MỤC VỤ GIỚI TRƯỞNG THÀNH
Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp Khóa gặp gỡ XIII từ 21 đến 24/05/2008 tại Orsay

NGÀY GẶP MẶT, 21/05/2008

1. Đức Ái là Tâm điểm của đời sống Kitô hữu

“Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đạ thương yêu anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan, 13, 34-35)
« Thầy nói với anh em là người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em ».(Luca 6,27)
Thưa Thầy, trong sách luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ? Đức Giêsu đáp lại: « Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô – sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc về hai điều răn ấy » (Mt 22, 36-40)

« Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẽ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẽ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. » (TĐCV: 2, 42- 47)

« Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Ðức mến không bao giờ mất được ». (1 Cor., 13, 4-8)


2. Đức Ái là đề tài học hỏi và trao đổi của Khóa Gặp Gỡ Giới Trưởng Thành của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, từ 21 đến 24 tháng 05 năm 2009 ở Orsay

« Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp » được thành lập và được giáo quyền Pháp chính thức vào năm 1947, đã mở đầu sự hiện diện và cộng tác sinh hoạt của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Năm 1952 Liên Đoàn đã xin thành lập « Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp », để sinh hoạt, thay vào qui chế Liên đoàn. Năm 1977, Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ Giáo Hội Pháp đặt Cha Samuel Trương Đình Hoè làm Đại Diện của Ủy Ban bên cạnh các tuyên úy Việt Nam tại Pháp. Sự bổ nhiệm Cha Samuel Trương Đình Hoè đánh dấu một thay đổi lớn trong việc phân bổ trách nhiệm mục vụ. Kể từ đây, các cộng đoàn Công giáo được Giáo hội Pháp chính thức công nhận. Tiếng nói của người Công Giáo Việt Nam là Tuyên Úy Đoàn. Giáo xứ Việt Nam Paris cũng như những cộng đoàn khác tùy thuộc Giám mục địa phương. Vai trò chính yếu của vị Đại Diện là phối hợp các công tác mục vụ toàn quốc, trong đó có sự duy trì và phát huy văn hoá dân tộc. Các tuyên úy được mời gọi hợp tác tích cực với ngài trong sứ mệnh này.
Từ 1977, như vậy, cơ cấu tổ chức chung của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp là Tuyên Úy Đoàn, mà đứng đầu là linh mục Đại Diện, cũng gọi là Tổng Tuyên Úy. Các Linh mục đại diện lần lượt đã được bổ nhiệm là: Cha Samuel Trương Đình Hoè, (1978-1981, 1981-1984). Cha Pierre Nguyễn Văn Tự, (1984-1987, 1987-1990). Đức ông Joseph Mai Đức Vinh, (1990-1993, 1993-1996). Cha Clément Nguyễn Văn Thể, (1996-1999, 1999-2002, 2003). Cha Lucas Hà Quang Minh, (2003-2006, 2006-2009). Linh mục đại diện, cùng với các cố vấn, thủ quĩ, thơ ký, tạo thành Ban Điều Hành Trung Ương.

Từ năm 1990, dưới nhiệm kỳ của Đức Ông Mai Đức Vinh, hai ban mục vụ chuyên biệt đã được thành lập. Đó là Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành và Ban Mục Vụ Giới Trẻ. Ban Mục Vụ Giới Trưởng thành: Gồm 5 vị tuyên úy và 5 vị đại diện giáo dân thuộc 5 vùng điện thoại. Ban Mục Vụ Giới Trẻ: Gồm Linh mục trưởng ban, 5 tuyên úy trẻ và 5 đại diện bạn trẻ thuộc 5 vùng điện thoại.

Hiện nay, từ năm 2004, cha Hà Quang Minh được bổ nhiệm làm Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam. Từ năm 2007, một Ban Tuyên Úy mới đã được bầu cho Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành, gồm cha Nguyễn Kim Sang, Cha Lê Văn Vĩnh, cha Vũ Mộng Thơ, sư huynh Trần Công Lao, phó tế Nguyễn Văn Thạch và nữ tu Đỗ thị Lan. Về phía giáo dân, các thành viên gồm: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh (Paris), ông Nguyễn Xuân Tuệ (Rennes), Bà Delaprune Minh Tâm (Versaille), ông Đoàn Quốc Khánh (Orléans), bà Coissard Nguyễn Kim Phỉ (Clermond Ferrand).

