Chúa Giêsu công bố Nước Trời bằng cách sử dụng các yếu tố có ngay trong môi trường sống của Người: cánh đồng, hạt giống, đoàn chiên và nhiều hình ảnh khác. Ngày nay, theo Đức Bênêđíctô XVI, ta phải khám phá các biểu tượng và ẩn dụ mới để công bố Tin Mừng cho nền văn hóa kỹ thuật số. Đức Giáo Hoàng nói như thế nhân dịp nói chuyện với các tham dự viên hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội vào ngày 28 tháng 2 năm 2011 tại Vatican.

Ngài tập trung suy nghĩ về ý niệm “ngôn ngữ”. Theo ngài, “tư tưởng và liên hệ luôn diễn ra dưới hình thức ngôn ngữ, dĩ nhiên được hiểu theo nghĩa tổng quát, chứ không hẳn chỉ là lời nói”. Ngài cũng cho rằng: ngôn ngữ không phải chỉ là “áo khoác tạm thời của ý niệm” mà đúng hơn, là “ngữ cảnh sống động, nóng hổi trong đó, tư tưởng, quan tâm và mọi phương án của con người phát sinh ra cho ý thức và được lên khuôn thành điệu bộ, biểu tượng và lời nói”. Bởi thế, theo Đức Giáo Hoàng, con người không phải chỉ sử dụng mà là ngụ cư trong ngôn ngữ.

Khi áp dụng vào nền truyền thông kỹ thuật số, ngôn ngữ có những khuynh hướng hết sức đặc thù. Nó thiên nhiều về xúc cảm và trực giác hơn là phân tích. Nó hướng tới việc tổ chức tư tưởng cách hợp lý và liên kết với thực tại, do đó, thường chú trọng nhiều tới hình ảnh cũng như các liên kết siêu văn bản (hyper-textual). Mặt khác, ngày nay, người ta không còn phân biệt rõ giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, vì trong thế giới kỹ thuật số, viết đã mang hình thức và tính tức khắc của truyền thông bằng miệng.

Ngoài ra, năng động tính cố hữu của các “mạng lưới tham gia” (participatory networks) còn đòi con người phải can dự vào điều chính họ truyền đạt. Khi trao đổi thông tin, người ta chia sẻ chính họ và các thế giới quan của họ. Họ trở nên ‘nhân chứng’ cho điều đem lại ý nghĩa cho đời sống họ. Việc này không tránh khỏi rủi ro và các rủi ro này, hiện ít được người ta quan tâm, tỷ dụ như đánh mất nội tâm, quá chú trọng đến những tương quan hời hợt, quá nhấn mạnh tới xúc cảm, và trong việc tìm kiếm sự thật, hay tin vào dư luận dễ nghe.

Các rủi ro này khiến ta cần phải suy nghĩ về ngôn ngữ. Đức Thánh Cha cho hay: “Khởi điểm chính là mạc khải. Mạc khải này cho ta thấy Thiên Chúa đã truyền đạt các điều kỳ diệu của Người ra sao bằng ngôn ngữ và cảm nghiệm chân thực của con người, tùy theo nền văn hóa của từng thời đại, cho tới lúc hoàn toàn bộc lộ trong chính Chúa Con nhập thể của Người”. Ngài bảo: Đức tin luôn thấm nhiễm, phong phú hóa, siêu thăng hoá và sống động hóa văn hóa. Ngược lại, văn hóa phải trở thành cỗ xe chuyên chở đức tin, cung cấp cho đức tin ngôn ngữ để đức tin suy tư và phát biểu. Bởi thế ta “phải trở thành những người chăm chú nghe ngôn ngữ của con người thời đại, chăm chú chiêm ngưỡng công trình của Thiên Chúa trong thế giới”.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội phải sâu sắc hóa nền văn hóa, kích thích và hỗ trợ các suy tư nhằm ý thức rõ ràng hơn các thách đố đang đè nặng lên cộng đồng giáo hội và xã hội nói chung. Ở đây, vấn đề không đơn giản chỉ là phát biểu sứ điệp của Tin Mừng bằng ngôn ngữ thời đại, nhưng phải có can đảm suy tư một cách sâu sắc hơn về mối tương quan giữa đức tin, đời sống Giáo Hội và các thay đổi của con người thời đại. Ta phải dấn thân giúp đỡ những người có trọng trách trong Giáo Hội có khả năng hiểu biết, giải thích và nói được ngôn ngữ mới của truyền thông trong công tác mục vụ của họ, trong cuộc đối thoại với thế giới hiện đại, bằng cách tự hỏi: điều gọi là “tư duy kỹ thuật số” đang đặt ra những thách đố nào cho đức tin và thần học? Đâu là vấn nạn và đòi hỏi?

