LINH MỤC TỰ NIỆM

Với việc công bố “Năm Linh Mục” nhân kỷ niệm 150 năm (1859-04/08-2009) ngày Thánh Gioan Maria Vianney qua đời, Giáo Hội muốn mọi tín hữu Công Giáo thêm hiểu biết và trân quý thiên chức linh mục, cũng như thêm lời cầu nguyện và giúp đỡ các linh mục sống trọn vẹn với thiên chức của họ. Đối với linh mục chúng tôi, đây là thời gian quý báu để canh tân ơn gọi và sứ mạng cao quý Chúa đã trao ban, theo mẫu gương thánh thiện tuyệt vời của Cha Xứ Họ Ars. Muốn thế, trước hết chúng tôi phải có sự hiểu biết đúng đắn về thiên chức linh mục như chính nhân đã có.

Vậy Thánh Gioan Maria Vianney đã hiểu thế nào về thiên chức linh mục?

Thánh nhân đã trình bày sự cao quý và cần thiết của thiên chức linh mục trong bài giáo lý về thiên chức linh mục của ngài như sau:

Giáo lý về thiên chức linh mục

Này các con của cha, bây giờ chúng ta bàn đến Bí Tích Truyền Chức Thánh. Đó là một bí tích xem ra không liên quan gì với một ai trong các con, nhưng thật ra lại liên hệ đến mọi người! Bí Tích này nâng con người lên tới Thiên Chúa. Linh mục là gì? Một người giữ vị thế của Thiên Chúa-một người được trao ban mọi quyền năng của Thiên Chúa. Chúa chúng ta đã nói với linh mục: “Các con hãy đi như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy hãy đi giảng dạy muôn dân…Ai nghe các con là nghe Thầy; ai khinh các con là khinh Thầy”. Khi linh mục tha tội, ngài không nói: “Thiên Chúa tha thứ cho con”; ngài nói: “Cha tha tội cho con”. Khi Truyền Phép, ngài không nói: “Này là Mình của Chúa chúng ta”; ngài nói: “Này là Mình Thầy”.

Thánh Bênađô nói với chúng ta rằng mọi sự đến với chúng ta qua Đức Maria; và chúng ta cũng có thể nói được rằng mọi sự đến với chúng ta qua linh mục; vâng, mọi hạnh phúc, mọi ân sủng, mọi quà tặng thiên quốc. Nếu chúng ta đã không có Bí Tích Truyền Chức, chúng ta cũng đã không có Chúa ở với chúng ta. Ai đặt Chúa ở đó trong Nhà Tạm? Chính là linh mục. Ai là người đã đón nhận linh hồn các con vào ngưỡng cửa sự sống (siêu nhiên)? Linh mục. Ai nuôi dưỡng nó, cho nó sức mạnh trên cuộc hành trình đức tin của nó? Linh mục. Ai chuẩn bị cho nó trình diện trước mặt Chúa, bằng cách rửa sạch nó lần cuối bằng Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô? Linh mục-vẫn luôn là linh mục. Và nếu linh hồn ấy đến giờ lâm tử, ai sẽ phấn chấn nó, ai sẽ mang lại sự thanh thản và bình an cho nó? Cũng lại là linh mục. Các con không thể nhớ lại được bất cứ một ơn lành nào Chúa ban mà không gặp thấy bên cạnh ấy hình ảnh của linh mục trong sự hồi tưởng này.

Đi xưng tội với Đức Mẹ hay thiên thần ư? Không phải. Các ngài sẽ ban cho các con Mình và Máu Thánh Chúa ư? Không phải. Đức Thánh Trinh Nữ không thể làm cho Con Thánh của người ngự vào Bánh Thánh được. Các con có thể có hai trăm thiên thần ở đó, nhưng các ngài không thể giải tội cho các con. Một linh mục, dù tầm thường đến đâu, vẫn có thể giải tội; ngài có thể nói với các con: “Đi bình an- Cha tha tội cho con.” Ôi, một linh mục cao trọng dường nào! Linh mục sẽ không hiểu được sự cao trọng của chức vụ của ngài cho đến khi ngài lên Thiên Đàng. Nếu ngài hiểu được nó trên trần gian, ngài sẽ phải chết, không phải vì sợ, nhưng vì yêu. Các phúc lộc khác của Thiên Chúa sẽ không sinh ích cho chúng ta nếu không có linh mục. Một căn nhà chứa đầy vàng có dùng được chi, nếu không có ai mở cửa cho các con! Linh mục có chìa khóa của kho báu thiên đàng; chính ngài là người mở cửa, ngài là quản lý của Chúa nhân lành, là người phân phát sự giàu sang của Chúa. Không có linh mục, Sự Chết và Cuộc Khổ Nạn của Chúa chúng ta sẽ không sinh ích gì. Hãy nhìn xem những người ngoại đạo: có ích gì cho họ việc Chúa chúng ta đã chịu chết? Than ôi! Họ không được thông phần phúc lộc của Ơn Cứu Chuộc, trong khi họ không có các linh mục để áp dụng Máu Thánh Người cho linh hồn họ.

