Đến một ngày kia, khi chúng ta đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời mình. Chúng ta biết cánh cửa sẽ được mở ra, cho ta đi vào. Cánh cửa mở ra cho ta vui sống và ước mơ. Hơn thế, cánh cửa mở ra con đường là Đức Giêsu Kitô trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Nhưng thật là đau lòng cho những ai không nghe tiếng của Thiên Chúa mà lại nghe tiếng lạ.

Thời đại ngày ngày nay có rất nhiều tiếng lạ. Tiếng lạ của thời đại đến với chiêu bài của mốt thời trang (mode). Tiếng lạ của internet đang ở thành thị đã về tới nông thôn, suốt ngày suốt đêm trẻ em cũng như người lớn chơi game và chat, không còn có biết 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm nữa. Rồi tiếng lạ đem theo những văn minh, nhưng là văn minh của sự chết; văn hóa nhưng là văn hóa của tử thần. Tiếng lạ dạy mẹ giết con từ trong bụng. Tiếng lạ dạy người ta đua đòi để hưởng tình dục như là một nhu cầu tự nhiên mà không biết gì đến đạo đức. Tiếng lạ dạy cho giới trẻ ngày nay biết đủ mọi thứ lương: lương thực, lương thảo, lương khô, lương bổng, lương khoán, lương tháng... mà không biết đến lương tâm. Tiếng lạ dạy người ta đủ thứ tin: tin đồn, tin tức, tin học, tin tức, tin vịt, tin vắn... mà không biết đến Tin Mừng. Những tiếng lạ đó vẫn đang tiếp tục cuốn theo chiều gió khiến cho bao nhiêu là bạn trẻ lao theo bạo lực học đường, nói tục chửi bậy. Những tiếng lạ đó tạo ra đủ mọi con đường: đường phố, đường sông, đường đất, đường cao tốc, đường băng, đường nhựa, đường cát, đường kính, đường hóa học, đường mía, đường mật... mà Chúa Giêsu xưng mình là đường (Ga 14, 6), thì các bạn trẻ lại không biết. Cho nên giới trẻ ngày nay, nếu không cẩn thận sẽ nghe tiếng lạ và đó chính là nguy cơ khiến cho nhiều bạn trẻ ngày nay đánh mất mình. Chúng ta hãy trở về với Chúa đi. Tiếng của Chúa là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào thì được sống. Vì vậy, nếu chúng ta không lắng nghe tiếng Chúa làm cửa công chính để chúng ta qua đó mà vào và sống mà chúng ta đi tạt ngang theo tiếng lạ là chúng ta đánh mất chính mình.

Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành tuần trước, Chúa nhật ngày 15.4.2011, chúng ta đã được nghe bài Tin Mừng nói về mối tương giao giữa Chúa Giêsu với dân riêng của Chúa là dân Do Thái. Có một hình ảnh thật là thân thương mà Chúa Giêsu đã chọn. Đó là hình ảnh của người mục tử đối với đàn chiên (x. Ga 10, 11-18). Không ai thân thiết hơn đàn chiên trong tư cách của một người mục tử và không ai cảm nghiệm được niềm vui, thậm chí là hạnh phúc nữa. Đối với người mục tử là chính đàn chiên. Vì vậy trong mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên là một mối tương quan hữu cơ mang sự sống. Mối tương quan đó không phải là tương quan một chiều như người ta ngắm một bức ảnh, và cũng không mang tính chất một đối tượng để chiếm hữu nhưng là một mối tương quan phản chiếu tình cảm thân thiết của mục tử với đàn chiên, điều mà như người Việt Nam chúng ta không có chiên thì ví là “khuyển mã chi tình”, để thấy người mục tử coi chiên là gia tài, và thậm chí coi chiên là cả sự nghiệp của mình, coi chiên là niềm vui và hạnh phúc của mình nữa. Cho nên họ gắn bó suốt đời. Người nào mà đến với đàn chiên chỉ lăm le để xén lông và giết thịt, thì người đó chẳng qua là chăn thuê. Cho nên mối tương quan đầu tiên của người chủ chiên với đàn chiên là một mối tương quan bảo vệ nhau. Đàn chiên nhìn thấy chủ chiên thì sung sướng, yên tâm: “Cái roi và cái gậy của ngài, đó là điều an ủi lòng tôi” (Tv 23, 4). Gậy không để đánh chiên mà là để đánh chó sói bảo vệ cho chiên. Ngược lại, khi nhìn thấy chiên thì người chủ chiên cũng dám liều cả mạng sống vì chiên. Còn với Đức Giêsu Kitô, mối tương giao thân thiết ấy đã lấy làm hình ảnh: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14). Chừng ấy thôi đã đủ chưa? Thưa, đã quá đủ rồi. Nhưng Chúa chưa lấy làm đủ. Bởi vì, Chúa còn xưng “Ta là cửa chuồng chiên” (Ga 10, 7).

Chúa Giê su đã tự xưng “Ta là cửa chuồng chiên”. Điều đó thật sự là khiêm tốn và cho chúng ta thấy một khía cạnh khác về cánh cửa sẽ mở ra là cửa công chính, như theo lời Thánh vịnh của vua David:

“Hỡi cửa công chính, hãy nâng mình lên” (Tv 24, 7).

Các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng, người ta nói cửa công chính nâng mình lên để cho Thiên Chúa đi vào và con người được đi vào tạ ơn Thiên Chúa (x. Tv 118, 19). Cho nên hình ảnh cửa chuồng chiên mà Chúa Giêsu đón nhận, cũng còn có nghĩa nhắc cho chúng ta về cửa công chính được mở ra, để khi mỗi người đi qua cửa đó mà vào thì mới được đón nhận. Bởi thế, ai qua cửa công chính mà vào thì mới được đón nhận sự công chính và được sự sống đời đời. Vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất nối đất với trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Xin cho chúng con đừng nghe theo tiếng lạ

để rồi chúng con đánh mất chính mình.

Nhưng xin cho tiếng của Chúa vang lên trong mỗi tâm hồn chúng con

để mỗi người chúng luôn có một cuốn Tân Ước,

là cuốn Kinh Thánh và chúng con đọc Lời Chúa hằng ngày.

Trong mỗi gia đình, chúng con nhắc nhau

để mọi thành phần cùng lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Lời Chúa là Cửa Công Chính.

Xin cho chúng con được đi qua cửa,

là ngưỡng cửa Công chính của Đức Kitô

mà bước vào con đường

để chúng con được sống và sống dồi dào như lời Chúa hứa:

“Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu.

Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Amen.