Thế giới truyền thông là thế giới quan tâm tới toàn bộ vũ trụ văn hóa, xã hội và tâm linh của con người nhân bản. Nếu ngôn ngữ mới tác động trên lối suy nghĩ và lối sống, thì nó cũng, một cách nào đó, tác động trên tôn giáo, trên lối hiểu biết và phát biểu của tôn giáo. Theo một định nghĩa cổ điển, thần học, hiểu như một nhận thức có suy nghĩ và phê phán, vốn không xa lạ với các thay đổi văn hóa đang diễn ra. Nền văn hóa kỹ thuật số đang đặt ra nhiều thách đố mới cho khả năng nói và lắng nghe của chúng ta đối với thứ ngôn ngữ biểu tượng, là ngôn ngữ đề cập tới tính siêu việt. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Khi công bố Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã sử dụng các yếu tố trong nền văn hóa và môi trường của Người, như đoàn chiên, cánh đồng, tiệc cưới, hạt giống… Ngày nay, ta cũng được mời gọi khám phá ra các biểu tượng và ẩn dụ có ý nghĩa đối với con người hiện đại để nói cho họ biết về Nước Thiên Chúa”

Sự quyến rũ của ngôn ngữ học

Muốn có một nền truyền thông thực sự nhân bản, ta phải chú ý tới các giá trị tâm linh. Đức Thánh Cha cho rằng đấy chính là ơn gọi của con người, vì từ bản chất họ vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Ngài nói rõ: “Truyền thông Thánh Kinh, một nền truyền thông theo ý nguyện của Thiên Chúa, luôn luôn liên kết với đối thoại và trách nhiệm, như từng được chứng nghiệm bởi những nhân vật như Ápraham, Môsê, Gióp và các tiên tri nói chung, chứ không liên kết với việc dùng ngữ học để mê hoặc lôi cuốn như trường hợp con rắn, hay như trường hợp bất khả truyền thông và đầy bạo lực của Cain.

Bởi thế, việc đóng góp của các tín hữu đem lại nhiều lợi ích cho chính thế giới truyền thông, vì việc này mở ra nhiều chân trời ý nghĩa và giá trị mà nền văn hóa kỹ thuật số không có khả năng nhận ra và làm đại diện.

Để kết luận, Đức Thánh Cha trình bày tấm gương truyền thông của Cha Matteo Ricci: trong công trình truyền giảng sứ điệp Tin Mừng, Cha luôn luôn chú trọng tới con người, tới ngữ cảnh văn hóa và triết học của họ, các giá trị của họ, ngôn ngữ của họ, tiếp nhận mọi khía cạnh tích cực trong truyền thống của họ và sẵn sàng khuyền khích và tìm cách nâng cao họ lên bằng sự khôn ngoan và chân lý của Chúa Kitô.

Một Giáo Hội Hữu Hiệu Trong Thời Đại Truyền Thông Mới

Tháng 6 năm 2010, Hội Đồng Giám Mục Mỹ có cho phổ biến trên trang mạng của mình “Các Hướng Dẫn Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội” dựa trên tiền đề này: Các phương tiện truyền thông xã hội “đem lại cả cơ hội lẫn thách đố cho các tổ chức của Giáo Hội”.

