TRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI ĐỐI VỚI VẤN NẠN CỦA NGƯỜI TRẺ VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY

I. DẪN NHẬP

Sau 22 năm (1986 -2008) kể từ khi đất nước ta mở cửa cho nền kinh tế thị trường cho nước ngoài vào đầu tư kinh doanh và khuyến khích du lịch, nền kinh tế thị trường đã tạo nên một sức bật và những bước tiến mới mà nền kinh tế tập trung trước đây không thể có. Nền kinh tế thị trường không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin mà còn có khả năng tác động đến nhiều mặt của sự phát triển xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng, các dịch vụ công cộng thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn. Xã hội phát triển, kinh tế tăng trưởng! Những yếu tố này giúp người dân biết cách làm việc khoa học, phát huy khả năng sáng tạo, suy nghĩ linh động hơn.

Hơn bao giờ hết, nước Việt nam chúng ta đã, đang và sẽ có những bước tiến vượt bậc sau khi gia nhập vào tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) ngày 07/11/2006. Việt Nam có thể tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn với 148 thành viên, từ đó giữ một vị thế bình đẳng trên thị trường trong tương quan với tất cả mọi quốc gia khác. Hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập thị trường khổng lồ này mà không gặp bất cứ trở ngại nào, không bị áp đặt và phá giá như trước đây, miễn là không vi phạm những quy chế đã ký kết, và đủ sức cạnh tranh hàng hóa với các nước khác. Việt Nam sẽ nâng cao khả năng tiếp cận những công nghệ khoa học tiên tiến và hiện đại, những thị trường tài chính hàng đầu và trình độ cao. Tham gia WTO, vị thế Việt nam sẽ được nâng cao trong các mối quan hệ quốc tế, tạo nên sức sống và phong cách làm việc mới trong quá trình giao tiếp với các quốc gia trên thế giới. Người dân Việt Nam sẽ được nâng cao mức sống và hưởng nhiều phúc lợi hơn khi nguồn hàng hóa các nước thâm nhập rộng rãi vào thị trường nội địa. Dĩ nhiên, cùng với những lợi thế trên, Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức. Ví dụ: để cạnh tranh và tồn tại, các doanh nghiệp hàng hóa Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành, áp dụng công nghệ mới. Mặt khác, để đặt cơ sở thu hút đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần xem xét lại các chính sách kinh tế, cải thiện cách làm việc của các cơ quan công quyền, tạo hệ thống chính sách minh bạch, giảm thiểu đến mức tối đa căn bệnh “trầm kha” là hối lộ và tham nhũng!

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, việc gia nhập vào WTO từng là đề tài nóng bỏng và là niềm vui hăm hở cho biết bao người, đặc biệt giới doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng là nỗi lo âu, khắc khoải của các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, và những ai có suy tư, có tâm huyết, đối với thế hệ tương lai và sự tồn vong của đất nước. Đất nước chúng ta đã phải trả giá khá đắt để học một bài học kinh nghiệm. Sau 22 năm sống trong thời mở cửa, được cũng nhiều mà mất cũng nhiều! Nhưng dường như cái được trên bình diện kinh tế không cân xứng với cái mất trên những bình diện khác!

Như chúng ta đã chứng kiến, trong nền kinh tế thị trường, chất lượng sống của mọi người được tăng lên thấy rõ nhưng bên cạnh đó đã mang đến biết bao căn bệnh nguy hiểm, không chỉ nguy hại đến tính mạng của con người nhưng gây không ít tác hại đối với nhân phẩm và đạo lý. Thậy vậy, các dịch vụ gia tăng thì đồng thời các căn bệnh xã hội cũng gia tăng: ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, trẻ em phạm pháp, quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân, phong trào sống chung sống thử, phá thai, ly hôn, tự tử, bán con, thậm chí không thiếu những người con tán tận lương tâm đánh cha đập mẹ để giành giựt tài sản của phụ thân!

Ngoài những căn bệnh trên, cách vận hành của xã hội buộc người ta phải nói dối. Nói dối một hai lần còn ngượng miệng, nói nhiều trở thành tập quán. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nói dối có mặt ở mọi nơi mọi chốn từ gia đình, tới nhà trường, thương trường và thậm chí ở những nơi linh thiêng thờ phượng! Có những thủ tục hành chánh bất hợp lý khiến người ta phải khai gian, làm giấy tờ giả; cán bộ thì không ít người bị hủ hóa, thậm có những bác sĩ, điều dưỡng hay y tá chỉ khi được đút lót, tặng quà thì mới chăm sóc bệnh nhân như “từ mẫu”. Bộ máy thì cửa quyền, tiền lương của công chức thì không xứng hợp, khiến cho người dân phải đút lót, và cán bộ ăn hối lộ. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người đều như thế, nhưng các hiện tượng trên đã trở thành điều bình thường, khiến không ai ngạc nhiên hay phẫn nộ trước những biểu hiện như thế. Và đó là chính điều đáng ưu tư!

