Dân tộc Việt nam có phong tục thăm viếng nhau những ngày Lễ, Tết. Nhưng còn hơn thế nữa, văn hoá làng xóm khiến người Việt sống gần gũi, chân tình và thân thiết, đến nỗi bất cứ giờ nào cũng có thể ghé tạt vào nhà người quen, hỏi thăm năm ba câu rồi đi. Nhưng gần đây, dường như cùng với một nền giáo dục có quá nhiều gian dối, người Việt bắt đầu nghi ngờ những cuộc viếng thăm. Giáo viên thấy học trò mang quà đến nhà là nghi rằng anh ta xin điểm. Giám đốc cơ quan thấy nhân viên đến chúc Tết có thể nghĩ rằng “nếu mình không là giám đốc…”. Những điều đáng buồn ấy dường như không chỉ ở những mối quan hệ cá nhân, mà còn len lỏi vào những cuộc viếng thăm ngoại giao, xã giao và sơ giao nữa.

Khi con cái trong nhà biết rõ quá về những ông hàng xóm nhà mình, thì con cái sẽ lo lắng, hoang mang và thậm chí còn sợ hãi khi họ đến thăm nhà mình và cười cười nói nói với bố mẹ mình. Con cái còn hoang mang hơn khi bố mẹ là những người ngay thẳng, chất phác và đầy lòng nhân ái. Cũng là chuyện thường tình thôi. Mấy khi hàng xóm ấy được cảm hoá dễ dàng.

Đáng buồn hơn, có những đứa con tủi thân khi thấy mình về nhà lại không được cha mẹ đón tiếp như đón những ông hàng xóm lúc thì la mắng, lúc thì gây hấn, lúc thì phá phách nhà mình. Có thể cha mẹ xã giao, trong lòng chẳng ưa gì nhưng cứ xởi lởi cho qua. Có lúc món quà ông hàng xóm thấy cũng xinh xinh nên cứ nhận đại cho hai bên vui, ngày xưa ở làng ở xóm thì có những món quà làm “vui cả làng”.

Mùa Giáng Sinh là Mùa bình an và hy vọng. Cả thế giới vui mừng và nghỉ lễ trừ Việt nam và ba nước anh em. Có điều lạ là Lễ Giáng Sinh không nằm trong danh mục Lễ nghỉ, nhưng thiên hạ cứ vui chơi và cứ chúc mừng nhau. Hoá ra sự thánh thiêng của ngày đại Lễ vượt lên trên mọi lề luật địa phương. Chiều nay tôi chạy một vòng Sàigòn cùng với gia đình, thấy ở quận Nhất trang hoàng đẹp lắm, nhưng thay vì như các nước văn minh “Chúc Mừng Giáng Sinh và chúc mừng Năm Mới” thì đa số các nơi công cộng chỉ chúc mừng Năm Mới “Happy New Year” thôi. Tiếc làm chi vài chữ, thành kiến làm chi chút xíu làm cho khách ngoại quốc thấy lạ lùng!

Trong bài viết trước Lễ Giáng Sinh tôi có kể chuyện nhà trường ra thông báo cấm nghỉ Lễ Giáng Sinh, gửi cho tất cả giảng viên, trong đó có nhiều người Anh, Mỹ. Chẳng ai trả lời. Tôi trả lời cho mọi người bằng lời chúc mừng Giáng Sinh đầy bình an của Thiên Chúa. Lập tức các giáo viên ngoại quốc trả lời liền, có người viết rất cảm động rằng “What a wonderful Christmas message. I feel so refreshed and happy. Halleluyah! Beautiful things happen to beautiful people with christian hearts in beautiful places”. Thấy vậy cô trưởng bộ môn cũng gửi lời chúc mừng Giáng Sinh! Nhưng hơi muộn màng!

Chẳng mừng gì, chẳng quan tâm gì, vậy mà nhiều ông hàng xóm cũng đến thăm, cười cười nói nói. Cũng chụp hình, cũng đưa tin. Chắc cả người thăm cả người được thăm đều cảnh giác. Chỉ có những anh đưa tin là hớn hở. Riêng đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt quả là thâm thuý và sâu sắc khi ngài nói: “Phần tâm linh ràng buộc con người không chỉ sống với nhau bằng bề mặt mà còn phải sống với nhau bằng sự thật trong tâm hồn, bởi vì ngày nào chúng tôi cũng phải đối diện trước mặt Chúa để duyệt xét tâm hồn nên lúc nào cũng phải sống ngay thẳng, không có gì gian dối.” Câu nói quá tuyệt.

Bài viết này chỉ ghi lại một phần, vâng, một phần những ý nghĩ của người viết khi đọc tin và xem hình do các anh vui tính đưa lên. Mùa Giáng Sinh người ta vui và người ta được giải thoát. Ước gì ơn huệ của Đêm Bình An sẽ cảm hoá được lòng người, để những ai dù lòng dạ thế nào khi đã tiếp xúc với sự chân thật của con cái Chúa thì hiểu được rằng chỉ có sự thật mới giải phóng con người như Lời Đấng Giáng Sinh đã dạy.

“Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa, và bình an chỉ dành cho người sống ngay thẳng theo lề luật Chúa. Mọi xã giao không có cái tâm thì khó bình an.