Linh mục không là linh mục cho chính ngài; ngài không thể giải tội cho chính ngài; ngài không thể ban các Bí Tích cho chính ngài. Ngài không có cho chính ngài, ngài có cho các con. Sau Thiên Chúa, linh mục là mọi sự. Bỏ một giáo xứ hai mươi năm không có linh mục; họ sẽ thờ lạy súc vật. Nếu Cha thừa sai và cha bỏ đi, các con sẽ nói: “Chúng con có thể làm gì trong nhà thờ này? Không có Thánh Lễ; Chúa chúng ta không ở đó nữa: chúng con có thể cầu nguyện ở nhà cũng vậy thôi!” Khi người ta muốn tấn công đạo giáo, người ta bắt đầu bằng việc tấn công linh mục; bởi vì nơi đâu không còn linh mục, nơi ấy không có tế lễ, và nơi đâu không còn tế lễ, nơi ấy không còn đạo giáo.
Khi tiếng chuông gọi các con đến nhà thờ, nếu các con được hỏi: “Các bạn đi đâu?” các con có thể trả lời: “Chúng tôi đi nuôi linh hồn chúng tôi.” Nếu có ai chỉ vào nhà tạm hỏi: “Cánh cửa vàng ấy là gì?” “Đó là kho chứa của chúng tôi, nơi giữ Của Ăn đích thực của linh hồn chúng tôi.” “Ai giữ chìa khóa? Ai đặt của ăn vào đó? Ai dọn bữa, và ai phục vụ bàn tiệc?” “Linh mục.” “Và Của Ăn là gì?” “Mình và Máu châu báu của Chúa chúng ta.” Chúa ôi! Chúa ôi! Chúa đã yêu chúng con chừng nào! Hãy nhìn xem quyền năng của linh mục; lời của linh mục làm thành Thiên Chúa từ một mẫu bánh. Điều đó còn hơn cả tạo thành một thế giới…Có người nói: “Vậy Thánh Philomena có vâng lời Cha Xứ Họ Ars không? Thực vậy, thánh nữ cũng phải vâng lời ngài, bởi lẽ Thiên Chúa vâng lời ngài.

Nếu cha gặp một linh mục và một thiên thần, cha nên chào linh mục trước khi cha chào thiên thần. Vị sau này là bạn của Thiên Chúa; nhưng linh mục giữ địa vị của Chúa. Thánh Têrêsa đã hôn đất nơi một linh mục đã đi qua. Khi các con thấy một linh mục, các con nên nói: “Đó là người đã làm cho tôi nên con Chúa, và đã mở cửa Thiên Đàng cho tôi qua Bí Tích Thánh Tẩy; người đã rửa sạch tôi sau khi tôi phạm tội; người đã ban của ăn cho linh hồn tôi.” Khi nhìn thấy tháp nhà thờ, các con có thể nói: “Có cái gì ở nơi đó?” “Thân Mình Chúa chúng ta.” “Tại sao Người ở đó?” “Vì có một linh mục ở đó, và ngài đã dâng lễ.”

Các Tông Đồ đã cảm thấy niềm vui thế nào sau Cuộc Phục Sinh của Chúa chúng ta, khi nhìn thấy Thầy mà họ đã yêu mến biết ngần nào! Linh mục phải cảm thấy cùng một niềm vui như thế khi nhìn thấy Chúa chúng ta mà ngài cầm trên tay. Giá trị lớn lao được dành cho những đồ vật được đặt vào ly uống nước của Đức Nữ Trinh và Chúa Giêsu Hài Đồng ở Loretto. Nhưng những ngón tay của linh mục đã đụng đến Thân Xác đáng tôn thờ của Chúa Giêsu Kitô, đã thọc vào vào chén đựng Máu Người, đã đặt vào hộp đựng Mình Thánh Người không quý giá hơn chăng? Chúc linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Khi các con nhìn thấy linh mục, hãy nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô của chúng ta (phỏng dịch theo The Little Catechism of The Curé of Ars).

