“Thiên Chúa là Đấng nhân lành và Lòng Thương Xót của Ngài tồn tại đến muôn đời”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười sáu về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 19 tháng 10, năm 2011. Hôm nay, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài nói về Thánh Vịnh 136.

* * *

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một Thánh Vịnh tóm tắt toàn thể lịch sử cứu độ như được kể lại cho chúng ta trong chứng từ của Cựu Ước. Đây là một thánh thi chúc tụng tôn vinh Chúa vì biết bao lần Ngài đã tỏ bày lòng nhân lành của Ngài trong suốt dòng lịch sử nhân loại, là Thánh Vịnh 136 - hay 135 theo truyền thống La Hy.

Một kinh nguyện tạ ơn trọng thể, được gọi là "Bài Allêluia Lớn", Thánh Vịnh này theo truyền thống được hát vào cuối bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái, và có lẽ cũng đã được Chúa Giêsu dùng để cầu nguyện trong khi mừng lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ của Người; Thành Vịnh này có vẻ như được các thánh sử nói đến trong chú thích của các ngài: "Sau khi các ngài đã hát một bài thánh thi, các ngài đã đi đến Núi Cây Dầu" (x. Mt 26:30, Mc 14:26). Như thế chân trời ngợi khen soi sáng con đường khó khăn đến Golgotha. Toàn thể Thánh Vịnh 136 được khai triển dưới hình thức một kinh cầu với câu đáp "vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời" được lặp đi lặp lại. Từ đầu đến cuối bài thánh thi liệt kê rất nhiều kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại và những sự can thiệp liên tục của Ngài để giúp đỡ dân Ngài; và mỗi công bố về hành động cứu độ của Chúa được đáp lại bằng đáp ca nói lên động lực chính của lời chúc tụng: tình thương muôn thủa của Thiên Chúa, một tình thương mà, theo từ Do Thái được sử dụng bao hàm ý nghĩa trung tín, thương xót, nhân hậu, ân sủng, và ân cần chăm sóc. Một động lực như thế thống nhất hóa toàn thể bài Thánh Vịnh, luôn luôn được lặp đi lặp lại dưới cùng một hình thức, trong khi các biến cố rõ ràng và hệ biến được thay đổi: việc tạo dựng, việc giải thoát trong cuộc Xuất Hành, hồng ân có đất đai, sự giúp đỡ và quan phòng không ngừng của Chúa đối với dân Ngài và mỗi tạo vật.

Sau một lời mời gọi tạ ơn Thiên Chúa tối cao được lập lại ba lần (câu 1-3), chúng ta mừng Chúa như Đấng đã làm "những kỳ công" (câu 4), mà kỳ công thứ nhất là việc tạo ra các tầng trời, trái đất, các ngôi sao (câu 5-9). Thế giới được tạo thành không phải chỉ đơn thuần là một cảnh mà trong đó hành động cứu độ của Thiên Chúa bước vào, nhưng là cảnh mở đầu cho hành động kỳ diệu này. Với việc tạo dựng, Chúa tự tỏ Mình ra trong tất cả sự thiện mỹ của Ngài. Ngài tự Mình liên lụy với sự sống bằng cách tỏ lộ thiện tâm mà từ đó nảy sinh tất cả mọi hành động cứu độ khác. Và bài Thánh Vịnh của chúng ta, trong khi lặp lại chương thứ nhất của Sách Sáng Thế Ký, tóm lược thế giới được tạo thành trong các yếu tố chính của nó, với việc nhấn mạnh đặc biệt đến các vầng sáng lớn, mặt trời, mặt trăng và các vì sao, là những tạo vật xinh đẹp cai trị ban ngày và ban đêm. Ở đây không đề cập đến đến việc tạo dựng con người, nhưng con người luôn có ở đó, mặt trời và mặt trăng được tạo dựng cho con người, để đánh dấu thời gian của con người, đặt con người trong liên hệ với Đấng Tạo Hóa, đặc biệt là qua dấu chỉ của các mùa phụng vụ.

