LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU (FABC)
HỘI NGHỊ LẦN VII TẠI BANGKOK
(03.01.2000 – 12.1.2000)


SỨ MỆNH YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ TRONG GIA ĐÌNH

I. NHẬP ĐỀ:

1.1 Gia đình tại Á Châu đang sống trong thời kỳ khó khăn và trong hoàn cảnh xáo trộn.

1.2 Để cảm nghiệm một Giáo Hội canh tân tại Á Châu và để cho sự canh tân ấy có một gương mặt hữu hình là Yêu Thương và Phục Vụ đích thực, thì sự canh tân phải bắt đầu từ gia đình.

II. CANH TÂN GIA ĐÌNH:

2.1 Canh tân gia đình có nghĩa là: mời gọi gia đình am hiểu sâu sắc hơn, sống và đáp trả ơn gọi cao cả và trách nhiệm đầu tiên của mình là hiến dâng, nuôi dưỡng, bảo vệ, cổ võ, làm phong phú sự sống tận nơi cung thánh của sự sống là gia đình.

· Gia đình là người cưu mang di sản của nhân loại vì tương lai của nhân loại đi qua con đường gia đình.
· Gia đình là trường đào luyện các giá trị và các nhân đức nhân bản và Ki-tô giáo.
· Gia đình là cái nôi đào tạo đức tin.
· Gia đình là lãnh vực đầu tiên của việc xã hội hóa và sự phát triển của đứa trẻ.
· Gia đình là cái nôi của các ơn gọi.
· Gia đình là nơi con người học được cách diễn tả tình yêu và lòng quảng đại.
· Trong gia đình tính dục và tâm linh của cá nhân phát triển cách bình thường, lành mạnh. Gia đình là trường học đào tạo một nền nhân bản sâu sắc hơn.
· Gia đình là tác nhân hữu hiệu của công cuộc Phúc Âm hóa.
· Gia đình là môi trường đầu tiên trong đó Phúc Âm được sống, được cảm nghiệm, được chia sẻ và được làm chứng.
· Gia đình là một định chế duy nhất mà con người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng một sự sống mới: vợ chồng hợp tác với quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.

2.2 Trong nhiệm vụ ấy, Giáo Hội tại Á Châu được mời gọi phục vụ, nuôi dưỡng, khuyến khích và làm cho đời sống gia đình phong phú.

III. GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU HIỆN ĐẠI:

Bị đe dọa bởi nhiều thế lực như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ, sự can thiệp của nhà nước, sự ngừa thai và một lối sống nặng kỹ thuật: các sức mạnh vừa nêu tác hại đến sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình. Rất nhiều khi vì không đủ khả năng đương đầu với các sức mạnh ấy nên kết quả là đức tin suy yếu, mối quan hệ trong gia đình đổ vỡ tạo nên cảnh vợ chồng không chung thủy với nhau, vợ chồng bỏ nhau, cảnh ly hôn, cảnh lạm dụng hóa chất, cảnh bạo động, cảnh mái ấm tan vỡ, cảnh các cá nhân và gia đình không sống đúng chức năng của mình.

IV. MỤC TIÊU CỦA HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ:

4.1 Mục tiêu của hoạt động tông đồ là xây dựng các cuộc hôn nhân đặt Chúa vào trung tâm đời sống và xây dựng một đời sống gia đình vững bền, lành mạnh và hạnh phúc.

4.2 Công việc ấy bao hàm việc sử dụng các cách tiếp cận tích cực hầu giúp các thành viên cũng như mỗi gia đình bám rễ vào Thiên Chúa.

4.3 Chính trong sự bám rễ này mà gia đình có thể múc được sức mạnh để đương đầu nổi với các áp lực, các vấn đề, các mối căng thẳng là những thứ gắn liền với xã hội hiện nay.

4.4 Từ đó gia đình sẽ có khả năng hiểu biết sâu sắc và trân trọng tính thánh thiện và giá trị của ơn gọi gia đình. Nhờ đó mà đời sống gia đình thêm chất lượng, đời sống trong Giáo hội được canh tân và đời sống trong xã hội rộng lớn hơn cũng tốt đẹp hơn.

4.5 Chúng ta có thể thực hiện điều nói trên thông qua các chương trình và các phương án sau đây:

Trước hôn nhân: Giáo dục về đời sống gia đình, Giáo lý gia đình; Giáo dục về tính dục con người.

Chuẩn bị tiền hôn nhân (chuẩn bị xa và chuẩn bị gần).

Trong hôn nhân và đời sống gia đình: Việc đỡ đầu; Bồi dưỡng hôn nhân; Kế hoạch hóa gia đình; Linh đạo gia đình; Tư vấn mục vụ; Tư vấn hôn nhân và tư vấn gia đình.

Các gia đình có nhu cầu đặc biệt: Mục vụ cho các người ly hôn và cho các cha mẹ đơn độc.

V. YÊU CẦU VÀ ĐỀ NGHỊ:

5.1 Trong Hội Nghị lần thứ VII (của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu) tại Bangkok từ ngày 03 đến ngày 12 tháng giêng năm 2000 này, chúng tôi nhắc lại yêu cầu và đề nghị đã được nêu lên trong Hội nghị lần thứ VI tại Manila năm 1995 là hãy thành lập một VĂN PHÒNG VỀ GIA ĐÌNH.

5.2 Chúng tôi yêu cầu và đề nghị rằng ở nơi nào chưa có “Văn Phòng về Gia Đình” thì mỗi Hội Đồng Giám Mục và mỗi Giáo Phận tại Á Châu nên khẩn cấp thiết lập một “ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH” trong toàn quốc hay trong giáo phận và phải có nhân viên làm việc toàn thời gian cho ủy ban ấy.

5.3 Chúng tôi yêu cầu và đề nghị rằng trong các Chủng Viện và các Học Viện (cho phái nam cũng như phái nữ) phải có một bộ môn về Gia Đình trong chương trình huấn luyện, nhằm chuẩn bị các linh mục và các tu sĩ nam nữ tương lai cho Mục Vụ Gia Đình sau này.

KẾT LUẬN:

Ước mong Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt các gia đình tại Á Châu, chúc lành cho các nỗ lực mà chúng ta thực hiện để thăng tiến hôn nhân bền vững và gia đình lành mạnh, trong bối cảnh Canh Tân Giáo hội tại Á Châu mà chúng ta khởi sự cho thiên niên kỷ thứ ba.

(* Đã 10 năm kể từ ngày diễn ra Hội Nghị, thiết tưởng những gợi ý và đề nghị này, vẫn là lời mời gọi cho sứ mệnh và việc phục vụ của mỗi Giáo Phận và của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu)