Năm 1986, bất chấp sự chống đối của nhiều giới Kitô Giáo, Đức Gioan Phaolô II vẫn tiến hành cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, tại Assisi, để cầu nguyện cho hòa bình. Dù cuộc gặp gỡ này đã đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo, thăng tiến tình hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu để hỗ trợ các sáng kiến hòa bình cụ thể, nó vẫn không tránh khỏi bị chỉ trích là theo chủ nghĩa chiết trung, đạo nào cũng tốt.

Nhóm chỉ trích mạnh nhất dĩ nhiên là nhóm của Tổng Giám Mục Lefèbre. Nhóm này rất kỳ vọng tân giáo hoàng Bênêđíctô XVI sẽ hủy bỏ cuộc gặp gỡ này, vì khi còn là hồng y, có lúc ngài tỏ ra dè dặt đối với nó, và dù sao, ngài vẫn là người mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa tương đối tôn giáo.

Ấy thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ Assisi năm 2006 để đánh dấu 20 năm cuộc gặp gỡ 1986, với sự tham dự của Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo, Thần Giáo, Đức Bênêđíctô XVI đã lên tiếng ca tụng cuộc gặp gỡ ấy, mô tả nó như “một sứ điệp sống động thăng tiến hòa bình và như một biến cố để lại dấu ấn trên lịch sử thời đại ta”. Ngài cũng ca ngợi cái nhìn thông sáng và tính hợp thời trong sáng kiến của vị tiền nhiệm, 2 đặc tính mà lịch sử nhân loại trong 20 năm qua đã chứng minh.

Thực vậy, với sự xụp đổ của các chế độ Cộng Sản Đông Âu, kết thúc Chiến Tranh Lạnh, người ta mơ ước có được một thế giới khác, trong đó liên hệ hoà bình giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa, trong ngữ cảnh một luật quốc tế chung biết tôn trọng chân lý, công lý và liên đới, được triển khai, thoát khỏi cơn ác mộng của chiến tranh. Thực tế, việc đó không xẩy ra như mong muốn. Trái lại, thiên niên kỷ thứ ba đã mở màn bằng khủng bố và bạo lực… khiến người ta có cảm tưởng rằng không phải chỉ có đa nguyên văn hóa mà cả đa nguyên tôn giáo nữa đang trở thành nguyên nhân bất ổn hay đe doạ cho viễn ảnh hòa bình.

Thực tại ấy, theo Đức Bênêđíctô XVI, đã làm nổi bật nhiều nét tiên tri chính xác nơi sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II khi triệu tập cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi năm 1986. Sứ điệp nhất quán và minh nhiên của nó là: tôn giáo phải là người loan báo hòa bình.

Biện giải cho sứ điệp ấy, Đức Bênêđíctô XVI trích dẫn Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Vatican II “Ta không thể cầu cùng Thiên Chúa, Cha của mọi người, cách thực sự nếu ta đối xử với bất cứ ai một cách thiếu tình huynh đệ, vì mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” (số 5). Nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu bao hàm phải coi mọi con người nhân bản khác là anh em. Thành thử, niềm tin tôn giáo trưởng thành vào một Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và là Cha mọi người phải khuyến khích các mối liên hệ huynh đệ phổ quát giữa mọi con người nhân bản.

Ngài cũng cho rằng trong mọi truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới, người ta đều tìm được chứng cớ hiển nhiên về mối liên kết chặt chẽ giữa tương quan với Thiên Chúa và nền đạo đức tình yêu. Tương quan với Thiên Chúa là chiều thẳng, tương quan với con người là chiều ngang của cùng thực tại yêu thương, cần thiết để xây dựng hòa bình. Muốn xây dựng được hòa bình ấy, các con đường văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng đã đành, nhưng trước hết, người ta cần đến cầu nguyện.

Đó chính là chủ điểm của Assisi 1986. Tại đó, các đại diện của nhiều tôn giáo khác nhau đã lớn tiếng chứng minh rằng cầu nguyện không chia rẽ nhưng hợp nhất và là yếu tố quyết định cho một khoa sư phạm hữu hiệu của hòa bình, đặt bản lề trên tình bạn, chấp nhận và đối thoại với nhau giữa người của nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau.

Nói như thế rồi, Đức Bênêđictô XVI trực diện bàn đến khía cạnh được nhiều Kitô hữu thuộc đủ khuynh hướng tỏ ra quan tâm, lo lắng: chủ nghĩa chiết trung. Ngài cho hay cần phải bảo đảm để đừng để cuộc gặp gỡ Assisi rơi vào lối giải thích chiết trung dựa trên ý niệm duy tương đối, làm sai lạc điều mà chính Đức Gioan Phaolô II quen gọi là “tinh thần Assisi”.