Tài liệu trích dẫn câu định nghĩa của Từ Điển Mở Wikipedia về các phương tiện truyền thông xã hội: Đó là các phương tiện truyền thông nhằm được phổ biến qua hành động hỗ tương xã hội, nhờ các kỹ thuật phát hành có qui mô lớn, được nhiều người biết đến. Các phương tiện này sử dụng các kỹ thuật dựa vào mạng lưới (web) để biến đổi và phát tán các cuộc độc thoại của truyền thông xưa nay thành các cuộc đối thoại truyền thông có tính xã hội. Theo Jon Lebkowsky, một chuyên viên lâu đời về truyền thông xã hội (xem weblogsky.com) thì các phương tiện truyền thông xã hội đã biến đổi một cách căn để phương cách người ta tìm và dùng tín liệu cũng như nội dung các tin tức báo chí và tin tức giải trí. Đây là một cuộc biến hóa từ việc phân phối có tính phát tán các nội dung do một số ít người tạo ra để phân phối cho nhiều người, qua hình thức phân phối theo mạng lưới, trong đó, nội dung có thể được bất cứ ai tạo ra và được phát hành cho mọi người. Nói cách khác, lối xuất bản và phân phối của những nhà chuyên môn cho các khán giả quần chúng nay đã thay đổi: ngày nay, việc xuất bản và phân phối có thể do bất cứ ai thực hiện, dù chuyên nghiệp hay không, cho một số cử tọa thích đáng qua mạng lưới của nhiều kênh truyền thông khác nhau. Điều ấy thực hiện được là do các phương tiện xuất bản đã trở thành hết sức phổ quát và rẻ tiền. Hậu quả là: sự chú ý và lôi kéo người tiêu thụ (mind share) trở thành có tính cách vụn vặt, nhấn mạnh nhiều tới tương quan, các hình thức truyền thông mới có tính đàm thoại và phí tổn các dịch vụ này gần như không có. Do đó, chúng vừa là cơ hội vừa là thách đố đối với các tổ chức Công Giáo. Các thách đố này có thể gom lại thành ba loại: tính hữu hình, tính cộng đoàn và tính trách nhiệm của Giáo Hội.

Về tính hữu hình, tài liệu cho rằng: các cộng đồng truyền thông xã hội trên mạng hiện nay hết sức rộng lớn và đang gia tăng hết sức đáng kể. Hiện có tới hơn 400 triệu người tích cực sử dụng Facebook, hơn hẳn dân số Hoa Kỳ. Đó quả là những diễn đàn tuyệt diệu cho tính hiển thị (visibility) và công cuộc phúc âm hóa của Giáo Hội. Tuy nhiên, tài liệu khuyên các tổ chức Công Giáo khi sử dụng các phương tiện truyền thông mới, cần phải lượng giá phẩm chất từng hình thức sao cho phù hợp với nhu cầu của ta. Thí dụ một thông báo trên “blog” có thể không phải là phương cách hữu hiệu nhất để nhắc nhở các học sinh về một biến cố nào đó. Tuy nhiên, một tin nhắn tập thể (mass text message) gửi tới mọi học sinh và phụ huynh của họ để nhắc họ nhớ cuộc tĩnh tâm bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng có thể hữu hiệu hơn nhiều.

Nhờ số lượng nội dung và trang mạng khá cao, và nhờ tính năng động của các bộ máy dò tìm (serach engines) và của việc nối mạng giữa các máy vi tính với nhau, việc truyền thông xã hội đòi phải nhập lượng và theo dõi không ngừng, giúp cho sự hiện diện của Giáo Hội luôn được hữu hiệu. Muốn giữ được “độc giả” hay thành viên, một trang mạng truyền thông xã hội, như một “blog” chẳng hạn, cần phải thường xuyên có nội dung mới.

Về tính cộng đoàn, tài liệu cho rằng: các phương tiện truyền thông xã hội có thể là khí cụ mạnh mẽ để củng cố cộng đoàn mặc dù không được coi hành động hỗ tương của các phương tiện truyền thông xã hội như là một thay thế cho các buổi gặp gỡ trực diện. Các phương tiện truyền thông xã hội có thể hỗ trợ các cộng đồng qua muôn vàn phương cách: nối kết những người có chung các quan tâm, chia sẻ tín liệu về các biến cố chung, cung cấp cách thế để người ta bước vào đối thoại với nhau… Cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đúng đắn nhất dĩ nhiên là cách nhằm khích lệ tình bạn chân thực như sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009 của Đức Bênêđíctô XVI từng nhấn mạnh, và đề cập tới lòng hoài mong của con người về một cộng đoàn có ý nghĩa.

Còn về tính trách nhiệm, tài liệu cho rằng đã đành các phương tiện truyền thông xã hội giúp xây dựng cộng đoàn, nhưng muốn làm làm thành viên của cộng đoàn, ta cần có tinh thần trách nhiệm. Người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mong các nhà quản trị các trang mạng tạo cơ hội để họ đối thoại, cung cấp tín liệu cho họ và sẵn sàng nhìn nhận lầm lỗi của mình. Sự bùng phát tín liệu mà các người tiêu thụ các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay đang được hưởng có nghĩa là họ chỉ sử dụng các tín liệu của những trang mạng được họ tin tưởng hay được người họ tin tưởng tin tưởng.

Dù không phải bất cứ nhu cầu hay cuộc tìm hiểu nào cũng được thỏa mãn, nhưng điều quan trọng là các nhà tạo ra và quản trị các trang mạng truyền thông xã hội phải hiểu rằng: các phương tiện truyền thông xã hội rất khác so với các phương tiện truyền thông đại chúng và các hoài mong của người tiêu thụ chúng. Các nhà sáng tạo và các người tiêu thụ các phương tiện truyền thông đại chúng thường chấp nhận các cuộc đàm thoại một chiều của họ. Trong khi ấy điều được các phương tiện truyền thông xã hội nhấn mạnh chính là yếu tố ‘xã hội’, một yếu tố ít nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa người tạo ra nội dung và người tiêu thụ nội dung ấy. Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng đây là một sự thay đổi hết sức đáng kể trong lối truyền thông của con người, giống như lúc bắt đầu có nghề in và việc truyền thông điện tử.

Dẫn đường

Tài liệu nhấn mạnh tới nguyên tắc: Các nhà quản trị trang mạng phải được nhắc nhớ rằng họ đăng tải cho một cử tọa rộng lớn. Các phương tiện truyền thông xã hội là các diễn đàn hoàn cầu. Mọi nội dung trên mạng đều hiển thị với bất cứ người nào trên thế giới nếu họ “lọt” vào trang mạng của ta. Nên không được phổ biến bất cứ tín liệu tư riêng (confidential) nào về người khác. Vì không còn gì là tư riêng trên liên mạng cả.

Nói đến giới trẻ, tài liệu cho rằng phụ huynh cần phải được xem tất cả mọi tín liệu gửi cho con cái họ. Muốn thế, phụ huynh cần biết cách thức các phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng ra sao, họ cần được hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện này và được quyền đòi hỏi được gửi phó bản (copy) của mọi tín liệu gửi cho con cái họ, ngay cả các tin nhắn. Bất cứ khi nào có thể, nhân viên Giáo Hội cũng nên lưu giữ (save) các bản ghi lại các cuộc đàm thoại, nhất là những cuộc đàm thoại liên quan đến việc chia sẻ những sự việc thuộc bản thân các em.

Các nhân viên này nên luôn tâm niệm rằng ngay những cuộc truyền đạt có tính bản thân của họ cũng phản ảnh Giáo Hội, nên họ phải thực hành điều mình giảng dạy. Tuy nhiên, họ nên sử dụng ngôi thứ nhất số ít khi viết, tránh việc khoác cho mình vai trò đại diện của tổ chức hay đại diện cho giáo huấn của Giáo Hội, ngoại trừ họ được phép làm như thế. Trong bất cứ trường hợp nào, đức bác ái cũng phải được đặt lên hàng đầu (xem www.usccb.org/comm/social-media-guidelines.shtml)

Dụ ngôn mới

Một “blogger” Mỹ, Jeremy A. Gilmore, gần đây cũng đề cập tới nhu cầu phải có những dụ ngôn mới. Theo Gilmore, dù Thánh Kinh rất quan trọng trong việc duy trì đời sống thiêng liêng, nhưng nó không phải là điều phần lớn người ta dùng để đề cập tới các chân lý thiêng liêng. Phần lớn họ dùng các câu truyện để khích lệ các suy tư tâm linh, làm chứng về sự quan phòng của Chúa cũng như cảnh báo về các hậu quả luân lý.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ hiệu năng của việc dùng các truyện kể. Người rất thích các truyện này mà Tin Mừng quen gọi là dụ ngôn. Thay vì đưa ra những giải đáp trực tiếp, Người chia sẻ với thính giả một câu truyện mang một sứ điệp rất có ý nghĩa. Một trong các lý do là vì dụ ngôn dùng được cho cả người tin lẫn người không tin. Dụ ngôn có cách vượt qua đường ranh mà Thánh Kinh không có. Nói cách khác, dụ ngôn hay câu truyện là cách hay nhất để ta chia sẻ đức tin của ta với người khác, chúng đem thêm chiều sâu và độ khả tín cho sứ điệp Tin Mừng.

Gilmore cho hay thời nay có rất nhiều câu truyện vừa cung cấp tín liệu vừa củng cố ta trong đời sống Đức Tin. Những câu truyện như thế ta gặp rất nhiều trên báo chí, truyền thông hay trong cuộc sống hàng ngày. Ông trích dẫn cuộc đời của cầu thủ nổi tiếng Mỹ, Kurt Warner, và cuộc đời của văn sĩ và cựu vô thần Joy Davidman, vợ của nhà văn Kitô Giáo nổi tiếng C.S. Lewis.

Warner là hậu vệ của ba đội túc cầu quốc gia: St Louis Rams, New York Giants và Arizona Cardinals. Khi chơi cho đội St Louis Rams, anh chiếm 2 giải Cầu Thủ Sáng Giá Nhất (MVP) trong các năm 1999 và 2001 và Cầu Thủ Sáng Giá Nhất của giải Super Bowl lần thứ 34. Anh cũng đã dẫn đội Arizona Cardinals vào giải Super Bowl lần thứ 43 năm 2008. Anh hiện nắm giữ thành tích hạng 7 về tỷ lệ trao banh cao nhất mọi thời (93.7%). Năm 2009, anh lập được thành tích tổng cộng 200 “touch downs”. Tên anh được ghi trong Phòng Danh Tiếng Túc Cầu Chuyên Nghiệp.

Điều đáng lưu ý: anh là người sáng lập ra Qũy Những Việc Hàng Đầu Phải Để Lên Hàng Đầu (First Things First Foundation), nhằm ảnh hưởng tới đời người bằng các giá trị Kitô Giáo, chia sẻ kinh nghiệm, và cung cấp cơ hội để khuyến khích mọi người rằng chuyện gì cũng có thể thực hiện được miễn họ chịu đặt “những việc hàng đầu lên hàng đầu”. Qũy này có nhiều dự án cho các chính nghĩa như bệnh viện trẻ em, những người chậm phát triển và các cha mẹ đơn lẻ.

Đối với Warner, việc hàng đầu là cảm tạ Thiên Chúa. Khi đội Rams chiếm giải Super Bowl, Mike Tirico của Đài ABC phỏng vấn anh: “Này Kurt, chuyện đầu tiên phải nói đầu tiên, hãy cho tôi hay về cú trao banh thắng cuối cùng cho Isaac”. Warner trả lời: “Vâng, những việc hàng đầu phải để lên hàng đầu, tôi phải cám ơn Chúa và là Cứu Chúa của tôi ở trên cao kia, Xin cám ơn Chúa, lạy Chúa Giêsu”.

Chín năm sau, khi dẫn đội Arizona Cardinals tới giải này, giải mà đội này chưa bao giờ được tham dự, câu trả lời của Warner cũng tương tự như thế. Terry Bradshaw của Fox News: “Anh có thể không thích việc này, nhưng anh là hậu vệ thứ ba lớn tuổi nhất từng chơi trong một trận Super Bowl. Anh cảm thấy thế nào?”. Warner: “Ai cũng mỏi mệt phải nghe điều này, nhưng tôi không bao giờ mỏi mệt nói lên điều đó. Có một lý do khiến tôi đứng tại đây hôm nay. Đó là Chúa của tôi ở trên cao kia. Tôi phải nói lời cám ơn Chúa Giêsu”. Anh cũng là người say mê đả phá chiến dịch tuyên truyền cho việc sử dụng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu. Về vấn đề này, anh thường hoạt động chung với những người như James Caviezel, người đóng vai Chúa Giêsu trong Phim Khổ Nạn của Mel Gibson.

Còn Joy Davidman (1915-1960), bà là người tạo ra tranh cãi cho C.S. Lewis hơn mọi khía cạnh khác trong sự nghiệp tư tưởng của ông. Không một người bạn nào đồng ý với cuộc hôn nhân giữa người đàn ông độc thân 60 tuổi và người đàn bà 40 tuổi, từng ly dị, lại là người Do Thái có hai con này, dù đây là một văn sĩ sáng chói, sáng chói đến độ em trai là Howard Davidman, một bác sĩ tâm thần, thú thực không dám viết lách gì cho tới khi bà chị qua đời.

