“Người Mỹ muốn gì?”

Trong cuốn “Gọng Kìm Lịch Sử”, ở trang 540, ông Bùi Diểm tiết lộ rằng trong suốt thời kỳ chấp chánh, lúc nào ông Thiệu cũng đặt câu hỏi: “Người Mỹ muốn gì?”. Chúng tôi nghĩ rằng không phải chỉ trong thời gian chấp chánh, mà ngay cả sau khi đã thất trận, qua Mỹ nằm gác tay trên trán suy nghĩ, và cho đến khi đi gặp Ngô Đình Diệm và John Kennedy, ông Thiệu cũng vẫn chưa hiểu được “Người Mỹ muốn gì?”.

Đa số người Việt quốc gia lưu vong cũng không hơn gì Tổng Thống Thiệu. Ít ai biết được “<B>Người Mỹ muốn gì?”, nên thường hành động quờ quạng. Đó cũng là một nguyên nhân chính đưa tới những sự sự thất bại liên tục.

Cuộc chiến tranh Iraq đã xẩy ra đúng vào những tháng miền Nam hấp hối cách đây 28 năm, đã gợi lại trong chúng ta nhiều hình ảnh chua xót của một quá trình lịch sử đấu tranh gian khổ, nhưng vẫn chưa thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm.

Cổ nhân bảo: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Nhưng người Việt lưu vong thường bảo nhau: "Miền Nam mất vì bị đồng minh phản bội"Sự xác quyết này không có gì sai. Năm 1954, khi Pháp trao một nữa đất nước cho Cộng Sản, chúng ta cũng đã từng nói như thế. Nhưng còn có một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đã khiến miền Nam bị mất, đó là “người Việt quốc gia” không “tri bỉ”. Nói rõ hơn, “người Việt quốc gia” mặc dầu đã cùng sống và chiến đấu với Mỹ rất lâu, nhưng lại biết quá ít về đồng minh Mỹ, hay có thể nói, chẳng biết gì cả. Sự thất trận cũng nằm ở đó.

I.- MỘT NGÀNH NGOẠI GIAO YẾU KÉM

Trong thời gian cuộc chiến Việt Nam được Hoa Kỳ lãnh đạo và điều hành, có ba nhân vật chính có trách nhiệm phải nắm vững đồng minh và tường trình cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa biết, đó là các ông Bùi Diễm, Trần Kim Phượng và Nguyễn Phú Đức.

Ông Bùi Diễm là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Washington từ 1967 đến năm 1972. Đây là thời gian Hoa Kỳ quyết định tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1972 đến tháng 3 năm 1974, ông là “Đặc Sứ” của Tổng Thống Thiệu, được giao những nhiệm vụ đặc biệt. Từ tháng 4 năm 1974 đến 30.4.1975 ông được bổ nhiệm chính thức làm “Đại Sứ Lưu Động” có nhiệm vụ chính là vận động chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ VNCH. Nhưng đọc cuốn hồi ký “Giọng Kìm Lịch Sử” của ông, chúng ta thấy ông chỉ biết về chính sách của Hoa Kỳ một cách chung chung. Ông cho biết, năm 1968 ông đã trở về Sài Gòn để báo cáo với chính phủ VNCH về những chuyện thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ như sau:

"Tôi gặp ngay ông Thiệu và ông Kỳ, để trình bày đủ những nhận xét về chính sách Hoa Kỳ. Tôi nói rõ lập trường của Hoa Kỳ không còn vững nữa và Việt Nam phải sửa soạn để có thể đối phó với thực tế mới. Chưa có một lời tuyên bố nào chính thức chứng tỏ điều đó, nhưng qua những buổi hội đàm với Tổng Thống Johson và hai ông Rush và Cliford, tôi nghĩ rằng không còn điều gì nghi ngờ nữa. Hoa Kỳ không thể trong một thời gian rút quân về được (trên dưới nửa triệu người lúc đó tại Việt Nam) nhưng việc triệt thoái dần dần trong vài ba năm là điều không thể tránh. Còn về mặt chính trị và ngoại giao, thì phải chờ đợi Hoa Kỳ gia tăng những cố gắng dò dẫm để kiếm một giải pháp hòa bình nào đó cho chiến tranh.

