Tổng thống Bush đã ủng hộ kế hoạch gây nhiều tranh cãi về tương lai của Trung Đông, sau khi gặp lãnh đạo Israel tại Nhà Trắng.

Sau hàng tháng trời đàm phán và hơn hai giờ đồng hồ thảo luận trực tiếp, Tổng thống Bush đưa ra kết luận của mình đối với các kế hoạch của phía Israel.

Ông Bush mô tả kế hoạch của Israel rút khỏi dải Gaza là một hành động dũng cảm và mang tính lịch sử.

Ông nói nó có thể mở ra cánh cửa cho một nhà nước Palestine dân chủ và lâu bền.

Với ngôn ngữ được lựa chọn khá kỹ càng, cách nói của ông Bush nghe giống như là ông chấp nhận Israel có quyền vĩnh viễn được giữ một số khu định cư lớn tại Bờ Tây.

Ông Bush nói: "Đây là những hành động dũng cảm và mang tính lịch sử. Nếu tất cả các bên chọn lấy thời điểm này, họ có thể mở rộng cánh cửa tiến bộ và chấm dứt một trong những cuộc xung đột lâu nhất thế giới".

"Tôi kêu gọi phía Palestine và các láng giềng Arab phải có hành động tương xứng với sự dũng cảm và mạnh mẽ đó", ông nói.

Điểm xung đột

Tổng thống Bush cũng nói việc hi vọng hoàn toàn quay trở lại tình trạng biên giới Israel như hồi năm 1967 là không thực tế.

Có lẽ điều gây tranh cãi nhất là khi Tổng thống Bush gợi ý rằng những người tị nạn Palestine nên định cư trong một nhà nước Palestine tương lai, chứ không phải tại Israel.

Việc không thừa nhận quyền được quay trở lại chắc chắn sẽ làm phía Palestine tức giận.

Như vậy, ông Bush đã cho ông Ariel Sharon hầu như mọi thứ mà ông Sharon đề nghị.

Thế cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Israel, Ariel Sharon, có vẻ vui mừng.

Ông Sharon nói rằng: "Kế hoạch của tôi là tạo ra một tình trạng mới và tốt hơn cho nhà nước Israel, và cũng là để đưa ra những khả năng tạo ra các điều kiện đúng đắn để tái tục đàm phán giữa Israel và Palestine".

Những sự nhượng bộ mà ông Bush đưa ra có lẽ sẽ khiến cho bất cứ Tổng thống Mỹ nào trong tương lai rất khó, nếu không muốn nói là không thể bác bỏ được.

Lộ trình hoà bình cho tương lai Trung Đông có vẻ như đã được định hình lại vĩnh viễn.

Phản ứng của Palestine

Trong khi đó, các quan chức Palestine đã phản ứng lại hết sức tức giận và thất vọng trước những tuyên bố của Thủ tướng Israel trong các kế hoạch gây nhiều tranh cãi nhằm giữ lại các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây.

Trong khi Thủ tướng Israel có vẻ như đã kiếm được hầu như mọi thứ mình muốn tại Washington, phía Palestine hầu như chẳng được chút gì.

Ông Ariel Sharon đã từ chối thẳng thừng chuyện tham gia các cuộc thảo luận về kế hoạch đơn phương rút người khỏi dải Gaza, và giờ đây, có vẻ như tương lai của một số khu định cư Do Thái gây nhiều tranh cãi tại trung tâm Bờ Tây đã được củng cố.

Đó là những khu định cư mà người Palestine đã hi vọng sẽ phải được bỏ lại.

Bộ trưởng Ngoại giao của Nhà cầm quyền Palestine, Nabil Sha’ath, nói những tuyên bố từ Washington có thể làm cho cả khu vực chệch ra xa khỏi con đường dẫn tới hoà bình và an ninh.

Một quan chức khác của Palestine nói hoà bình tại Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã bị đặt trong trình trạng hết sức đáng nguy ngập.

Thủ tướng Palestine, Ahmed Qorei, thì nói: "Chúng tôi không mong đợi là ông Bush lại cho mình cái quyền được đưa ra những nhượng bộ về các vấn đề về tình trạng vĩnh viễn của các cuộc thương thuyết giữa Palestine và Israel".

"Khi quyền của nhà nước có nghĩa là quyền được giết hại người dân Palestine và lại còn trao giải thưởng và quà tặng cho ông Sharon vào đúng thời điểm quan trọng này, tôi không thấy sẽ có con đường hay tiến trình hoà bình nào hết".

Dập tắt hi vọng hoà bình?

Trước đó, nói chuyện tại trụ sở của mình ở thị trấn Ramallah tại Bờ Tây, ông Yassir Arafat nói rằng chuyện Hoa Kỳ chấp nhận các đề xuất của Israel sẽ dập tắt mọi hi vọng hoà bình trong khu vực này.

Ông Arafat, người được nhắc đến tại buổi họp báo là chướng ngại vật cho hoà bình, đã thúc giục Tổng thống Bush phải dẫn ông Ariel Sharon trở lại lộ trình hoà bình đã được quốc tế thông qua.

Thế nhưng tiến trình gồm nhiều giai đoạn để dẫn tới hoà bình, và việc rút quân và dân Israel khỏi những lãnh thổ chiếm đóng, giờ đây đã bị thế chỗ bởi cái mà ông Bush gọi là thực tế địa phương.

Các lãnh đạo Palestine lúc đầu hoan nghênh các kế hoạch của Israel nhằm rút quân và khoảng 7000 người định cư khỏi dải Gaza; thế nhưng giờ đây, họ bày tỏ quan ngại rằng ông Sharon rõ ràng muốn có sự kiểm soát quân sự chặt chẽ tại lãnh thổ này, bao gồm cả khu vực phía nam Gaza giáp biên giới với Ai Cập.

Ông Arafat nói trong tình cảnh như thế này, Gaza sẽ chẳng khác gì một nhà tù khổng lồ. (BBC)