Bà cực lực chống chủ nghĩa tư bản và hệ thống Mỹ, mê say chủ nghĩa cộng sản. Bà tham gia Đảng Cộng Sản Mỹ và chê cả hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ không xứng đáng cởi giây giầy cho các lãnh tụ Xô Viết. Nhưng nhờ người chồng tương lai thứ nhất, William Lindsay Gresham, vốn vỡ mộng vì Cộng Sản, bà đã dứt ra được sức mê hoặc của nó. Thực ra, sau này bà thú thực: trong giai đoạn viết văn và hoạt động chính trị, bà luôn cảm thấy một trống rỗng trong tâm hồn. Rồi cuộc hôn nhân với Gresham tan vỡ vì nạn rượu chè, vô tích sự và lăng nhăng tình ái của ông này. Chính lúc bị bỏ rơi với hai con thơ, Joy mới thú thực: “lần đầu tiên trong đời, mọi kiêu căng của tôi bắt buộc phải nhìn nhận rằng dù sao tôi cũng không phải là ‘chúa tể đời mình’… Mọi phòng ngự của tôi, mọi bức tường cao ngạo và chắc như đinh đóng cột cũng như tự ái mà tôi vốn dùng để dấu mặt khỏi Thiên Chúa, đều được phá bỏ lúc này để Thiên Chúa bước vào”.

Bà mô tả thêm kinh nghiệm huyền nhiệm này như sau: “Nó quả là bất tận, độc đáo; không có ngôn từ nào, không có sự so sánh nào… Chỉ những ai từng biết Thiên Chúa mới có thể hiểu tôi… Có Một Ai Đó ở với tôi trong căn phòng đó, trực tiếp hiện diện với ý thức tôi, một Con Người hiện thực đến nỗi trọn cuộc đời quá khứ của tôi, nếu đem so sánh, chỉ là một trò chơi nông cạn. Còn chính tôi, tôi thấy mình sinh động hơn bao giờ hết; giống như vừa tình dậy sau một giấc ngủ dài. Cuộc sống tôi giờ đây thâm hậu đến nỗi thịt và máu không chịu đựng nổi nữa… Nhận thức của tôi về Thiên Chúa chỉ kéo dài không quá nửa phút”.

Bà kết luận bao lâu Thiên Chúa hiện hữu, thì chả còn gì quan trọng hơn việc học biết về Người, học biết Người muốn gì nơi ta. Thế là bà lên đường học hỏi về Người. Thoạt đầu, bà tìm hiểu Do Thái Giáo Canh Tân, nhưng không tìm được an bình. Rồi bà tìm đọc tập thơ “The Hound of Heaven” của Francis Thompson, rồi ba cuốn của C.S. Lewis: "The Great Divorce", "Miracles", và "The Screwtape Letters". Ba cuốn này dẫn bà tới đọc Thánh Kinh và khi đọc tới Tin Mừng, bà cho hay: Đấng từng đến với bà lại xuất hiện với bà lần nữa: Người chính là Giêsu!

Joy tìm được của ăn thiêng liêng từ Thánh Kinh và các tác phẩm của C.S. Lewis cũng như các tác phẩm nói về tác giả này. Không bao lâu sau, bà cùng hai con được rửa tội và gia nhập Kitô Giáo. Rồi qua trung gian những người ái mộ C.S. Lewis, Joy có dịp thư từ qua lại với nhà văn này trong nhiều năm trời. Và chỉ khi Bill Greshan chính thức ly dị với bà, bà mới tính tới chuyện thân quen hơn với C.S. Lewis. Và năm 1955, họ đi lại với nhau công khai hơn, nhưng vẫn phải đợi tới năm 1956, mới âm thầm làm lễ thành hôn với nhau theo dân luật, vì Giáo Hội Anh Giáo lúc ấy chưa cho phép người ta lấy người đã ly dị. Điều đáng khâm phục là hai người đã tuân theo phán quyết của Giáo Hội, sống cách biệt nhau tuy vẫn đến thăm nhau. Mãi tới khi Joy sắp qua đời về bệnh ung thư vú, một giáo sĩ Anh Giáo là cha Peter Bide mới ban phép hôn phối cho hai người. Nhờ thế, Joy lành hẳn bệnh và hai người còn sống hạnh phúc với nhau tới năm 1960, khi Joy qua đời. C.S. Lewis nhìn nhận Joy đã hoàn tất hành trình làm người của ông. Và Joy cũng nhìn nhận một điều tương tự từ Lewis. Phân tích đến cùng, ai cũng phải tạ ơn Thiên Chúa vì công trình bậc thầy của C.S. Lewis về phương diện tư duy Kitô Giáo, nhưng cũng còn vì sự đóng góp của Joy Davidman. Không có bà, công trình của Lewis hẳn phải nhỏ hơn và nghèo nàn hơn.