Hằng ngày, qua internet, nhiều người trên thế giới biết được tin tức khắp nơi, thời sự nóng bỏng; đến nay có thể nói nhu cầu được truyền thông đã bão hòa, đúng hơn có khi là đang “bội thực” thông tin. Thế nên, trước rừng tin tức từ nhà ra phố, từ ngõ ngách đến tận chân trời xa, tôi phải biết lựa chọn để đọc hầu có thể rút ra một chút bổ ích gì cho mình.

Nỗi buồn thời sự

Trước mẩu tin một người đàn bà bất ngờ qua đời, để lại 1.000 tỷ đồng và có sự tranh chấp giữa người thân, xảy ra tại Sài Gòn làm tôi chú ý nhiều. Khi tên thật của bà được nêu trên báo điện tử, tôi khẽ giật mình vì bà này từng đến trường tiểu học, nơi tôi làm việc nhiều năm và ở văn phòng có treo một khánh vàng đề tên bà, chúc mừng ngôi trường khi khánh thành vì được xây mới; và các giáo viên trường tôi được ăn bún khô từ cơ sở của bà sản xuất kính biếu trong nhiều năm.

Cái cảm xúc đầu tiên của tôi là xúc động và một phút “xuất thần” tôi ao ước mình có nhiều tài sản như bà ấy để làm nhiều việc lớn, chung cho mọi người, nhưng “định thần lại”, ướm ra từ Tin Mừng, tôi thấy Chúa trao tiền của vào tay ai là quyền của Người, cộng với sự nỗ lực và khôn ngoan của người ấy, còn những “việc lớn” kia là việc của Chúa, chứ không phải của tôi! Sao tôi lại ao ước làm việc lớn của Chúa chứ!? Vẫn có một bàn tay vô hình điều hành thế giới này, có đúng không?

Từ trong nhà, một người thân của tôi cứ suýt xoa không ngờ cá nhân một người lại có nhiều tiền như thế. Tôi đi chợ, cố tình gợi ý rồi nghe ngóng, thấy mấy người buôn bán nhỏ chép miệng rằng sao ông trời đổ vào tay một người bà nhiều tiền như thế, trong khi họ kiếm từng đồng bạc nhỏ nơi phố chợ. Sự giàu có của người đàn bà ấy vượt qua suy nghĩ và tầm nhìn của họ. Tôi vào tiệm uốn tóc, cô chủ tiệm nuối tiếc cho bà ấy rằng sao không xây nhà tình thương cho người nghèo để tiếng thơm cho đời. Khi đi lãnh lương, một công chức hưu trí chê trách bà làm từ thiện khá ít so với tài sản đang có…

Tôi chỉ cười trước những suy nghĩ của “người bình phẩm” mà thực lòng muốn giải thích theo nhận định của mình. Tôi nghĩ, đơn giản vì bà không biết Chúa, bà không nghe được bài Tin Mừng nói về sự ngây ngô, ngốc nghếch của người tích lũy nhiều của cải mà không biết mình sẽ chết lúc nào! Có lẽ tiếng lương tâm và tôn giáo bà theo vẫn chưa đủ để bà “ngộ” ra đỉnh cao hạnh phúc khi nắm nhiều của cải trong tay. Thôi thì vẫn chưa muộn nếu có ai đó nói với người thừa hưởng của cải của bà về đoạn Tin Mừng đó, hoặc hy vọng tiếng nói từ lương tâm sẽ truyền tải thông điệp về sự chóng qua ở đời này cho người thừa hưởng, có đúng không?

Cảm xúc bóng đá

Hàng triệu người trên thế giới đang say mê theo dõi Euro 2012 đầy cảm xúc. Tôi cũng vậy. Trước khi trái bóng lăn, cha Đa Minh Nguyễn Ngọc Long đã có bài viết “hoành tráng” và đặt ra vấn đề lớn là đời sống đức tin có bị cuốn theo thể thao là bóng đá hay không. Tôi chỉ điểm qua về cảm xúc trong bóng đá và ướm vào Tin Mừng để “nghiệm mà sống”, thế thôi!

Trong trận khai mạc giữa Ba Lan và Hy Lạp, một cầu thủ bị thẻ vàng, tiếp tục bị lôi cuốn, đam mê không kềm chế, anh ta đã bị loại khỏi cuộc chơi. Sân đấu cuộc đời cũng vậy, ta cũng háo hức đạt mục tiêu mà “híc, đá, đẩy, chèn ép, đè bẹp” người anh em để tạo thuận lợi cho mình. Nhiều lần Thiên Chúa dùng “thẻ vàng” mà nhắc nhở chúng ta qua tiếng lương tâm, qua người chung quanh…nhưng nếu ta không nghe thì bị loại khỏi sân đấu cuộc đời bằng một “thẻ đỏ” mà thôi! Thẻ đỏ ấy có khi là nhà tù hay cái hết khiến ta bỗng dưng mất tất cả. Không kềm được cảm xúc trước những đam mê thì thật khờ dại.

