“Chúng ta cũng thế, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa trong Cầu Nguyện với Niềm Tin Tưởng của Những Người Con Thảo.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý Thứ Hai Mươi về Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 7 tháng 12, năm 2011 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Cầu Nguyện của Chúa Giêsu bằng cách suy niệm về bài cầu nguyện Cảm Tạ của Người.

Anh chị em thấn mến,

Các Thánh Sử Matthêu và Luca (x. Mt 11:25-30 và Lc, 10:21-22) đã truyền lại cho chúng ta một “viên ngọc” cầu nguyện của Chúa Giêsu, thường được gọi là Bài Thánh Thi Vui Mừng hoặc Niềm Hân Hoan Thiên Sai. Đây là một kinh nguyện tạ ơn và ngợi khen, như chúng ta vừa nghe. Trong bản Hy Lạp nguyên thủy của các sách Tin Mừng, từ mở đầu bài thánh thi này, trong đó diễn tả thái độ của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha, là exomologoumai, thường được dịch là “ngợi khen” (Mt 11:25 và Lc 10:21). Nhưng trong các bản văn của Tân Ước động từ này ám chỉ hai điều chính: thứ nhất là “thú nhận” – thí dụ, Thánh Gioan Tẩy Giả đã yêu cầu những người đến cho ngài làm phép rửa thú nhận tội lỗi của họ (x. Mt 3:6), thứ nhì là “đồng ý”. Như vậy, cách diễn tả mà Chúa Giêsu dùng để mở đầu lời cầu nguyện của Người bao gồm việc hoàn toàn thú nhận hành động của Thiên Chúa Cha, và đi đôi với thú nhận này là sự đồng ý hoàn toàn, có ý thức và vui vẻ của Người với cách hành động ấy, tức là với kế hoạch của Chúa Cha. Bài Thánh Thi Vui Mừng là kết quả của một cuộc hành trình cầu nguyện, trong đó nêu rõ sự hiệp thông sâu xa và mật thiết của Chúa Giêsu với đời sống của Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và mặc khải vai trò làm Con Thiên Chúa của Người.

Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha.” Thuật ngữ này diễn tả ý thức và sự chắc chắn của Chúa Giêsu về việc làm “Chúa Con” của Người trong sự hiệp thông mật thiết và không ngừng với Chúa Cha, và đây là điểm chính yếu cùng là nguồn gốc của tất cả việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy rõ điều này trong phần kết luận của Thánh Thi là phần soi sáng toàn thể lời Chúa Giêsu: “Cha Thầy đã trao phó mọi sự cho Thầy; và không ai biết Chúa Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ Chúa Con, và những người mà Chúa Con muốn mặc khải cho” (Lc 10:22). Như thế, Chúa Giêsu đã xác nhận rằng chỉ có “Chúa Con” mới thực sự biết Chúa Cha. Mọi sự hiểu biêt giữa con người – như tất cả chúng ta kinh nghiệm trong quan hệ của loài người – đòi hỏi một sự liên hệ, một sự kết hợp nội tâm giữa người biết và người được biết, ở một mức độ sâu xa nhiều hoặc ít: chúng ta không thể biết nhau mà không có sự hiệp thông. Trong bài Thánh Thi Vui Mừng, cũng như trong tất cả các lời cầu nguyện của Người, Chúa Giêsu cho thấy sự hiểu biết thật về Thiên Chúa bao hàm việc hiệp thông với Ngài: chỉ bằng cách hiệp thông với người khác mà tôi mới bắt đầu biết họ; thì với Thiên Chúa cũng thế: chỉ khi nào tôi có một liên hệ thật sự với Ngài thì tôi cũng biết Ngài. Vì vậy, sự hiểu biết thật được dành cho “Chúa Con”, Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1:18), trong sự hiệp nhất hoàn hảo với Ngài. Chỉ có Chúa Con mới thật sự biết Thiên Chúa, qua việc ở trong sự hiệp thông mật thiết với Đấng Tự Hữu; chỉ một mình Chúa Con mới có thể thực sự mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai.

