Việc chính quyền Văn Giang – Hưng Yên sử dụng một lực lượng hùng hổ hàng trăm công an, dân quân cùng vài chục phương tiện cơ giới để cưỡng đoạt ‘chớp nhoáng’ lấy 5,8Ha đất của 116 nông dân hôm 24/4 vừa qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Bàng hoàng không chỉ vì nó xảy ra trong khi sai phạm của chính quyền tại Tiên Lãng – Hải Phòng dự luận vẫn chưa hết quan tâm, sự đúng sai chưa được giải quyết rốt ráo, mà còn vì mức độ bạo lực lần này ‘dữ dội’ hơn Tiên Lãng nhiều, với các cảnh video quay hàng chục công an dân quân đánh hội đồng một người dân trong khi anh này không có lấy nửa tấc sắt trong tay!

Càng khó hiểu hơn khi vụ cưỡng chiếm đất xảy ra trong tình hình kinh doanh bất động sản tại VN đang còn rất u ám. Các đại gia cỡ như Hoàng Anh Gia Lai đang ‘chết lên chết xuống’ phải chuyển hướng kinh doanh. Cả nước hiện có hàng vạn công trình đang xây dựng bị bỏ hoang nằm ‘thi gan cùng tuế nguyệt’ bán lỗ không ai mua v.v...

Vậy điều gì đã khiến Ecopark ‘sốt sắng’ muốn nhận đất lúc này?

‘Chạy đua’ với sửa đổi luật đất đai?

Bối cảnh diễn ra vụ Văn Giang thoạt nghe như trên tưởng là ‘bất hợp lý’ nhưng với một khi nền nền kinh tế thị trường còn bị vướng víu cái đuôi ‘định hướng XCHCN’ như VN, thì với những lĩnh vực ‘béo bở’ chịu ảnh hưởng và chi phối nhiều bởi chính sách nhà nước như các dự án liên quan đến đất đai bất động sản tầm cỡ lớn, có khi 2+2 cũng chẳng bằng 4. Nếu không phải là người ‘am hiểu’ về đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước, chẳng phải là ‘đồng minh thân cận’ của các quan chức địa phương v.v… thật khó có thể hiểu hết những ‘đường đi nước bước’ quanh co của những công trình tầm cỡ như Ecopark ra sao.

Sự bùng nổ về tranh chấp đất đai do các luật lệ và chính sách đất đai bất hợp lý xảy ra ngày một nhiều cả số lượng lẫn mức độ mấy năm gần đây, ‘nhãn tiền’ nhất chính là vụ Đoàn Văn Vươn - Tiên Lãng hồi đầu năm, đã khiến nhà cầm quyền biết rõ họ không thể nào tiếp tục bám víu vào cái khái niệm hết sức ỡm ờ ‘đất đai là thuộc sở hữu toàn dân’ lâu hơn nữa, mà phải có những thay đổi nhanh chóng sao cho phù hợp.

Và thời điểm hiện nay chính là lúc mọi người đang chứng kiến toa cuối cùng của đoàn tàu ‘luật đất đai 2003’ đang sắp qua đi. Một trong số ấy là dự án Ecopark đã được giao đất từ năm 2004 (dưới thời ông Phan Văn Khải chứ không phải ông Nguyễn Tấn Dũng hiện nay, như nhiều báo nhầm lẫn?) nhưng đến nay vẫn chưa nhận hết 500Ha đất.

Thật ra cái gọi là ‘dự án sửa đổi luật đất đai’ người dân đã bắt đầu được nghe báo đài râm ran nói đến từ cuối năm 2008 nhưng vẫn không có mấy tiến triển. Mãi cho đến gần đây, đặc biệt là kể từ sau sự bùng nổ dư luận từ vụ Đoàn Văn Vươn (và thậm chí là cả tác động đến từ các biến cố Bắc Phi) dự án mới lại được nhắc đến và lẽ ra sẽ được đem ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 4 (10/2012) sắp tới của quốc hội. Thế nhưng hôm 19/4 vừa qua lại mới có thông tin từ phía chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào năm sau năm 2013? (chắc để kịp ‘vớt vát’ thêm vài vụ cưỡng chế Văn Giang nữa chăng?)

Cũng liên quan chuyện đất đai một thông tin quan trọng rất đáng lưu ý khác. Đó là sau nhiều cân nhắc (tất nhiên là với không ít lo ngại) cuối cùng thì vừa qua (3/2012) chính phủ VN cũng phải đã đồng ý bỏ khung giá đất bỏ khung giá đất do liên bộ Tài chính, Tài nguyên Môi trường kiến nghị. Việc hủy bỏ cái khung giá đất ‘ăn cướp’ này cũng đang khiến nhiều chủ đầu tư và địa phương có các dự án qui hoạch lo ngại, vì khả năng câu kết nhau để ăn chận tiền đền bù của người dân khi tiến hành thu hồi đất đai sẽ không còn ‘dễ ăn’ như trước.

