Giáo Hội Công Giáo đã đóng một vai trò trọng yếu để duy trì hòa bình trong những tháng qua trước cuộc Trưng Cầu Dân Ý tại Nam Sudan.

Cuộc Trưng Cẩu Dân Ý này sẽ có thể phân chia quốc gia lớn nhất của châu Phi thành 2, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy tới 9 quốc gia lân bang và nhiều người lo ngại rằng vùng Bắc Phi có thể bùng nổ vì chiến tranh hoặc tệ hơn nữa sẽ đưa Trung Cộng và khối Hồi Giáo vào một cuộc chiến đối đầu với Mỹ và Tây Âu.

"Đây là trường hợp mà Giáo Hội đã cung cấp một viễn kiến rất hữu hiệu," ông Dan Griffin, cố vấn Sudan Catholic Relief Services, có trách nhiệm điều hợp các cơ quan tại Hoa Kỳ với các nhân viên ở Sudan. Trong cuộc chạy đua đến ngày trưng cầu dân ý, ông nói, "Giáo Hội đang dẫn đầu, đưa ra một viễn tượng của một nước Sudan chưa hề tồn tại - kêu gọi người dân tham gia và đóng góp vào việc xây dựng một quốc gia."

Hai miền Nam Bắc Sudan khác biệt nhau từ địa dư cho đến chủng tộc và tôn giáo. Yếu tố tôn giáo và chủng tộc đã gây ra hai cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 1955 cho đến 1972, và một lần nữa từ năm 1983 đến 2005 - đã gây tử vong cho khoảng 2,5 triệu người, và thất bại trong việc giải quyết tranh chấp chính trị kéo dài hơn một thế kỷ.

Người miền bắc Sudan, chủ yếu là dân Ả Rập và theo Hồi giáo, đã cố gắng kiểm soát miền nam giàu tài nguyên. Những khát vọng của họ thường dẫn đến xung đột vũ trang với miền nam, nơi có vô số các bộ tộc không thuộc giống Ả Rập và thực hành Kitô giáo hoặc tôn giáo truyền thống địa phương.

"Hiện nay, chính phủ ở Khartoum (thủ đô) mô tả Sudan là một quốc gia Hồi giáo và Ả Rập," Griffin nói. "Thực tế là, Sudan đa dạng hơn." Dù cho trong lịch sử đã có một số phe phái miền Nam chiến đấu cho mục tiêu của một Sudan thống nhất mà không bị Hồi giáo cai trị, nhưng gần đây họ đã tập trung vào việc đạt được độc lập, vì miền Bắc rõ ràng cam kết áp dụng luật Sharia.

Mặc dù sự khác biệt tôn giáo đã thường xuyên gây ra các xung đột, Griffin đã chỉ ra rằng có "nhiều lý do" khác với tôn giáo. Sự xung đột sâu sắc hơn là "giữa kẻ có quyền và người bất lực." Hiện nay, quyền lực chỉ tập trung tại Khartoum, còn các khu vực "ngoại vi của Sudan bị loại trừ."

Dù cho miền nam Sudan đạt được một biện pháp tự trị chính trị trong hiệp ước hòa bình năm 2005, khu vực đã không đạt được tiến bộ vì nhiều vấn đề riêng của nó. Thí dụ như không có hạ tầng cơ sở, nghèo đói cùng cực, mù chữ và tham nhũng, thậm chí nhiều nơi không có chính quyền cấp địa phương. Các điều kiện này, Griffin cho biết, đã buộc Giáo Hội dấn thân vào vai trò lãnh đạo.

"Tại nhiều nơi ở miền nam Sudan," ông nói, "có một lịch sử lâu dài là kém phát triển và bị bỏ rơi, Giáo Hội. .. là di tích thực sự cuối cùng của một xã hội dân sự." Trong các bộ phận của miền Nam, Giáo Hội đã giao tiếp và làm việc xuyên qua ranh giới sắc tộc và địa lý dễ dàng hơn so với chính quyền.

Tại các khu vực như vậy, người ta nhờ vào Giáo hội để "cung cấp thông tin chính xác kịp thời về vấn đề trưng cầu dân ý." Trong lãnh vực này, Griffin nói: "Giáo Hội đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì sự đáng tin cậy dưới con mắt của người dân."

Các giám mục Công giáo Sudan đã không đưa ra một quan điểm chính trị trên câu hỏi nên có độc lập hay thống nhất. Thay vào đó, ưu tiên của các giám mục là giúp cử tri hiểu rõ tác động của quyết định của họ, và để đảm bảo rằng trưng cầu dân ý diễn ra một cách hòa bình, công bằng, và đúng lịch trình. Mục tiêu lớn hơn, Griffin nói, là để đảm bảo rằng cuộc bỏ phiếu và kết quả của nó sẽ không khơi lại các cuộc xung đột.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội, ông nói, đã "rất lo ngại rằng chiến tranh có thể xảy ra," và coi như là một nghĩa vụ đạo đức để ngăn chặn một cuộc nội chiến thứ ba. "Chúng tôi đã đi ra ngòai và can thiệp vào nhiều vấn đề, như là chuẩn bị những dịch vụ khẩn cấp, giảm thiểu những lý do tạo ra xung đột, và thúc đẩy hòa bình. Chúng tôi đã làm điều này hơn một năm, thông qua các mạng lưới của Giáo Hội. "

