Suốt 70 năm qua, tức từ năm 1937, cứ vào mỗi cuối hè, 40 nhà thần học Công Giáo và Thệ Phản lại gặp nhau để cầu nguyện và suy tư về những vấn đề thần học quan trọng.

Câu truyện bắt đầu vào năm 1936, khi linh mục Paul Couturier, người 3 năm trước đó, từng phát động Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Sự Hợp Nhất Kitô Giáo, muốn tìm ra một bức tranh cho Tuần Lễ Cầu Nguyện sắp tới. Biết rằng tại một nhà thờ Thệ Phản nói tiếng Đức tại Thụy Sĩ có bức tranh đó, nên ngài yêu cầu bạn mình là Cha Laurent Rémillieux, biết nói tiếng Đức, qua đó xin một bản sao. Thế là Cha Rémillieux lên đường qua Herzogenbuchsee, phía bắc Thành Phố Berne của Thụy Sĩ, và ở đó, vừa bước vào ngôi nhà thờ, ngài gặp một mục sự Thệ Phản đang cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô Giáo…

Vị mục sư đó chính là Mục Sư Richard Baumlin, người từng sáng lập ra Hội Hiệp Thông Thánh Gioan nhằm học hỏi “mọi hình thức đức tin Kitô Giáo, trong khi vẫn tiếp tục yêu mến và phục vụ giáo hội của mình như bao giờ” và cầu nguyện cho việc hợp nhất trong cầu nguyện. Rồi năm 1937, Cha Rémillieux được Hội Hiệp Thông mời qua dự cuộc tĩnh tâm Mùa Phục Sinh, được tổ chức tại Erlenbach và khi trở về, ngài đã thuật lại mọi biến cố đầy hứng khởi ấy cho linh mục Couturier.

Mùa hè năm sau, một buổi tĩnh tâm chung cho các mục sư Thệ Phản Thụy Sĩ và các linh mục Công Giáo Pháp đã được tổ chức. Vì các khó khăn do hai ngôn ngữ tạo ra, các mục tử Pháp và Thụy Sĩ này bèn nghĩ tới việc thành lập một nhóm đối thoại nói tiếng Pháp. Chẳng may vì chiến tranh xẩy ra sau đó không lâu, nên nhóm đành phải tổ chức các cuộc họp riêng rẽ tại Thụy Sĩ và Pháp. Điều may là tới lúc đó, các cuộc tĩnh tâm đã cung cấp cho họ đủ cơ sở để có hướng làm việc: “Thần học của ta phải suôi chẩy với cầu nguyện”, theo kiểu nói của linh mục Couturier.

Năm 1952, linh mục Couturier đau nặng nên không tham dự cuộc gặp gỡ tại Đan Viện Dombes. Ngài qua đời Tháng Ba năm sau. Cha Maurice Vilain kế nghiệp ngài làm Đồng Chủ Tịch Công Giáo của Nhóm. Sau khi Cha Couturier qua đời, Nhóm bắt đầu soạn thảo các “luận đề” ngắn để phản ảnh các cuộc thảo luận thần học của mình.

Trong khoảng thời gian từ 1956 tới năm 1970, các luận đề sau đây đã được thảo luận

1956 Trạng thái tội nguyên tổ
1957 Sự trung gian của Chúa Kitô và thừa tác vụ của Giáo Hội
1958 Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô
1959 Thẩm quyền mục vụ trong Giáo Hội
1960 Tính tông truyền của Giáo Hội
1961 Chức linh mục và thừa tác vụ của Giáo Hội
1962 Hành vi tư tế của Chúa Kitô trong hoạt động tư tế của Giáo Hội
1963 Không có luận đề
1964 Không có luận đề
1965 Tín lý về Chúa Thánh Thần
1966 Không có luận đề
1967 “Liên hiệp thông”
1968 Kế thừa tông đồ
1969 Giáo Hội và Chúa Thánh Thần
1970 Giáo Hội, hiệp thông các thánh

Từ năm 1960 tới năm 1971, Nhóm thay đổi địa điểm gặp gỡ giữa Taizé và Đan Viện Dombes. Thời ấy, rất nhiều người trẻ lui tới Taizé và điều này tác động nhiều đối với Nhóm Dombes: đứng trước vấn đề “liên hiệp thông”, giới trẻ này yêu cầu Nhóm giải thích cho họ rõ đâu là vấn đề và “cho” hệ ở điều gì. Lời yêu cầu này đã phát sinh ra tài liệu đầu tiên của nhóm, tựa là “Hướng Tới Một Đức Tin Chung Về Thánh Thể?” (1972).