Danh hiệu “Cha” được kèm theo bởi một danh hiệu thứ hai, “Chúa trời đất.” Với cách diễn tả này, Chúa Giêsu tóm tắt niềm tin vào việc tạo dựng và lặp lại những lời đầu tiên của Thánh Kinh: “Đầu tiên Thiên Chúa dựng nên trời đất” (St 1:1). Trong lời cầu nguyện, Người nhớ lại câu chuyện cả thể trong Thánh Kinh về lịch sử tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, là điều được bắt đầu bằng việc tạo dựng. Chúa Giêsu đi vào câu chuyện tình yêu này, trong đó Người vừa là tột đỉnh và vừa là sự hoàn thành của nó. Trong kinh nghiệm về cầu nguyện của Người, Thánh Kinh được soi sáng và làm cho sống động đến mức tối đa: Việc loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa và sự đáp trả của người được biến đổi. Nhưng trong thuật ngữ “Chúa trời đất,” chúng ta cũng nhận ra Chúa Giêsu như Đấng Mặc Khải về Chúa Cha, đã mở ra cho con người khả năng tiếp cận Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy tự hỏi: Chúa Con muốn mặc khải những mầu nhiệm của Thiên Chúa cho ai? Ở đầu bài Thánh Thi Chúa Giêsu diễn tả niềm vui của Người, vì Thánh Ý của Chúa Cha là che giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều này và mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10:21). Trong lời cầu nguyện này của Người, Chúa Giêsu tỏ lộ sự hiệp thông của Người với quyết định của Chúa Cha, là Đấng mặc khải những bí ẩn của Mình cho những người có tâm hồn đơn giản: Ý của Chúa Con hợp làm một với Ý của Chúa Cha. Việc mặc khải của Thiên Chúa không theo lý luận của thế gian, là lý luận cho rằng chính những người có học và quyền thế mới là những người có kiến thức quan trọng và truyền kiến thức ấy lại cho những người đơn sơ, bé nhỏ. Thiên Chúa đã dùng một phương thế hoàn toàn khác. Những người nhận được sự truyền thông của Ngài lại chính là “những kẻ bé mọn”. Đây là Thánh Ý Chúa Cha, và Chúa Con vui mừng chia sẻ với Ngài. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng: “Lời kêu lên của Người,”Vâng, lạy Cha” bày tỏ sự sâu thẳm của trái tim Người, việc tuân hành “điều đẹp lòng” Chúa Cha vọng lại tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Người lúc chịu thai Người, và ám chỉ điều Người sẽ thưa cùng Chúa Cha trong cơn hấp hối của Mình. Toàn thể lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được chứa đựng trong việc trái tim nhân loại của Người yêu thương tuân hành mầu nhiệm của Thánh Ý Chúa Cha (Êph 1:9)” (2603).

Từ đó phát sinh ra lời cầu xin mà chúng ta thưa cùng Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta cũng xin được hòa hợp với Thánh Ý Chúa Cha, và nhờ đó trở nên con cái Ngài. Vì thế, trong Bài Thánh Thi Vui Mừng này Chúa Giêsu bày tỏ Ý muốn bao gồm trong sự hiểu biết về Thiên Chúa như con thảo của Người tất cả những ai Chúa Cha muốn cho tham dự vào đó; và những người đón nhận hồng ân này là “những kẻ bé mọn”.

Nhưng “bé mọn” hay đơn giản nghĩa là gì? “Sự bé mọn” mở lòng con người ra cho sự mật thiết với Thiên Chúa và đón nhận Thánh Ý của Ngài là gì? Thái độ nào phải là thái độ cơ bản cho việc cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta hãy nhìn vào “Bài Giảng Trên Núi,” trong đó Chúa Giêsu quả quyết: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Chính sự trong sạch của tâm hồn là điều cho phép chúng ta nhận ra dung mạo Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô, có một tâm hồn đơn sơ như tâm hồn trẻ em, không có sự tự phụ của những kẻ chỉ biết đến mình mà nghĩ rằng họ không cần đến ai, kể cả Thiên Chúa.