Lối giải thích ấy không phải là ý hướng của vị tiền nhiệm, vì ngay từ đầu, ngài đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Sự kiện chúng ta tới đây không bao hàm bất cứ ý định nào muốn đi tìm một đồng thuận tôn giáo giữa chúng ta hay thương lượng các xác tín trong đức tin của ta. Nó cũng không muốn nói rằng: các tôn giáo có thể hoà hợp với nhau trên bình diện một dấn thân chung vào một dự án thế trần… Nó cũng không phải là một tương nhượng đối với chủ nghĩa tương đối về các tín ngưỡng tôn giáo”.

Đức Bênêđíctô XVI muốn nhắc lại nguyên tắc ấy làm tiền đề cho bất cứ cuộc đối thoại liên tôn nào. Ngài cho rằng: giống Kitô hữu, các tín hữu của các tôn giáo khác biết rõ: trong cầu nguyện, họ có được cảm nghiệm đặc biệt với Thiên Chúa và từ cảm nghiệm ấy, họ rút ra được nhiều sáng kiến hữu hiệu để dấn thân phục vụ hòa bình. Nhưng cần phải tránh những mơ hồ không thích đáng. Do đó, dù gặp gỡ nhau để cầu nguyện cho hòa bình, lời cầu nguyện này phải theo những cách thế riêng của mỗi tôn giáo. Ngài cho rằng quyết định của năm 1986 đã như thế rồi và đến nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn tôn trọng quyết định ấy. Sự đồng qui các dị biệt không được chuyên chở theo mình ấn tượng đầu hàng chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa bác bỏ ý nghĩa của chính chân lý và khả thể đạt được chân lý ấy.

Bàn thờ Phật tựa vào nhà tạm

Quan điểm hết sức rõ ràng như thế của hai vị giáo hoàng liên tiếp vẫn không làm những người chỉ trích dừng lại suy nghĩ. Họ tiếp tục gọi sáng kiến của hai vị là “Đa Tôn Giáo” (Panreligion) và tiếp tục lo âu trước cảnh tượng (tưởng tượng?) Đạt La Lạt Ma dựng tượng Phật Buddha tựa vào nhà tạm Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Assisi, coi nó là biểu tượng cụ thể của chủ nghĩa chiết trung và duy tương đối tôn giáo. Những lời của Đức Bênêđíctô XVI bị họ coi như trò chơi chữ (xem Inadmissible Concessions, Once Again, Marian T. Horvat, Ph.D, tại http://www.traditioninaction.org/religious/m011rpRatzingerConcessions.html)

Thái độ ấy khiến Đức Bênêđíctô XVI, ngày 18 tháng 6 năm 2007, nhân tới Assisi chủ tọa lễ kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô hồi tâm, đã lên tiếng quả quyết rằng tinh thần hòa bình giữa các tôn giáo, được Thánh Phanxicô và Đức Gioan Phaolô II cổ vũ, không phải là chủ nghĩa chiết trung. Trái lại, đó là “một trực giác đầy tiên tri và là giờ phút của hồng ân”. Ngài cho rằng: tinh thần Assisi là tinh thần “chống lại tinh thần bạo lực, chống lại việc lạm dụng tôn giáo làm cớ cho bạo lực”

Đức Bênêđíctô XVI nói thêm: “Assisi nói với ta rằng trung thành với xác tín tôn giáo riêng của ta , trung thành trên hết với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, không được phát biểu bằng bạo lực và bất khoan dung, nhưng bằng thành thực tôn trọng người khác trong đối thoại, trong sứ điệp kêu gọi cho tự do và lý lẽ, trong hoạt động cho hòa bình và hòa giải”.

Ngày 4 tháng 3 năm 2011 vừa qua, để trả lời một mục sư của phái Luthêrô, Đức Bênêđictô XVI viết: “tôi hiểu rõ quan tâm của mục sư đối với việc tham dự cuộc gặp gỡ tại Assisi. Tuy nhiên, việc kỷ niệm này cần phải được cử hành cách nào đó và, sau khi xem sét mọi việc, tôi cho rằng điều tốt nhất đối với tôi là đích thân tới đó để có thể xác định hướng đi cho mọi chuyện. Tuy thế, tôi sẽ làm mọi sự để lối giải thích chiết trung hay duy tương đối về biến cố này sẽ không thể có và nhờ thế điều còn lại vẫn là điều tôi luôn tin và tuyên xưng mà tôi đã lưu ý toàn thể Giáo Hội với [Tuyên Ngôn] Dominus Jesus

