Assisi, tâm điểm của phong trào hòa bình

ROMA – Ngày 27-10 tới, đền thánh thánh Phanxicô thành Átxidi (Assisi, Ý) sẽ trở thành tâm điểm của phong trào hòa bình theo dấu chân của ĐTC Gioan Phaolô II, 25 năm sau: cuộc gặp được trình bày sáng 18-10 tại Vatican bởi Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hòa bình, trong một buổi họp báo.

Đây sẽ là một "Ngày của suy tư, đối thoại, và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới".

ĐTC Biển Đức XVI đã mời các Giáo hội Kitô giáo, đại diện các tôn giáo trên thế giới và các nhân vật không theo tín ngưỡng nào, chẳng hạn bà Julia Kristeva trong phái đoàn Pháp.

ĐTC Biển Đức XVI sẽ khởi hành lúc 8 giờ sáng từ Vatican, bằng xe lửa, nhờ một đoàn xe lửa của Ý, và Ngài sẽ trở về lúc 20g30.

Ngày trước đó sẽ được chuẩn bị với một buổi cử hành Lời Chúa, lúc 10g30, tại Quảng trường Thánh Phêrô, thay cho cuộc triều yết chung như thường lệ. Cùng tham dự với ĐTC Biển Đức XVI sẽ có các cộng đồng thuộc giáo phận Roma của Ngài.

Đại diện của các Giáo Hội Đông phương sẽ chia thành 17 phái đoàn. Thượng Phụ Bartholomew I sẽ hướng dẫn phái đoàn của Phanar. Và Đức Tổng Giám mụcAleksandr sẽ đại diện Thượng Phụ Cyril I của Toà thượng phụ Mátxcơva. Các phái đoàn khác đến từ Tòa Thượng phụ Chính Thống Syria, Giáo Hội Tông đồ Armenia, Giáo Hội Chính Thống Syro-Malankara và Giáo Hội Asssyria Đông phương.

Đại diện của các Giáo Hội Tây phương sẽ chia thành 19 phái đoàn, trong đó có Cộng đồng Anh giáo và dẫn đầu phái đoàn là Giáo chủ Tổng Giám Mục Canterbury, Rowan Williams, Liên đoàn Luthêrô thế giới, Liên Hiệp Thế giới các Giáo Hội Cải cách, Hội đồng Thế giới Methodist.

Trong số các đại biểu của các tôn giáo khác, người ta loan báo một phái đoàn đại diện cho thế giới Do Thái quốc tế, trong đó có một phái đoàn của Đại giáo trưởng của Israel.

Đại diện các tôn giáo khác sẽ là 176 vị, trong đó có 48 đại diện Hồi giáo, bao gồm một đại diện của Saudi Arabia, và Chủ tịch người Hồi giáo vùng Caucasus, và trong phái đoàn Pháp có Chủ tịch Hội đồng Phụng tự Hồi giáo ở Pháp, Ngài Mohammed Moussaoui. 11 đại biểu Hồi giáo đã hiện diện ở Átxidi vào năm 1986, và 32 vị vào năm 2002, để tham dự ngày cầu nguyện và ăn chay theo sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001: và lần này có 50 đại biểu Hồi giáo cho ngày 27-11 tới.

Trong đoàn đại biểu Ấn Độ giáo, người ta biết có sự hiện diện một cháu trai của Ngài Mahatma Gandhi, và cháu trai này cũng đã tham dự cuộc gặp hồi năm 1986. Cũng sẽ có mặt các đại diện của người Sikh, người theo Bái hoả giáo (Zoroastrianism), Phật tử, môn đồ của Khổng giáo, người theo Thần đạo, và đại diện các tôn giáo truyền thống của châu Phi và châu Mỹ.

Nhưng việc gì qui tụ các vị lại một nơi như thế? Đó là sự mong muốn "suy tư chung với nhau", và đồng ý với nhau về một "lời hứa", nhằm huy động mọi người một lần nữa vì hòa bình trên thế giới.

Các người không theo tôn giáo nào cũng sẽ có chỗ đứng của họ trong cuộc gặp gỡ này, theo ý muốn của ĐTC Biển Đức XVI, phù hợp với sự kiện "Sân của các dân ngoại", được thúc đẩy bởi Hội đồng Toà thánh về Văn hóa. Họ đại diện cho tính "phổ quát" của các giá trị lớn lao của nhân loại.

Cùng tham dự cuộc họp báo với Đức Hồng Y Turkson, có Đức Cha Mario Toso, Dòng Don Bosco (SDB), Tổng thư ký Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hòa bình, Đức Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata, Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về Đối Thoại Liên Tôn, Linh mục Andrea Palmieri, Trưởng phòng Đông phương của Hội đồng Tòa thánh về Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu, Đức Giám Mục Melchor José Sanchez de Toca y Alameda, Thư ký Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, và linh mục Jean-Marie Laurent Mazas, giám đốc văn phòng "Sân của các dân ngoại" thuộc Hội đồng Tòa thánh về Văn hoá. (ZENIT.org 18-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa