HIẾN TẾ TÌNH YÊU TỰ NGUYỆN

Nếu chúng ta theo dõi, chúng ta sẽ thấy rằng, gần ngày Đức Giêsu lên Giêrusalem, những người lãnh đạo Do Thái đã ngăn cấm tất cả những ai công khai tin vào Đức Giêsu. Thậm chí người ta còn hỏi nhau: “Liệu ông Giê su có lên Giêrusalem vào dịp lễ này không?” (Ga 11, 56). Hôm nay, một khung cảnh òa vỡ. Những người ra đón Đức Giê su đã thể hiện hết một tấm lòng đơn sơ và đón Chúa. Cầm lá phất phới trên tay, họ trải áo mình lót đường cho Chúa đi. Những lễ nghi không sang trọng nhưng lại xuất phát từ những tấm lòng chân thành. Những lễ nghi không mang tính chất của hoàng triều nhưng lại thực sự như đón một vị vua đến và những lời tung hô đã minh chứng cho nội dung của cuộc rước: “Hoan hô con vua David, Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Ga 12,13).

Hơn thế nữa, khi người ta hỏi “Ai vậy?” thì dân chúng lại công khai nói lên rằng: “Đó là ngôn sứ Giêsu, người Galilea đấy” (x. Mt 21, 10-11). Một khung cảnh òa vỡ và một chứng nhân của cả một cộng đồng như thế, dù chỉ mấy ngày sau đó có người sẽ thay đổi, là sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, là dấu chứng của thời Tin Mừng Nước Chúa đã đến và đã đến giữa chúng ta. Đấng nhân danh Chúa mà đến và ở giữa chúng ta hôm nay cũng vẫn là Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Chúng ta cùng đi đón Đức Kitô, chúng ta cùng lên Giêrusalem để đi sâu vào mầu nhiệm Thương Khó và sự chết của Đức Kitô, chúng ta mới được cùng sống lại trong sự Phục Sinh của Ngài. Vì vậy, cuộc khải hoàn vào Giêrusalem hôm nay, không mang tính chất hiển trị hay là vinh quang trần thế, nhưng tiên báo một cảnh huy hoàng của sự Phục Sinh và cho chúng ta thấy Đấng Cứu Độ đã đến và ở giữa chúng ta. Khiêm tốn nhưng mạnh mẽ, đơn sơ nhưng tuyệt vời. Những tấm lòng được trải rộng, những cành lá phấp phới như thiên nhiên, như màu xanh của cây cỏ, tượng trưng cho mọi nhân đức được tung hô, được mở rộng để đón Chúa Kitô.

Khi vào thành thánh Giêrusalem, Chúa Giêsu đón nhận những lời tung hô: “Vạn tuế, Con vua David, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21,9). Ngay sau đó, Người phải trải qua những đau đớn của cuộc Thương Khó, thảm khốc và nghiệt ngã, oan uổng và đầy những bất công. Nhưng vì một tình yêu hiến tế tự nguyện, Đức Giêsu im lặng như con chiên bị đem đi làm thịt, Người không la lối, không thóa mạ, không ai nghe tiếng Người nơi công trường (x. Is 53,7). Tiên tri Isaia đã tiên báo trước về cuộc ra đi của Chúa Giêsu như vậy. Điều quan trọng hơn không phải là những hình thức đau khổ bên ngoài nhưng là cuộc hiến tế bên trong. Tại vườn Gietsimani, Chúa Giêsu đã thốt lên những lời tha thiết cho chúng ta thấy Chúa bị bỏ rơi đến tận cùng, bởi vì vai của Chúa gánh tội của nhân loại. Ánh sáng không thể chung với bóng tối. Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi của nhân loại để đóng đinh nó vào Thập giá, chính vì thế, Ngài đã cảm thấy sự cô đơn bị bỏ rơi: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con đành Cha?” (Mt 27,46). Với lời thốt lên trên Thập Giá, chúng ta thấy tội lỗi là một chướng ngại hủy diệt sự sống. Chúng ta thấy tội là một án phạt ghê gớm. Và chỉ có tội lỗi mới làm cho Con Thiên Chúa phải chết. Đó là một bản án mà lẽ ra phải được thi hành đóng đinh trên từng người và trên từng thế hệ loài người. Nhưng lời Caipha nói: “Để một người chết thay cho toàn dân thì hơn” (x. Ga 18,14), cũng đã được hiểu rằng, Đức Giêsu đã làm như thế để chết thay cho toàn nhân loại. Một điều quan trọng khác nữa, chúng ta nhận thấy, ngay sau khi của lễ hiến tế của Chúa trên Thập Giá được Chúa xác định là: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28). Thì một cuộc khải hoàn chiến thắng trong nhận thức đã diễn ra. Viên sĩ quan, đại diện cho thế lực của những người hành hình và giết Chúa đã thốt lên rằng: “Đúng, người này là Con Thiên Chúa”. Đó là một sự thừa nhận và là sự thừa nhận một cuộc thất bại. Những người khi còn sống đã kết án Chúa là phạm thượng thì bây giờ phải thốt lên: “Đúng, người này là Con Thiên Chúa”.