Từ 1971 tới 1997, Nhóm gặp nhau mỗi năm tại Đan Viện Đức Bà ở Dombes. Từ nay, Nhóm đã như diều gặp gió, thấy mình cần khai triển các vấn đề do tài liệu đầu tiên đặt ra. Năm 1973, tài liệu thứ hai ra đời tựa là “Hướng Tới Việc Hòa Giải Các Thừa Tác Vụ”. Trong tài liệu này, các điểm sau đây đã được nhấn mạnh: mọi thừa tác vụ đều có chiều kích hợp đoàn (điều 21), chiều kích bản thân (điều 22) và chiều kích cộng đoàn (điều 42). Tầm quan trọng của việc nhấn mạnh này không những sẽ được xác nhận qua các suy tư sau này của Nhóm mà còn qua các hiệu quả trông thấy tại những nơi xẩy ra đối thoại.

Nhóm tiếp tục khai triển và hoàn tất các suy tư của mình trong tài liệu thứ ba vào 3 năm sau: “Thừa Tác Vụ Giám Mục” (1976). Qua các ấn phẩm này, phương pháp làm việc của Nhóm đã thành hình: 1) các đề nghị dựa vào suy tư thần học phải được tiếp nối bằng các đề nghị mục vụ; 2) suy tư tín lý mỗi lúc phải dựa vào khảo cứu lịch sử nhiều hơn

Không ngại khó khăn, Nhóm Dombes đã phát động một chủ đề khác. Chủ đề này đã đem lại tài liệu thứ tư tựa là “Chúa Thánh Thần, Giáo Hội và Các Bí Tích” (1979). Năm 1981, các cuộc thảo luận của Nhóm tập chú vào một chủ đề khá tế nhị khiến họ phải khôn khéo lắm mới lèo lái qua sóng gío để hoàn thành tài liệu “Thừa Tác Vụ Hiệp Thông trong Giáo Hội Hoàn Vũ” (1986). Ấn phẩm này được công bố chỉ ít tháng trước khi Đức Gioan Phaolô II viếng vùng Lyon.

Năm 1987, năm đặc biệt đối với Nhóm, vì là năm kỷ niệm Nhóm được 50 tuổi. Nhiều nhân vật quan trọng thuộc các giáo hội và phong trào đại kết tới cử hành và đánh giá biến cố với Nhóm “tư riêng” (không chính thức) này, được coi là nhóm nói tiếng Pháp lâu đời nhất lúc đó chịu dấn thân vào cuộc đối thoại đại kết. Từ cuộc kỷ niệm này, Nhóm có hai công trình cụ thể:

a) một ấn phẩm gom góp tất cả các trước tác xưa nay (luận đề và tài liệu) của Nhóm thành bộ “Hướng Tới Hiệp Thông Giữa Các Giáo Hội” (1988);

b) một ấn phẩm trong đó Nhóm trình bày phương pháp làm việc của mình và hiện trạng tư duy của mình đã đi tới đâu, dưới tựa đề “Hướng Tới Việc Hồi Tâm Của Các Giáo Hội” (1991). Năm 2005, Đức Hồng Y Walter Kasper đã lên tiếng cho rằng: “Không thể có đại kết nếu không có hồi tâm, và không thể có tương lai chi hết nếu không có việc hồi tâm ấy. Suy tư hay nhất tôi biết về chủ đề này tìm thấy trong tài liệu của Nhóm Dombes tựa là ‘Hướng Tới Việc Hồi Tâm Của Các Giáo Hội’”. Tài liệu này là bước tiến có ý nghĩa của Nhóm về cả chất lượng lẫn phương pháp làm việc: i) về chất lượng, vì nó đã đưa ra sự phân biệt giữa “việc hồi tâm của Kitô Giáo”, “việc hồi tâm của giáo hội” và “việc hồi tâm của các hệ phái”; ii) về phương pháp, vì nó đã xác định ra 4 giai đoạn: 1/ đặt vấn đề, 2/ tìm tòi lịch sử, 3/ chứng cớ Thánh Kinh, 4/ các đề nghị hồi tâm.

