ĐỒNG THÁP (25.10.2011) - Trước chuyến đi cứu trợ đầu tiên vào ngày 17 tháng 10 năm 2011 ở huyện Tân Hồng, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận – đã biết tin vùng đất Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đang bị sạt lở nghiêm trọng cũng rất cần được trợ giúp. Một số nhà dân bị sụp xuống sông và nước cuốn trôi một phần hoặc toàn bộ; đặc biệt có nhà ở của 2 Dì thuộc Dòng Chúa Quan Phòng (Cần Thơ) đang giúp ở Giáo xứ Tân Long bị sạt lở xuống sông hoàn toàn. Nhạy bén và yêu thương trước tình trạng khốn khó của những người nghèo bị thiên tai, đặc biệt là những người bị mất nhà cửa, Đức Cha đã sớm chỉ đạo và lên kế hoạch cứu trợ cho Tân Long.

Xem hình ảnh

Chỉ cách một tuần sau đợt cứu trợ trước, Tòa Giám mục và Caritas Giáo phận đã tổ chức đoàn cứu trợ đến Nhà thờ Tân Long, (địa chỉ: Ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), vào ngày 25 tháng 10 năm 2011 để cảm thông, chia sẻ và động viên tinh thần cho những nông dân nghèo nhất của vùng Cù Lao Tây vượt qua cơn nguy khốn “họa vô đơn chí”: vừa bị lũ lụt dâng cao, vừa bị sạt lở đất.

Khi biết tin nhà của quí Dì và nhà dân bị lở sụp xuống sông trôi mất, Đức Cha đã thao thức không yên; mà yên lòng sao được khi Người Mục Tử, Vị Cha Chung của Giáo phận đang có những đứa con đang bị thương tích do thiên tai như thế. Người Việt Nam thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, nên Đức Cha muốn đến tận nơi để tận mắt chứng kiến hậu quả của các vụ sạt lở đất do nước cuốn, và nhìn thấy những đôi vai nặng nề của dân nghèo trong Giáo phận đang gánh gồng thêm những khó khăn bên dòng nước lũ hung dữ.

Đức Cha và phái đoàn cứu trợ đã khởi hành từ Tòa Giám mục vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 25 tháng 10 năm 2011. Chiếc xe 15 chỗ của Tòa Giám mục trực chỉ về Đồng Tháp mang theo phái đoàn cứu trợ gồm: Đức Cha, Cha Giám đốc Caritas Giacôbê Hà Văn Xung, Cha Giám đốc Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha Thư ký Tòa Giám mục Phêrô Phạm Bá Đương, Cha G.B. Nguyễn Nhựt Cương, 3 thành viên Caritas của Giáo xứ Chánh Tòa và 1 thành viên Caritas của Họ Thánh Giuse (Gò Công).

Khoảng 2/3 hành trình cũng giống như lần trước, đến thành phố Cao Lãnh khoảng 8 giờ thì phái đoàn ghé quán ăn sáng khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường theo Quốc Lộ 30 để đến huyện Thanh Bình. Rời khỏi thành phố Cao Lãnh thì xe chạy qua hàng loạt những chiếc cầu mang những cái tên nghe ngồ ngộ như Cầu Cái Nỗ, Cầu Cái Dầu, Cầu Cái Tre,…Đường giao thông có nhiều cầu là đặc trưng của Miền Tây Nam Bộ, vì là vùng sông nước nên sông rạch chằng chịt. Sông rạch nhiều cũng có 2 mặt: vừa dẫn thoát nước thủy lợi, nhưng cũng là nguyên nhân đưa nước lũ về nhanh chóng gây ngập lụt nặng, và sông rạch nhiều cũng chia cắt cục bộ các khu vực tạo nên khó khăn trong việc kết nối giữa con người và các vùng.

Từ thành phố Cao Lãnh theo tuyến Quốc Lộ 30 đến bến đò Tân Lập Tây khoảng hơn 30km. Các ruộng lúa dọc theo 2 bên đường trước kia, giờ nhìn qua kính xe chỉ thấy mênh mông biển nước không phân biệt đâu là bến bờ. Khi đến bến đò, phái đoàn phải xuống xe đứng chờ chiếc đò ngang đang khó nhọc băng qua sông Mêkông do nước chảy xiết. Khoảng cách từ bờ bên này sang tới Cù Lao Tây bên kia khoảng hơn 1000m, dòng nước rộng lớn đục ngầu và chảy xiết chia cắt đôi bờ. Chiếc đò (còn gọi là chiếc trẹt) với chiều ngang 3m và dài 8m, nhìn xa xa cứ như chiếc lá mỏng manh đang oằn mình gắng gượng nổi trên mặt nước lũ đục ngầu cuồn cuộn để đưa khách sang sông. Nước chảy xiết đến nỗi muốn sang sông, mũi và lái của chiếc trẹt không hướng thẳng từ bờ bên này sang bờ bên kia, mà mũi trẹt phải hướng lên trên phía thượng nguồn, chạy ngược nước cứ như đò dọc chứ không phải đò ngang, nhờ vậy mà nó mới từ từ nặng nhọc băng ngang sông được. Nếu ai là người lần đầu đi ngang qua đây vào mùa nước lũ như thế này, chắc chắn không tránh khỏi cảm giác bất an khi sang sông. Vậy mà những người dân của 5 xã trong Cù Lao Tây hàng ngày phải sang sông trên những chiếc trẹt như thế, những chiếc trẹt lắc lư bập bềnh đưa họ sang sông như đưa họ đến những cuộc sống bấp bênh, những cảnh đời cơ cực trong những ngôi nhà xiêu vẹo.

Khi xe vừa lên khỏi bến đò Tân Lập Tây, phái đoàn được một vị đại diện chính quyền địa phương dẫn đường đưa xe đến trước cửa nhà thờ Tân Long; lý do là vì đường nhựa quanh Cù Lao Tây đang bị sạt lở nên chính quyền cấm xe 4 bánh chạy. Đoàn đến nơi lúc 10 giờ, bà con đã tập trung ngoài đường trước cửa nhà thờ rất đông chờ nhận quà cứu trợ. Khi đoàn đến, bà con cũng theo vào nhà thờ. Cha Sở Đaminh Nguyễn Công Diện và Cha Phó F. At. Nguyễn Minh Hoàng đón Đức Cha và phái đoàn ngay cổng vào Nhà thờ Tân Long. Đức Cha, phái đoàn và mọi người vào nhà thờ viếng Chúa và cầu nguyện mươi phút.

Sau đó Cha Sở, Cha Phó và dân chúng hướng dẫn Đức Cha và phái đoàn đi thăm nhà của quí Dì đã bị sạt lở. Nếu không được kể lại cho biết, thì chúng tôi không thể hình dung được một khoảng nước rộng lớn đục ngầu đang chảy xiết rất mạnh ở bờ sông, cách bờ sông hiện tại hơn 50m trước đây là nhà, sân vườn và đường đi. Tất cả đã bị sạt lở và cuốn trôi mất hết không để lại dấu vết, dòng nước hung dữ kia đã khéo léo xóa mọi chứng cứ tội lỗi do nó gây ra. Cũng may là không có người nào chết chìm trong các vụ sạt lở, như người ta thường hay nói “của đi thay người”. Nhà của quí Dì chỉ còn lại mặt tường dựng đứng nức nẻ của phòng khách. Chúng tôi đứng sát bờ sông quan sát và chụp hình. Nhà Xứ cấp 4 lụp xụp đang xuống cấp là chỗ ở của Cha Sở và Cha Phó, cách bờ sông mới sạt lở khoảng chưa tới 10m. Chúng tôi vào Nhà Xứ uống nước và nói với Cha Sở: “Cha coi chừng nhà của Cha cũng theo Hà Bá đi xuống sông mất.” Theo Cha Phó cho biết thì các ông trong HĐMVGX đã đo chỗ sạt lở hiện tại có chiều sâu mười mấy thước, và đang bị khuyết “hàm ếch” (lở vào sâu trong bờ như chiếc hàm ếch).

(Thật quá bất ngờ, sáng ngày 26.10.2011, trong lúc tôi đang ngồi viết bài này thì Đức Cha Phaolô điện thoại cho tôi: “Cha Hải ơi, Nhà xứ Tân Long đêm hôm qua bị sụp xuống sông mất hết rồi. Tối qua sạt lở thêm mười mấy thước nữa. Bây giờ Cha Phó phải đi lánh nạn ở nhà ông Chủ Tịch HĐMVGX, còn Cha Sở thì vào ở trong phòng thánh của nhà thờ.” Tôi lặng điếng người, quá bất ngờ và sửng sốt. Tôi hỏi Đức Cha: “Thưa Đức Cha, vậy chỗ bờ sông hôm qua mình đứng xem, bây giờ đi xuống sông hết rồi?”. “Hết rồi. Sụp mất hết rồi. Cha cầu nguyện cho Cha Sở và Cha Phó trên đó nghe.” “Vâng, thưa Đức Cha”…!!!)