Câu trên đã được Đức Hồng Y Burke trích dẫn tại hội nghị của những người Công Giáo cổ truyền họp tại Rôma đầu năm nay. Ai cũng biết, Tuyên Ngôn Dominus Jesus là một trong các cao điểm tín lý của Đức Hồng Y Ratzinger, hồi làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuyên ngôn có đoạn viết: “Đức tin thần học (chấp nhận chân lý do Thiên Chúa Ba Ngôi mạc khải) thường bị đồng hóa với tín ngưỡng của các tôn giáo khác, một tín ngưỡng chỉ là cảm nghiệm tôn giáo còn đang trên đường truy tầm chân lý tuyệt đối và vẫn còn đang thiếu việc thuận theo (assent) Thiên Chúa, Đấng đã tự tỏ mình ra. Đó là một trong các lý do tại sao các khác biệt giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác có khuynh hướng đôi lúc bị rút gọn đến độ biến mất” (số 7). Đức Bênêđíctô XVI chắc chắn mang theo nhận định ấy khi tới Assisi vào cuối tháng này (xem http://the-hermeneutic-of-continuity.blogspot.com/2011/10/pope-benedict-determined-to-stop.html)

Như một cuộc hành hương

Bản tin Zenit ngày 19 tháng 10, 2011 cho hay: với cuộc diễn hành tới Quảng Trường Thánh Phanxicô vào tuần tới, 176 nhà lãnh đạo tôn giáo và đại diện những người vô tín ngưỡng thế giới sẽ chứng tỏ rằng bất cứ ai cũng nên trở thành một người hành hương lên đường tìm sự thật. Đúng như thế, vì biến cố ngày 27 tới, tập chú vào suy niệm, đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới, để kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ Assisi do Đức Gioan Phaolô II tổ chức, sẽ có chủ đề là “Hành hương chân lý, hành hương hòa bình”.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Toà Thánh rất quan tâm tới việc tránh cho người ta có cảm tưởng đây là cuộc gặp gỡ của những người duy chiết trung, một cảm tưởng hết sức dai dẳng có từ cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Cũng như bao giờ, đại diện các tôn giáo sẽ cầu nguyện theo lối riêng của mình.

Ngoài người Công Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Thần Giáo và một số đại diện các truyền thống tôn giáo khác, các người vô tín ngưỡng cũng được mời tới Assisi, do sáng kiến “Tiền Đình Dân Ngoại”. Năm nay, người Hồi Giáo sẽ có phái đoàn đông hơn, bất kể các vấn đề xẩy ra tại Ai Cập với việc Đức Thánh Cha kêu gọi phải bảo vệ Kitô hữu Coptic bị tấn công hồi Vọng Giáng Sinh năm rồi.

Đức Hồng Y Turkson nhắc lại lời tuyên bố với người Hồi Giáo tại Berlin của Đức Giáo Hoàng về mục tiêu của cuộc gặp gỡ Assisi: “Qua cuộc gặp gỡ này, chúng tôi muốn phát biểu một cách đơn giản rằng chúng tôi, các tín hữu, có một đóng góp đặc biệt cần làm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong khi nhìn nhận rằng muốn cho các hành động của mình hữu hiệu, chúng tôi cần phải lớn lên trong đối thoại và quí mến lẫn nhau”.

Theo Đức Hồng Y, sau 25 năm gặp gỡ, “thế giới vẫn cần hòa bình”. Vì thế giới ngày nay đang đương đầu với nhiều thách đối mới: khủng hoảng kinh tế và tài chánh, một cuộc khủng hoảng kéo dài hơn người ta tưởng; khủng hoảng trong các định chế dân chủ và xã hội; khủng hoảng lương thực và môi sinh; khủng hoảng di dân; các hình thức thực dân tế vi hơn; thảm họa liên tiếp của nghèo đói; nạn khủng bố quốc tế không sao kiểm soát được; và những bất bình đẳng mỗi ngày một gia tăng cũng như kỳ thị tôn giáo.

Sau biến cố bạo lực xẩy ra cho người Kitô hữu Coptic tại Ai Cập mới đây, Đức Hồng Y cho rằng “Ta phải nói ‘không’ đối với việc biến tôn giáo thành khí cụ… Bạo lực giữa các tôn giáo là một gương mù làm tha hóa bản sắc đích thực của tôn giáo, che khuất bộ mặt Thiên Chúa, và làm người ta ra xa lạ với đức tin… Con đường của tôn giáo dẫn tới công lý và hòa bình, như cam kết hàng đầu của lương tâm vốn khao khát sự thật và sự thiện, phải có đặc tính một cuộc truy tầm chân lý”.

Đức Hồng Y nói tiếp: “Việc truy tầm chân lý phải là tiền đề để hiểu biết lẫn nhau, để vượt thắng mọi hình thức thiên kiến, nhưng cũng để vượt thắng chủ nghĩa chiết trung nữa, một chủ nghĩa cũng che phủ mất bản sắc… Đối với tất cả chúng ta, tham dự vào con đường chung đi tìm chân lý có nghĩa là ta phải nhìn nhận tính đặc thù của nhau trên căn bản của điều làm ta bình đẳng… và đồng thời khác biệt”. Ngài cũng cho rằng đi tìm chân lý là điều kiện để “đánh bại chủ nghĩa cuồng tín và cực đoan, những chủ nghĩa nhằm đạt hòa bình bằng cách áp đặt “các xác tín riêng của mình lên người khác”.