THANH HÓA - Khi nghe tôi háo hức khen các em nhỏ dân tộc H Mông xuống Toà giám mục chúc Giáng sinh Đức cha và tham gia tiết mục múa quạt trong đêm hội diễn thánh ca Noel 2009 tại nhà thờ Chính toà tối 22/12 thật ấn tượng, cha bạn cùng lớp ngạc nhiên, chưa đi bản Mông à? Thiếu xót quá, lên trên đấy có nhiều điều đáng suy gẫm lắm, cậu sẽ có một lễ Noel tuyệt với và có nhiều khác biệt với thành phố, đi nhé.

Hình ảnh chuyến đi

Hấp dẫn vì lời “quản cáo” của bạn, 4 giờ sáng ngày 25, khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu lễ Rạng đông mừng Chúa giáng sinh, cũng là lúc tôi khởi hàng chuyến đi từ Toà giám mục Thanh Hoá.

Qua giáo xứ Phong Ý khoảng 8 giờ sáng, đón cha bạn và thầy Hai cùng đi. Điểm dừng chân đầu tiên là giáo họ Cành Nàng, cách nhà xứ Phong Ý khoảng 45 km. Khi chúng tôi đến, giáo dân đã tập trung đông đủ để chuẩn bị tham dự lễ. Thánh lễ được làm trong nhà dân, nhưng cũng có hang đá, cây thông, tượng thánh Giuse, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu, tất cả làm bằng những vật dụng đơn giản, nhưng tôi cảm nhận dù đơn giản và mộc mạc nhưng lại thấy rất thật. Hang đá làm bằng cành cây tươi, Cây thông là một cây thông thật vừa được đưa về cắm xuống nền đất. Dù mọi thứ đơn giản, nhưng nét mặt, ánh mắt và qua tiếng hát trong thánh lễ của người dân nơi đây toát lên sự thánh thiện và hướng thượng.

Sau thánh lễ chúng tôi tiếp tục lên đướng hướng lên bản Suối Tôn. Theo tỉnh lộ, chúng tôi lần lượt đi qua các huyện Bá Thước và Quang Hoá, khoảng đường dài hơn 150 km để đi đến Bản Suối Tôn – nơi sẽ đến làm lễ Giáng sinh vào chiều tối hôm nay. Gần một ngày dong ruổi trên đường với dốc núi quanh co, cảnh núi non hùng vĩ. Thỉnh thoảng bắt gặp một số người dân tộc gùi măng khô và các đồ thổ cẩm – những đặc sản vùng cao, xuống xuôi đi bán. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt, hỏi cha bạn thì được biết, dân ở đây chủ yếu là dân tộc Thái, Mường và H Mông, họ ở các vùng núi cao, người kinh chủ yếu tập trung tại các thị trấn lớn như Hồi Xuân, Cành Nàng...

Đi qua thị trấn Hồi Xuân khoảng 60 km, dọc theo thượng nguồn sông Mã, chúng tôi đến được bờ sông qua đò để đi lên bản. Đón chúng tôi bên bờ sông là mấy thanh niên trong bản đi xe máy ra đón, ngồi xe đi dọc theo sườn núi mới biết thế nào là cảm giác mạnh, nhưng khúc cua với các mỏm đá lởm chởm, bên kia là vực sâu nhưng những tay lái “cừ khôi” này vẫn phóng ầm ầm, có những đoạn cua không dành cho người yếu tim, vì dễ bị ngất nếu không nhắm mắt và ôm chặt lấy người lái xe.

Sau khi leo dốc qua một quả đồi, trước mắt tôi là bản làng người H Mông. Nhà của người H Mông khác với người Thái và người Mường, họ không ở nhà sàn, nhà có nét giống nhưng ngôi nhà ở các vùng quê dưới suôi. Ấn tượng với tôi là cổng chào mừng Giáng sinh làm bằng một tấm gỗ hong đen, được buộc vào hai khúc luồng với dòng chữ bằng phấn trắng: Mừng Chúa Giáng Sing, treo lủng lẳng trên đường vào bảng. Một hang đá nhở xíu được làm bằng những cành cây và trang trí bằng những túi nilong xanh đỏ trông thật ấn tượng với dòng chữ: Giáo họ Suối Tôn mừng Chúa Giáng Sinh (hỏi ra thì được biết, các chữ này nhờ các cô giáo cắt cho).

Đón chúng tôi là các bà con bản Công giáo bản Suối Tôn, những người lớn tỏ ra rất thân thiện và chào hỏi được bằng tiếng Kinh, còn các em nhở và một số người già thì rụt dè hơn do không hiểu tiếng Kinh, chỉ cười và gật đầu khi chúng tôi chào hỏi.

Sau khi chào hỏi, cha bạn bắt đầu dâng thánh lễ. Một thánh lễ không hoa, không đàn, không điện, không có bàn đọc; một thánh lễ ngoài vai trò chủ tế đứng trên bàn thờ, bên cạnh còn có thêm một người phiên dịch từ tiếng Kinh qua tiếng H Mông để mọi người hiểu được những lời trong thánh lễ, đã để lại nhiều ấn tượng; ấn tượng không chỉ có những nét đơn sơ mộc mạc, niềm tin và lòng phó thác vào Chúa được thể hiện qua các cử chỉ của người tham dự thánh lễ mà ấn tượng từ tiếng hát, lời kinh bằng tiếng H Mông, đến cách bái quỳ hay cúi đầu của họ luôn thể hiện một lòng thành tín là có Chúa đang hiện diện trước mặt... trong phút chốc tôi nhận ra dù mình là ai, tiếng nói gì, quốc tịch thế nào, khi đứng trước một biến cố tâm linh thì tâm hồn luôn hướng thiện và trong sạch lạ lùng...

Sau thánh lễ là các tiết mục văn nghệ mừng Chúa giáng sinh, những tiếng hát và các điệu múa đậm đà bản sắc của người H Mông thật sự cuốn hút.

Mỗi giờ ở lại với người dân nơi đây là mỗi giờ đầy ắp những cảm xúc mới mẻ, ấn tượng. Nét văn hoá, tình cảm của người vùng cao là một vốn qúy đáng trân trọng mà ta có thể cảm nhận, chiêm ngưỡng được. Và chỉ có những vùng sơn cước hẻo lánh này mới giữ gìn được những nét hoan sơ, mộc mạc trong một xã hội hưởng thụ và nhiều biến động như hiện nay. Khi tôi phát chút bánh kẹo cho các em, các em ngoan ngoãn nhận một phần của mình, không có cảnh chen lấn, tranh dành thêm cho mình, cho thêm phần nữa không lấy, vì đã có rồi. Phát quà cho người lớn luôn nhận được lời cảm ơn và cúi đầu thể hiện nét văn hoá riêng của dân bản.

Chia tay với họ, tôi nhủ lòng sẽ quay trở lại vào dịp gần tết. Ở đời là vậy, những gì đến sau luôn làm cho ta cảm giác tiếc nuối, rằng mình biết đến quá muộn, nhưng như vậy vẫn còn hơn không phải không?