Vấn đề cho năm 1991 là “Ta nên đề cập tới chủ đề nào để có thể sử dụng được các thành quả của kinh nghiệm đối thoại?”. Câu hỏi này là kết quả của nhiều suy tư lâu dài về một chủ đề đến lúc đó vẫn chưa được đề cập tới trong các cuộc đối thoại đại kết của nhóm và là một chủ đề rất tế nhị đối với tín hữu bình thường của các giáo hội: Đức Maria. Nó đã mang lại thành quả qua ấn phẩm “Đức Maria trong Kế Hoạch Thiên Chúa và Hiệp Thông Các Thánh”. Cuốn đầu tiên được phát hành năm 1997, cuốn thứ hai năm 1998, rồi cả hai cuốn này được in thành một cuốn duy nhất năm 1999. Trong tác phẩm này, 4 điểm đã được nhấn mạnh: 1/ việc ‘hợp tác’ của Đức Maria vào việc cứu rỗi, 2/ việc trọn đời đồng trinh của Đức Maria, 3/ hai tín điều được Giáo Hội Công Giáo tuyên bố: Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu, 4/ việc khẩn cầu Đức Maria.

Năm 1997, Nhóm gặp nhau ở Đan Viện Dombes lần cuối cùng. Trong 60 năm, Nhóm được các đan sĩ Trappist tiếp đón. Nhưng cộng đoàn này đã trở thành già nua, con số đan sĩ càng ngày càng ít, nên họ không còn khả năng tiếp đón Nhóm nữa. Tuy năm 1987, Nhóm cho rằng mình “sẽ vĩnh viễn trú ngụ tại Đan Viện Xitô Dombes”, nhưng nay buộc phải tìm sự nâng đỡ của một cộng đoàn chiêm niệm khác. Rất may, Nhóm đã tìm được Đan Viện Pradines của các nữ đan sĩ Biển Đức, gần Roanne và được các nữ đan sĩ hoan nghinh. Do đó, từ năm 1998, dù vẫn mang tên là Nhóm Dombes, Nhóm đã chuyển về sinh hoạt hàng năm tại Pradines và cũng là năm đầu tiên, Nhóm nhận phụ nữ vào số 40 thành viên của mình.

Trong khung cảnh mới này, suốt trong 7 năm, Nhóm đã suy tư sâu sắc một chủ đề khá phức tạp về thẩm quyền tín lý trong Giáo Hội và nhờ thế đã xuất bản tài liệu dài nhất của mình, tựa là “ ‘Một Thầy’. Thẩm Quyền Tín Lý Trong Giáo Hội” (2005). Năm 2010, nhóm cho xuất bản tác phẩm "Kinh Lạy Cha".

Từ đó, Nhóm luôn theo đuổi con đường cầu nguyện, suy tư và hồi tâm để phục vụ các giáo hội. Nhóm luôn duy trì các liên hệ không chính thức và thân thiện với các giáo hội này trong khi hoàn toàn gắn bó với giáo hội riêng của mình. Hàng năm, vào cuối tháng Tám qua đầu tháng Chín, Nhóm đều gặp nhau trong 4 ngày để cùng tham dự thánh lễ với các nữ đan sĩ, đọc các giờ kinh phụng vụ với họ, làm việc, thảo luận nhóm, cử hành nghi thức phụng vụ chung, chia sẻ các thông tin đại kết… cùng giúp nhau lớn lên trong tình hiệp thông và đặt cơ sở trên lời cầu nguyện. Nhờ thế, các khía cạnh linh đạo, tín lý và mục vụ của đại kết quện lại với nhau trong hòa hợp để phục vụ Phong Trào Đại Kết, hướng tới Một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.

Theo nhận định ngày 9 tháng 9 năm 2010 của tờ La Croix (www.la-croix.cm), đây là một nhóm có tiếng kín đáo, có khi còn bất khả xâm nhập nữa, nhưng ảnh hưởng của nó có tính hoàn cầu. Có người cho rằng công việc của họ đã linh hứng cho cả Công Đồng Vatican II lẫn Hội Đồng Đại Kết Các Giáo Hội. Tài liệu về hồi tâm của họ vào năm 1991 đã gây ấn tượng lớn nơi Đức Gioan Phaolô II. Ngài từng cho hay trên máy bay tới Ba Tây, trong chuyến tông du lần thứ 53, ngài từng đọc tác phẩm ấy, dù các tác giả của nó không chính thức đại diện cho các giáo hội liên hệ.