Sau khi thăm vị trí sạt lở và Nhà xứ xong, chúng tôi vào nhà thờ để phát quà cứu trợ cho bà con. Cha Phó mời mọi người tập trung trong nhà thờ để giới thiệu Đức Cha và phái đoàn. Đức Cha và Cha Giám đốc Caritas phát biểu nói lên tâm tình quan tâm và yêu thương gởi đến cho bà con nghèo vùng lũ, không phân biệt lương giáo. Sau đó mọi người nghe đọc tên và nhận quà. Có 210 phần quà tất cả, hơn phân nửa được dành cho người ngoài Công giáo. Cũng như lần trước, các phần quà gồm: gạo, mì gói, nước tương và tiền mặt; mỗi phần quà trị giá 300.000VNĐ.

Cù Lao Tây nằm giữa sông Mêkông, bờ bên này thuộc tỉnh Đồng Tháp, bờ bên kia thuộc tỉnh An Giang. Dòng sông sau khi chảy qua Cù Lao Tây và Cù Lao Giêng thì chia ra thành 2 nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Cù Lao Tây có 5 xã thuộc huyện Thanh Bình gồm: Tân Huề, Tân Hòa, Tân Quới, Tân Long, và Tân Bình. Người dân vùng Cù Lao Tây hay truyền miệng câu thơ lục bát vui rằng:

“Tân Huề, Tân Quới, Tân Long;
Ba làng hợp lại không xong làng nào.”


Xã Tân Long có 9.787 nhân khẩu, trong đó có 890 người Công giáo. Đây là xã được lập sau cùng và cũng là xã nghèo nhất trong 5 xã, đó cũng là một trong các lý do để phái đoàn cứu trợ đến đây.

Sau khi phát quà xong, Cha Sở và một vị đại diện chính quyền địa phương phát biểu cám ơn Đức Cha và phái đoàn. Mọi người vui vẻ vỗ tay để bày tỏ lòng quí mến và biết ơn Đức Cha đã quan tâm đến họ. Cha Sở dù đang đau bệnh cũng rất thương bà con, nên lo tổ chức và hiện diện suốt buổi phát quà cứu trợ.

Khoảng 11 giờ thì phái đoàn phát quà cứu trợ xong. Sau đó, phái đoàn dùng cơm trưa với Cha Sở, Cha phó, hai Dì và Ban Mục Vụ tại Phòng Thánh. Đức Cha và phái đoàn được ăn các món bình dân đặc sản của mùa nước nổi như chim xanh, ốc bưu, lươn, cá,… Từ chỗ phòng ăn nhìn ra cửa sổ là cánh đồng lúa bát ngát đang chín trĩu vàng. Thấp thoáng có những chiếc lưng của các chị các cô đang còng xuống để gặt những bông lúa chín. Đó là những ruộng lúa đang nằm trong đê bao được bảo vệ kỹ lưỡng ngày đêm. Theo lời của một vị cán bộ địa phương, chính quyền và người dân rất lo lắng ăn ngủ không yên để bảo vệ đê bao; vì nếu vỡ đê thì nhiều héc-ta lúa đang mùa trổ bông sẽ mất trắng, mà đó chính là tài sản của những người nghèo. Nhìn nông dân thu hoạch lúa, lòng chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của người đã vất vả gieo trồng và nay có kết quả thu hoạch. Ước mong sao mọi người dân nơi đây có được hạnh phúc đơn sơ nhưng rất cơ bản là có cơm no áo ấm.

Cha Sở, Cha Phó, 2 Dì và mấy ông trong HĐMVGX tiễn đoàn ra xe để về. Phái đoàn rời nhà thờ Tân Long để trở về Tòa Giám mục vào lúc 12 giờ 15. Buổi sáng suốt chặng đường chúng tôi đến thì trời nắng rất đẹp, nhưng lúc ra về thì trời đầy mây như có cơn mưa đang rình rập chực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào. Đúng là “họa vô đơn chí” cho người dân vùng lũ: dưới chân nước dâng lên, trên đầu nước đổ xuống.