Cũng nên chú ý ghi nhận hoàn cảnh mà trong đó Chúa Giêsu dâng bài Thánh Thi này lên cùng Chúa Cha. Trong tường thuật Tin Mừng của Thánh Matthêu, đó chính là niềm vui, vì bất kể sự phản kháng và chối từ của nhiều người, vẫn có “những kẻ bé mọn” đón nhận lời Người và mở lòng ra lãnh nhận hồng ân đức tin vào Người. Thực ra, bài Thánh Thi Vui Mừng được đi trước bởi sự tương phản giữa lời khen ngợi Thánh Gioan Tẩy Giả, một trong những “kẻ bé mọn” là người đã nhận ra Thiên Chúa hoạt động trong Ðức Chúa Giêsu Kitô (x. Mt 11:2-19), và lời khiển trách lòng cứng tin của các thành quanh Biển Hồ, “là nơi hầu hết những việc cả thể của Người đã xảy ra” (x. Mt 11:20-24). Cho nên, niềm hân hoan được Thánh Matthêu nhìn thấy trong tương quan với những lời mà trong đó Chúa Giêsu nhắc đến hiệu quả của những lời nói và việc làm của Người: “Hãy về kể lại cho ông Gioan những điều mắt anh em thấy và tai anh em nghe: Người mù được thấy, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại, và người nghèo được nghe giảng Tin Mừng. Phúc cho người nào không vấp phạm vì Tôi.” (Mt 11:4-6).

Thánh Luca cũng trình bày Thánh Thi Vui Mừng trong tương quan với một thời điểm phát triển của việc công bố Tin Mừng. Chúa Giêsu đã sai “72 môn đệ” ra đi (Lc 10:1), và các ông ra đi với một cảm giác lo sợ rằng sứ vụ của mình có thể bị thất bại. Thánh Luca cũng nhấn mạnh đến sự chối từ đã gặp phải trong các thành là những nơi Chúa đã rao giảng và đã làm những dấu lạ cả thể. Nhưng 72 môn đệ trở về đầy niềm vui, bởi vì sứ vụ của các ông đã thành công, các ông đã làm chứng rằng với quyền năng của lời Chúa Giêsu, các sự dữ của con người bị chính phục. Và Chúa Giêsu chia sẻ sự hài lòng của họ: “cùng một giờ ấy,” tại thời điểm đó, Người đã vui mừng.

Hiện vẫn còn hai yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh đến. Thánh Sử Luca giới thiệu lời cầu nguyện với nhận xét: “Chúa Giêsu vui mừng trong Chúa Thánh Thần” (Lc 10:21). Chúa Giêsu vui mừng tận đáy lòng về điều thầm kín nhất của Người: sự hiệp thông và hiểu biết duy nhất cùng tình yêu của Người dành cho Chúa Cha, sự sung mãn của Chúa Thánh Thần. Bằng cách lôi kéo chúng ta vào việc làm Con của Người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mở lòng ra đón nhận ánh sáng của Chúa Thánh Thần, bởi vì – như Thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết – “(Chúng ta) không biết phải cầu nguyện thế nào như chúng ta phải cầu nguyện, nhưng chính Thần Khí cầu bầu cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả… theo Ý của Thiên Chúa” (Rm 8:26-27) và Người mặc khải cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha. Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, sau Thánh Thi Vui Mừng, chúng ta tìm thấy một trong những lời mời gọi tha thiết nhất của Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai lao khổ và gồng gánh nặng nề, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi” (Mt 11:28). Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đến cùng Người, vì Người là sự Khôn Ngoan thật, đến cùng người, vì Người “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Người ban cho chúng ta “cái ách của Người”, con đường khôn ngoan của Tin Mừng không phải là một học thuyết hay một hệ thống luân lý, nhưng là một Người mà chúng ta phải đi theo: Chính Người, Con Một Thiên Chúa trong sự hiệp thông hoàn hảo với Chúa Cha.

Anh chị em thân mến, chúng ta đã nếm thử một chút sự phong phú của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng thế, với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện với lòng tin tưởng của những người con thảo, gọi Ngài với danh hệu Cha, “Abba!”. Nhưng chúng ta phải có tâm hồn của những kẻ bé mọn, “người có lòng nghèo trong khó” (Mt 5:3), để nhận ra rằng chúng ta không thể tự túc, rằng chúng ta không thể một mình tự xây dựng đời mình, rằng chúng ta cần Thiên Chúa, chúng ta cần phải gặp Ngài, lắng nghe Ngài và thưa chuyện với Ngài. Cầu nguyện mở lòng chúng ta ra đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, là Sự Khôn Ngoan của Ngài, chính là Chúa Giêsu, để làm tròn Thánh Ý Chúa Cha trong cuộc đời mình và để tìm thấy sự nghỉ ngơi trong những khó nhọc của cuộc hành trình của mình. Cám ơn.