng xét cho cùng họ không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp”.

Từ đó, Đức Hồng Y đề cao vai trò của các tôn giáo và tín ngưỡng mang lại những động lực mạnh mẽ giúp con người quan tâm đến những hiểm họa về môi sinh và dấn thân hành động, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong thông điệp “Laudato sì” về việc bảo vệ thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta: “khoa học và kỹ thuật sẽ không giúp ích ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật sẽ bất lực “nếu chúng ta đánh mất động lực mạnh mẽ làm cho chúng ta có thể sống trong hòa hợp, hy sinh và đối xử tốt với nhau” (LS 200).