II. NHỮNG VẤN NẠN CỦA GIA ĐÌNH TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

1. Khủng hoảng gia đình

Trước hết xin xác định khái niệm “khủng hoảng gia đình” sử dụng trong bài này. “Khủng hoảng” được hiểu là đỉnh điểm của trạng thái mất thăng bằng, là một sự biến chuyển đột ngột trong tiến trình của các sự kiện, một cuộc xung đột, một thời điểm nguy kịch hoặc quyết định trong quá trình phát triển của gia đình: một sự phát triển có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. “Khủng hoảng gia đình” có nghĩa là những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình mang tính xúc phạm và không tôn trọng lẫn nhau, hoặc gia đình đang đối đầu với nguy cơ tan vỡ.

Sự khủng hoảng gia đình của nhiều nước trên thế giới nói chung, và Việt Nam chúng ta nói riêng, đã đến mức báo động; đấy là một vấn đề sục sôi mà có người so sánh như “ngọn núi lửa đang phun” hay “lụt hồng thủy hiện đại”. Thực trạng khủng hoảng gia đình đã và đang phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình và nhân cách nhiều người, đồng thời có nguy cơ gây những tác hại ngày càng lớn hơn.

Gia đình Việt Nam vào đầu thể kỷ 21 này đã có những thay đổi lớn so với “gia đình truyền thống” trước đây. Gia đình tương ứng với một thực thể xã hội được xác định một cách rõ ràng: gia đình biến đổi theo sự biến chuyển, đổi thay của xã hội; và những thay đổi ấy cũng có thể tốt hay xấu. Vào cuối thế kỷ 19, Việt nam, vốn là một nước quân chủ độc lập, đã trở thành một nước thuộc địa của Pháp. Cuộc đô hộ của phương Tây đã đem lại nhiều thay đổi trên đất nước chúng ta, trong đó gia đình bị tác động rất lớn. Trong thời tiền công nghiệp, gia đình Việt Nam luôn là một ‘đại gia đình’ tập trung vào chính mình, thế nhưng hiện nay, thời hậu công nghiệp, mẫu gia đình ấy đã bị tan rã theo nhịp phân tán rất nhanh của xã hội trong tiến trình toàn cầu hóa.

Chưa bao giờ gia đình Việt Nam có nhiều hiện tượng phản ánh cuộc khủng hoảng gia đình như ngày nay. Tình trạng ly hôn ly dị, biến đổi chức năng của vợ và chồng, cha mẹ và con cái không còn thời gian giành cho nhau, trẻ em lang thang, thanh niên nổi loạn, phạm pháp, ma túy, phá thai, mại dâm, người người cảm thấy cô đơn ngay chính trong gia đình mình và tìm đến cái chết (tự tử) để trốn khổ đau.

2. Tình trạng ly hôn ly dị

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao số lượng vụ ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ ly hôn thật đáng ngại. Năm 1994 cả nước có 22.000 vụ. Năm 2000 có 51.361 vụ. Năm 2001 là 54.226 vụ và năm 2005 là 65.929 vụ[1]. 6 tháng đầu 2008 số lượng ly dị tăng lên gần gấp đôi: 60.000 trường hợp.[2]

Theo báo cáo của tòa án nhân dân Tp. Sài Gòn thì từ năm 1985-1990 chỉ riêng Tp. Sài Gòn có 21.834 vụ ly hôn, vậy trung bình một năm là 3.639 vụ thì từ năm 1990-1995 lên tới 31.697 vụ, trung bình mỗi năm là 5.283 vụ. Như vậy so với các năm trước 1990 thì mỗi năm sau tăng lên gần 2000 vụ. Theo số liệu năm 1995 tại Tp Sài Gòn, có 5.195 vụ ly hôn trên tổng số 15.918 đôi kết hôn. Như vậy cứ 3 đôi kết hôn thì có 1 đôi ly hôn![3]

Những số liệu ly hôn trên chỉ là mặt nổi của tảng băng mà phần ngầm còn nguy hại hơn và chưa thể ước tính được. Chưa có một thống kê nào có thể xác định được mức độ tham gia hay rời bỏ những qua hệ riêng tư của đời sống vợ chồng. Cũng chưa ai có thể đo lường được mức độ suy giảm về đời sống thân mật, yêu thương mà vợ chồng giành cho nhau. Trong thực tế, nhiều cặp vợ chồng không có một đời sống hôn nhân lành mạnh, họ vẫn “cố”, để duy trì đời sống hôn nhân mặc dù ‘đời sống tình cảm” của họ đã chết!