Thực ra, chính là lễ Vượt Qua, được nhắc đến ngay sau đó, sang đến việc tự tỏ Mình ra của Thiên Chúa trong lịch sử, bắt đầu với biến cố trọng đại là việc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, việc Xuất Hành, vạch lại trong đó những yếu tố quan trọng nhất: cuộc giải phóng khỏi Ai Cập bằng bệnh dịch giết hại con đầu lòng của người Ai Cập; cuộc khởi hành ra khỏi Ai Cập; vượt qua Biển Đỏ, cuộc hành trình trong vùng hoang địa cho đến khi tiến vào Đất Hứa (các câu 10-20). Chúng ta đang ở thời điểm ban đầu của lịch sử dân Israel. Thiên Chúa đã can thiệp bằng quyền năng của Ngài để dẫn dân Ngài đến tự do; qua ông Môsê, sứ giả của Ngài, Ngài đã cho Pharao biết Ngài là ai, bằng cách tỏ Mình ra trong tất cả sự oai hùng của Ngài, và cuối cùng, bẻ cong sức kháng cự của người Ai Cập bằng tai họa khủng khiếp là cái chết của các con đầu lòng của chúng. Vì vậy, dân Israel có thể rời khỏi đất nô lệ với vàng của những kẻ áp bức của họ (x. Xh 12:35-36), và "với tay giơ cao" (Xh 14:8), trong dấu hiệu vui mừng đắc thắng. Ngay cả ở Biển Đỏ, Chúa cũng hành động với quyền năng đầy thương xót. Trước mặt một dân Israel hoảng sợ khi thấy người Ai Cập đang đuổi theo mình, đến nỗi hối hận vì đã rời bỏ Ai Cập (x. Xh 14:10-12), Thiên Chúa, như Thánh Vịnh của chúng ta nói, "đã chia Biển Đỏ làm hai [...] cho dân Israel đi qua ở giữa [...] lật đổ Pharao và đạo binh của hắn" (các câu 13-15). Hình ảnh Biển Đỏ bị "chia" làm hai dường như gợi lên ý tưởng về biển cả như một con quái vật khổng lồ bị chặt làm đôi, và như thế trở thành vô hại. Quyền năng của Chúa chinh phục quyền lực nguy hiểm của những sức mạnh thiên nhiên cũng như quân sự do con người bố trí: biển cả, dường như có vẻ cản đường dân Thiên Chúa, đã để cho dân Israel đi qua khô ráo và sau đó dập lại trên người Ai Cập và cuốn chúng đi. "Bàn tay oai hùng và cánh tay dang ra (uy quyền)” của Chúa (x. Đnl 5:15, 7,19, 26,8) được tỏ ra cùng tất cả quyền năng: những kẻ áp bức bất công đã bị đánh bại, bị nước biển nuốt đi, trong khi dân Thiên Chúa "đi qua giữa biển" để tiếp tục cuộc hành trình đến tự do của mình.

Thánh Vịnh của chúng ta giờ đây nói đến cuộc cuộc hành trình này bằng cách nhắc lại cuộc hành hương dài về miền Đất Hứa của dân Israel bằng một câu ngắn: "Chúa dẫn đưa dân Ngài qua hoang địa, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời" (câu 16). Những từ này tóm tắt kinh nghiệm kéo dái bốn mươi năm, một thời gian quyết định đối với dân Israel, là dân được Chúa hướng dẫn, học sống bằng đức tin, sống trong sự vâng phục và tuân hành Lề Luật của Thiên Chúa. Đây là những năm tháng khó khăn, được đánh dấu bằng sự khắc nghiệt của cuộc sống trong hoang địa, nhưng cũng là những năm hạnh phúc, những năm tin tưởng vào Chúa, một sự tin tưởng như con thảo; đây là thời "còn trẻ" như được ngôn sứ Giêrêmia định nghĩa khi ông thay mặt Chúa mà nói với dân Israel, bằng những lời diễn tả đầy ân cần và nhung nhớ: "Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong hoang địa, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng." (Gr. 2:2). Chúa, như mục tử của Thánh Vịnh 23 mà chúng ta đã suy niệm trong một bài giáo lý trước đây, dẫn dắt dân Ngài trong bốn mươi năm, giáo dục và yêu thương họ, đưa họ đến vùng Đất Hứa, chinh phục ngay cả những cuộc kháng cự và sự thù nghịch của các dân địch thù, muốn cản trở họ trên con đường cứu độ (x. các câu 17-20).