Từ ngày được thành lập, Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã liên tục tổ chức các khóa gặp gỡ, để các đại diện các cộng đoàn gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm mục vụ và học hỏi về một kỹ thuật, một lãnh vực hay một tổ chức mục vụ, qua các đề tài như:
  • ‘Vai trò và trách nhiệm của giáo dân dựa trên các văn kiện của Công Đồng Vatican II’
  • ‘Khai tâm và nhận diện thực chất của Giáo dân Việt Nam tại Pháp dựa trên các yếu tố thực tế ‘
  • ‘Tìm hiểu một số các hội đoàn đang sinh hoạt trong các xứ đạo Pháp‘,
  • ‘Giáo dục thanh thiếuniên trong môi trường gia đình Việt Nam tại xã hội Pháp’
  • ‘Vai trò người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và cộng đoàn tại xã hội Pháp’
  • ‘Đào tạo nhân sự cộng đoàn’
  • ‘Những yếu tố làm sống cộng đoàn’
  • ‘Từ mọi ngôn ngữ và mọi văn hóa, chúng ta phải cùng nhau sống và trở nên một Giáo Hội có sứ mệnh trình bày Đức tin trên lãnh thổ có nhiều người di cư này‘
  • ‘Hôn nhân dị giáo và hôn nhân dị chủng‘
  • ‘Khác biệt giữa các tôn giáo‘ (Đạo nào cũng giống nhau),...
  • “Những thách đố cho người công giáo Việt Nam tại Pháp hôm nay”
Năm 2009 đề tài học tập đã được chọn lựa là « Đức Ái ». Trong thơ gởi các Tuyên Úy hồi tháng ba 2009, cha Gilbert Nguyễn Kim Sang, trưởng ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã viết: « Hàng năm, vào dịp lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Tuyên Úy Đoàn tổ chức Khóa Huấn Luyện Giới Trưởng Thành, với mục đích là tạo dịp cho chúng ta gặp gỡ, hội họp, trao đổi và học hỏi, để chúng ta sống niềm tin luôn vững mạnh trong xã hội ngày nay, đồng thời phát huy tinh thần phục vụ, xây dựng gia đình và cộng đoàn của mình.

Năm nay (2009), theo sự gợi ý của Hội Đồng Giám Mục Pháp, Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã chọn đề tài « ĐỨC ÁI » cho khóa gặp gỡ kỳ thứ 13 này:
  • Đức Ái trong gia đình,
  • Đức Ái trong cộng đoàn,
  • Đức Ái trong xã hội.
Sống Đức Ái để thực thi lời Chúa Kitô: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đạ thương yêu anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (ioan, 13, 34-35)

Từ 14 giờ trưa, các hội thảo viên, trên 60 gười, gồm các tuyên úy và các đại diện của 22 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, đã dần dà đi đến Trung Tâm « LA CLARTÉ-DIEU », nằm trong thành phố Orsay, ngoại ô phía nam Paris.
Đa số các hội thảo viên đều là những thành viên Ban Mục Vụ, đại diện địa điểm mục vụ của mình. Theo thống kê mới đây, vào năm 2006, các tuyên úy đã ghi nhận có 46 cộng đoàn công giáo việt nam sinh hoạt trong các địa phận Pháp. Năm ngoái, 2008, 16 cộng đoàn đã gởi đại diện về họp mặt. Năm nay, 22 cộng đoàn đã có người đại diện về họp. Đó là các cộng đoàn Antony, Belley-Ars, Bordeaux, Cergy-Pontoise, Clermont-Ferrand, Dijon, Ermont, Lille, Marne–La-Vallée, Orléans, Paris, Poitiers, Reims, Rennes, Saint-Etienne, Sarcelles, Strasbourg, Toulon, Toulouse, Troyes, Versailles, Villiers–Le –Bel. Tất cả 68 đại biểu đã về tham dự Khóa Gặp Gỡ. Đông nhất là Paris, với 11 đại biểu, do Đức Ông Vinh cầm đầu. Rồi Lille, với 8 đại biểu, do Sơ Nhàn cầm đầu. Trên tổng số 68 đại biểu, có 10 linh mục và 7 tu sĩ.

3. Ngày gặp mặt 21/05/2009, các hội thảo viên dâng thánh lễ chung, dùng bữa chung rồi gặp gỡ, giới thiệu, thông qua chương trình, và đọc kinh tối chung.