Ly hôn trong xã hội chúng ta hiện nay được xem như là một hiện tượng bình thường của sự phát triển xã hội đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhiều người cho rằng ly hôn phản ảnh hiện tượng phát triển dân chủ và bình đẳng nam nữ. Con người nói chung và phụ nữ nói riêng đã có quyền tự giải phóng mình ra khỏi những tình cảm bế tắc và đau khổ trong đời sống hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, đối với đạo lý và truyền thống Việt Nam, ly hôn luôn là một đe dọa đối với hạnh phúc của vợ chồng và của con cái trong gia đình.


3. Biến đổi chức năng trong đời sống gia đình

Sự biến đổi của xã hội trong giai đoạn hiện tại dẫn đến việc vợ chồng cảm thấy lung túng trong cuộc sống chung rồi mất dần chức năng và vai trò truyền thống của vợ chồng trong gia đình, đương nhiên điều này kéo theo sự phân chia chức năng và vai trò làm cha mẹ.

Trong thời phát triển kinh tế thị trường, để đủ chi phí trang trải cho gia đình và đặc biệt giáo dục con cái đòi buộc cả vợ lẫn chồng đi làm. Điều đáng suy nghĩ trước hết đó là cùng với sự thành đạt của phụ nữ, vai trò của nữ giới được nâng cao, thì tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng. Không ít phụ nữ thành đạt trong xã hội nhưng lại thất bại trong hôn nhân. Đàn ông Việt nam chúng ta khó bỏ đi được tính gia trưởng độc đoán, trong khi với đà tiến của xã hội, phụ nữ đòi được bình đẳng và tôn trọng hơn.

Các cuộc điều tra xã hội học đều cho thấy, đa số đàn ông hiện đại vẫn thích mình "cao hơn vợ một cái đầu", cao hơn về kinh tế, trình độ và nghề nghiệp. Họ vẫn thích đóng vai trò khuyên răn, hướng dẫn, chỉ bảo cho vợ. Một cách nào đó, trên đất nước chúng ta, không ít người nam vẫn còn mang cái não trạng ‘chồng chúa vợ tôi’.

Ngược lại, với bao nhiêu sự đổi mới của thời đại và tại Việt Nam, không phải là không có những phụ nữ thành đạt hơn chồng, nhưng thiếu tế nhị, không hiểu tâm lý chồng, nên vô tình đã đẩy chồng đến chỗ tự ti mặc cảm. Họ không hiểu được người đàn ông cảm thấy buồn khi mình không làm tròn bổn phận làm chủ, cột trụ trong gia đình. Người chồng cảm thấy mình dư thừa trong gia đình, vì thế sự rạn nứt và đổ vỡ trong đời sống vợ chồng ngày càng sâu.

Mặt khác, nhiều đôi vợ chồng trẻ Việt Nam trước khi bước đến hôn nhân không hề có sự chuẩn bị về kiến thức, tâm lý cũng như kỹ năng làm vợ, làm chồng trong thời đại hiện nay. Họ chỉ biết lao vào công việc mà môi trường xã hội đòi hỏi. Dường như yêu cầu nghiệp vụ và mức thu nhập đã chi phối toàn bộ đời sống của họ, nên họ không còn chú trọng đến nỗ lực cùng nhau xây dựng và bảo vệ cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh đó cũng vì họ thiếu kiến thức và nhận thức về sự thay đổi xã hội tác động lên đời sống của con cái họ trong lãnh vực tình cảm, tâm lý, cũng như ứng xử xã hội.

[1] TTXVN, Gia đình "hoàn hảo" vẫn ly hôn, 17/07/2008,
[2] Bảo Chi, (18-11-2008). Gần 2 triệu phụ nữ chọn lối sống đơn thân. http://afamily.channelvn.net/20081117105147149tm0ca31/Song-don-than-xu-huong-moi-cua-nu-gioi/
[3] Nguyễn Thị Hồng Nga, (1995). Quan hệ bố mẹ và trẻ có khó khăn trong học tập, Tạp chí nghiên cứu giáo dục, viện khoa học giáo dục, số 11.

