Người Quan Sát (Danlambao) - Formosa nhận lỗi nhưng chưa nhận tội. Cũng không cho biết trong những lỗi đó đã thải xuống biển những chất độc gì và hàm lượng bao nhiêu. Đảng nhận tiền nhưng không biết những thiệt hại đối với môi trường đến kinh tế, sức khoẻ và đời sống của người dân nghiêm trọng ra sao. Đảng cũng cương quyết không nhận lỗi lẫn nhận tội khi đã biết rõ nguyên nhân cá chết cả tháng trước, nhưng vẫn phớt lờ để ngư dân ra biển, vẫn không một cảnh báo chính thức về hiểm họa tiêu thụ thức ăn hải sản có nguy cơ nhiễm độc. Chỉ có người dân là đóng vai trò nạn nhân lẫn khán giả và nhận thảm hoạ trong bi kịch Cá Chết Formosa.

Chiều 30/6/2016, các cơ quan chức năng đã có câu trả lời chính thức cho toàn thể nhân dân Việt Nam về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Trả lời báo VnExpress, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - ông Trần Hồng Hà công bố nguyên nhân như sau:

“Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành. Nhưng có thể nói, mấu chốt chính là phát hiện: Từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình. Điều đó khiến chúng tôi tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh.

Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.” (1)

Chen Yuan-cheng HĐQT Formosa và TN&MT Trần Hồng Hà


Formosa Hà Tĩnh là một nhà máy được đầu tư với số tiền lên tới 10 tỷ đô la Mỹ. Và thảm hoạ môi trường xảy ra do nhà máy 10 tỷ đô bị chập điện trong 5 ngày?

Hiện nay, Formosa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm chứ chưa hoạt động hoàn toàn hết công suất.

Và hãy thử tưởng tượng, với sự cố chập điện tương tự lần này thì hậu quả sẽ xảy ra thế nào khi nhà máy đi vào hoạt động hết công suất như kế hoạch?

Thành tích hủy hoại môi trường ở các nước mà Formosa xây dựng nhà máy có lẽ ai cũng biết.

Vào năm 2009, một tổ chức môi trường Đức là Quỹ Ethecon - tự tuyên bố là một tổ chức vì đạo đức và kinh tế - đã bình chọn và trao giải “Hành tinh Đen năm 2009” cho Formosa Plastics và tập thể lãnh đạo Formosa vì hành động thải chất độc hại ra môi trường của tập đoàn này tại nhiều nơi trên thế giới.

Chẳng hạn ở Mỹ, tại bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa bị phát hiện chôn chất thải độc hại xuống lòng đất, gây ô nhiễm nước ngầm và thậm chí thải những chất độc hại xuống sông Mississippi.

Ngay tại Đài Loan, mặc dù có công đóng góp lớn cho sự phát triển về kinh tế và công nghiệp hóa cho lãnh thổ này, nhưng Formosa lại “nổi tiếng” với thương hiệu tập đoàn phá hoại môi trường

Vào năm 1998, Formosa đưa 3.000 tấn chất thải độc hại (nhiễm thủy ngân vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép, cực kỳ độc hại cho con người) đến cảng thành phố Sihanoukville, Campuchia, với âm mưu để số chất thải này xuống biển. Khối chất thải này khiến nước biển, đất tại đây bị nhiễm độc và nhiều người dân sống gần cảng bắt đầu bị bệnh; sau đó có 5 người tử vong. Vụ việc này đã châm ngòi làn sóng bạo loạn phản đối. (2)

Ông Trần Hồng Hà tiếp tục thừa nhận trên VnExpress:

“Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.”

Những ai am hiểu về kiến thức sinh thái biển đọc đoạn trên sẽ hiểu đơn giản như sau: Nơi có cá chết hàng loạt trong sự cố thảm hoạ môi trường tháng 4 vừa qua là những vùng biển chết. Và hiện tượng biển nhiễm độc khó có thể kiểm soát khi các dòng hải lưu và nước ngầm trôi qua.

Trong vài năm tới, những người đã ăn cá và tắm biển trong suốt thời gian ô nhiễm môi trường xảy ra liệu có được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe như những nạn nhân thảm hoạ ở các nước khác hay không? Trong vài năm tới liệu có ông lớn nào dám bảo đảm cho sự an toàn của ống xả thải khổng lồ nằm dưới lòng biển Vũng Án hay không?

Sau khi Formosa “nhận lỗi” trước đảng và chính phủ theo chỉ đạo một ngày trước buổi họp báo công bố nguyên nhân chính thức thì tập đoàn tai tiếng này đã kịp khẳng định "công ty sẽ tiếp tục hoạt động trong bất kỳ tình huống nào" như một lời tuyên bố thách thức với toàn thể người dân Việt Nam (3).

500 triệu đô được quy đổi thành 11 ngàn tỷ tiền đồng là số tiền đền bù mà các lãnh đạo đảng Cộng sản đã đứng ra “nhận giùm” nhân dân Việt Nam bất chấp các thành tích huỷ hoại môi trường. Nhà máy 10 tỷ đô Formosa không thể bị đóng cửa bởi số tiền bôi trơn cho các quan chức từ trung ương đến địa phương ngay từ khi đặt bút phê duyệt dự án đến nay là không thể hoàn lại. Vì thế, màn trình diễn “nhận lỗi” chỉ là khúc dạo đầu để đảng Cộng sản tiếp tục trục lợi trên lưng người dân Việt Nam - những người sẽ tiếp tục nhận thảm họa bởi cung cách độc tôn lãnh đạo và điều hành đất nước của đảng cộng sản.

(Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2016/07/formosa-nhan-loi-ang-nhan-tien-nhan-dan.html)