Công cuộc Tân Phúc âm hoá khởi đi từ Roma

"Đã đến giờ loan báo một lần nữa sự Phục sinh của Chúa Kitô"

ROMA - Ba mươi ba đại diện của các Hội Đồng Giám Mục, 400 đại biểu của 115 tổ chức Giáo hội dấn thân vào việc truyền giáo, 10.000 người trẻ tuổi sẵn sàng bắt tay vào công cuộc truyền giáo: đó là những số liệu của làn sóng đầu tiên của các nhà truyền giáo, họ đã đáp trả lời kêu gọi của Hội đồng Toà thánh về cổ vũ công cuộc Tân Phúc âm hoá.

Sáng 15-10, Chủ tịch của Hội đồng này, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, đã nói với họ: “Giờ đã đến để mở rộng cánh cửa và loan báo một lần nữa sự Phục sinh của Chúa Kitô, mà chúng ta là chứng nhân”. Ngài nói như thế sau khi giải thích rằng thế giới ngày nay đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nhân chủng học thật sự", với nguyên nhân là sự thế tục hóa và sự suy yếu đức tin, vốn gây xáo động nơi nhiều người.

Ngài nói thêm, hiện tượng này cũng đã lan đến một phần quan trọng của hàng giáo sĩ và Giáo Hội Công Giáo. Do đó, cần có công cuộc Tân Phúc âm hoá không những ở bên ngoài, mà còn ở bên trong Giáo hội nữa.

Theo Đức Tổng Giám Mục Fisichella, "việc gạt Thiên Chúa qua một bên đã dẫn đến sự rối loạn căn tính nơi cá nhân", "sự dửng dưng" và "sự không hay biết" các nội dung thiết yếu của giáo lý.

Ngài nói: “Nhiều người lầm tưởng rằng việc loan báo minh nhiên là không còn cần thiết, và rằng chứng tá đời sống là con đường hữu ích duy nhất để tái Phúc âm hoá", trong khi "chứng tá bao gồm sự loan báo minh nhiên cho việc tại sao người ta chọn để sống theo bước chân của Chúa Kitô".

Thật vậy, như một giáo sư người Ba Lan dạy Giáo phụ học đã giải thích, dạy lịch sử Giáo Hội không có nghĩa là rao giảng Tin Mừng. Thí dụ, giáo sư này đã kể trường hợp của một trong những sinh viên xuất sắc nhất của mình, nữ sinh viên này giỏi môn Giáo phụ học nhưng không có đức tin, điều này chứng tỏ rằng, theo Tổng Giám mục, người ta không thể rao giảng mà không làm chứng về tình yêu Thiên Chúa.

Trong số các lĩnh vực cần tiếp nhận một luồng gió mới, và trên đó sẽ tập trung các hoạt động truyền giáo mới, Đức Tổng Giám Mục Fisichella nêu ra: phụng vụ, giải tội, Thánh Thể, gia đình, văn hóa, cam kết chính trị và dân sự, nhập cư và truyền thông. Đại hội hưởng ứng nhiệt tình lời mời gọi của Ngài.

Kiko Arguello, người sáng lập và đại diện của Phong trào Con Đường Tân Dự Tòng, đã nói về vai trò to lớn mà gia đình đang chu toàn, giải thích rằng ở những nơi mà đức tin dường như đang mất đi, và vì lý do đó, ông đã gửi đến đó các giáo lý viên và các linh mục, nhưng họ đã bị từ chối, trong khi các gia đình, mà ông gửi đến lần thứ hai, đã làm được phép lạ: không những các gia đình không bị từ chối nhưng họ đã thành công trong việc hoán cải, thông truyền đức tin, nhận được các kết quả đáng kinh ngạc.

Trong một bài phát biểu khác, ông Julian Carron, thuộc phong trào Hiệp thông và Giải phóng, đã nhấn mạnh tính cách xây dựng và phong phú hoá của đức tin giữa một nền văn hóa.

Theo ông, nếu không có đức tin, văn hóa không thể phát triển, và đức tin chỉ là thật sự và chỉ ảnh hưởng đến lịch sử của một dân tộc, nếu nó trở thành văn hóa.

Về hiện tượng nhập cư, ông Adriano Roccucci, thuộc cộng đoàn Sant'Egidio, ghi nhận tình trạng lão hóa của nước Ý và tỉ lệ thanh niên không phải là người Ý sống ở Ý, điều này kêu gọi một sự đáp trả trong bác ái, mà theo ông, - "là thông điệp đầu tiên của các thông điệp Tin Mừng".

Linh mục Gigi Perini, quản xứ giáo xứ Sant'Eustorgio tại Milan và là chủ tịch của tổ chức quốc tế của các tế bào giáo xứ lo truyền giáo, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết "đánh thức người khổng lồ đang ngủ đó là giáo xứ" vì, theo cha, một giáo xứ năng động, đầy tình yêu của Thiên Chúa, làm mê hoặc các tín hữu và thúc đẩy họ truyền giáo, là có thể được!".

Cuối cùng, ông Franco Miano, thuộc Công giáo Tiến hành Ý, đã kêu gọi sự hiệp nhất giữa tất cả các hiệp hội, trong khi đó Đức Giám mục Donald Wuerl, giáo phận Washington (Mỹ), hy vọng rằng các nhà truyền giáo phải là các người được truyền giáo đầu tiên, vì Ngài giải thích rằng “họ không thể được coi là như vậy, nếu họ không có một đức tin sâu xa cho riêng mình".

Ông Salvatore Martinez, thuộc phong trào Canh tân trong Chúa Thánh Thần, kết luận bằng cách gợi ý "đào tạo những con người mới với Chúa Kitô, có khả năng canh tân chính sách", để "giải thoát thời đại chúng ta khỏi mọi cơ cấu tội lỗi". (ZENIT.org 19-10-2011)

Phạm Kim An