NHỮNG ƯU TƯ CỦA VỊ GIÁM MỤC DÒNG TÊN VỀ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI

ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt
Kirche in Not vừa phổ biến bài phỏng vấn Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, đề cập đến hiện tình Giáo hội Việt Nam. Nội dung bài phỏng vấn nói lên sự ưu tư của vị giám mục xuất thân dòng Tên. Vì không liên lạc ngay được với Đức Cha để xin phép, chúng tôi mạn phép lược dịch các phần chính của bài phỏng vấn. Kính mong Đức Cha vì lợi ích chung của Giáo hội mà vui lòng chấp nhận.

Giới thiệu Kirche in Not

Kirche in Not tiếng Đức (tiếng Ý: Aiuto alla Chiesa che Soffre; tiếng Anh: Church in Need; tiếng Pháp: Aide à l’Église en détresse) là tồ chức quốc tế trợ giúp mục vụ của Giáo hội Công giáo. Hàng năm, tổ chức này giúp khoảng 5 000 dự án trên khắp thế giới. Kirche in Not do linh mục Werenfried van Straaten sáng lập năm 1947 nhằm giúp những người tỵ nạn bị trục xuất khỏi Đông Âu. Từ năm 1975, trụ sở đặt tại Königstein (Đức). Hiện nay, Kirche in Not có chi nhánh tại 16 quốc gia trên thế giới. Năm 1984, Thánh bộ Tu sĩ ra sắc lệnh công nhận tổ chức là Công hội giáo dân thế giới.

Sau đây là những phần chính trong phát biểu của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt.

Tình trạng nhân sự trong giáo phận

Tôi thiết nghĩ sự hiệp nhất của người công giáo ở Việt Nam phần lớn tùy thuộc vào các giám mục và linh mục. Trong những tình huống cụ thể có thế phát sinh những phản ứng khác nhau nhưng sự hiệp nhất trong Đức Tin thật là sâu xa. Giáo hội nước ta có truyền thống tốt đẹp. Trong giáo phận Bắc Ninh cũng vậy. Mỗi giáo xứ đều có ban hành giáo do giáo dân bầu ra. Các vị trong ban hành giáo làm việc tự nguyện, lo các hoạt động tôn giáo thường nhật: kinh sáng kinh chiều, lần hạt mân côi, đi đàng thánh giá, dâng hoa, đọc sách tùy theo mùa phụng vụ, rước kiệu, thăm viếng người bệnh v.v. Trong Đại hội Dân Chúa từ 21 đến 25-11-2010, giáo phận Bắc Ninh có 6 đại biểu: ngoài giám mục, linh mục tổng đại diện, một linh mục trẻ còn có 3 giáo dân.

Tình trạng sống đạo

Các vị thừa sai đầu tiên và tổ tiên ta trong thời kỳ cấm đạo vào thế kỷ XIX và cha ông ta trong nhiều thập niên qua sống đạo trong những điều kiện khó khăn. Trong các thập niên trước đây, nhiều linh mục và chủng sinh bị tù đầy. Tình trạng thiếu linh mục tại miền Bắc rất là nghiêm trọng. 20 năm trước đây, giáo phận Bắc Ninh chỉ có 2 linh mục. Khi chúng tôi được mở chủng viện, phần lớn các giáo sư không được đào tạo, các chủng sinh phần lớn đã lớn tuổi. Chúng tôi tuân theo tông huấn Dabo Vobis do Đức Gioan-Phaolô II ban hành ngày 25-3-1992 về đào tạo linh mục. Hiện nay, Giáo hội Việt Nam có 7 chủng viện cho 26 giáo phận. Chúng tôi mong rằng tình trạng này mỗi ngày thêm khả quan. Về số chủng sinh, mỗi năm giáo phận Bắc Ninh có 100 ứng sinh, một tỷ lệ hài hòa so với số 55 linh mục, 3 phó tế và 42 chủng sinh hiện nay.

Giáo hội và đất nước

Việt Nam vẫn còn trong tình trạng chậm tiến. Đất nước cần nhiều cố gắng để đạt được mức sống như các nuớc láng giềng Thái Lan, Malaxia và Xingapo. Hiện nay Giáo hội chưa có nhật báo, cơ sở xuất bản. Giáo hội chưa được mở các cơ sở y tế, giáo dục góp phần nâng cao dân trí và cơ sở từ thiện. Vào thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ, một sĩ phu công giáo, từ 1863 ¬đến 1871 đã dâng lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần, đề nghị nhiều cải cách nhưng không được nhà vua chấp nhận. Trong lúc đó, Minh Trị Thiên Hoàng mạnh dạn cải cách, đưa nước Nhật lên hàng cường quốc. Trong nửa đầu thế ký XX, người công giáo đã mở nhiêu trường học, bệnh viện, báo chí, góp phần đáng kể vào việc nâng cao phúc lợi xã hội. Việc hạn chế tự do tôn giáo là một sai lầm lịch sử đưa dến những hậu quả tai hại. Chúng tôi mong rằng các hạn chế sẽ được dần dần bãi bỏ.

Trong giáo phận Bắc Ninh, đức tin của tiền nhân thật là trung kiên: từ giáo dân, thầy giảng, chủng sinh, nữ tu đến hàng linh mục và giám mục. Chúng tôi ước mong một ngày không xa, chúng tôi không còn phải xin phép chính quyền về các sinh hoạt thông thường của Giáo hội. Hơn nữa, chúng tôi chúng tôi hy vọng có thể mở trường học, các lớp dự bị đại học cũng như các hoạt động từ thiện, phù hợp với hiến pháp và luật pháp. Chúng tôi cầu mong Giáo hội có điều kiện để hoạt động tôn giáo, giáo dục, bác ái và văn hóa.

Dòng Tên và Giáo hội Việt Nam

Tôi gia nhập dòng Tên vào năm 1967, năm tôi 19 tuổi. Lúc đó đất nước còn chiến tranh. Tôi cho rằng vũ khí không phải là giái pháp cho đất nước cũng như các nơi khác thế giới. Tôi bị lôi cuốn bởi hai nhà truyền giáo dòng Tên là thánh Phanxicô Xavier và giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Giáo sĩ Đắc Lộ là nhà thừa sai tiên khởi đến nước ta. Các linh mục dòng Tên có công sáng tác chữ quốc ngữ, loan báo Tin mừng bằng văn hóa nước nhà. Các nhà truyền giáo chấp nhận hy sinh biệt xứ để rao giảng Tình yêu Chúa tại các miến đất xa xôi. Lúc đó, tôi ước mong sẽ được truyền giáo ở châu Phi.

Chúng tôi tận lực, đồng lao cộng tác để cải thiện đời sống, nhất là đời sống thiêng liêng của người công giáo cũng như người lương, góp phần kiến tạo một xã hội mới hòa bình, tự do, công bằng và thịnh vượng. Giáo hội cần có nhiều linh mục và tu sĩ để phục vụ các giáo hữu, đến lượt các giáo hữu phục vụ nhân quần xã hội.

Sau hết, chúng tôi nguyện xin Đức Kitô xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng, chịu chết vì yêu thương nhân loại, luôn gìn giữ Giáo hội Việt Nam. Khẩu hiệu giám mục ‘‘tình thương và sự sống’’ giúp tôi thi hành nhiệm vụ giám mục: công bố, cổ vũ và chia sẻ tình thương và sự sống Thiên Chúa ban cho con người.

Paris, ngày 22 tháng 9 năm 2010