VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha nói: Truyền Giáo không bao giờ chỉ được coi là một ưu tư ngoại lệ.

Đức Thánh Cha nói trong sứ điệp gửi Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới: Từ các giám mục đến tu sĩ và cộng đồng giáo dân, "Tất cả mọi thành phần của tập thể Giáo Hội phải cảm nhận mạnh mẽ là được mời gọi bởi lệnh truyền của Chúa Kitô là rao giảng Phúc Âm, để cho Chúa Kitô có thể được tuyên xưng khắp mọi nơi."

Khánh Nhật Truyền Giáo được sẽ cử hành ngày 21 tháng 10 tại Vatican và tại đa số các quốc gia.

Trong sứ điệp của ngài được phổ biến bằng tiếng Ý ngày 25 tháng 1 tại Vatican, Đức Thánh Cha nói: có một "sự khẩn cấp mới" về lệnh truyền giáo ngay khi giáo hội kỷ niệm 50 năm Sắc Lệnh của Công Đồng Vatican II về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội ("Ad Gentes").

Ngài nói: Sự khẩn cấp này được dựa trên con số ngày càng gia tăng những người trên toàn thế giới vẫn chưa được nghe đến sứ điệp Phúc Âm và tình trạng thế tục hóa ngày càng gia tăng tại các quốc gia theo truyền thống theo Kitô giáo.

Đức Thánh Cha nói: "Cần tái tạo sự hăng hái trong việc chia xẻ đức tin để cổ võ cho tân Phúc Âm hóa tại các cộng đồng có truyền thống theo Kitô giáo và các quốc gia đang đánh mất định hướng về Thiên Chúa, và giúp họ tái khám phá niềm vui của đức tin."

Ngài nói: "Chúng ta cần phục hồi cùng một tinh thần tông đồ sốt mến của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, dù nhỏ bé và yếu đưối, họ vẫn có thể loan truyền Phúc Âm qua việc rao giảng và làm nhân chứng."

Ngài nói: Một trong những thách đố to lớn nhất cho việc truyền giáo là "cuộc khủng hoảng đức tin, không chỉ riêng tại thế giới Tây Phương, mà còn trong một phần lớn nhân loại; tuy nhiên họ vẫn khao khát Thiên Chúa và phải được mời gọi và dẫn đưa đến bàn tiệc của bánh và nước hằng sống."

Chủ đề của sứ điệp, "Được mời gọi để loan truyền Lời Chân Lý," được trích từ Tông Huấn "Porta Fidei" ("Cánh Cửa Đức Tin") của Đức Thánh Cha, được phổ biến tháng 10 năm vừa qua để công bố Năm Đức Tin sẽ khởi sự vào tháng 10 năm nay.

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: "Ưu tư về việc truyền giáo không bao giờ được nằm bên lề của hoạt động của giáo hội và đời sống cá nhân của các Kitô hữu;" những người có đức tin cần gắn bó với đức tin của mình mạnh mẽ hơn nhiều và hiểu rằng họ không chỉ là những người tiếp nhận, nhưng còn là những nhà rao truyền Phúc Âm.

Ngài nói: Với sự phức tạp của thế giới hiện đại, phải tìm ra các phương pháp mới để truyền thông Lời Chúa.

Ngài nói: Rao giảng Phúc Âm hữu hiệu trong một thế giới thường xuyên thay đổi "đòi hỏi phải thường xuyên tiếp thu các lối sống mới, cũng như có các kế hoạch mục vụ và tổ chức trong giáo phận phù hợp với chiều kích nền tảng của bản thể giáo hội," đó chính là Phúc Âm hóa.

Ngài nói: "Đức tin là một quà tặng được ban cho để chia xẻ, đó là một ánh sáng không được ẩn dấu, nhưng phải chiếu soi toàn thể căn nhà. Đây là quà tặng quan trọng nhất được trao ban trong đời sống chúng ta, và không được giữ cho riêng mình."

Đức Thánh Cha cám ơn công trình của các Hội Dòng Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã rao truyền Phúc Âm bằng cách "cung cấp những trợ giúp cho tha nhân, công lý cho người nghèo khổ nhất, khả năng giáo dục tại các làng mạc hẻo lánh nhất, săn sóc y tế tại các miền xa xôi, giúp cho người dân thoát nạn nghèo khó, phục hồi phẩm giá cho những người sống bên lề xã hội, yểm trợ việc phát triển con người, và một phương cách để vượt thắng những chia rẽ về sắc tộc và tôn trọng đời sống ở mọi giai đoạn."