"Đây không phải là một chuyện bất ngờ như một thảm họa thiên nhiên, chúng ta biết chính xác khi nào thì cuộc trưng cầu dân ý được diễn ra. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị nhân sự cho việc này. Chúng ta không thể đứng và để cho một thảm họa nhân tạo với kích thước như thế diễn ra, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. "

Griffin nhắc lại rằng trong suốt Mùa Vọng năm 2010, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã liên tục tìm cách nhắc nhở là "cực kỳ quan trọng cho người dân phải có một tầm nhìn khác hơn là" phản kháng, dạy cho người dân sự bình tĩnh và kiên nhẫn, thay vì trở lại với bạo lực, "để xây dựng sự tự tin rằng miền Nam Sudan có thể theo đuổi quyền lợi và quyền tự quyết bằng phương pháp phi bạo lực."

Trong khi Nội chiến vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất, nó không phải là điều duy nhất mà các nhà lãnh đạo Sudan và các quan sát viên quốc tế lo ngại. Chính phủ ở Khartoum gần đây cho biết rằng họ sẽ tìm cách củng cố bản sắc Hồi giáo của mình là gia tăng việc áp dụng luật Sharia. Trong trường miền Nam ly khai, sự giận dữ phổ biến cũng có thể đổ lên đầu các dân tộc và tôn giáo "miền Nam" đang sống ở phía bắc.

Qua con đường ngọai giao và các cơ quan quốc tế, các giám mục Sudan đã tìm cách "bảo đảm an ninh, không chỉ là quyền của người dân ở phía bắc, nhưng còn là an ninh thể lý của họ", Griffin nói. Những bảo đảm như vậy là tối khẩn trương và cần thiết, bởi vì "Hiện tại không có một lực lượng nào bảo vệ cho 1.5 đến 2 triệu người miền Nam sống ở phía bắc."

Trong trường hợp không có sự bảo vệ như vậy, một số lượng người rất lớn khoảng 2.000 một ngày, sẽ di chuyển về phía nam, tạo ra một sự nghiêm trọng trong việc xử lý những dòng người tị nạn.

Một lần nữa, các Giáo Hội địa phương, phối hợp với các cơ quan như Catholic Relief Services và Caritas sẽ phải cung cấp bất cứ điều gì có thể, vào những nơi chính phủ không tới được.

"Cho đến khi miền Nam có một xã hội dân sự mạnh mẽ, tôi nghĩ nhiều nơi sẽ trông đợi vào Giáo Hội," Griffin nói. Ông cũng ghi nhận rằng chính quyền miền nam Sudan đã phải đối mặt với những thách thức to lớn khi "di chuyển từ một phong trào du kích nổi dậy, để trở thành một chính quyền dân chủ tập trung" chỉ trong vòng có 5 năm.

Một số nhà quan sát cho rằng miền Nam đã không xử lý tốt việc chuyển tiếp này cho nên không nên triệt để tiến tới độc lập. Nhưng các nhà lãnh đạo Giáo Hội, là những người hiểu biết tường tận những thiếu sót của chính quyền miền Nam qua kinh nghiệm, đã đánh giá rằng cuộc bỏ phiếu độc lập cần phải được thực hiện.

Trưng cầu dân ý là, trong số những thứ khác, một điều kiện trọng tâm của thỏa thuận hòa bình 2005 giữa miền bắc và phía nam, và như vậy nó phải diễn ra để tiến trình hòa bình được tiếp tục. "Không có gì đảm bảo rằng người dân ở miền nam Sudan sẽ có thể tiến tới hòa bình và thành công," Griffin thừa nhận. Nhưng theo hiệp ước hòa bình ", họ có quyền cố gắng."

"Mọi người cảm thấy rằng họ đã kiệt sức trong bất kỳ nỗ lực đoàn kết nào," ông nói. "Những người dân ở miền nam Sudan có ý chí và quyết tâm để xoay chuyển vận mạng. Họ cảm thấy mình là một người tự do và độc lập, và họ đang chờ đợi để khẳng định sự tự do và độc lập đó. "

Tổng thống Omar al-Bashir thăm Nam Sudan trước ngày bầu cử, cam kết sẽ tôn trọng kết quả
Dù cho cuộc trưng cầu dân ý có kết quả rõ ràng và hợp pháp, nó sẽ không thực sự có hiệu lực đầy đủ cho đến tháng Bảy năm 2011. Dù kết quả là thế nào, Griffin nói, "chúng ta biết rằng Sudan sẽ hoàn toàn khác" sau ngày 9 tháng một.

"Vì không biết điều gì sẽ xảy ra buộc chúng tôi phải chuẩn bị cho điều xấu nhất," ông nói, "và đó chính xác là những gì mà Giáo Hội Sudan và các nhà lãnh đạo Giáo Hội quốc tế đã làm từ lâu và tiếp tục đang làm bây giờ."