Trước hết, phải vui mừng và cám ơn những người, những nhóm đã cố sức dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt nam:

1/ Cố Chính Linh tên thật Albertus Schlicklin.

Cố Linh người gốc Đức, sinh quán ở Alsace-Lorraine là vùng tranh chấp giữa Pháp và Đức. Ngài sinh năm 1857, qua đời tại Hà nội năm 1932. Cha chính địa phận Hà nội (1890-1900). Ngài đã dịch Kinh Thánh theo bản Vulgata

- Quyển I (ngũ thư, Josue, Các Quan xét, Ruth, năm quyển các Vua). In ở Hong Kong, Imprimerie de la Société des Missions Etrangères, 1913.

- Quyển 2 (Paralipmenon, Esdra, Nehemia, Tobia, Judith, Esther, Job, Thánh vịnh. Dụ ngôn, Kẻ giảng, Ca đệ nhất, Khôn ngoan, Giảng đạo) xuất bản 1914.

- Quyển 3 (Isaia, Jeremia, Baruch, Esechiel, Daniel, Osee, Joel, Amos, Abdia, Jona, Michea, Nahum, Habacuc, Sophonia, Aggeo, Zacharia, Malachia, 2 quyển Machabeo) 1914.

- Quyển 4 (4 Phúc Âm, Sách truyện các Tông đồ, 14 thư ông Thánh Bảo lộc tông đồ, 6 thư chung, Sách Apocalypsis ông thánh Juong tông đồ), 1916.

2 / Ông Phan Khôi (1887 – 1960)

Dịch Kinh Thánh Tin Lành năm 1924: 19 tuổi đậu Tú tài Hán văn (1905), ra Hanoi học Pháp văn. Từ năm 1911, vào làng báo, viết khảo luận, phê bình trong các báo:Lục tỉnh tân văn, Đông pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ Tân văn, Trung lập, Thực nghiệm dân báo, Nam phong, Phụ nữ thời đàm, Tràng An, Sông hương.

3/ Linh mục Gérard Gagnon (Cha Nhân)

Ngài sinh năm 1914 tại Canada, khấn Dòng năm 1935, sang Việt nam năm 1935, học tại Học viện Dòng Chúa Cứu thế Hanoi thụ phong linh mục 06-6-1940 tại Hanoi. Dịch Thánh Kinh Ngũ thư, Dalat, 1962; Thánh Kinh Tân ước, 1962.

3/ Linh mục Đaminh Trần đức Huân. (1910-1984)

- Dịch và xuất bản bốn Phúc âm và Tông đồ công vụ năm 1950
- Tân ước Đức Giêsu Kitô năm 1963
- Toàn bộ Cựu Ước Tân ước năm 1969.

4/ Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975)

Dòng Chúa Cứu Thế, khấn Dòng năm 1946, chịu chức linh mục năm 1951 tại Hanoi, Du học Roma 1952, học trường Kinh Thánh Giêrusalem bốn năm (1952-1956)

- Dịch Tân ước, nhà Sách Đức Mẹ xuất bản năm 1965.
- Toàn bộ Kinh Thánh (Tân và Cựu ước) năm 1976, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản.

5/ Linh mục An-Sơn Vị

Dịch và xuất bản Tân ước năm 1983

6/ Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn (1915-1990)

Dịch Kinh Thánh dựa vào Bible de Jérusalem có tham khảo tiếng Hipri, Hylạp. Xuất bản Tân ước năm 1982, toàn bộ năm 1985.

7/ Nhóm Phụng vụ giờ kinh

Nhóm làm việc trong 17 năm. (trưởng nhóm là Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh)

Năm 1994 xuất bản bản dịch Tân ước, năm 1998 xuất bản toàn bộ Kinh Thánh.

8 / Ông Mai lâm Đoàn văn Thăng

Dịch Tân ươc từ Bile de Jerusalem.

9/ Hội đồng Giám mục Việt nam

- Xuất bản Sách Bài Đọc khi thì đề Sách Lễ Mùa. Có cả các lời nguyện trong Thánh lễ Mùa Vọng và Giáng sinh, Mùa Chay và Phục sinh.

- Sách Lễ Mùa quanh năm I, quanh năm II, khi thì đề Sách Bài Đọc nhằm đáp ứng kịp thời sử dụng tiếng Việt trong Phụng vụ theo Công đồng Vatcan II. (Sách luôn luôn đề: Concordat cum originali, Saigon, die… tháng năm, Jacobus Nguyễn văn Vi, censor delegatus.Và imprimatur Phú cường, die.. . + Joseph Phạm văn Thiên, Prae. Comm. Episc. De S. Liturgia)

* Cha Bênêdictô Nguyễn tri Phương, Hạt trưởng Hạt Phú nhuận, trưởng ban Phúc âm hóa các dân tộc của tổng địa phận SG đã in Kinh Thánh Tân ước, bản dịch trong Sách Các Bài Đọc của Hội Đồng Giám mục và được Cha Giacôbê Nguyễn văn Vi giới thiệu đề đáp ứng nhu cầu học hỏi Kinh Thánh lúc đó, bên cạnh đó, có Tân ước do Cha Trần hữu Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế sữa chữa lại bản văn cho xuôi (?) đề đáp ứng quân nhân Công giáo.

