ĐTC Biển Đức XVI: ‘Lời Chúa tiếp tục phát triển và lan truyền’

Vatican - "Lời Chúa tiếp tục phát triển và lan truyền, mặc dù Lời Chúa thường tìm thấy một vùng đất bị chi phối bởi "sự đóng cửa và bị từ chối, cách suy nghĩ và lối sống xa rời việc tìm kiếm Thiên Chúa và sự thật", - ĐTC Biển Đức XVI nói như thế, khi kết luận cuộc họp được tổ chức bởi Hội Đồng Toà thánh về Cỗ vũ Tân Phúc Âm hoá, tại Vatican ngày 14-10, dưới sự chủ toạ của Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella.

ĐTC Biển Đức XVI đã giải thích rằng Hội đồng mới này, mà Ngài thành lập năm ngoái, "được mời gọi cung cấp sự trợ giúp đặc biệt cho việc truyền giáo mới của Giáo Hội, đặc biệt là ở những quốc gia có truyền thống Kitô giáo xưa, mà dường như đã trở thành dửng dưng hoặc thậm chí thù địch với Lời Chúa nữa".

ĐTC Biển Đức XVI nói: “Con người hiện đại thường nhầm lẫn và không thể tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi, vốn gây rắc rối tâm trí của mình, trong việc qui chiếu với ý nghĩa của cuộc đời và các vấn đề phát sinh trong sâu thẳm trái tim của mình" .. "Con người không có thể tránh các câu hỏi này, vốn chạm vào ý nghĩa thật sự của bản ngã và thực tại, cũng như không thể sống trong một chiều kích duy nhất. Thay vào đó, con người thường xuyên loại bỏ chính mình khỏi sự tìm kiếm ý nghĩa thiết yếu của cuộc sống, trong khi quay qua các điều khác, vốn tạo cho mình hạnh phúc thoáng qua, sự thoả mãn chốc lát, nhưng sớm làm cho con người không hạnh phúc và không hài lòng".

Ngài giải thích: “Tuy nhiên, Lời Chúa tiếp tục phát triển và lan truyền, trước tiên bởi vì sức mạnh của Lời Chúa không phụ thuộc thiết yếu vào hành động của chúng ta, phương tiện của chúng ta, việc ta làm, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng che giấu quyền lực của mình dưới các dấu hiệu của sự yếu đuối, vốn hiện diện trong ‘làn gió hiu hiu buổi sáng’ (x. 1 V 19:12), được mặc khải trong gỗ của Thánh Giá".

“Thứ hai, bởi vì Lời Chúa luôn luôn ‘rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả’ (x. Mt 13,3-9). Và các vị giảng thuyết mới là một phần của lĩnh vực này, cho phép Tin Mừng phát triển phong phú, và biến đổi cuộc sống của họ và cuộc sống của những người khác".

Và cuối cùng, bởi vì "việc công bố Tin Mừng đã lan rộng đến tận cùng của thế giới, và ngay cả giữa sự dửng dưng, sự hiểu lầm, sự bách hại, ngày nay nhiều người tiếp tục can đảm mở trái tim và mở lòng họ ra, để chấp nhận lời mời của Chúa Kitô đến gặp Ngài và trở thành môn đệ của Ngài”.

Các nhà truyền giáo mới và những người chấp nhận Chúa Giêsu "không gây ồn ào, nhưng là giống như hạt cải trở thành một cái cây, nắm men làm bột dậy lên, hạt lúa mì vỡ ra để làm phát sinh ngũ cốc”.

Sau đó, ĐTC Biển Đức XVI cung cấp một "phác thảo" của việc Tân Phúc Âm hoá: "Thế giới ngày nay cần các người nói với Thiên Chúa, nói về Thiên Chúa, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng Chúa Giêsu đã không cứu chuộc thế giới với những từ ngữ đẹp hoặc bằng các phương tiện phô trương, nhưng bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Luật của hạt lúa mì chết trong lòng đất vẫn có hiệu lực ngày nay, chúng ta không thể cung cấp sự sống cho người khác, mà không trao ban sự sống của chúng ta, và như Chúa nói ‘ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy’ (Mc 8,35)".

Ngài kết luận: “Làm người truyền giáo không phải là một đặc quyền mà là một nghĩa vụ, xuất phát từ đức tin. Trước câu hỏi mà Chúa đặt ra cho mọi Kitô hữu: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho Ta?’, anh chị em hãy trả lời cùng với một sự can đảm và lòng tin tưởng như ngôn sứ Isaia: ‘Dạ, con đây, xin sai con đi’ (Is 6,8)". (AsiaNews 15-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa