‘Thành tích’ về nhân quyền của Trung hoa lại một lần nữa được dư luận thế giới chú ý vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng Trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Truyền thông chính dòng thường chỉ tập chú vác các quyền chính trị và dân sự, nhưng việc bác bỏ, không nhìn nhận quyền của các gia đình được tự do chọn số con họ muốn hiện vẫn tiếp tục áp chế rất nhiều người Trung Hoa.

Ngày 7 tháng Năm vừa qua, trang mạng LifeNews.com công bố một phúc trình cho thấy chi tiết các khám phá mới đây do một cuộc điều tra tại Trung Hoa của Colin Mason. Theo phúc trình này, tiền phạt vì sinh con ‘bất hợp pháp’ hiện nay gấp từ 3 đến 5 lần tiền thu nhập của cả gia đình. Không lạ gì, phần đông các cặp vợ chồng đành chọn phá thai hay triệt sản thay vì phải trả số tiền phạt quá lớn như thế.

Theo Mason, ở tỉnh Quảng Tây, các trẻ sinh quá giới hạn chính phủ cho phép sẽ bị các viên chức của chính phủ trông coi cho tới khi cha mẹ trả đủ số tiền phạt khổng lồ. Theo tờ Times ở Luân Đôn, số ngày 15 tháng Hai vừa qua, việc hạn chế nghiêm khắc này đã tạo ra nhiều cuộc biểu tình phản đối ở nhiều nơi. Theo một tường trình, truyền thông Trung Hoa và các nhà bình luận trên Internet hiện đang phá bỏ các hạn chế trong việc tường trình các lạm dụng trong việc hạn chế sinh sản. Theo tờ Times, trong các lạm dụng này, có việc phụ nữ nào từng có một đứa con rồi, thì thường xuyên phải đi thử nghiệm xem mình có thai hay không, và nếu có thì thường là bị ép phải triệt sản. Phương tiện dùng để ép người đàn bà thì thay đổi từ hình phạt tài chánh tới việc bị đe dọa cho nghỉ việc.

Buộc phải phá thai

Một trường hợp được tờ Times trích dẫn là Zhang Linla, người mắc sai lầm ‘đã có mang’ sau khi đã có một con gái. Trước khi sinh sáu ngày, bà buộc phải phá thai. Bài báo còn cho thấy nhiều trường hợp khác bị buộc phải triệt sản hay để đứa con mới sinh chết từ từ.

Ngày 17 tháng Mười Một năm ngoái, trang mạng của tờ Christian Post trường trình trường hợp của Arzigul Tursun, một người đàn bà Hồi Giáo tại Uyghur, bị đe dọa phải phá thai, lúc thai nhi đã được hơn 6 tháng, vì trước đó bà đã có tới hai đứa con. Ngày 5 tháng Mười, tờ South China Morning Post công bố một bài bào dài, lần lượt liệt kê theo thời biểu các biện pháp cưỡng chế áp đặt lên các cặp vợ chồng không chấp hành nghiêm chỉnh các đạo luật ngặt nghèo về kế hoạch hóa gia đình. Bài báo này kể rõ một cách chi tiết bản chất vi phạm đời tư trong các hạn chế đối với gia đình. Mọi cặp vợ chồng phải báo cáo cho Ủy Ban Toàn Quốc Kế Hoạch Dân Số và Gia Đình (UBTQ/KHDSVGĐ). Mỗi làng và mỗi con phố trong thị xã đều bị theo dõi bởi bệnh xá về kế hoạch hóa gia đình do UBTQ/KHDSVGĐ kiểm soát.

Theo tờ báo này, về mặt chính thức, hiện có 650,000 viên chức được chính phủ sử dụng vào việc chấp pháp các luật lệ về kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, con số trên thực tế cao hơn thế nhiều, ít nhất cũng hơn một triệu.

Tờ South China Morning Post cũng cho biết trường hợp bà Jin Yani, người bị buộc phải phá thai vì đã đi quá số con được phép. Việc phá thai này diễn ra một cách tàn bạo đến độ gây lâm nguy cho mạng sống bà. Sau đó, bà phải điều trị thêm 44 ngày nữa tại bệnh viện. Hậu quả là bà hết khả năng có thai.

Theo bài báo, tại các khu vực nông thôn, các nhà hữu trách được quyền hành động mà không cần phải xem sét cẩn thận chi hết và được dùng những phương pháp tàn bạo, gồm cả việc phá hủy nhà cửa hay buộc phải triệt sản. Tờ báo này cũng trích dẫn Mark Allison, một nhà nghiên cứu vùng Đông Á Châu cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Ông này cho biết các vụ phá thai cưỡng bức là chuyện vẫn còn hết sức phổ thông.

Các hình phạt

Ngày 22 tháng Năm vừa qua, tờ South China Morning Post cho hay: các nhà cầm quyền chính phủ đã nhắc lại quyết tâm của họ trong việc thi hành các hạn chế nghiên nhặt về kế hoạch hóa gia đình. Trong các biện pháp mới được công bố, người ta thấy có việc phân phố miễn phí thuốc ngừa thai cho công dân di cư, và gia tăng hình phạt đối với việc có hơn một đứa con.