Trong danh sách "những kỳ công tuyệt vời" mà Thánh Vịnh của chúng ta kể ra, chúng ta đi đến giây phút lãnh nhận hồng ân cùng, qua việc thực hiện lời Thiên Chúa hứa với các Tổ Phụ: "Ngài ban cho họ đất làm gia nghiệp, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời! Một gia nghiệp cho tôi tớ Ngài là Israel, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời." (các câu 21-22). Trong việc chúc tụng tình yêu vĩnh cửu của Chúa, người ta hiện tại hóa việc tưởng niệm hồng ân có đất, một hồng ân mà dân chúng phải lãnh nhận, mà chưa bao giờ coi là mình sở hữu, bằng cách sống liên tục trong một thái độ cảm tạ đón nhận với đầy lòng biết ơn. Dân Israel nhận được đất mà trong đó họ sống như "gia nghiệp", một thuật ngữ nói chung có nghĩa là sở hữu một tài sản nhận được từ người khác, một quyền sở hữu đề cập đặc biệt đến gia sản do cha ông để lại. Một trong những đặc quyền của Thiên Chúa là đặc quyền "ban cho" và bây giờ, ở cuối của cuộc hành trình Xuất Hành, dân Israel, người lãnh nhận hồng ân, như một người con, bước vào Đất của Lời Hứa đã được hoàn thành. Thời gian lang thang, dưới những túp lều, trong một cuộc sống được đánh dấu bằng sự mong manh, đã qua. Giờ đây bắt đầu những ngày hồng phúc của ổn định, niềm vui xây dựng nhà cửa, trồng nho và được sống an ninh (x. Đnl 8:7-13). Nhưng nó cũng là thời gian của cám dỗ thờ ngẫu tượng; của việc trở nên ô uế với các dân ngoại; của tự túc tự cường làm cho người ta quên đi nguồn gốc của hồng ân. Vì vậy, tác giả Thánh Vịnh nhắc lại những cảnh nhục nhằn và những quân thù, một thực tại chết chóc mà Chúa, lại một lần nữa, tỏ Mình ra như Vị Cứu Tinh, "Chính Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời; và giải thoát ta khỏi tay thù địch, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời" (các câu 23-24).

Lúc này một câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào chúng ta có thể biến Thánh Vịnh này thành của mình, làm thế nào chúng ta có thể làm cho Thánh Vịnh này thành lời cầu nguyện riêng của mình? Điều nối kết phần mở đầu với phần kết thúc của bài Thánh Vịnh là điều quan trọng: điều đó chính là việc tạo dựng. Chúng ta hãy trở về điểm này: việc tạo dựng như một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa mà nhờ đó chúng ta sống, trong đó Ngài tự tỏ Mình ra trong sự nhân lành và cao cả của Ngài. Vì vậy, hãy coi việc tạo dựng như một hồng ân của Thiên Chúa, là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Sau đó là lịch sử cứu độ. Tất nhiên, chúng ta có thể nói rằng cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, thời gian trong hoang địa, việc vào Đất Hứa và sau đó các vấn đề khác, là những điều rất xa vời đối với chúng ta; chúng không phải là một phần của lịch sử của chúng ta. Nhưng chúng ta phải chú ý đến cấu trúc cơ bản của kinh nguyện này. Cấu trúc cơ bản là dân Israel nhớ lại lòng nhân lành của Chúa. Trong lịch sử của họ có nhiều thung lũng tối tăm, có nhiều đoạn đường khó khăn và chết chóc, nhưng dân Israel nhớ rằng Thiên Chúa nhân lành, và họ có thể khắc phục thung lũng tối tăm trong thung lũng sự chết, bởi vì họ nhớ. Dân Israel nhớ đến lòng nhân lành của Chúa và quyền năng của Ngài; rằng lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Và điều này cũng rất quan trọng đối với chúng ta: nhớ đến lòng nhân lành của Chúa: Việc tưởng nhớ trở thành sức mạnh của hy vọng. Việc tưởng nhớ cho chúng ta biết: Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa là Đấng nhân lành, lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Và như vậy việc tưởng nhớ sẽ mở ra một con đường dẫn đến tương lai, là ánh sáng và ngôi sao hướng dẫn chúng ta, ngay cả trong bóng tối của một ngày, của một thời điểm. Chúng ta cũng hãy nhớ lại những điều tốt lành; hãy nhớ đến tình yêu vĩnh cửu và đầy thương xót của Thiên Chúa. Lịch sử dân Israel cũng đã là một phần của ký ức chúng ta, việc Thiên Chúa đã tỏ Mình ra thế nào, đã tạo cho Ngài một dân riêng thế nào. Rồi Thiên Chúa đã làm người, một người trong chúng ta: Người đã sống với chúng ta, đã chịu đau khổ với chúng ta, và đã chết cho chúng ta. Người vẫn còn ở lại với chúng ta trong Bí Tích và Lời Chúa. Đó là một lịch sử, một tưởng nhớ về sự tốt lành của Thiên Chúa, là điều bảo đảm với chúng ta về lòng nhân lành của Ngài: tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời. Và rồi ra, trong hai ngàn năm lịch sử Hội Thánh, một lần nữa, luôn luôn có sự tốt lành của Chúa. Sau những ngày đen tối trong những cuộc bách hại của Đức Quốc Xã và Cộng sản, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta. Ngài đã cho chúng ta thấy rằng Ngài là Đấng nhân lành, rằng Ngài có quyền năng, và rằng lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Và, như sự hiện diện của ký ức về sự tốt lành của Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta và trở thành một ngôi sao hy vọng cho chúng ta trong lịch sử chung và tập thể của mình, mỗi người trong chúng ta cũng có một lịch sử cứu độ riêng của mình, chúng ta cần phải thực sự tận dụng lịch sử này, luôn luôn nhớ đến những điều cao cả mà Chúa cũng đã làm trong cuộc đời tôi, để có thể tín thác: lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời. Và nếu hôm nay tôi đang ở trong đêm trường tăm tối, ngày mai Ngài sẽ giải thoát tôi, vì lòng thương xót của Ngài tồn tại đến muôn đời.