“Cả ông Thiệu lẫn ông Kỳ đều tỏ vẻ quan tâm đến những điều tôi trình bày, nhưng tôi có cảm tưởng là hai ông chưa ý thức đầy đủ những điều tôi lo ngại.”
(tr. 367 - 368).

Những chuyện ông báo cáo này, lúc đó các nhà lãnh đạo và những giới theo sát tình hình ở Sài Gòn đã biết hết rồi, nhưng với những chi tiết sơ sài như thế, khó mà căn cứ vào đó để lập một chính sách mới được.

Năm 1968 tôi đang ở Washington DC và thấy tình trạng còn tồi tệ hơn những gì ông Bùi Diễm đã ghi lại ở Chương 27. Khi thấy tờ Washington Post tố cáo Tướng Kỳ buôn thuốc phiện lậu, Tướng Nguyễn Chánh Thi đã gọi điện thoại cho tôi và hỏi: “Cậu đọc tờ Washington Post chưa?”. Tôi trả lời đọc rồi. Ông liền la hét: “Tướng tá của mình làm ăn như rứa đó. Chống Cộng cái gì?” Tôi nói với Tướng Thi rằng chuyện đó không có đâu. Tôi ở Sài Gòn, tôi biết rõ chuyện đó lắm. Tôi tin rằng Mỹ muốn đổi ngựa, nên CIA đã tung tin như thế để có lý do thay Tướng Kỳ và đưa một nhân vật khác phù hợp với tình thế mới và gian đoạn mới.” Ông suy nghĩ rồi làm thinh.

Đọc tin Tổng Tống Johnson loan báo không ra tranh cử vào năm 1969, tôi nghĩ là ông ta chỉ chơi trò tháu cáy như kiểu các chính khứa ở Sài Gòn, nói không mà có, để hù dư luận thôi. Ông đang lãnh đạo chiến tranh Việt Nam, làm sao ngưng ra tranh cử được? Tôi hỏi một dân biểu Mỹ chuyện đó có thật không. Ông ta trả lời với tôi rằng Tổng Thống tuyên bố một cách nghiêm túc đấy, không có chuyện tháu cáy đâu. Ông ta hiểu rằng tình hình đang chuyển qua một gian đoạn mới, cần có một nhân vật mới, nên ông đã quyết định như vậy.

Phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi, và những luận điệu mà báo chí Mỹ đưa ra hoàn toàn khác với những gì họ đã viết khi Mỹ bắt đầu phát động chiến tranh vào năm 1964. Tôi thăm dò một số người Việt đang làm việc tại Liên Hiệp Quốc ở New York và ở Washington DC và hỏi họ có nên mở những cuộc nói chuyện, trình bày về thực trạng của chiến tranh Việt Nam để làm sáng tỏ dư luận hơn không. Họ nói với tôi rằng khi Mỹ đã muốn rút thì họ tạo phản chiến để rút. Hệ thống truyền thông của Mỹ quá lớn, tiếng nói của mình chẳng ăn thua gì. Cách tốt nhất là báo tin cho Sài Gòn biết rõ tình hình đang biến đổi để tìm cách đối phó.

Khi trở lại Sài Gòn, nhân một cuộc họp báo của Tổng Thống Thiệu tại Dinh Độc Lập, có chiếu trên truyền trình, tôi đứng lên thông báo cho ông Thiệu biết những gì tôi đã nghe thấy ở Mỹ và hỏi Tổng Thống tính sao. Ông trả lời rằng Mỹ có cách tính của họ, thì mình cũng có cách tính của mình, không có gì phải hoang mang cả. Tôi không ngờ “cách” của ông sau này chỉ là tháu cáy!

Tôi và các anh em khác không ở trong ngành ngoại giao, không có trách nhiệm theo dõi chính sách của Washington mà cũng đã thấy được như thế, chứng tỏ tình hình đã “tới” rồi. Không lẽ ông Bùi Diễm, một Đại Sứ VNCH tại Washington, cũng chỉ biết tình hình một cách chung chung như ông đã trình bày ở trên thôi sao?

Ông Bùi Diễm báo cáo rằng “lập trường Hoa Kỳ không còn vững” đối với chiến tranh Việt Nam, nhưng chúng tôi không tin như vậy. Chúng tôi tin rằng thời kỳ của tư bản quốc phòng đã hết, chiến tranh Việt Nam phải chấm dứt. Cuộc chiến sẽ trở lại ở bất cứ nơi nào đó, khi thời kỳ của tư bản quốc phòng trở lại. Cuộc chiến đó đang trở lại ở Iraq hiện nay.

Nhân vật thứ hai có trách nhiệm phải cho chính quyền miền Nam biết đường lối của Mỹ là ông Trần Kim Phượng. Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, được cử thay ông Bùi Diễm làm Đại Sứ VNCH ở Washington từ 1972 đến 1975. Nhưng trong suốt thời gian làm đại sứ tại đây, gần như ông chỉ làm các công việc hành chánh!

Tôi tin rằng Tòa Đại Sứ VNCH ở Washington lúc đó thiếu những chuyên viên phân tích chiến lược có tầm cở như Frank Snepp của Tòa Đại Mỹ ở Sài Gòn năm 1975, có khả năng thu thập tài liệu và phân tích một cách chính xác chính sách của Hoa Kỳ từng giai đoạn để giúp chính phủ VNCH tìm ra biện pháp ứng phó kịp thời, như đa số các tòa đại sứ đã làm. Tòa Đại Sứ VNCH tại Washington hình như cũng không biết hoặc không quan tâm đến vai trò quan trọng của nhóm vận động hậu trường (lobbyists) quen thuộc tại Mỹ, nên không bao giờ xử dụng tới nhóm này. Trong khi đó, Hà Nội đã khai thác nhóm này tối đa. Mỗi khi có chuyện gì, chính phủ miền Nam thường phái các đặc sứ (như Linh mục Cao Văn Luận, ông Trần Quốc Bữu...) đến Mỹ đi tìm gặp một số chính khách quen biết để nhờ cậy bằng bọt miếng, nên kết quả chẳng có bao nhiêu. Các nhân viên Tòa Đại Sứ miền Nam ở Hoa Kỳ hầu hết là con ông cháu cha hay một số thành phần thất sủng bị cho lưu vong, nên không có khả năng thực hiện những công tác quan trọng mà quốc gia giao phó. Có thể nói, miền Nam Việt Nam mất một phần cũng vì Tòa Đại Sứ VNCH tại Washington không làm trọn nhiệm vụ của mình.

Nhân vật thứ ba có trách nhiệm là ông Nguyễn Phú Đức. Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng làm giáo sư Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và Đại Học Đà Lạt, được cử làm Cố Vấn Đặc Biệt của Tổng Thống về Đối Ngoại (Conseiller Spécial du Président pour les Affaires Étrangeres), chứ không phải Phụ Tá An Ninh như ông Bùi Diễm viết ở trang 520. Năm 1973 ông đã từng kiêm luôn chức Bộ Trưởng Ngoại Giao. Ông đã tham dự các cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và đã từng được Tổng Thống Thiệu cử đến Washington vào cuối thàng 12 năm 1972 trình bày với Tổng Thống Nixon về lập trường của chính phủ VNCH đối với bản dự thảo hiệp định Paris do Kissinger và Lê Đức Thọ đưa ra. Trong cuốn “Viet-Nam, Pourquoi les Etats-Unis ont-ils perdu la guerre” (Việt Nam, Tại sao Hoa Kỳ đã thất trận) được ông cho xuất bản năm 1996 để trình bày những tài liệu và những sự việc đã xẩy ra giữa Washington và Sài Gòn, ở cuối Chương V với đề mục “Mes Dernier Efforts Auprès du President Nixon” (Những Nổ Lực Cuối Cùng của tôi Tiếp Cận với Tổng Thống Nixon), ông đã viết:

"Cuối cuộc họp, khi chúng tôi ở một mình với nhau, Kissinger muốn biết cảm nghĩ của tôi về bản dự thảo Hiệp Định, tôi nói với ông về lập trường của Chính Phủ Việt Nam trên hai vấn đề chính - rút quân lực của Bắc Việt, và không có chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam - vẫn không thay đổi. Ông ta lưu ý tôi đó là những vấn đề nghiêm trọng. Tôi cách nghĩa cho ông ta rằng đó là vấn đề sinh tử của Nam Việt Nam. Theo tôi, nếu Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ cho Nam Việt Nam trong trường hợp (chính phủ Sài Gòn) từ chối ký vào Hiệp Định, kết quả cũng sẽ gióng như trường hợp Nam Việt Nam tham dự vào Hiệp Định này, nhưng lúc đó Chính Phủ Miền Nam Việt Nam không được than trách gì. Bởi vì tôi thẫm định rằng Hiệp Định này, với những từ ngữ của nó hiện tại, sẽ đưa đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam.” (trang 361)

Sách của ông Nguyễn Phú Đức viết có trình độ cao hơn, chính xác hơn với đầy đủ dẫn chứng cụ thể hơn sách của ông Bùi Diễm nhiều, nhưng vẫn không nêu rõ được mặt trái đàng sau của chính trường Mỹ, đưa đến việc Mỹ đem quân vào và rút quân ra khỏi Việt Nam. Vì không nắm vững được điều đó, ông không thuyết phục được Tổng Thống Thiệu phải đổi cách chiến đấu kịp thời để bảo tồn miền Nam.

II.- MỘT CHUYẾN ĐI NHỤC NHÃ

Cứ xem các hành động của Tổng Thống Thiệu khi lãnh đạo đất nước, chúng tha thấy ông không có một ý niệm gì chính xác về chính trường Mỹ, nhất là hậu trường của chính phủ Mỹ. Vì thế, trong suốt thời gian chấp chánh và cả khi đã phải đi lưu vong, ông vẫn chưa biết “Người Mỹ muốn gì?”! Ông luôn quờ quạng trong bóng tối.

Sau khi chấp nhận những lời hứa của Tổng Thống Nixon là nếu có sự vi phạm hiệp định đình chiến, Mỹ sẽ “mang toàn lực trả đủa một cách mau lẹ và ác liệt”, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho ký tên vào Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973, nhưng ông vẫn còn nghi ngờ. Ông muốn qua Mỹ gặp thẳng mặt Nixon để “hỏi cho ra lẽ” và muốn được Mỹ chính thức cam kết ủng hộ Việt Nam chống Cộng cho đến chiều, đến tối và đến cả sáng mai luôn. Washington không muốn tiếp ông Thiệu tại thủ đô Washington như đã tiếp Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày xưa, mà đòi tiếp tại tư dinh Casa Pacifica của Tổng Thống Nixon ở San Clemente, Nam California, giữa hai cá nhân của hai Tổng Thống với nhau mà thôi. Ngày gặp được định là 3.4.1973.

Lúc đầu Tổng Thống Thiệu đã từ chối, nhưng sau đó ông lý luận rằng mục tiêu của mình là gặp thẳng mặt Nixon để “hỏi cho ra lẽ” thì gặp đâu cũng được, nhưng đòi phải có lễ nghi quân cách đàng hoàng. Mỹ cũng đồng ý, và hứa sẽ cho một hàng thủy quân lục chiến ra dàn chào đàng hoàng. Nhưng hai giờ đồng hồ trước khi Tổng Thống Thiệu đến San Clemente, Ziegler nói với Hoàng Đức Nhã rằng sẽ không có bản tuyên bố chung. Tổng Thống Thiệu liền nổi giận: “Họ đối xử với đồng minh như vậy hả?” Ông dọa sẽ quay trở lại Sài Gòn. Kissinger phải nhập cuộc, nói với Hoàng Đức Nhã rằng đó chỉ là một sự hiểu lầm. Chắc chắn sẽ có bản tuyên bố chung.