Dựa vào lịch sử để tháo gỡ cơ chế chia rẽ

Mục sư Gottfried Hamman, 73 tuổi, một mục sư thuộc phái Luthêrô, người từng là thành viên của nhóm 25 năm qua, cho hay: dù Nhóm lắng tai nghe nhau trong tinh thần cởi mở, nhưng căng thẳng vẫn là điều không thể tránh được. Vì “chúng tôi không hiện diện ở đó để chơi trò ngôn ngữ hỏa mù (langue de bois) cũng không để vun sới một hình thức ngoại giao đại kết”.

Ông nói tiếp: “Điều làm tôi say mê ở đó là không khí tranh luận thường xuyên khiến chúng tôi không thể chỉ ừ hử trong các trao đổi của mình. Chúng tôi có cảm tưởng đang phải kéo theo mình một ông già hay cãi lý đã 400 tuổi, có khi cả 500 tuổi nữa, do đó không thể qua quít (chat sur braise) đối với các vấn đề gai góc. Phải biết cách nắm vấn đề, nghĩa là duyệt lại lịch sử các giáo hội của chúng ta để tháo rời các cơ chế hay then máy của chia rẽ, ngõ hầu ráp chúng lại một cách tốt đẹp hơn theo hướng hợp nhất” không hơn không kém.

Không phải một nhóm kỹ thuật viên!

Thực vậy, suốt hơn 70 năm qua, Nhóm Dombes đã đề cập tới rất nhiều điểm từng gây chia rẽ giữa người Thệ Phản và người Công Giáo. Trước nhất, trên bình diện giáo hội học, người ta hiểu ra sao khi nghe hạn từ “Giáo Hội”?, và nhất là các chủ đề gây tranh cãi về thẩm quyền, về việc kế thừa các tông đồ hay về hiệp thông các thánh. Rồi trong thập niên 1970, nhiều tài liệu đã đem ra ánh sáng các điểm thỏa thuận giữa các giáo hội về các khía cạnh chủ yếu của đức tin: Phép Thánh Thể, Chúa Thánh Thần, các thừa tác vụ… Thập niên 1990 được đánh dấu bằng các công trình nói về việc hồi tâm của các giáo hội, tiếp theo là tài liệu sáng giá về Đức Maria. Vốn chủ yếu nhằm đánh giá lại khuôn mặt thánh mẫu trong phong trào Thệ Phản của 10 năm trước đó, tác phẩm này đã được Phân Khoa Thần Học Marianum ở Rôma trao giải thưởng vào năm 2001.

Người ta tự hỏi làm thế nào Nhóm đã đạt được kết qủa tích cực như trên, khi họ thường gặp nhau trên căn bản hoàn toàn đồng đều: mỗi bên 20 thành viên bằng nhau?

Linh Mục Michel Mallèvre, cựu giám đốc Văn Phòng Hợp Nhất Kitô Giáo của Hội Đồng Giám Mục Pháp, cho hay: “Điều chúng tôi sống, trước hết, là cảm nghiệm huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau. Khi bất đồng ý kiến trong một cuộc đối thoại nào đó, chúng tôi không bận tâm đi qui tụ những nhà thần học nổi bật lúc đó, mà là qui tụ những người có cùng một hoài mong thăng tiến phong trào đại kết. Chúng tôi không phải là một nhóm kỹ thuật viên!”

Nói lại điều gì đó chung về đức tin trong ngôn ngữ ngày nay

Đối với Éric Boone, 38 tuổi, một giáo dân và hiện là giám đốc trung tâm thần học tại Poitiers, chính nét đa dạng của Nhóm đã lôi cuốn ông. Ông nói: “Giữa chúng tôi, có cả những nhà thần học cao thế (de haut vol) lẫn những mục tử ở dưới đất, điều này giúp chúng tôi tháo gỡ được nhiều vấn đề cụ thể, chúng tôi có được sự cọ sát lý thú giữa một nền thần học khó tính và nỗi lắng lo của các tín hữu”. Mặt khác, theo ông, “Sinh hoạt thần học, linh đạo và huynh đệ luôn nối kết chặt chẽ với nhau trong các tranh luận của chúng tôi”. Cầu nguyện chung, tranh luận, mà còn ăn chung và làm các bổn phận hàng ngày chung với nhau nữa. Hay nói theo một thành viên khác: “Khi đã rửa chén với nhau rồi, thì đâu còn đối thoại với nhau như trước nữa!”.

