Báo chí Mỹ nói nhiều về một dòng khổ tu người Việt nằm ở phía bắc thung lũng Lữ Sơn (Lucerne valley), quận San Bernadino, Nam Cali, cách xa thủ đô tỵ nạn Little Saigon khoảng 120 dặm. Trong số các bài báo, có bài tựa đề là "There is God in this deserted place" (tạm dịch "Có sự hiện diện của Thượng Đế trong chốn hoang vắng này") đã thúc đẩy tôi đến thăm một lần cho biết.

Khởi hành từ quận Cam lúc 7:30 tối, chúng tôi lái xe trên xa lộ liên bang 15 N. Tới exit 147, xe quẹo phải vào tỉnh lộ 18, rồi rẽ trái vào TL 247. Rời bỏ vùng ánh đèn chói chang của thị trấn Lucerne Valley, chúng tôi tiến dần tới sa mạc dưới ánh trăng mờ. Cả một vùng rộng lớn, không cây cối, toàn là núi đá, bụi cỏ; càng đi, trời và đất càng gần lại. Sau cùng, quẹo trái đường Lucerne Valley Cutoff, chúng tôi tới Đan Viện Xitô Thánh Giuse.

Đan Viện gồm 2 nhà kéo (trailers) màu kem, bao bọc chung quanh bởi hàng rào mắt cáo, một nhà dùng cho khách hành hương, một cho đan sĩ. Mỗi nhà có 6 phòng ngủ, thư viện, phòng ăn và bếp. Phòng ngủ trang bị đầy đủ tiện nghi gồm giường nệm, chăn mền, bàn viết, với phòng tắm và cầu tiêu riêng biệt. Tôi được chỉ định phòng số 1 trong suốt thời gian cư ngụ tại đây. Vừa mới chợp mắt, một thầy đánh thức tôi dậy vào lúc 3:55 sáng, thể theo lời yêu cầu tối qua của tôi.

- Mời Kỹ sư lên nhà nguyện!

Co ro trong bộ áo ấm, tôi băng qua sân cỏ xanh, tiến về phía phòng nguyện. Phòng được đạt tạm trong nhà đan sĩ, có sức chứa khoảng 15 người. Cung thánh tuy đơn sơ nhưng trang trọng, chính giữa là Thập Giá, bên phải là tượng Đức Mẹ La Vang, bên trái là tượng Thánh Cả Giuse. Tôi và 8 đan sĩ trong bộ áo dòng trắng bắt đầu giờ nguyện ngẫm. Tất cả đèn trong phòng đều tắt, trừ ngọn đèn 5w tỏa sáng mờ trong cung thánh. Bầu không khí lặng thinh bao trùm, tôi trống rỗng lòng mình để đón nhận Hồng Ân. Toàn thân tôi rung động, tưởng chừng Thiên Chúa đang hiện diện nơi đây.

Giờ nguyện ngẫm và cầu nguyên ban mai vừa chấm dứt. Một hồi chuông rung lên báo Thánh Lễ bắt đầu, khách tĩnh tâm cùng tham dự. Hòa nhịp với lời ca của cộng đoàn, tiếng đàn dương cầm từ cuối phòng nhẹ nhàng thánh thót. Qùy gối bên tôi là Đức Viện Phụ Vương Đình Lâm. Ngài năm nay ngoài 80, giầu nghị lực, ánh mắt nhân từ và phúc hậu. Ngài giúp tôi mở từng trang Thánh Kinh, lật từng bài thánh ca, thánh vịnh.

Sau Thánh Lễ là giờ lao động sáng,bắt đầu từ 7:30 đến 11:15. Hiện thời, đan viện có 4 thầy và 4 cha kể cả Đức Viện Phụ. Tất cả đều lao động: người phát quang, kẻ đào mương, người trồng cây. Các đan sĩ cần cù làm việc, đổi mồ hôi lấy bát cơm. Gạt mồ hôi trên trán, một đan sĩ kể rằng hồi còn ở nhà dòng Phước Sơn, chúng con cầy cuốc ruộng thay trâu bò!

- Nhưng ở đây, đất cầy lên sỏi đá, đan viện lấy gì mà tự lực cánh sinh? Tôi hỏi.

- Hiện giờ, công việc kiến thiết tu viện là ưu tiên 1, nhà dòng sẽ sản xuất sữa đậu nành, bỏ mối ngoài chợ, máy móc đã mua sẵn, và còn nhiều chương trình tự lực khác.

Sau khi cắt việc cho các tu sĩ, cha phụ trách Phạm Sĩ Hanh tiếp tôi tại phòng ăn nhà hành hương.

- Thưa cha, sao gọi là Đan Viện Xitô? kính xin cha giải thích.

- Vào thế kỷ 11, Thánh Robert of Molerme sáng lập đan viện tại tỉnh Citeaux, Pháp, dòng chuyên về " cầu nguyện và làm việc", do đó có tên Cisterian Monastery. Cha Tổ Phụ Benoit (tên Việt Nam là Cố Thuận) lập đan viện đầu tiên năm 1918 tại vùng rừng núi Phước Sơn, Quảng Trị. Từ đó, đẻ ra nhiều dòng con như đan viện Châu Sơn Bắc, Châu Sơn Nam, Phước Lý, và những đan viện nữ như Vĩnh Phước, Phước Hải. Tại Mỹ, 2 nhà dòng mới thành lập: một tại đây đã được Đức Cha Gerald Barrnes, Giám Mục địa phận San Bernadino khánh thành ngày 17/8/08, và một tại Walnut Grove, Bắc Cali. Trên thế giới có 7000 tu sĩ Xitô, trong đó có 800 thành viên thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Đan sĩ là con người tách biệt với tất cả mà lại liên kết với tất cả.

- Xin cha cho biết họa đồ tổng thể cuả đan viện (master plan) và những dự án tương lai.

Trải rộng họa đồ trên bàn, cha trình bầy:

- Một Ân Nhân người Việt hiến tặng 80 mẫu (80 acres). Ở đây phong cảnh sa mạc với đồi núi ngoạn mục và yên tĩnh, rất thuận tiện cho việc hồi tâm, cầu nguyện. Lô đất được bao bọc bởi hàng rào mà Kỹ sư thấy, chỉ chiếm một góc nhỏ, có diện tích khoảng 1 mẫu. Trên lô đất, nhà dòng đã thiết lập 2 nhà ở 20m x12m, một nhà nguyện 3000 sf với chi phi 390,000 đ sẽ xây cất sau khi có giấy phép của quận San Bernadino. Trong tương lai, nhà nguyện và các Trung Tâm Sinh Hoạt khác như nhà Tĩnh Tâm, cốc Tĩnh Tâm cheo leo trên đỉnh núi v. v. sẽ được xây cất trên 79 mẫu còn lại. Mỗi mỏm núi, mỗi địa hình là 1 chặng đường Thánh Giá. Một khi hoàn thành, du khách cũng như khách tĩnh tâm phải mất cả buổi mới đi hết 14 chặng đường.

- Thưa cha, còn tiện nghi công cộng như điện, nước, thoát thủy...?

- Đây là vùng đất mới khai phá, nên chưa có tiện nghi công cộng. Về điện, nhà dòng dùng năng lượng mặt trời (solar system), máy phát điện riêng chỉ dùng để chạy máy bơm nước và hệ thống điều hòa không khí. Về nước, chúng tôi đào giếng sâu 136m. Để thoát nước dơ, nhà dòng sử dụng hầm tự hoại (septic tank). Bình chứa khí propane được dùng trong bếp nấu ăn.

- Còn các phương tiện truyền thông như điện thoại, internet?

- Vùng núi cao khó bắt sóng, chỉ có điện toại di động của hãng Verizon là bắt được, nhưng phải đứng ở vị trí nhất định (cha chỉ tay về khoảng trống giữa 2 nhà). Còn internet, chúng con nối cáp (cable).

Với tư cách một chuyên viên lâu năm trong nghề, tôi góp ý với nhà dòng về họa đồ chỉnh trang và các công trình. xây dựng. Thảo luận xong, chúng tôi cùng đi quan sát thực địa.

Tiếp theo buổi cầu nguyện chiều là giờ lao động chiều từ 2:45 - 4:45. Ngoài 6 tiếng lao động, đan viện dành trọn vẹn 10 tiếng còn lại trong ngày cho cầu nguyện. Cầu nguyện trong sa mạc là từ bỏ cái ảo để tiếp nhận cái thực, cái tạm thời để tiếp nhận cái trường cửu.

9:30 tối là giờ nghi, đan viện nhạt nhòa trong bóng đêm. Dùng thì giờ tự do, tôi đơn độc thiền hành hướng về linh đài Thánh Cả Giuse, nằm phía bắc của đan viện. Trăng đã ẩn mình sau rặng núi. Vừa đi, tôi vừa cầu xin Ơn Soi Sáng " tiếp tục dấn thân hay an hưởng tuổi già". Thần trí tôi mỗi lúc một thêm sáng suốt, tôi lãnh nhận trong suốt 50 năm thiện nguyện biết bao Hồng Ân, con đường đi tới đã được tỏ lộ! Càng về khuya, khí trời càng lạnh, gió sa mạc hú từng hồi. Một vì sao sáng bất thần xuất hiện phương đông. Theo hướng sao dẫn đường, tôi trở về Đan Viện..

Khi còn ở San Jose, tôi ao ước được nhìn thấy Đan Viện và chỉ muốn biết bằng cách nào các đan sĩ có thể cầu nguyện 10 tiếng một ngày. Đến đây, không những mọi ưu tư được giải tỏa, tâm linh đổi mới, tôi còn được sống một ngày như một đan sĩ, ngoại trừ 6 giờ lao động. Đúng là xin ít mà được nhiều, càng cho đi càng được đong đầy.