Là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, ngoài việc chiêm ngắm gương linh mục thánh thiện của Thánh Gioan Maria Vianney như lời mời gọi của Vị Cha Chung, chúng tôi còn có luôn trước mắt tấm gương của Cha Thánh Anphong Maria Liguori -Đấng Sáng Lập Dòng chúng tôi, một người có sự hiểu biết sâu rộng về sự cao cả của thiên chức linh mục cũng như những đòi hỏi nặng nề của sứ mạng linh mục; đồng thời đã chu toàn ơn gọi và sứ mạng ấy một cách gương mẫu tuyệt vời.

Tôi muốn ghi lại nơi đây những tâm tư của Cha Thánh về thiên chức linh mục như những lời tự niệm, để được chia sẻ cùng một tâm tư với ngài và nhờ đó có thể chu toàn ơn gọi và sứ mạng linh mục như ngài.

Luật sống cho chủng sinh của Thánh Anphong

Ý thức sự cao trọng cũng như trách vụ nặng nề của thiên chức linh mục, ngay khi còn là chủng sinh, Cha Thánh Anphong đã đặt ra cho chính ngài bản luật sống sau:

1. Chủng sinh nên thường xuyên gặp gỡ các linh mục thánh thiện để được học hỏi gương sáng của các ngài.
2. Thầy nên dành mỗi ngày ít là một giờ cho việc suy niệm, để sống trong sự sốt sắng và trầm mặc.
3. Thầy nên viếng Bí Tích Thánh Thể thường xuyên, nhất là khi Thánh Thể được trưng bày trong Mặt Nhật.
4. Thầy nên đọc đời sống của các linh mục thánh thiện, để noi gương nhân đức các ngài.
5. Thầy phải trau giồi lòng sùng kính Đức Thánh Trinh Nữ, Mẹ và Nữ Vương các giáo sĩ, và dâng mình phụng sự Mẹ.
6. Vì danh dự của hàng giáo sĩ Thầy phải cẩn thận gìn giữ thanh danh.
7. Thầy nên lánh xa các cuộc truyền trò thế tục, và đừng quá thân mật với các giáo dân, nhất là với phụ nữ.
8. Nhìn thấy Chúa nơi các bề trên, Thầy phải vâng lời các ngài vì đó là Thánh Ý.
9. Thầy phải khiêm tốn, nhưng không được giả tạo, nghiêm khắc hay khó chịu; và Thầy phải luôn mặc áo chùng thâm.
10. Thầy nên thinh lặng và dịu dàng ở nhà, gương mẫu trong lớp học, và làm gương sáng trong nhà thờ, nhất là khi cử hành các nghi lễ.
11. Thầy nên xưng tội mỗi tám ngày và rước lễ thường xuyên.
12. Thầy nên sống sạch tội và thực hành mọi nhân đức.

Các quyết tâm linh mục của Thánh Anphong

Sau khi trở thành linh mục vào ngày 21/12/1726, Thánh Anphong đã đặt cho mình bản dốc lòng sau:

