SỨ ĐIỆP
HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ IX LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
MANILA, PHILIPPINE

10-16 tháng Tám, 2009

Chúng tôi, 117 tham dự viên - là các Giám Mục Công Giáo của Á Châu, cùng với Đức Hồng y Đặc sứ Giáo Hoàng Francis Arinze, Đức Tổng Giám Mục Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và các đại biểu huynh đệ đến từ các Hội đồng Giám Mục (Úc, Canada, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Đại Dương), các văn phòng của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu và các đại diện của ân nhân tài trợ (Missio, Misereor và Stichting Porticus), Hội đồng Kitô giáo Á Châu - cùng quy tụ nhau đây tại Manila để dự Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ IX của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu (10 đến 16 tháng Tám). Bằng mối ưu tư mục vụ to lớn, chúng tôi đến với nhau để cử hành, cầu nguyện, suy tư, nhận thức, và đưa ra những định hướng và khuyến nghị mục vụ về chủ đề: "Sống Bí Tich Thánh Thể tại Á Châu".

Lời kêu gọi Cộng Đoàn

Chủ đề của Hội nghị mang tầm quan trọng hết sức to lớn đối với toàn thể Giáo Hội ở Á Châu, đối với đời sống và sứ mạng của chúng ta. Vì vậy, mọi nỗ lực phải được thực hiện để có thể phản ánh tầm quan trọng này. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến một sự thiết tha mới nhằm làm cho việc cử hành Thánh Thể trước nhất và trên hết là gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, hướng đến sự hiệp thông. Dự phần tích cực và cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa và góp phần vào việc bẻ Bánh sẽ dẫn đưa chúng ta vào cuộc gặp gỡ riêng tư và thân mật.

Trong bí tích này, Thiên Chúa duy nhất đến để ngấm vào và bảo bọc đời sống chúng ta – cả phương diện cá nhân và xã hội, mang quà tặng của sự hiệp nhất với ngài và với tha nhân. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Á Châu yêu mến gia đình, bữa ăn chung và những cử hành cộng đoàn để nuôi dưỡng và thăng tiến hiệp nhất. Bí Tích Thánh Thể, cả lễ vật hy sinh và của ăn, trước tiên được đề cập đến như là "Bữa Tiệc Ly của Chúa", và kế đến là "bẻ Bánh". Các danh xưng này diễn tả 2 chiều kích quan trọng: sự mật thiết với Chúa Giêsu và sự liên kết giữa những người sẻ chia tấm bánh như trong cùng gia đình. Việc cử hành bí tích của chúng ta nên làm nảy sinh trong mọi người lòng can đảm xây dựng các cộng đoàn đích thực vốn hòa giải, tha thứ và chăm sóc người nghèo và người bị loại bỏ.

Tình yêu trở nên hoàn hảo trong sự tự hy sinh của Chúa Giêsu, và được canh tân trong Bí Tích Thánh Thể, phát huy hơn hết cách sống yêu thương hy sinh. Duy chỉ điều này mới có thể mang lại hòa hợp và hòa bình thật sự. Tâm hồn Á Châu khao khát sự hòa hợp phổ quát và Bí Tích Thánh Thể đáp lại sự kiếm tìm này. Mỗi Kitô hữu, mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn phải trở thành những gì mà mình cử hành: hiệp nhất trong đa dạng. Thánh Phaolô trình bày về tặng phẩm và công việc mà Bí Tích Thánh Thể gánh vác bằng những lời lẽ đáng ghi nhớ: "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cor 10:17). Thực vậy, Bí Tích Thánh Thể nên là ngôi trường để chúng ta lớn lên trong sự hòa hợp và được trao quyền để thăng tiến nó.

Chúng ta không thể cử hành Bí Tích Thánh Thể đồng thời lại duy trì, thi hành hay dung túng cho việc kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp hay tầng lớp xã hội. Nếu chúng ta được được xây dựng và nuôi sống trong Chúa Thánh Thể, chúng ta cũng phải rộng mở và trở thành những người xây dựng nhịp cầu hiệp thông trong một thế giới đang ngày càng gia tăng chia rẽ.

Kêu gọi lắng nghe Lời Chúa

Cử hành Bí Tích Thánh Thể là sống trong đức tin, một đức tin được vun trồng, chăm sóc và dưỡng nuôi trong Lời Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta trở thành những thích giả chiêm niệm và trở thành những người suy niệm Lời Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Những anh chị em chúng ta nơi những tôn giáo khác ở Á Châu hết sức sùng kính sách thánh của họ, và họ cầu kinh và nội tại hóa Lời. Văn hóa lắng nghe này là một lời mời gọi khác để trở thành những người Nam và người Nữ biết yêu mến và tận hiến đời mình cho Lời Chúa và cho việc bẻ Bánh. Lắng nghe theo cách như thế dứt khoát sẽ trở nên sống động trong ánh sáng Lời Chúa. Bối cảnh lý tưởng để việc lắng nghe Lời Chúa một cách tận tâm có thể thực hiện được chính là Các Nhóm Nhỏ Kitô Hữu (SCCs) lấm chấm trên bản đồ của Giáo Hội tại Á Châu. Chúng tôi nhắc nhở tất cả những người được trao phó để làm sinh động các cộng đoàn Thánh Thể, nhất là các linh mục, rằng họ có một trách nhiệm lớn lao nhằm biến Bí Tích Thánh Thể trở thành một sự kiện của sự biến đổi, bằng cách chuẩn bị đầy đủ, để việc cử hành có hiệu quả, và nhất là bằng các bài giảng bổ ích và có giá trị dưỡng nuôi.

Cần phải lắng nghe Lời Chúa một cách thành kính mỗi ngày nơi tổ ấm là gia đình, nhất là đêm trước Chúa Nhật để chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể, bằng việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa được công bố vào Ngày của Chúa. Việc thực hành như thế chắc chắn sẽ đạt được thành quả trong việc canh tân đời sống Kitô hữu. Nó sẽ mang lại một nền văn hóa lắng nghe Lời Chúa trong các giáo xứ và trong các cộng đoàn chúng ta.

Lời kêu gọi tin tưởng và hy vọng

Chúng ta đang trong cuộc hành hương trần thế, đang đi trong ánh sáng và bóng tối, làm một cuộc hành trình với những âu lo và và bất trắc, với những đau đớn và khổ ải, thường khi áp đặt lên chúng ta. Chúng ta yêu mến Thánh Thể, vì nơi đó chúng ta nhận được Lời của sự sống và ánh sáng, mở mắt chúng ta và Bánh của sự sống sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Sự thống nhất của Lời và Bánh trong Thánh Thể mời gọi chúng ta trân trọng và sống cả hai khía cạnh này.

Nếu không có tặng phẩm này, chúng ta sẽ chỉ mò mẫm trong bóng đêm, đi qua đường hầm mà thậm chí không có một tia hy vọng. Với cả hai tặng phẩm này, như các môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13…), chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa thâm sâu hơn và là lời kêu gọi thiêng liêng để hy vọng giữa những thứ mà chúng ta gặp phải trong đời sống: nền kinh tế thình lình hỗn loạn, sự ấm lên toàn cầu gia tăng, thiên tai, áp bức, muôn vàn khổ đau của người dân khắp nơi, nhất là phụ nữ và trẻ em, người tị nạn và những người thiếu tự do tại các quốc gia khác nhau của Á Châu.

Đối với những người cảm thấy cuộc sống là vô nghĩa và (vô ích) không đáng sống, chúng ta phải mang ký ức về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chỗi dậy, ký ức làm sống động trong Bí Tích Thánh Thể, một ký ức có khả năng chữa lành vết thương tuyệt vọng. Mầu nhiệm Phục Sinh chứa đựng quyền năng giải thích cho những trải nghiệm của đời sống chúng ta. Vì trong Chúa Giêsu, không chỉ Thiên Chúa được mạc khải, mà ý nghĩa của sự sống con người chúng ta với tất cả sự phong phú và yếu hèn cũng được mạc khải. Lời Chúa có thể khai sáng mỗi trải nghiệm mà chúng ta kinh qua.

Lời kêu gọi truyền giáo

Việc cử hành bí tích của người Á Châu được ghi dấu bởi vui mừng, đơn sơ và dự phần. Con tim Á Châu được làm cho mạnh mẽ bởi việc lặng ngắm vẻ đẹp tự nhiên. Những cử hành Bí Tích Thánh Thể cần tiếp cận con tim của người Á Châu, những người yêu màu sắc, hoa lá, biểu tượng, âm nhạc và sự trầm lắng. Những biểu tượng, giai điệu của người Á Châu, và thậm chí những giá trị Á Châu khác nên làm cho việc cử hành bí tích của chúng ta tạo ra âm vang tận đáy con tim Á Châu. Một bằng chứng đức tin của chúng ta như việc cử hành Bí Tích Thánh Thể thật vĩ đại làm sao! – Chúa Kitô đã đến không phải để phá hủy nhưng để hoàn thiện. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trình bày khuôn mặt Á Châu của Chúa Giêsu cho anh chị em chúng ta một lần nữa lại vang vọng bên tai (Giáo Hội tại Á Châu).

Chúng ta đoan chắc rằng việc cử hành có ý nghĩa, chiêm niệm, trải nghiệm và mang tính cầu nguyện của Bí Tích Thánh Thể tiềm tàng khả năng làm cho các cộng đoàn Kitô Á châu trở thành chứng nhân vững mạnh cho Chúa Giêsu và mang sư hiện diện, tình yêu và quyền năng của Chúa đến cho tha nhân. Việc cử hành Thánh Thể kết thúc với lời kêu gọi truyền giáo: "Hãy ra đi, anh em được sai đi". Bí tích Thánh Thể phải được tồn tại trong các cộng đoàn của quan tâm yêu thương, mến khách, vị tha phục vụ người nghèo, người bị loại bỏ, và người bị áp bức. Việc bẻ Bánh phải được tiếp tục. Đó là dấu hiệu báo rằng chúng ta sống trong Bí Tích Thánh Thể (Ga 13,1-17).

Đức Maria là "người Nữ của Thánh Thể" (Ecclesia de Eucharistia). Nhân Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta phó thác Giáo Hội ở Á Châu cho Mẹ. Cầu xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường dấn thân sống Bí Tích Thánh Thể tại Á Châu