HUYỆN TÂN HỒNG, TỈNH ĐỒNG THÁP 17.10.2011 - Để chia sẻ phần nào những thiệt hại và những khó khăn mà những người dân ở vùng Đồng Tháp Mười đang bị lũ lụt nặng, đặc biệt là những người ở khu vực biên giới xa xôi phải gánh chịu, Tòa Giám mục và Caritas Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức đoàn cứu trợ đến thị trấn Sa-Rài và xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 17 tháng 10 năm 2011. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận và phái đoàn đến với bà con vùng lũ để thăm gặp, động viên tinh thần và chia sẻ những phần quà tuy nhỏ nhưng giúp bà con phần nào vượt qua những khó khăn trong mùa lũ đang dâng cao nhất.

Xem hình ảnh

Năm nay “Bà Thủy” có vẻ “ưu ái” Á Châu nên “viếng thăm” Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cách “trọng thể”, và cũng ở lại lâu tạo nhiều ngập lụt cho các nước này. Riêng ở Việt Nam đang bị lũ lụt nặng tại miền Trung và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long thuộc các tỉnh niềm Tây Nam Bộ. Đồng Bằng Sông Cửu Long có 2 vùng trũng sâu nhất nên bị ngập nặng nề nhất đó là Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Trong Giáo phận Mỹ Tho có Đồng Tháp Mười nằm ở khu vực giáp ranh 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Vùng Đồng Tháp Mười thường bị ngập, bà con nông dân sống trong vùng này thường rất nghèo nên càng thêm cơ cực khi mùa nước đến; vì thế, họ rất cần được quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt. Năm nay lũ dâng cao, đỉnh lũ gần bằng đỉnh lũ cao nhất của năm 2000 mà nhiều người vẫn còn nhớ, điều này đủ hình dung những khó khăn đang chồng chất thêm trên vai của những người nghèo sống chung với lũ.

Đức Cha đã quan tâm đặc biệt đến những người dân và các giáo xứ trong vùng bị lũ lụt. Đức Cha thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức ngay từ đầu mùa lũ qua các phương tiện truyền thông, để yêu thương chăm sóc và có những chỉ đạo kịp thời. Tấm lòng của vị Chủ Chăn còn muốn thể hiện nhiều hơn nữa, ngài muốn đến tận nơi xa xôi và khó khăn nhất để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những khó khăn vất vả của người dân vùng lũ. Chính vì thế, sáng sớm ngày 17 tháng 10 năm 2011, Đức Cha và phái đoàn cứu trợ đã khởi hành từ Tòa Giám mục vào lúc 6 giờ để trực chỉ Sa-Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Phái đoàn gồm có: Đức Cha, Cha Giám đốc Caritas Giacôbê Hà Văn Xung, Cha Giám đốc Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha G.B. Nguyễn Nhựt Cương, Dì Anna Nguyễn Thị Ngọc Hương và 3 thành viên Caritas khác. Khi xe đến Giáo xứ Bà Tồn thì đón thêm Cha Phó Giám đốc Caritas Tôma Thiện-Trần Quốc Hưng và 2 thành viên Caritas khác.

Xe của đoàn đến ngã 3 An Hữu (gần cầu Mỹ Thuận) thì rẽ phải để trực chỉ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Khi xe chạy ngang qua các cây cầu dọc theo đường đi, nhìn xuống các dòng sông đã thấy nước chảy cuồn cuộn đục ngầu và dâng khá cao, mặc dù những con sông này nằm ở hạ nguồn sông Mêkông. Điều này đủ giúp phái đoàn suy đoán và ý thức tình trạng ngập lụt nặng hơn, ở những nơi mà phái đoàn sắp đến trên thượng nguồn sẽ như thế nào.

Khi xe vừa ra khỏi thành phố Cao Lãnh chạy theo Quốc lộ 30 được một chút, thì phái đoàn gặp sự khó khăn đầu tiên của vùng đỉnh lũ: nước ngập đã tràn qua khỏi mặt lộ nhựa và gây hư hại, xe chạy thật chậm để từ từ đi qua. Có vài đoạn đường bị ngập như vậy, mặc dù mặt đường được làm rất cao dựa theo mực nước lũ của năm 2000 để làm đường. Nhà dân ở 2 bên đường đã bị ngập, trừ những nhà sàn có chân cao trên mặt nước.

Đến ngã 3 Thanh Bình của huyện Thanh Bình thì xe rẽ phải về hướng Tràm Chim của huyện Tam Nông. Đây là vùng đất nỗi tiếng du lịch với “Vườn quốc gia Tràm Chim” thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, là một khu đất ngập nước nhưng có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ, một loài chim cực kỳ quý hiếm, có tên trong sách đỏ.

Mặc dù đường không bị ngập vì được làm cao, nhưng nước cũng lé đé 2 bên. Qua khỏi huyện Tràm Chim thì xe của đoàn đến huyện Tân Hồng. Đây là vùng đỉnh lũ thật sự khi nhìn qua kính xe thấy 2 bên đường nước mênh mông như biển, nhìn múc tầm mắt. Đó đây chỉ lác đác vài ngọn cây bạch đàn nhô lên khỏi mặt nước, như những mũi tên muốn phóng lên để tránh cơn lũ đang phẫn nộ cuồn cuộn chảy xiết bên dưới như muốn quật ngã, muốn cuốn trôi mọi thứ nó đi qua. Thật là khủng khiếp! Dọc đường lộ có những túp lều tạm bợ của những người dân ra chỗ cao tránh lũ. Trâu bò, gà vịt cũng được đưa đi tránh lũ ở dọc 2 bên đường nhựa, làm cho đường giao thông bị nhỏ hơn và chật hẹp hơn.