Chúng ta hãy trở về với bài Thánh Vịnh, vì ở đoạn cuối, nó trở lại việc tạo dựng. Thánh Vịnh nói: Chúa "ban lương thực cho tất cả chúng sinh, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời" (câu 25). Kinh nguyện của Thánh Vịnh kết thúc bằng một lời mời gọi chúc tụng: "Hãy cảm tạ Thiên Chúa trên Trời, vì tình thương của Ngài tồn tại đến muôn đời." Chúa là một người Cha nhân lành và quan phòng, Ngài ban gia nghiệp cho con cái Ngài và cung cấp cho mọi loài lương thực để sống. Thiên Chúa, Đấng tạo ra các tầng trời, trái đất và ánh sáng tuyệt vời trên trời, đã đi vào lịch sử nhân loại để mang lại ơn cứu độ cho tất cả con cái Mình, là Thiên Chúa tràn ngập vũ trụ với sự hiện diện tốt lành của Ngài, chăm sóc cho sự sống và ban cho chúng ta cơm bánh. Quyền năng vô hình của Đấng Tạo Hóa và Chúa, mà bài Thánh Vịnh tuyên dương, được tỏ bày trong sự bé nhỏ và rõ ràng của tấm bánh mà Ngài ban cho chúng ta, nhờ đó mà Ngài làm cho chúng ta được sống. Như thế lương thực (bánh) hằng ngày này tượng trưng cho và gồm tóm tình yêu của Thiên Chúa như người Cha, và mở ra trước mặt chúng việc "bánh hằng sống" của Tân Ước, là Thánh Thể, được thể hiện, là bánh đồng hành với chúng ta trong cuộc sống như các tín hữu, và cho chúng ta hưởng trước niềm vui của Bữa Tiệc Thiên Sai cuối cùng trên Thiên Đàng.

Thưa anh chị em, lời chúc tụng và ngợi khen của Thánh Vịnh 136 đã cho phép chúng ta vạch lại những giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ, đến tận mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó hành động cứu độ của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh của nó. Vì vậy với niềm vui biết ơn, chúng ta hãy tôn vinh Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ và Người Cha chung thủy, Đấng "yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Người Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời" (Ga 3:16). Đến thời sự viên mãn, Con Thiên Chúa đã đến làm người để hiến mạng sống Người, để ban ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta, và Người cũng hiến Mình như bánh trong Mầu Nhiệm Thánh Thể để cho chúng ta được vào Giao Ước của Người, biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Chính ở cao điểm này mà chúng ta đạt đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự siêu phàm của “tình thương muôn đời” của Ngài.

Vì vậy, tôi muốn kết luận bài giáo lý này bằng cách mượn những lời mà Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của ngài, là những lời mà chúng ta phải luôn liên tưởng đến trong khi cầu nguyện: "Anh em hãy xem tình yêu mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta cao cả dường nào, đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là thế." (1 Ga 3:1). Xin cám ơn.