1. Tôi là một linh mục; phẩm giá của tôi trên cả các thiên thần. Vậy nên tôi phải sống một đời trong sạch như thiên thần, và tôi buộc phải cố gắng đạt được điều này bằng mọi phương tiện.
2. Một Thiên Chúa phải hạ mình vâng theo lời tôi. Tôi càng có lý do để vâng theo lời Người nói với tôi qua những gợi hứng của Người hay các Bề Trên của tôi.
3. Hội Thánh tôn vinh tôi: Vậy nên tôi phải tôn vinh chính mình bằng sự thánh thiện của đời sống, bằng lòng nhiệt thành và lao nhọc của tôi.
4. Tôi dâng lên Cha Hằng Hữu Chúa Giêsu Kitô-Con của Người. Vậy nên bổn phận của tôi là phải mặc cho chính mình các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó tôi sẽ xứng hợp hơn với chức vụ của mình.
5. Dân Kitô giáo nhìn thấy tôi là một thừa tác viên hòa giải, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người; theo đó, tôi phải luôn giữ mình trong ân sủng và tình thân của Thiên Chúa.
6. Các tín hữu ước ao nhìn thấy nơi tôi gương nhân đức để phấn chấn noi theo; vậy nên tôi phải nêu gương sáng luôn luôn và trong mọi cảnh huống.
7. Các tội nhân khốn khổ đã đánh mất ánh sáng ân sủng đến với tôi để được hồi sinh cách thiêng liêng; vậy nên tôi phải trợ giúp họ bằng lời cầu nguyện, khuyên nhủ và gương tốt.
8. Can đảm thì cần thiết để chiến thắng thế gian, xác thịt và ma quỷ; vậy nên tôi phải đáp ứng với ân sủng Thiên Chúa để tôi có thể chiến thắng các kẻ thù này cách vẻ vang.
9. Để bênh đạo và chiến đấu chống lại các lầm lạc và vô luân, người ta phải có kiến thức. Vậy nên tôi phải cố gắng bằng mọi cách trong tầm tay để đạt được những kiến thức cần thiết.
10. Tính vị nể và tình bạn thế tục làm ô nhục chức linh mục; vậy nên tôi phải tránh xa chúng.
11. Tham vọng và ích kỷ cầu lợi thường làm cho các linh mục đánh mất đức tin; vậy nên tôi phải ghê sợ những nết xấu này như cội gốc dẫn đến trầm đọa.
12. Sự nghiêm trang phải đi kèm với đức bác ái nơi một linh mục; vậy nên tôi sẽ khôn ngoan và dè dặt, nhất là đối với phụ nữ, nhưng không kiêu hãnh, thô lỗ hay khinh thị.
13. Tôi chỉ có thể làm vui lòng Chúa nhờ hồi tâm, sốt sắng và đức hạnh vững vàng, những điều giúp nuôi duỡng việc cầu nguyện thánh thiêng; vậy nên tôi sẽ không bỏ qua điều gì giúp tôi đạt được chúng.
14. Tôi chỉ nên tìm kiếm vinh quang Chúa, sự thánh hóa bản thân và phần rỗi các linh hồn; vì thế, tôi phải đạt đến những mục tiêu này dù có phải hy sinh mạng sống.
15. Tôi là một linh mục; bổn phận của tôi chính là khơi dậy nhân đức nơi mọi người tôi tiếp xúc, và làm vinh danh Chúa Giêsu Kitô-Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời.

12 luật tâm linh cho một linh mục ước ao nên trọn lành

Để sống trọn vẹn những quyết tâm trên, với kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng, Cha Thánh Anphong đã đưa ra 12 luật tâm linh sau để giúp linh mục nên thánh.

1. Tránh phạm tội và tránh bối rối buồn bực sau khi phạm tội
2. Ước ao có hiệu quả để tiến lên trong việc yêu mến Chúa.
3. Sùng kính Cuộc Khổ Nạn Chúa và Bí Tích Thánh Thể.
4. Quyết ý làm mọi việc cho Chúa.
5. Yêu khuất tịch và thinh lặng.
6. Thuận theo Thánh Ý Chúa.
7. Ước ao chết.
8. Tôn sùng Đức Mẹ.
9. Khiêm nhượng trong lòng.
10. Lấy ân báo oán.
11. Hãm mình bề trong và bề ngoài.
12. Cầu nguyện không ngừng.

Những tâm niệm dành cho linh mục

Thánh Anphong cho rằng bậc linh mục là bậc trọn lành, vì các linh mục thay vị Chúa Kitô. Thiên Chúa đòi hỏi nơi các linh mục sự trọn lành hơn cả sự trọn lành nơi các tu sĩ. Vì vậy, nỗi khát khao nên giống Chúa Kitô, hay trọn lành-nên thánh phải là nỗi khát khao liên lỉ và mãnh liệt nơi tâm hồn các linh mục. Để đạt được điều này, với kinh nghiệm của một bậc linh sư lão thành, Cha Thánh đã đặt ra những tâm niệm quý báu sau cho chính ngài và chia sẻ cho các linh mục. Vì mọi tín hữu đều chia sẻ chức tư tế phổ quát của Đức Kitô và cũng được mời gọi nên trọn lành giống Chúa Kitô, nên những tâm niệm này cũng có giá trị tu đức cho mọi Kitô hữu.