Đúng 10 giờ 15 phút, xe của phái đoàn tiến vào cổng của Nhà thờ Tân Hồng sau khi vượt qua chặng đường gần 200km. Cha Sở Tôma Phan Ngọc Phương và Cha Phó Phaolô Phạm Thế Hạnh đã ra chào đón Đức Cha và phái đoàn cứu trợ. Cha Sở cho biết bà con giáo lương giáo đã có mặt gần như đầy đủ. Sau khi bắt tay chào và hỏi thăm hai cha. Đức Cha và phái đoàn vào nhà thờ viếng Chúa và cầu nguyện. Sau đó, Cha Sở Tôma tập hợp bà con ở nơi phát quà cứu trợ và điều động quý ông trong Ban Mục Vụ Giáo xứ chuẩn bị các việc còn lại để Đức Cha và phái đoàn phân phát quà.

Trước khi phát quà, Đức Cha và Cha Giám Đốc Caritas phát biểu bày tỏ sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ trong tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam gởi đến bà con vùng lũ. Món quà không lớn nhưng gói trọn biết bao tấm lòng dành cho bà con giúp động viên tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn mùa nước lũ. Các phần quà gồm: gạo, mì gói, nước tương và tiền mặt; mỗi phần quà trị giá 300.000VNĐ. Sau đó, vị đại diện chính quyền địa phương và Cha Sở phát biểu cám ơn Đức Cha và phái đoàn đã có lòng tốt đến cứu trợ cho bà con địa phương.

Trong lúc chuyện trò với Cha Sở Tôma thì Cha cho biết, nếu không có đê bao chung quanh khu dân cư thì tất cả nhà dân chìm trong biển nước, nhà thờ cũng sẽ bị ngập. Nếu đứng trong nhà thờ Tân Hồng thì nước sẽ lên đến ngang ngực. So sánh mực nước bên ngoài đê bao với mặt đất bên trong đê cách nhau 2,3m nước. Nhờ ở trong đê bao nên người và nhà cửa được an toàn, nhưng ruộng đồng bị ngập và mùa lúa vụ 3 của họ bị mất trắng, cái đói và chuyện học hành của con cái họ đang gặp khốn khó.

Sau khi phát quà ở Nhà thờ Tân Hồng thuộc thị trấn Sa Rài vừa xong. Phái đoàn lên xe ngay đi đến Nhà thờ Gò Da thuộc xã Bình Phú, để tiếp tục cứu trợ vì bà con ở đó cũng đang chờ. Nhà thờ Gò Da cách nhà thờ Tân Hồng khoảng 3km, nên chỉ mất 15 phút là phái đoàn đến nơi. Họ đạo Gò Da có hơn 200 giáo dân, gốc là người Quãng Nam di cư vào Nam trong thời gian chiến tranh. Họ rất siêng năng và cần cù làm ruộng nên đời sống cũng kha khá một tí, nên việc cứu trợ ở đây được dành hầu hết cho bà con ngoài Công giáo.

Cũng giống như lần phát quà đầu tiên, Đức Cha và phái đoàn vào nhà thờ viếng Chúa và cầu nguyện. Tiếp theo, Đức Cha và Cha Giám Đốc Caritas phát biểu ngắn gọn nhưng đầy tâm tình động viên và chia sẻ gởi đến bà con vùng lũ. Về phía chính quyền địa phương cũng có vị đại diện phát biểu cám ơn Đức Cha và phái đoàn cứu trợ. Sau đó, các phần quà được phân phát cho bà con theo các phiếu cứu trợ đã được phân phát trước. Tổng cộng có 100 phần quà được phát ra ở 2 nơi nói trên.

Nhìn bà con nông dân chơn chất, đặc biệt là những cụ già lớn tuổi đến nhận quà cứu trợ bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn, làm cho Đức Cha và mọi người trong đoàn như quên đi những mệt nhọc vượt chặng đường xa đến với bà con nơi đây. Mọi người cảm thấy ấm lòng hơn và lớn mạnh hơn trong tình yêu thương nối kết với nhau và với Chúa. Càng gặp gỡ chia sẻ thì càng thêm yêu thương và hạnh phúc, đặc biệt là giúp nhau trong lúc hoạn nạn như thế.

Chia tay với bà con sau khi phát quà, phái đoàn trở về nhà thờ Tân Hồng vào lúc giữa trưa để dùng cơm chung với Cha Sở Tôma và Cha phó Phaolô. Cha Sở chuẩn bị cơm trưa cho Đức Cha và phái đoàn bằng các món ăn bình dân đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ: Cá Mè Dinh kho, chiên và nấu canh chua rau muống. Bữa ăn và các câu chuyện quanh bàn ăn thấm đượm tình yêu thương và gần gũi hơn với người dân vùng lũ lụt xa xôi nhất của Giáo phận.

Sau cơm trưa, vào lúc 13 giờ 15 thì phái đoàn chia tay Cha Sở, Cha phó, Ban Mục Vụ Giáo xứ và bà con để trở về Tòa Giám mục. Mọi người nhìn theo chúng tôi như muốn nhắn gởi thêm những tâm tình quí mến và biết ơn. Chúng tôi ra về trong ánh nắng chói chang làm cho cái nóng ở vùng đất cát này như nóng hơn, như càng làm cho con người nơi đây thêm khắc khổ hơn. Dọc đường thì chúng tôi gặp mưa; trời cứ như trêu ghẹo con người vùng lũ vậy. Cơn mưa trút nước làm chúng tôi không yên, càng thêm phần lo lắng cho bà con sống ở vùng lũ lụt mênh mông biển nước.