Theo Matthias Wirz, thành viên của cộng đoàn đan sĩ đại kết ở Bose, Ý, thì nét “chân thực” được sống chung kia giúp người ta đề cập không dè dặt “các vấn đề gây bối rối”, ngay cả khi “chúng tôi bị thương tổn chỉ vì các bất đồng mạnh mẽ”. Bất chấp là công việc gì, thì thủ tục sau vẫn được áp dụng: một khi đã chọn chủ đề nào rồi, thì hai nhà thần học, thường là một Công Giáo, một Thệ Phản, sẽ được mời để trình bày đóng góp của mình cho mọi người trong Nhóm. Tài liệu thảo luận sau đó sẽ được cả Nhóm duyệt lại và tu sửa, ngõ hầu mỗi người có thể ký nhận bản văn cuối cùng trong linh hồn và lương tâm mình. Cuốn “Kinh Lạy Cha”, xuất bản năm 2010, chẳng hạn, đã được duyệt đi duyệt lại 4 lần và cần tới 25 năm thai nghén mới cho ra đời được. Cha Mallèvre giải thích: “Cái thách đố là với những mẫn cảm và kinh nghiệm rất khác nhau của chúng tôi, mà chúng tôi vẫn đạt tới việc nói lại được một điều gì đó chung về đức tin trong ngôn ngữ ngày nay”.

Phong trào đại kết ngày mai sẽ không còn nhất thiết bước theo các biên giới tuyên tín nữa

Élisabeth Parmentier, nữ thần học gia Thệ Phản, một trong các phụ nữ đầu tiên tham gia Nhóm từ năm 1998, cho rằng: “Từ Công Đồng Vatican II, việc đối thoại giữa các giáo hội đã có những bước tiến lớn, cả trên bình diện phụng vụ, lẫn mục vụ và thừa tác vụ… Ngày nay, các giáo hội cần phải can đảm vượt thêm một bước nữa để ký kết các tuyên bố chung, hiện nay, họ vẫn còn sợ sệt”. Theo bà, “điều quan trọng là các giáo hội phải cho thấy một dấu chỉ hữu hình của hợp nhất, việc hòa giải phải là một điều gì đó cụ thể đối với người ta. Việc ấy vẫn còn là một con đường mênh mông, theo nghĩa phong trào đại kết của ngày mai sẽ không bó buộc phải bước theo các biên giới tuyên tín nữa”.

Theo bà, thực ra, một người cải cách vẫn có thể cảm thấy mình gần gũi với người Công Giáo có tinh thần hòa giải hơn là với một người thệ phản cực đoan, và ngược lại. Theo mục sư Marc Chambron, ở tận đáy, các bất đồng lớn giữa người Thệ Phản và người Công Giáo không còn hệ ở việc đưa ra một “đức tin chung” cho bằng “ở cách sống trong tư cách Giáo Hội và ở các lựa chọn luân lý hay đạo đức”.

Về Đức Maria

Giữa người Thệ Phản và người Công Giáo, các quan điểm đang bắt đầu chuyển động. Tài liệu mới đây về Đức Mẹ của Nhóm Dombes là một dấu hiệu khích lệ, không hẳn vì nó đã xóa đi hết các bất đồng, cho bằng, như lời một trong các tác giả phát biểu, người ta vẫn có thể hiệp thông mà không cần phải chia sẻ cùng một niềm tin độc dạng. “Chúng ta tin không phải theo lối hòa giải mà là theo lối chào đón nhau”. Việc chào đón nhau này phải trở thành khả hữu khi nói tới địa vị mà mỗi bên vốn nhìn nhận đối với Đức Maria trong ý định của Thiên Chúa, bất chấp các khác biệt.

Đó chính là mục tiêu của tài liệu vừa nhắc. Tuy không vượt qua được tất cả các vấn đề tranh cãi: việc cộng tác của Đức Maria vào ơn cứu rỗi, việc ngài trọn đời đồng trinh, việc ngài Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu, hay việc tôn kính ngài, nhưng các tác giả đã đạt được kết luận này: không vấn đề nào trong các vấn đề ấy biện minh được các chia rẽ giữa các giáo hội.

