Nhật Ký Tĩnh Tâm Năm Linh Mục Giáo Phận Huế
(10-14/3/2003)


Ngày thứ tư

Ngày thứ tư của Tuần Tĩnh Tâm Năm Linh mục Giáo phận Huế là ngày thứ năm, 13.3.2003.

Đề tài ban sáng là Đối thoại với Chúa trong đời sống cầu nguyện, và đề tài ban chiều là Lắng nghe Chúa Thánh Thần để mục vụ của linh mục trở nên thừa tác vụ của Thần Khí.


Sau đây là đề tài ban sáng: Đối thoại với Chúa trong đời sống cầu nguyện,

Để thi hành chức vụ tiên tri, chức vụ rao giảng Nước Chúa và nói về tình yêu của Chúa, linh mục phải không ngừng tiếp xúc với Chúa trong đời sống cầu nguyện. Không thể nào nói về Chúa nếu trước đó linh mục không nói với Chúa.

Linh mục không bao giờ được quên rằng một trong những nhiệm vụ tư tế quan trọng của mình là không bao giờ ngừng cầu khẩn cho Dân Chúa. Chỉ khi nào linh mục không ngừng cầu nguyện cho những người mình phục vụ, lúc đó, công việc mục vụ chăn dắt của linh mục mới có kết quả đích thực, theo như ý Chúa muốn.

Ý nghĩa thần học của việc cầu nguyện

Cầu nguyện là hồng ân.

Cầu nguyện, đối với người Kitô-hữu, là hành vi siêu nhiên, vì được bắt đầu từ Thiên Chúa, vì được Chúa Thánh Thần khơi dậy. Nhưng cầu nguyện cũng là hành vi của chính chúng ta vì khi Chúa ban ơn cầu nguyện cho chúng ta, và khi chúng ta tự do và tự nguyện lãnh lấy ơn ấy, thì ơn nầy trở thành sở hữu của chúng ta.

Vì cầu nguyện là một hồng ân của Chúa ban, nên khi chúng ta không dùng hồng ân cầu nguyện của Chúa ban cho, thì hồng ân nầy sẽ không triển nở được và sẽ mất đi.

Muốn cầu nguyện cho phải lẽ, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần mở của tâm hồn chúng ta vì cầu nguyện là khi được Chúa đến mở cửa tâm hồn.

Trong cầu nguyện, có hai sự khao khát: Chúa khao khát ta và ta khao khát Chúa.

Trong cầu nguyện, có hai tình yêu: Chúa yêu ta và ta đáp lại bằng tình yêu Chúa. Chúa tỏ tình với ta qua Lời của Ngài, vì thế, càng đọc Lời Chúa, càng lắng nghe Lời Chúa, càng suy niệm Lời Chúa, ta càng yêu Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa, tác động rõ ràng và kiến hiệu trên chúng ta trong lúc chúng ta cầu nguyện.

Những định nghĩa cổ điển về cầu nguyện như cầu nguyện là nâng hồn lên tới Chúa, là cầu xin những điều phải lẽ, cũng nói rõ vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần.

Chúa lúc nào cũng đến gõ cửa tâm hồn chúng ta, nhưng có thể có lúc chúng ta không chịu mở cửa cho Chúa vào vì chúng ta không chịu lắng nghe Lời Chúa, vì chúng ta lười biếng không chịu mở cửa đón Chúa vào. Cầu nguyện là mở cửa tâm hồn đón Chúa.

Cầu nguyện là giao ước giữa Chúa và ta, giữa ta và Chúa.

Khi ban ơn cầu nguyện cho chúng ta, Chúa muốn thiết lập tương giao với chúng ta. Như vậy, chính Chúa có sáng kiến trước, chính Chúa thiết lập tương giao trước.

Lịch sử của Dân Chúa, lịch sử của Giao ước, cũng là lịch sử của cầu nguyện. Chúa Thánh Thần ghi khắc Giao Ước của Chúa và ta vào trong con tim của ta để Chúa và ta thuộc về nhau.

Khi cầu nguyện, Thiên Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa, Chúa là của ta và ta là của Chúa.

Khi cầu nguyện, ta để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, ta có được tương giao với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

Khi ta cầu nguyện, Chúa Thánh Thần không những giúp ta sống tương giao với Chúa Cha và Chúa Kitô, mà còn đưa ta vào trong đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa.

Cầu nguyện là hiệp thông.

Khi cầu nguyện, nhờ Chúa Thánh Thần, ta kết hiệp với Chúa và nên một với Chúa.

Khi cầu nguyện, ta nên một với Đức Kitô để nhờ đó, ta trở nên con của Chúa, vì nếu Đức Kitô ở trong ta, thì Chúa Cha cũng ở trong ta.

Khi cầu nguyện, ta hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể để đón rước Chúa Giêsu vào trong trái tim, vào trong cuộc sống của mình.

Đỉnh cao của hiệp thông là cái chết. Chúa Giêsu chết để có thể sống trong Chúa Cha và vì Chúa Cha. Khi ta cầu nguyện, Chúa Thánh Thần cũng đưa ta lên đỉnh cao của sự Hiệp Thông là chết: ta chết cùng Chúa Giêsu để cùng sống lại với Người.

Khi ta hiệp thông với Chúa trong sự cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta chia sẽ sự sống của Chúa, tình yêu của Chúa, chương trình của Chúa, thánh ý của Chúa. Bởi thế, cầu nguyện là sống bằng Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà chúng ta cầu nguyện, và nhờ cầu nguyện mà chúng ta có Chúa Thánh Thần, Đấng ban ơn thông hiệp cho chúng ta và làm cho chúng ta sống đời Hiệp Thông.

Sau đây là đề tài ban chiều (cũng là đề tài cuối cùng): Lắng nghe Chúa Thánh Thần để mục vụ của linh mục trở nên thừa tác vụ của Thần Khí.

Tình hình thế giới hiện nay tuy bi quan, phức tạp, nhưng vẫn có mặt tích cực: con người hiện nay, vì quá phát triển về mặt khoa học kỹ thuật và vật chất bên ngoài, nên cảm thấy linh hồn mình bên trong trống rỗng, thiếu vắng sự thiêng liêng, cần được bổ sung thiêng liêng thêm cho linh hồn (un supplément d’ âme). Vì thế, con người hiện nay đang đi tìm sự thiêng liêng.

Đứng trước nhu cầu đời sống thiêng liêng của con người hiện nay, linh mục phải làm sao đưa ra một loại mục vụ thiêng liêng thật, có chiều sâu hơn, có căn bản đạo dức hơn. Vì thế, linh mục, ngoài đời sống đạo đức căn bản thật sự, còn phải tìm đủ mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để học hỏi thêm, để tìm hiểu thêm, hầu có thể trở thành thầy dạy đích thực cho con người hiện nay về đàng thiêng liêng, về đức tin, về sự cầu nguyện, về sự nên thánh, về đức ái....

Muốn được như vậy, linh mục phải tràn đầy Thần Khí của Chúa, phải sống trong Thần Khí của Chúa, phải sống theo Thần Khí của Chúa, phải lắng nghe Thần Khí của Chúa hướng dẫn để hành động.

Bởi đó, muốn có một thừa tác vụ của Thần Khí và trong Thần Khí, linh mục phải luôn luôn lắng nghe Chúa Thánh Thần. Và điều nầy được thực hiện dễ dàng trong việc đối thoại: đối thoại với Chúa, đối thoại với con người, đối thoại trong Chúa Thánh Thần, đối thoại qua Chúa Thánh Thần và đối thoại theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.