Kẻ đến trước, người đến sau, đúng 18 giờ Khóa Gặp Gỡ thứ XIII của Ban Mục Vụ Giới Trưởng Thành đã được chính thức khai mạc qua thánh lễ đồng tế, Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên. Bài ca nhập lễ, cả cộng đoàn « cất tiếng reo mừng Chúa ngự lên trời ». Và bài ca hiệp lễ « Vì Chúa là Tình Yêu » của Kim Long, đã mời các đại biểu đi vào chủ đề của cuộc gặp gỡ: « Đức Ái »: « Hỡi các dân tộc đang sống trên trần gian, Hỡi những ai đang buồn thương bước trong cuộc đời, hãy sống vui tình bác ái. Xin hãy thương yêu nhau. Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu. Để tình yêu bừng cháy tiêu diệt sự chết. Tình yêu bền vững, tháng năm chẳng tàn phai. Vì tình yêu là chính giới luật của Chúa. Tình yêu tuyệt đối, chính Chúa là tình yêu,… »

Sau bữa cơm gặp mặt, các đại biểu đã về phòng họp gặp gỡ nhau. Mỗi người tự giới thiệu về địa điểm và công việc mục vụ mình đảm nhiệm. Người già nhất cỡ bảy chục hơn. Người trẻ nhất chỉ chừng 20 tuổi. Mọi người đều thống nhất thông qua chương trình 4 ngày gặp gỡ.

Chương trình khóa gặp gỡ được đề nghị như sau

THỨ NĂM 21 / 5 / 2009
14 g 00: Tiếp đón - Nhận phòng
18 g 00: Thánh lễ khai mạc
19 g 15: Cơm tối
20 g 30: Gặp gỡ, giới thiệu, thông qua chương trình, kinh tối, rồi nghỉ đêm.
22 g 00: Họp Ban điều hành

THỨ SÁU 22 / 5 / 2009
08 g 30: Điểm tâm
09 g 15: Kinh sáng – Cha Đại diện khai mạc khóa, bầu chủ tọa cho mỗi ngày - Chọn Ban thư ký cho cả khóa – Chia nhóm
10 g: 00 ĐÔ Mai đức Vinh trình bày tông huấn " Deus caritas " của ĐGH Bênêditô XIV
11 g: 00 Giải lao
11 g 15: Họp nhóm
12 g:15 Đúc kết
12 g 45: Cơm trưa
14 g 30: Cha Dũng trình bày: Đức Ái trong cộng đoàn + Chứng từ của Sr. Lan
15 g 30: Giải lao
15 g 45: Họp nhóm
16 g 45: Đúc kết - Tập hát lễ
18 g 00: Thánh lễ bằng hai ngôn ngữ Pháp và Việt
19 g 15: Cơm tối
20 g 30: Giới thiệu chương trình văn nghệ tối thứ bảy
21 g 30: Kinh tối
21 g 45: Sinh hoạt " Hưong vị bốn phương "

THỨ BẢY 23 / 5 / 2009
08 g 30: Điểm tâm
09 g 15: Kinh sáng
09 g 30: Gs Cảnh trình bày: Đức Ái trong gia đình
10 g 30: Họp nhóm
11 g 30: Giải lao
11 g 45: Đúc kết - Chụp hình lưu niệm
12 g 45: Cơm trưa
14 g 30: Anh Khánh trình bày: Đức Ái trong xã hội
15 g 30: Giải lao
15 g 45: Đúc kết - Chuẩn bị văn nghệ
18 g 00 Kinh chiều - Tập hát – Thánh lễ kính Đức Mẹ
19 g 15: Cơm tối
20 g 30: Kinh tối – Văn nghệ

CHÚA NHẬT 24 / 5 / 2009
08 g 30: Điểm tâm
09 g 30: Thánh lễ, Nghi thức sai đi
10 h 30: Họp mặt, rút ưu khuyết điểm, hướng về Khóa gặp gỡ thứ XIV
12g 15: Cơm trưa – Ra về

Ngày gặp gỡ đầu tiên, 21/05/2009, của 69 đại biểu, đại diện 22 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã được kết thúc với lời kinh tối thứ năm, lễ Thăng Thiên.
“Lậy Chúa, lậy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài.
Lậy Chúa, lậy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui,...

Hỡi những ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: Lậy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài,..”

Lậy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh,;;;
Con dâng Mẹ đây tâm hồn, đây trí khôn,...