Buổi tiệc do Tổng Thống Nixon khoản đãi chỉ có 20 dự, lấy lý do “không đủ chỗ ngồi”. Trong buổi cơm chiều, Tổng Thống Nixon đãi thịt bít-tết, nhưng thịt dai quá, Tổng Tống Thiệu nhai không nổi. Thế mà bọn ký giả Mỹ chơi đểu, đem chuyện này ra rêu rao và còn đặt câu hỏi: “Lúc này giá thịt bò đang leo thang, tại sao đem thịt bít-tết ra đãi?” Nghe chuyện này, ông Thiệu lầu bầu với những người trong phái đoàn: “Mình muốn ăn cá chứ có muốn ăn bít-tết đâu?”

Trong cuộc họp, ông Nixon đã nhắc lại những lời cam kết cũ, nhưng tuyên bố chung chỉ ghi rằng Mỹ sẽ “phản ứng mạnh mẽ” khi có sự vi phạm Hiệp Định đình chiến. Câu Mỹ sẽ “mang toàn lực trả đủa một cách mau lẹ và ác liệt” không còn được nhắc lại. “Phản ứng mạnh mẽ” là cái khỉ khô gì? Dùng lời tuyên bố suông để “phản ứng mạnh mẽ” cũng được vậy? Nhưng rồi Tổng Thống Thiệu cũng tạm bằng lòng với một số hứa hẹn về viện trợ kinh tế. Ông không biết rằng ở Mỹ lời hứa của Tổng Thống không có giá trị bao nhiêu vì lời hứa đó còn phải được Quốc Hội chấp thuận mời “thành hiện thực”. Thành ra trớt huớt.

Sau này, trong cuốn “Year of Upheaval” Kissinger đã viết: "Buổi lễ chẳng có gì đáng hãnh diện cả. Đó là một kinh nghiệm thật sượng sùng.” và Thiệu bị coi như “một tên khố rách”.

Khi tiển Tổng Thống Thiệu ra trực thăng, thấy trực thăng vừa cất cánh là ông Nixon trở vào nhà ngay. Khi về lại Việt Nam, ông Thiệu đã có nhận xét về cuộc gặp gỡ ở San Clemente bằng một câu vắn tắt: “Hôm đó hồn vía Nixon như để đâu đâu.” Lúc đó ông Nixon đang vướng vào vụ Watergate, chưa biết có gỡ cho mình được hay không, làm sao lo gỡ cho ông Thiệu được? Nhưng ông Thiệu không hiểu gì điều đó.

III.- HÀNH ĐỘNG QUỜ QUẠNG

Ngày 29.6.1973 Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Dự luật nầy đã được lưỡng Viện thông qua ngày 21.9.1973. Đến ngày 12.10.1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc.

Sau này Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có hỏi ông Thiệu rằng tại sao Tổng Thống Nixon hứa một cách mông lung như vậy mà ông vẫn chấp nhận, ông Thiệu trả lời:

“Luật về Quyền Lâm Chiến là cấm dội bom mãi sau này mới có. Nếu có trước thì tôi đã nghi ngờ lời hứa của Nixon. Tôi chỉ yêu cầu những điều tối thiểu chứ không đòi hỏi Hoa Kỳ phải dội bom nguyên tử xuống Hà Nội.”

Mặc dầu đã có luật “cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á”, Tổng Thống Thiệu vẫn chưa hiểu “Người Mỹ muốn gì?”. Ông vẫn cho bỏ Phước Long để xem “Mỹ nó làm gì” và rút chạy khỏi Pleiku để Mỹ hoảng sợ, đem quân trở lại! Thật không có gì tai hại bằng.

Trong khi đó, địch theo dõi rất kỷ càng chính sách mới của Mỹ, biết Mỹ sẽ không trở lại miền Nam nữa, nên đã cho làm lại con đường Đông Trường Sơn, chạy dài từ Quảng Bình vào thẳng Bình Long và Phước Long, để đem võ khí và bộ đội vào miền Nam đánh thẳng vào Sài Gòn vào năm 1976. Con đường Đông Trường Sơn là quốc lộ 14 do Pháp đã làm từ thời Pháp thuộc, chỉ cần làm lại các cầu và sửa chửa những chỗ hư là đi được, nên công binh Hà Nội đã hoàn thành một cách nhanh chóng. Dọc theo con đường này Cộng quân cho đặt hệ thống dẫn dầu từ Quảng Bình vào đến Phước Long. Quân Lực VNCH có đủ hình ảnh và tin tức về con đường này, nhưng phá không nổi. Phá đoạn nào, Cộng quân làm lại đoạn đó. Khi tới Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuộc, con đường này bị kẹt vì có một đồn kiên cố của Quân Lực VNCH tại đây. Hà Nội quyết định cho thanh toán Ban Mê Thuột để thông cái “chốt” Đức Lập (thuộc tỉnh Quảng Đức). Không ngờ Tổng Thống Thiệu chơi dại nên Bắc Việt đã lợi dụng thời cơ, chiếm luôn miền Nam trong năm 1975.

