Đức Thánh Cha Benedict XVI than trách sự dã man của thảm kịch Holocaust



TEL AVIV, Do Thái ngày 15 tháng 5, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI một lần nữa cương quyết tố cáo Holocaust, chống lại các lời phê bình nói rằng ngài không trách cứ một cách đúng đắn thảm kịch này khi ngài đến viếng Đài Kỷ Niệm Yad Vashem của Do Thái.

Một trong các chặng ngừng của chuyến hành hương 5 ngày tại Do Thái của Đức Thánh Cha chấm dứt hôm nay trong khi ngài bay trở về Rôma, là chặng thăm đài kỷ niệm này nơi ngài đặt một vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân bị tiêu diệt và gặp gỡ các người còn sống sót của Holocaust.

Sau đó, ngài bị lên án bởi các nhà phê bình Do Thái là đã không dùng danh từ “sát nhân” trong bài diễn văn của ngài tại đây, và ngài cũng không đề cập đến quân phiệt Đức Quốc Xã.

Trong nghi thức từ biệt tại Phi Trường Quốc Tế Ben Gurion của thành phố Tel Aviv, Đức Thánh Cha dành một thời gian để tưởng nhớ lại toàn thể chuyến hành hương, và đặc biệt nhắc đến cuộc viếng thăm đài kỷ niệm Holocaust, ngài nói đó là “một trong những thời điểm long trọng nhất của chuyến viếng thăm Do Thái."

Ngài khẳng định, "Những cuộc gặp gỡ xúc động đó nhắc lại ký ức của chuyến viếng thăm của tôi cách đây ba năm tại trại tử thần Auschwitz, nơi biết bao nhiêu người Do Thái – những người mẹ, người cha, chồng, vợ, con trai, con gái, anh chị em và bạn hữu – bị tiêu diệt một cách dã man dưới một chính thể vô thần truyền bá một ý thức hệ chống Do Thái và hận thù."

Đức Thánh Cha tiếp: "Chương lịch sử khủng khiếp đó không bao giờ được quên lãng hay chối bỏ."

"Ngược lại, những ký ức đen tối đó phải tăng cường quyết chí của chúng ta là đến gần nhau hơn như những cành của cùng một thân cây Ôliu, được nuôi dưỡng bởi cùng một gốc rễ và được hiệp nhất trong tình yêu huynh đệ."

Một vài đại biểu Do Thái đã trách cứ Đức Thánh Cha vì đã không nhắc đến nguồn gốc Đức của ngài trong bài diễn từ tại Yad Vashem. Đức Thánh Cha đáp lại bằng cách lập lại bài diễn văn ngài đọc vào tháng 5 năm 2006 tại Auschwitz, nơi ngài có nói đến mối liên hệ này.

Vào dịp này Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích rằng ngài đã đến Auschwitz "như một đức con của dân Đức” và vì lý do đó “trước sự thật và quyền lợi chính đáng của tất cả những ai đã chịu đau đớn tại đây, là một bổn phận trước mặt Thiên Chúa.” Ngài kết án những tội phạm ghê tởm của triều đại khủng bố của Đức Quốc Xã.”

Bạn hữu

Trong bài diễn văn từ biệt hôm nay, đọc trước Tổng Thống Shimon Peres và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, Đức Thánh Cha cũng hứa hẹn lòng thiện chí của ngài đối với tất cả mọi dân nước.

Ngài khẳng định, "Tôi đến thăm quốc gia này như một người bạn của dân Do Thái, cũng như tôi là một người bạn của dân Paletin.”

Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng tri ân về chuyến hành hương của ngài, và hy vọng sẽ có “hòa bình lâu bền dựa trên công lý” và “sự hòa giải và chữa lành chính thực” tại Đất Thánh.

Ngài khẳng định, "Đây là một miền đất phì nhiêu cho đại kết và đối thoại liên tôn,” và tôi cầu nguyện cho những nhân chứng tôn giáo phồn thịnh khác nhau trong miền sẽ kết hoa trái trong một sự gia tăng hỗ tương về hiểu biết và tôn kính lẫn nhau."

Đức Thánh Cha tiếp, "Chúng ta gặp gỡ như những người anh em, những người anh em trong nhiều thời điểm trong lịch sử chúng ta đã có những mối liên hệ căng thẳng, nhưng bây giờ đã cam kết vững vàng là sẽ xây dựng những nhịp cầu huynh đệ lâu bền."