Đức Giêsu loan báo Tin Mừng, bước chân của Ngài đi khắp mọi nơi. Cánh tay của Ngài đã chúc lành cho tất cả mọi người, dù là những người căm thù ghét Ngài, chữa lành những bệnh tật cho dù đó là những căn bệnh mà nhiều khi do chính họ gây nên. Vậy mà người ta chỉ đón nhận Đức Giêsu như một ngôn sứ. Còn khi của lễ hiến tế hoàn tất, mọi người mới nhận ra: “Đúng, người này là Con Thiên Chúa”. Như vậy, Đức Giêsu đã dùng cái chết để chiến thắng sự dữ và đã chiến thắng trên cái chết, đem lại sự sống đích thực cho con người. “Từ cạnh sườn bị đâm thâu qua. Ngài đã để máu và nước chảy ra” từ đó phát sinh các bí tích của Hội Thánh. Kinh Tiền tụng lễ Thánh Tâm đã diễn tả lại cho chúng ta như vậy. Khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh sách Sáng thế: Thiên Chúa đã lấy xương sườn của Adam để tạo dựng nên Eva, và hôm nay, cũng từ cạnh sườn của Adam mới là Đức Giêsu Kitô, máu và nước chảy ra, phát sinh các bí tích, là sự sống của Hội Thánh Chúa Kitô, và chính Hội Thánh cũng là dấu chỉ của bí tích, dùng những dấu hiệu khả giác bề ngoài để sinh ơn thánh hóa trong linh hồn của những người tin. Vì vậy, Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô, cũng được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài. Máu và Nước chảy ra không phải là một sự chết, mà là kho tàng của những bí tích, Hội Thánh được sinh ra từ đó !

Sự chết của Đức Kitô không phải là sự thất bại, nhưng là một cuộc khải hoàn, chiến thắng trên sự dữ. Ánh sáng đã bị che dấu nhưng hôm nay được giãi tỏa ra để mọi người nhìn thấy và tuyên xưng rằng: “Đúng, người này là Con Thiên Chúa”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Xin cho chúng con được đồng hành với Chúa
để tiến vào thành Giêrusalem,
cho chúng con cùng đi sâu vào mầu nhiệm Thương Khó
và sự chết của Chúa
để được cùng sống lại với Chúa trong vinh quang:
Xin cho mỗi người chúng con hôm nay,
đứng dưới chân Thập Giá của Chúa,
cùng tuyên xưng với tất cả niềm tin của chúng con:
“Người đã chịu khổ hình và mai táng thời quan Phongxio Philato,
Người đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Người sẽ trở lại trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Xin cho chúng con
được nên nhân chứng của niềm tin vào Chúa Kitô Tử nạn và Phục Sinh. Amen.


LM. Phêrô Hồng Phúc