Hiện nay, hiện tượng lạ tại Saigòn là:

- Sách Bài Đọc của Hội Đồng Giám Mục Việt nam xuất bản năm 1969, 1970 vẫn đươc sử dụng bên cạnh bản dịch mới Sách Lễ Roma năm 1992 của Hội đồng Giám mục Việt nam với hy vọng có bản dịch mới Sách Bài Đọc. Chờ mãi không thấy nên ở Saigòn có hiện tượng năm 2003 các nhà thờ dùng Sách Bài Đọc của nhóm Phụng vụ giờ Kinh in ra. Bản dịch Kinh Thánh của họ đã được Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn văn Bình cho Imprimatur ngày 11-5-1993 phần Tân ước và Đức Tổng Giám mục Gioan.Bt Phạm Minh Mẫn ban Imprimatur ngày 01-5-1998 phần Cựu ước, nhưng họ đã sửa ngay một vài từ ngữ mà chúng tôi cho là quan trọng khi in Tân ước loại sách bỏ túi, và bây giờ nhiều chỗ khác cũng được sửa thêm trong Sách Bài Đọc (thí dụ: xem bài đọc người phụ nữ ngoại tình).

Tĩnh tâm linh mục địa phận thng chín năm 2003, Đức Tổng Gioan Bt Phạm Minh Mẫn có nhắc: dùng Sách Bài Đọc của Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám mục (như hình lúc đó ngài còn là chủ tịch Ủy Ban Phụng tự).Thực tế, cuối tháng mười một năm 2001, tôi về nhận xứ Xây dựng, hỏi Sách Bài Đọc đang dùng thì ban Phụng vụ nhà thờ trả lời: chúng con dùng sách mới vì sách cũ quá, chữ mờ, khó đọc. Sách mới đây là của Nhóm Phụng vụ giờ kinh in ra.

Ngày 09-12-2004, giáo xứ Xây dựng mừng Kim Khánh và thượng thọ Cha Giuse Đinh Cao Thuấn, nguyên cha sở Xây dựng đang nghỉ hưu, Đưc Hồng Y Gioan.Bt Pham Minh Mẫn về chủ lễ, nói với tôi đọc bài Phúc âm “nếu dâng lễ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất hòa”. Tôi đi nói với một linh mục giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon ý muốn của Đức Hồng Y, nhưng ngài như hình không tìm ra bài đó. Điều nầy chứng tỏ Đức Hồng Y đang sử dụng Sách Bài Đọc của Hội dồng Giám mục.

Cũng xin viết ra đây thư của Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hoà,Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt nam trả lời Cha Tổng quyền Dòng Claretians ngày 07-9-2006: "Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã nhận được bản thảo cuốn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước –“Lời Chúa cho mọi người” của Quý Dòng- được nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện và do Văn Phòng Thư Ký HĐGMVN chuyển đến. Sau khi hỏi ý kiến Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN và được Ngài cho biết cuốn sách không có gì nguy hại (Nihil obstat), HĐGMVN sẵn sàng cho phép in Imprimatur cuốn Kinh Thánh nầy để phục vụ ích lợi thiêng liêng của Dân Chúa và sử dụng ngoài cuộc cử hành Phụng vụ”

Không nên nói tới độc quyền ở đây mà phải nói tới đặc tính hiệp nhất mà Phụng vụ La-tinh tạo ra được. Giáo luật điều 838,3 dạy: "Ad Episcoporum conferentiae spectat versiones librorum liturgicorum in linguas vernaculas, convenienter intra limites in ipsis libris liturgicis definitos aptatas, parare, easque edere, praevia recognitione Sanctae Sedis” (Hội Đồng Giám Mục có nhiệm vụ dịch các bản văn Phụng vụ sang tiếng địa phương của mình, với những thích nghi có giới hạn mà các sách Phụng vụ đã ấn định và sau khi đã được Toà Thánh phê chuẩn, có quyền xuất bản các bản dịch ấy). Vậy thì cần nhớ, dạy Giáo lý tôi có thể sử dụng các bản dịch Kinh Thánh có Imprimatur, nhưng trong Phụng vụ tôi chỉ có thể sử dụng sách Phụng vụ, ở đây là bài đọc Kinh Thánh trong sách Phụng vụ mà thôi.

Như vậy, ta cũng phải nói các bản dịch Kinh Thánh: của Cố Chính Linh, linh mục Gerard Gagnon, Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Linh mục An-sơn Vị, Đức Hồng y Trịnh Văn Căn. Ông Mai Lâm nếu có imprimatur thì cũng chỉ sử dụng ngoài cử hành Phụng vụ.

Năm 2010, Hội Thánh Công Giáo Việt nam mừng 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam, còn làm chưa xong lời Đưc Hồng Y Tomko nói với phái đoàn Giám mục Việt nam dịp Ad limina: "Cần có bản dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Việt nam”.

Hy vọng rằng trong tình thế hiện nay Đức Cha Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự Phêrô Trần Đình Tứ dịch xong Sách Bài Đọc rồi tiến hành dịch toàn bộ Kinh Thánh.

Đây là đòi hỏi của Dân Chúa Việt nam nội cũng như ngoại và Thánh bộ Phúc âm hoá các dân tộc đã thấy trước như một nhu cầu cần thiết cho người Công giáo Việt nam. Sẽ có nhiều ý kiến đòi “sự hoàn hảo”, nhưng như Đức Cha Arthur J Serratelli, chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ Hội dồng Giám mục Hoa kỳ nói về sự hoàn hảo của bản dịch: "Nó không hoàn hảo, sự thực là sự hoàn hảo chỉ có thể đạt được khi phụng vụ trên trái đất nầy nhường chỗ cho phụng vụ trên thiên quốc, nơi các thánh nhân đồng thanh ca tụng Thiên Chúa bằng chỉ một thứ tiếng nói”.