1. Thà mất tất cả hơn là mất Chúa.
2. Thà làm mất lòng mọi người hơn là làm mất lòng Chúa
3. Chỉ có tội khiến ta phải sợ và khiến ta phải buồn phiền.
4. Thà chết hơn là cố tình phạm một tội, dù chỉ là tội nhẹ.
5. Mọi sự sẽ chấm dứt; thế gian như một cảnh phông sẽ qua đi rất mau.
6. Mỗi khoảnh khắc là một kho báu cho đời đời.
7. Mọi điều làm đẹp lòng Chúa đều tốt cả.
8. Hãy làm điều bạn muốn làm trong giờ chết.
9. Hãy sống như thể không có tạo vật nào cả trên trần gian ngoài Thiên Chúa và chính bạn.
10. Chỉ một mình Thiên Chúa làm con người mãn nguyện.
11. Không có gì tốt hơn Chúa; không có gì xấu hơn tội.
12. Không bao giờ làm bất cứ điều gì để thỏa mãn chính mình.
13. Càng hãm mình đời này, càng vui thỏa đời sau.
14. Với các bạn hữu của Chúa cay đắng thành dịu ngọt, và dịu ngọt thành cay đắng.
15. Ai mong ước điều Chúa mong ước thì được mọi điều ước mong.
16. Thánh ý Chúa biến mọi sự cay đắng thành dịu ngọt.
17. Chính khi đau bệnh người ta mới thấy ai có nhân đức thật.
18. Ai không ước ao gì ở đời này thì không cần gì cả.
19. Đừng trì hoãn thực hiện những điều dốc lòng tốt lành của bạn, nếu bạn không muốn thụt lùi.
20. Bực dọc vì lỗi mình đã phạm không phải là khiêm nhượng mà là kiêu ngạo.
21. Chúng ta chỉ là những gì chúng ta là trước mặt Chúa.
22. Ai yêu mến Chúa ước ao yêu mến hơn là hiểu biết.
23. Ai ước ao thánh hóa bản thân phải loại bỏ khỏi lòng mình tất cả những gì không phải là Thiên Chúa.
24. Một người không thuộc về Chúa hoàn toàn khi tìm kiếm điều gì không phải là Chúa.
25. Đau đớn, nghèo túng, và nhục nhã là bạn đồng hành của Chúa Giêsu; chớ gì chúng cũng là bạn đồng hành của chúng ta.
26. Tâm trí bứt rứt bất kể do điều gì gây ra không đến từ Thiên Chúa.
27. Người khiêm nhượng tin rằng mình bất xứng với mọi vinh dự, và chỉ đáng bị khinh chê.
28. Khi một người nghĩ đến hỏa ngục mà mình đáng sa vào, người ấy sẽ sẵn lòng chịu đựng mọi đau khổ.
29. Hãy quên mình đi và Chúa sẽ nghĩ đến bạn.
30. Hãy yêu mến chịu khinh chê, và bạn sẽ gặp thấy Chúa.
31. Ai hài lòng với điều kém tốt lành nơi mình thì chẳng còn xa sự dữ.
32. Chúa ít kính trọng người mong được kính trọng.
33. Các thánh luôn nói về Chúa; các ngài luôn nói xấu về chính mình, và luôn nói tốt về kẻ khác.
34. Những kẻ tò mò thì luôn bị chia trí.
35 Khốn cho ai yêu chuộng sức khỏe hơn sự thánh thiện.
36. Quỷ luôn tìm kiếm những kẻ ở nhưng.
37. Một linh mục phù phiếm chỉ là đồ chơi trong tay quỷ dữ.
38. Ai ước mong sống bình an phải kềm hãm mọi đam mê của mình không trừ điều gì.
39. Thánh Joseph Calasanctius thường nói: “Tôi tớ Chúa nói ít, làm nhiều, chịu đựng tất cả”.
40. Các thánh cố gắng nên thánh, chứ không chỉ có vẻ là thánh.
41. Chúng ta không bao giờ đạt đến bất cứ bậc trọn lành nào bao lâu chưa yêu chuộng việc cầu nguyện.
42. Ta trước hết phải là hồ chứa để thu thập, và chỉ khi đó ta mới có thể là kênh tuôn đổ ra.
43. Mọi dính bén ngăn cản ta thuộc về Chúa trọn vẹn.
44. Linh mục không nên suy tưởng gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô và lo làm vui lòng Người.
45. Trong những hành động của ta khiến thiên hạ chú ý thường dấu ẩn sự kiêu ngạo.
46. Dâng mình hoàn toàn cho Chúa là cách dọn mình Rước Lễ rất tốt.
47. Khi bạn bước vào chỗ đông người, giữ mắt bạn cúi xuống, hãy nghĩ bạn là linh mục chứ không phải là thợ sơn (phỏng dịch theo tác phẩm Dignity and Duties of the Priest của Thánh Anphong).

Cảm ơn Chúa và Mẹ đã ban cho chúng con những gương linh mục thánh thiện của Thánh Gioan Maria Vianney và Cha Thánh Anphong Maria Liguori. Xin Chúa và Mẹ giúp con khi chiêm ngưỡng gương sáng và học hỏi giáo huấn của các ngài, có được lòng khao khát tiến đức và nỗ lực sống thánh noi gương các ngài, để đem lại vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn. Amen.
(July 08-11, 2009)

(Trong mục Trong Lòng Hội Thánh trên NS/ĐMHCG 08 -2009)