Chiều thứ Năm 9/6, cộng sản Trung quốc đã tố cáo Việt Nam “xâm phạm nghiêm trọng” chủ quyền lãnh thổ của nước này và gây đe dọa sinh mạng của các thủy thủ Trung quốc trong một vụ tranh cãi lãnh thổ đang gây căng thẳng mỗi lúc mỗi sâu rộng về vấn đề vùng biển phía Nam Trung Hoa.

Bản tiếng Anh: China accuses Vietnam in escalating sea tensions (Reuters)

Tầu Ngư Chính 311 của Trung quốc
Tầu Viking II của Việt Nam thuê
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung quốc Hong Lei đã kịch liệt lên án Việt Nam sau khi chính Việt Nam cũng tố cáo Trung quốc vài giờ trước đó là đã tấn công và cắt cáp của tàu Viking II đang tiến hành thăm dò dầu khí trong hải phận Việt Nam.

Trung quốc đã tranh cãi kịch liệt với cả Việt Nam và Phi Luật Tân trong vài tuần gần đây về chủ quyền lãnh hải. Mặc dù khả năng một cuộc đụng độ quân sự rất thấp, căng thẳng có thể dẫn đến những rắc rối về ngoại giao trong khu vực và có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc. Hoa Kỳ trong năm qua đã bày tỏ quan ngại về ý muốn bành trướng về phía Nam của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Hong Lei của Trung quốc nói rằng cường quốc này đã là “nạn nhân” của vụ đối đầu mới nhất trong đó tàu bè của Trung quốc đã bị tàu Việt Nam dùng dây cáp lôi đi hơn một giờ đồng hồ trên biển.

“Tàu Việt Nam đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng và sự an toàn của các ngư phủ Trung quốc,” Hong Lei tuyên bố trong một thông cáo chính thức của Bắc Kinh trên mạng của Bộ Ngoại Giao Trung quốc (www.mfa.gov.cn).

Ông ta cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận mà Trung quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.

“Cần phải chỉ ra rằng qua việc tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển Wan-an và quần đảo Trường Sa và xua đuổi tàu đánh cá Trung quốc, Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và những quyền lợi hải dương của Trung quốc, ” Hong Lei tuyên bố như trên.

“Trung quốc buộc Việt Nam phải ngưng tất cả mọi vi phạm ngay lập tức,” Hong Lei tuyên bố như thế trong khi nhấn mạnh rằng Việt Nam “không nên đưa ra các hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng phạm vi tranh cãi”

Trung quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trong vùng biển Nam Hải, nhiều phần trong vùng có trữ lượng dầu hỏa và khí đốt rất cao.

Đến nay, Trung quốc là nước xí phần lớn nhất, tạo thành hình chữ U rộng mênh mông đến 648,000 dặm vuông tức là 1.7 triệu cây số vuông bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Hoa Kỳ, cường quốc quân sự bá chủ trong vùng Thái Bình Dương với các căn cứ hải quân tại Nhật và Nam Triều Tiên, đã can thiệp vào những căng thẳng trên biển với Trung quốc vào năm ngoái sau khi Washington nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này cho một giải pháp đa phương cho những trang cãi phức tạp về lãnh thổ trong vùng.

Bắc Kinh trong khi đó lại muốn đạt đến những hiệp định song phương với từng nước riêng rẽ.

Hôm thứ Năm, Việt Nam tố cáo rằng trong vòng chỉ có hai tuần, Trung quốc đã hai lần sách nhiễu các tầu thăm dò của Việt Nam. Việt Nam trình bày một phiên bản của nội vụ rất khác với những gì do Trung quốc đưa ra:

“Một tàu đánh cá Trung quốc dùng một ‘thiết bị cắt cáp’ để tấn công những cáp ngầm dưới nước của một tầu do Việt Nam thuê để thăm dò dầu khí đã bị mắc kẹt giữa những cáp này. Tầu thăm dò của Việt Nam lúc đó đang hoạt động hoàn toàn trong khu vực thềm lục điạ Việt Nam và trong vùng đặc khu kinh tế của vùng bờ biển phiá Nam Việt Nam,” phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố.

“Hai chiếc tàu khác của Trung quốc đã xông vào tiếp cứu.”

Phi Luật Tân cũng tố cáo 6 lần Trung quốc xâm phạm chủ quyền nước này trong đó có một vụ hồi tháng Ba vừa qua khi hai tầu tuần duyên Trung quốc định húc chìm một tầu thăm do của Phi Luật Tân.