Các qui định vừa được tái duyệt về kế hoạch hóa gia đình do Hội Đồng Nhà Nước công bố có việc lấy tiền thu nhập tại nơi hiện đang sinh sống để tính tiền phạt cho các công nhân di cư, chứ không dựa vào tiền thu nhập tại quê nhà của họ. Điều này thường có nghĩa là tiền phạt sẽ phải cao hơn.

Ai chấp hành luật lệ của chính phủ thì được ‘tưởng thưởng’ thí dụ được thêm ngày nghỉ cho những ai chịu đợi đến lúc lớn tuổi hơn mới có con, hay chịu triệt sản. Các cặp chịu tuân thủ luật lệ chính phủ, khi muốn mở tiệm làm ăn buôn bán hay muốn hưởng trợ cấp xã hội, sẽ được cứu xét ưu tiên.

Các hạn chế trên đi ngược lại nguyện vọng của đại đa số phụ nữ Trung Hoa, đến độ chính các viên chức chính phủ cũng phải nhìn nhận. Theo tường trình ngày 16 tháng Giêng năm nay của Đài BBC, các viên chức phụ trách kế hoạch hóa gia đình của Trung Hoa đã nhận rằng: các nghiên cứu riêng của họ cho thấy ít nhất cũng có 70% phụ nữ Trung Hoa muốn có hai con hay nhiều hơn nữa. Các nghiên cứu này đã được thực hiện từ năm 2006, mãi đến nay mới công bố. Phần lớn phụ nữ, khoảng 83%, muốn có một con trai và một con gái.

Trai thừa gái thiếu

Không kể các lạm dụng của nhà cầm quyền, một vấn đề nghiêm trọng khác là khoảng cách nguy hiểm giữa con số các trẻ sơ sinh trai và các trẻ sơ sinh gái. Sự kiện theo truyền thống, người Trung Hoa vốn mong ưu tiên có ít nhất một đứa con trai, lại thêm các hạn chế về cố con, khiến cho hàng triệu thai nhi gái bị trục thai. Theo tường trình ngày 10 tháng Tư vừa qua của Hãng Tin Associated Press: các số liệu mới nhất cho thấy hiện nay tại Trung Hoa, con số thanh nam nhiều hơn con số thanh nữ đến 32 triệu người. Con số ước đoán đó là theo một tường trình của tờ British Medical Journal.

Mặt khác, sự bất quân bình trên sẽ còn gia tăng trong những năm sắp tới. Cuộc nghiên cứu này cho thấy Trung Hoa có 119 lần sinh trẻ trai so với 100 lần sinh trẻ gái; trong khi tại các nước kỹ nghệ hóa, tỷ lệ đó là 107/100. Cuộc điều tra này cũng cho thấy trong hạn tuổi từ 1 tới 4, tỷ lệ mất quân bình kia được kể là lớn nhất. Điều ấy có nghĩa Trung Hoa sẽ gặp khó khăn lớn khi những đứa trẻ đó tới tuổi có thể sinh sản được, vào khoảng từ 15 tới 20 năm sau.

Dù hiện nay chính phủ Trung Hoa cấm không được sử dụng siêu âm để xác định giới tính của thai nhi, nhưng trên thực tế, người ta vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp này một cách rộng rãi để biết mình sẽ có con gái hay con trai.

Tờ Sunday Times ở Luân Đôn, ngày 31 tháng Năm vừa qua, cho hay: người ta hiện đã cảm nghiệm được hậu quả của việc thiếu con gái. Vì nhiều trẻ gái đã bị bắt cóc để trở thành nàng dâu bất đắc dĩ cho những chàng trai ở các vùng thiếu con gái. Bài báo này cho rằng bộ anh ninh công cộng nhìn nhận có khoảng từ 2,000 tới 3,000 trẻ nữ và thiếu nữ bị bắt cóc mỗi năm, nhưng truyền thông tại địa phương đưa ra con số cao hơn nhiều, khoảng 20,000 em. Một trang mạng, được lập ra để giúp các cha mẹ cung cấp các chi tiết về đứa con bị mất tích của mình, đã nhận được tín liệu từ hơn 2,000 gia đình. Tuy nhiên, hy vọng tìm lại được các đứa con bị bắt có này rất mỏng manh. Sau hai năm cố gắng, trang mạng này chỉ giải quyết được 7 trường hợp.

Các nguyên tắc chủ yếu

Kỷ niệm biến cố Thiên An Môn xẩy ra không lâu sua khi Liên Hiệp Quốc mừng 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Đức TGM Silvano Tomasi, quan sát viên của Tòa Thánh tại các văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Genève đã đọc một bài diễn văn nói về nhân quyền vào ngày 12 tháng Mười Hai. Ngài nhận định rằng: “Khi nói tới quyền sống, tới việc kính trọng gia đình, tới việc hôn nhân như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tới tự do tôn giáo và lương tâm, tới các hạn chế của thẩm quyền nhà nước đối với các giá trị và các quyền căn bản, người ta không nói tới điều gì mới mẻ hay cách mạng cả”. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: Nhân quyền không phải chỉ là quyền được hưởng các đặc ân. Ấy thế mà bất hạnh thay, tại Trung Hoa và nhiều nước khác, những quyền căn bản liên quan tới gia đình vẫn tiếp tục bị vi phạm, một tình huống cần phải được sửa chữa lại.