Tóm lại, cơ hội chiếm đất đai của người dân nhân danh ‘lợi ích quốc gia’ (nhưng có khi lại là ‘lợi ích của đại gia’ như nhà báo Huy Đức bảo) sắp tới đây sẽ không còn dễ dàng. Ecopark có thể vì ‘nhìn xa trông rộng’ nên đã hối hả nhận đất. Nhận rồi có khi cũng chỉ để hoang đó chờ thời… chờ khi luật đất đai sửa đổi có hiệu lực quyền tư hữu đất đai của người dân được luật pháp bảo vệ tốt hơn + cơn ‘bĩ cực’ bất động sản qua đi, giá đất tăng nhanh, 5,8 Ha ‘chiến lợi phẩm chiếm’ từ Xuân Quan chắc cũng kiếm ‘bộn bạc’?

Thắng thua là nhờ báo

Không như vụ Tiên Lãng, lần này Văn Giang bị ‘thua trận’ là vì báo chí là điều ai cũng thấy khi mà tất cả các báo đều ‘tịt ngòi’ hoặc đưa tin rất chiếu lệ, ngoại trừ tờ báo ‘Người Cao Tuổi’. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ cầm cự được trong ngày 24/4. Hôm sau bài báo này với nội dung cho rằng quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là “trái pháp luật hiện hành” vì “chỉ có những dự án phục vụ quốc phòng an ninh..., nhà nước mới thu hồi đất” cũng đã phải gỡ xuống?

Cùng trong một quốc gia, với 2 vụ nhà nước cưỡng chế đất đai xảy ra cách nhau chỉ khoảng 3 tháng thế nhưng thái độ của báo chí lại trái ngược nhau, như thể ‘bên trọng bên khinh’ đến độ ‘kỳ lạ’!?

Vụ Tiên Lãng mặc dù nhiều báo được biết trước nhưng vừa nổ ra tất cả đã vào cuộc rầm rộ. Còn với Văn Giang (thật ‘tủi thân’ cho bà con nơi này) dù được tỉnh Hưng Yên họp báo cho biết trước cả ngày để chuẩn bị, vậy mà báo chí đã ‘giả điếc ngó lơ’… chưa nói đến chuyện cưỡng chế đúng sai, ngay cả việc dân chúng bị công an hành xử bạo lực cũng chẳng được báo nào bênh vực?

Thái độ im lặng này buộc mọi người phải hiểu động thái họp báo của Văn Giang chỉ mang tính thủ tục huyện đứng ra làm. Tất cả những gì còn lại đã được thu xếp chỉ đạo bằng con đường khác từ trên xuống.

Bởi vậy, chuyện gì phải đến cũng đã đến…. 116 hộ dân Xuân Quan - Văn Giang rốt cuộc bị chính quyền đánh cho tan tác, hoàn toàn trái ngược với gia đình anh Vươn chỉ với mấy người đàn bà thôi cũng khiến chính quyền lo ngại.

Hôm sau ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên ‘hớn hở’ khoe là đã -“Hoàn Thành Giải Phóng Mặt Bằng”. Nguyên văn lời ông này cũng được TTXVN chính thức đưa tin.

Một chính quyền trên dưới đã đồng lòng dùng vũ lực để hành xử thì dân nào mà chống đỡ nổi. Chính quyền không ‘hoàn thành’ mới là chuyện lạ?

Thay lời kết

Vụ Văn Giang xảy ra gần ngày kỷ niệm 30/4, ngẫm nghĩ cái sự ‘hoàn thành giải phóng’ ấy của ông Bùi Huy Thanh đ/với bà con nông dân Văn Giang mà không khỏi băn khoăn khi nhớ lại lời của ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” có lần nói về chuyện ‘giải phóng miền Nam’ trước kia…

Từ 30/4/1975 ấy đến nay trên đất nước này đã có quá nhiều việc nhà nước, cán bô bảo làm ‘đúng chủ trương, đúng chính sách đường lối, đúng luật v.v…’ thế nhưng chỉ sau một thời gian cũng chính họ lại bảo cần phải ‘sửa sai, đổi mới, tái cấu trúc v.v… !?

Sau ‘giải phóng’ người dân Sàigòn cũng từng chứng kiến những vụ việc khá giống với cưỡng chế đất đai hiện nay. Như 2 lần đánh tư sản mại bản vào các năm 1976 & 1978. Chính quyền khi ấy cũng nhân danh ‘cải tạo công thương nghiệp’ mà họ cho là tốt đẹp, nhưng rốt cuộc đã khiến nhiều ngàn gia đình phải tán gia bại sản phải bỏ chạy tán loạn ra nước ngoài một thời. Cũng là một trong những nguyên nhân chính làm suy sụp kinh tế VN ngay sau đó.

Thế cho nên nay trước những gì vừa xảy ra ở Văn Giang, ngay cả khi việc làm này được ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo là ‘làm đúng luật’ đi chăng nữa, thì việc chính quyền vẫn bị người dân qui kết mượn danh nghĩa ‘giải phóng mặt bằng’ để cưỡng chiếm đất đai của họ xem ra cũng không phải là vô căn cứ.

Saigòn, 30/4/2012