Để làm cho cuộc tranh luận có thể tiến triển, Nhóm Dombes đã sử dụng hai nguyên tắc được mọi người công nhận: công chính hóa nhờ ơn thánh do đức tin ban cho, một nguyên tắc bất khả xâm phạm của Thệ Phản, và phẩm trật các chân lý, một nguyên tắc do Vatican II đề ra. Nguyên tắc đầu tiên giúp đạt được thỏa thuận chủ yếu về việc cộng tác của Đức Maria vào công trình cứu rỗi: Đức Maria tham dự vào công trình ấy không phải từ phía Đấng Cứu Thế, mà từ phía người được cứu. Nguyên tắc thứ hai, một nguyên tắc không đặt mọi tuyên phán về đức tin trên cùng một bình diện, đã loại bỏ việc coi đức tin và lòng sùng kính Thánh Mẫu như những tiêu chuẩn dứt khóat để được nhận vào đức tin Kitô Giáo.

Trở ngại cho hợp nhất

Hãy lấy hai tín điều gây tranh cãi: tín điều Vô Nhiễm Thai và tín điều Mông Triệu, hai tín điều chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của Thệ Phản. Nhưng thử hỏi người ta có nên đi quá xa biến chúng thành trở ngại cho hợp nhất? Nhóm Dombes trả lời một cách rõ ràng rằng không. Cho dù giáo hội Rôma có coi chúng như thành phần cấu tạo ra đức tin của mình, thì các tín điều này vẫn không phải là lò lửa (foyer incandescent) của đức tin ấy, tuy không xa lạ với nó. Chứng cớ: đức tin vẫn được phát biểu trong nhiều thế kỷ trong đó hai tín điều kia chưa được xác định và buộc phải tin. Chúng mới chỉ được tuyên bố sau cuộc phân ly. Chính vì thế, đâu có ai buộc người Thệ Phản phải tin theo một cách chính thức.

Nhóm Dombes nhận định như sau: “Trên bình diện tín lý, việc công bố hai tín điều Vô Nhiễm Thai và Mông Triệu chỉ liên quan tới giáo hội Rôma là người đã lên công thức cho chúng. Vì giáo hội này tự ý dấn thân vào các lời tuyên bố riêng dựa vào nguyên tắc “phẩm trật các chân lý”, nên nó hẳn phải nhìn nhận rằng hai tín điều này, vì không thuộc biểu thức chung của đức tin lúc phân ly, nên không thể buộc các Kitô hữu khác được”. Và Nhóm này nói thêm: “Không nên coi điều chưa phải là vấn đề đức tin mà chỉ là ý kiến thần học trong Giáo Hội suốt 19 thế kỷ qua như là điểm phân ly trong thế kỷ 20”.

Ngược lại, người Thệ Phản “không nên phán đoán rằng chúng trái ngược với tin mừng hay đức tin, mà chỉ nên coi chúng như hậu quả tự do và chính đáng của lương tâm Công Giáo đối với sự gắn bó của đức tin”. Họ cũng nên “chấp nhận rằng các anh em Công Giáo của họ coi chúng như các tín điều của đức tin”, và việc giải thích của họ “không có điều gì mâu thuẫn với việc loan báo Tin Mừng… Theo chiều hướng này, các tín điều kia không phát sinh ra dị biệt phân cách”. Người Thệ Phản cũng được mời gọi “bước ra khỏi sự dè dặt khôn ngoan của họ và trả lại cho Đức Maria địa vị chân chính của ngài trong cái hiểu của đức tin và trong lời cầu nguyện của Giáo Hội”.

Nói lên các xác tín của mình

Nhóm Dombes đóng vai trò người tiên phong. Nhưng đối với mỗi vấn đề còn tranh cãi, Nhóm dành cho các thành viên thì giờ để họ nói lên các xác tín của riêng mình. Chính nhờ thế, nhiều thiên kiến đã được loại trừ. Nhưng Nhóm không hoàn toàn tập chú vào suy tư thần học. Trở ngại còn có tính “xúc cảm” nữa. Nên mỗi người đều được mời gọi thay đổi thái độ, trở lại không phải với quan điểm của người khác mà là với việc lắng nghe một cách trung thành hơn Lời của Thiên Chúa, trong sự tôn trọng những gì Chúa Thánh Thần nói cho người khác hay nhờ người khác nói với ta. Về Đức Maria, một xác tín chung đã phát sinh trong Nhóm, đó là “Mọi công trình của chúng tôi đã chứng minh rằng nơi Đức Maria, không có điều gì cho phép chúng tôi biến ngài thành biểu tượng cho điều đang phân rẽ chúng tôi”.