Khi Hà Lan thua trận trước Đan Mạch làm chấn động giới hâm mộ, ta có thể thấy hình ảnh sinh động: một đối thủ không cân sức với ta chưa chắc ta đã thắng được. Nhiều người đã chết trên sân khấu cuộc đời vì khinh địch. Những lỗi phạm nhẹ cứ tưởng không thể làm ta ngã gục; không đâu, những tội và cớ vấp phạm nhẹ nhất nếu không có lòng khiêm tốn trong ơn Chúa nó vẫn có thể kéo ta từ hình dạng dũng mãnh về nhân đức trở thành tên tội đồ thảm hại!

Khi đội Italia có được bàn thắng trước đội Tây Ban Nha, một niềm vui khôn tả trên cầu trường, cảm xúc vỡ òa của những cổ động viên áo trắng, nhưng chỉ năm phút sau, Tây Ban Nha đã cắt đứt niềm vui quá lớn đó bằng bàn thắng san bằng tỷ số. Có những biến cố Chúa ban làm gia đình mình hạnh phúc vỡ bờ, may mắn bất ngờ nhưng niềm vui có thể bỗng dưng chợt tắt khi biến cố khác – buồn thảm, bất hạnh - ập đến. Cuộc sống “sắc sắc không không”, vui hay buồn cũng biết ẩn mình trong ơn Chúa mới không thấy thất vọng, mới không bị “sock” trong đời sống đức tin.

Trước trận đấu, các cầu thủ rất hồi hộp nhưng không ít huấn luyện viên phấn khích quá mức mà tuyên bố phạm ngôn, không kềm chế cảm xúc: đội chúng tôi sẽ thắng vì những lợi thế này, lợi thế khác; thậm chí có ông còn ấn định tỷ số thắng thua nữa. Những tuyên bố kiểu đó là thiếu khôn ngoan. Hơn ai hết, chính những huấn luyện viên và cầu thủ hiểu rằng bóng đá đầy bất ngờ và có cả may mắn trong đó nữa. Trong đời sống, khẳng định những gì sẽ xảy ra đúng như lời mình nói là “tước quyền Thiên Chúa”, không ai biết được “sẽ ra sao ngày sau”, thế nên mạnh miệng nói về điều sẽ xảy ra là người nông cạn, ít thâm sâu sâu, tầm nhìn hẹp.

Euro 2012 sẽ có một đội đăng quang vô địch. Trong chặng đường tranh giành ngôi vị đó, 15 đội còn lại sẽ nếm vị thất bại, những niềm vui thắng trận trên chặng đường đó sẽ tan dần, chỉ còn một đội là vui mãi. Trong đời người Kitô hữu thì tiền bạc, chức vị, sức khỏe, sắc đẹp, tình yêu, người thân, may mắn…dần qua đi chỉ còn một điều duy nhất là mong được sống đời đời, như là điều “vô địch” chiếm hữu cùng đích đời mình. Chỉ có điều, ở giải bóng thì người ta biết trận chung kết là vào ngày nào giờ nào, tại đâu, còn người Kitô hữu thì không biết “trận đấu” sau cùng của mình sẽ vào lúc nào, ra sao, đó là điều bất hạnh và giới hạn của phận người, thế nên ai không chuẩn bị sẽ là cầu thủ dại khờ!
***

Trên sàn đấu cuộc đời, tôi thấy dù có những tin tức làm người ta ghê sợ, kinh khiếp thì đã có xã hội giải quyết, tìm cách làm sạch; còn trong diễn biến sức sống của Giáo hội, dẫu nhiều người có bị “sock” vì bản tin này hay bản tin nọ của Giáo hội toàn cầu hay Giáo hội địa phương, từ chuyện “thâm cung bí sử” nói trên thì người Kitô hữu cũng cần tin rằng Chúa Thánh Thần hằng gọt giũa và cắt tỉa để Hội Thánh Chúa Kitô luôn tốt đẹp như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Các sự kiện trong những ngày gần đây liên quan đến Giáo triều và các cộng tác viên của tôi đã mang lại nỗi buồn trong trái tim tôi. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng bất chấp sự yếu đuối của con người, bất chấp những khó khăn và thử thách, Giáo Hội luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, và Chúa sẽ không bao giờ ngưng ban phát những trợ giúp của Ngài trong việc duy trì Giáo Hội trên cuộc lữ hành trần thế.”