Ông Thiệu còn có một khuyết điểm nặng nữa là độc đoán, hỏi ý kiến thường chỉ là để lấy lệ, mọi quyết định đều theo ý riêng mình, nhưng lại sợ trách nhiệm nên ra chỉ thị lúc nào cũng mập mờ. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, người ta thường nói: “Các chuyên viên điều khiển nước Mỹ”. Còn Cộng Sản luôn chủ trương: “Tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách.” Thiếu trí tuệ của tập thể chuyên viên, ông Thiệu cứ hành động quờ quạng.

Qua tới Mỹ rồi, ông Thiệu vẫn chưa biết “Người Mỹ muốn gì?”. Ngồi ở Boston, ông nói với tờ “The Boston Globe” về người Mỹ:

“Sang Việt Nam cốt là để bảo vệ tự do cho Việt Nam và Đông Dương, nhưng các ông đã không hoàn thành sứ mạng. Chính vì vậy, các ông phải trả giá cho sự thất bại...”

Khi Mỹ giả đò phát động chiến dịch đi tìm quân nhân Mỹ mất tích để có cớ bắt liên lạc lại với Hà Nội, Thiệu lại nói Mỹ:

Tôi có thể bảo đảm với các ông rằng nếu tôi có một chính quyền tự do trong tay ở Việt Nam, tôi sẽ giải quyết vấn đề tù binh Mỹ và quân nhân Mỹ mất tích.”

Rồi ông mơ ước được lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp trong việc “giải thể” chế độ cộng sản Việt Nam!

Rõ ràng là cho tới khi chuẩn bị đi gặp Ngô Đình Diệm và John Kennedy, ông Thiệu vẫn chưa hiểu “Người Mỹ muốn gì?”

IV.- THÓI QUEN DỰA THEO CẢM TÍNH

Cũng như Nguyễn Văn Thiệu, Saddam Hussen không nắm vững tình hình ở Mỹ nên đang thất trận. Trong thời ông Clinton làm Tổng Thống, thời kỳ của các nhà tư bản kỷ thuật cao, Saddam có làm trời làm đất gì Mỹ cũng phớt lờ. Đến khi ông Bush lên, mặc dầu Bush là người của thời kỳ tư bản quốc phòng, Saddam vẫn chơi trò cũ. Đáng lẽ khi thấy trong thời bình mà Tổng Thống Hoa Kỳ xin một ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 30 năm qua và lớn hơn ngân sách quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới cộng lại, Saddam phải hiểu rằng Hoa Kỳ đang cần nơi để tiêu thụ các bom đạn cũ và cho đấu thầu sản xuất loại bom đạn mới, nên Iraq có thể được chọn làm bãi chiến trường chứa bom đạn của Mỹ. Vậy cần phải cúi đầu xuống để qua truông. Nhưng Saddam đã không nhận ra được kịp thời điều đó, cứ theo đường cũ mà đi, nên mất hết mọi sự.

Sức mạnh của quân lực Mỹ hiện nay so với sức mạnh của quân lực Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, cao hơn ít nhất 10 lần. Quân lực của Saddam Hussein so với quân đội Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam, yếu hơn gấp 10 lần. Sau 12 năm bị cấm vận và thanh tra võ khí, Iraq chẳng mua thêm hay sản xuất thêm được bao nhiêu võ khí, nên đành xài những chiếc xe tăng cũ kỷ của thời 1955 để chống với Mỹ. Nhưng sở dĩ quân đội Iraq cầm cự được một thời gian dài như vậy là nhờ lòng tin tôn giáo, hay nói rõ hơn, nhờ vào lòng cuồng tín tôn giáo. Còn kết quả thì sau chiến tranh, tình trạng của Iraq rồi cũng sẽ như Kossovo và Afghanistan.

Nghe Tướng Lý Tòng Bá kêu gọi thành lập một đơn vị cựu quân nhân VNCH tình nguyện đi chiến đấu tại Iraq với quân đội liên quân để tham gia với người Mỹ trong việc tranh đấu cho tự do dân chủ, nhiều người đã bụm miệng cười. Giá mà lập được “Đoàn Nữ Binh Già” tình nguyện đi đánh Iraq cở như bà Lê Thị Hối và Tăng Hồng Điệp ở Nam Cali, các bà Hồng Nguyễn, Trần Sua và Nhàn San Francisco ở Bác Cali... chắc Tổng Thống Bush sẽ cảm động hơn.

Ra hải ngoại đã 28 năm, người Việt lưu vong hình như cũng chưa nhận ra được chính sách của Mỹ qua mỗi gian đoạn, nên thường bị biến thành công cụ dùng làm áp lực đòi hỏi các quyền lợi kinh tế của Mỹ ở Việt Nam (Tôi sẽ có một bài riêng về vấn đề này).

Ở Việt Nam ngày xưa, tìm hiểu chính sách Mỹ và tình hình Mỹ rất khó khăn vì thiếu phương tiện. Ngày nay ở trên đất Mỹ, người Việt lưu vong có thể làm chuyện đó một cách dễ dàng, nhất là qua hệ thống máy điện toán hiện nay. Thay vì chịu khó đi thẳng vào các trung tâm nghiên cứu để nghe các chuyên gia, các luật gia và các nhà chính trị có tầm vóc phân tích mọi vấn một cách khách quan với đầy đủ các sự kiện chứng minh, đa số người Việt chỉ căn cứ vào các tin lượm lặt được hàng ngày trên các cơ quan truyền thông hay tin đồn ngoài phố để suy đoán và coi đó là chân lý.

Người Việt lại thường có thói quen suy nghĩ và hành động theo cảm tính, cái gì hợp với ý mình mới đúng, cái gì không hợp với ý mình là sai. Đi xa hơn nữa, người Việt thường “coi ước muốn là hiện thực” (nói theo kiểu Vũ Thư Hiên), giải thích mọi sự việc và mọi biến cố theo sự ước muốn của mình. Những nhận thức theo kiểu như thế chắc chắn không bao giờ đưa tới chiến thắng được, vì nó hoàn toàn đi ngược lại châm ngôn của người xưa: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”.

Ở phần cuối của cuốn “Decent Interval”, một cuốn sách nói về cuộc tháo chạy của Hoa Kỳ và VNCH năm 1975, Frank Snepp, một chuyên gia phân tích về chiến lược của Hoa Kỳ đã viết:

"Là một nhân viên tình báo cũ, tôi phải tin rằng, có thể hơi ngây thơ, những quyết định đúng được đưa ra trong những giai đoạn thích hợp dựa trên các nguồn tin chắc chắn có thể thay đổi được sự kết thúc, hay ít ra làm nhẹ bớt sự kết thúc ấy.” (trang 579).

Đây là câu nói của một chuyên viên phân tích chiến lược có thẩm quyền. Mặc dầu trong thực tế, có khi ta nắm được những sự kiện chính xác và đưa ra những quyết định đúng, vẫn bị thất bại như thường, vì sự việc vượt ra ngoài tầm mức can thiệp của chúng ta. Nhưng hầu như trong mọi trường hợp, nắm vững các sự kiện một cách chính xác và đưa ra những quyết định thích hợp, bao giờ cũng nắm phần ưu thắng. Vì thế, cha ông chúng ta mới nói “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Hành động quờ quạng dựa theo cảm tính, “coi ước muốn là hiện thực”, sẽ đi từ thất bại này đến thất bại khác và bị biến thành công cụ của các thế lực.