***
III. NHỮNG VẤN NẠN CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Giáo sư Nguyễn Thái Hợp, trong tác phẩm “Để họ lớn lên”[1] (tr 51-106) đã phác họa một bức tranh khá rõ nét và sâu sắc về sự đảo lộn các giá trị, khi so sánh thái độ sống của người trẻ xưa và nay.

Trước năm 1975 người trẻ Việt Nam ở hai miền Nam Bắc lớn lên trong chiến tranh, bom đạn. Dù sống ở miền Bắc, hay ở miền Nam, người trẻ đều giống nhau ở một điểm đó là họ lớn lên trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt, đầy chết chóc và chia ly. Cuộc sống mà họ đang trải qua giống như phù du, bèo bọt, chiến tranh làm cho họ không có một nơi chốn, một điểm tựa làm cơ sở phát triển đời sống của họ. Cũng chính vì thế khắc khổ, những kinh nghiệm thương đau đã làm cho người trẻ sớm trưởng thành và chững chạc. Dù chiến đấu trên chiến tuyến nào đi nữa, Bắc hay Nam, họ cũng có một lý tưởng để theo đuổi.

Nếu như đối với người trẻ Việt Nam trước năm 1975, chiến tranh khói lửa triền miên, chết chóc, ly tan là những vấn đề ảnh hưởng sâu nặng trên cuộc sống của họ, thì người trẻ trong thời đại kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đối diện với một thực trạng khác hơn: Lợi lộc vật chất. Những điều họ quan tâm là làm sao học để lấy bằng cấp, học cho xong một cái nghề để kiếm tiền lo cho bản thân, mua xe mới, xoay sở mua sắm thêm những vật dụng cần thiết, có thời gian để tương giao với bạn bè, một chuyến đi chơi xa để giảm stress trong cuộc sống hằng ngày, có một cuộc hò hẹn, một cuộc gặp gỡ thân tình với bạn bè, vv... Nói chung lại họ quan tâm đến những điều trong tầm tay với, họ bằng lòng với những nguồn vui nho nhỏ, với tình người thiết thực, mà không thiết tha gì với những lý tưởng cao cả, những mục đích sâu xa. Từ đó, không ít người trẻ đã đánh mất khái niệm về các giá trị đạo đức, đồng thời cũng đánh mất các điểm qui chiếu để xác định giá trị của mình.

Cũng vì thế mà rất nhiều người trẻ, tuy đầy đủ trên phương diện vật chất, vẫn cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình, và cũng có những người trẻ thích và làm cho mình trở nên cô đơn như một mốt thời thượng. Họ bắt chước từ những hình ảnh học sinh trung học lạnh lùng trong truyện tranh Nhật Bản, phim Hàn[2]. Và cũng vì mất định hướng trong cuộc sống, nên một số thích sống chung, sống thử và nạo phá thai hơn là kết hôn. Bi đát hơn, nhiều bạn đã tìm đến cái chết (tự tử) như một lối thoát.

1. Cô đơn ngay chính trong gia đình của mình

Qua phần trên, chúng ta đã thấy cha mẹ vì phải lo công việc nên dành rất ít thời gian cho con cái. Trẻ con thì học ngày học đêm, học thêm học nếm… Cha mẹ và con cái chẳng còn thời gian cho nhau. Có lẽ để bù đắp lại chuyện này nhiều bậc cha mẹ lo “cày” cho được nhiều tiền để mua xe “xịn”, mua quần áo đẹp, cung cấp những thức ăn bổ dưỡng và gởi con vào trường học nổi tiếng mắc tiền. Ở ngoài xã hội người trẻ càng được cung cấp vô vàn công cụ phục vụ cho nhu cầu giải trí. Các chương trình ti vi tăng về số lượng, thời lượng và nội dung, các rạp chiếu phim nhan nhản, các kiểu phòng trà, quá bar đa dạng với muôn màu sắc và các loại nhạc xập xình, báo chí đủ loại được rao bán khắp nơi, internet kết nối hoàn cầu được phục vụ với giá rất rẻ… người trẻ tha hồ chọn lựa cho những cuộc chơi để đốt thời gian và tiền bạc thâu đêm suốt sáng.

Dường như người trẻ ngày hôm nay có tất cả nhưng họ lại cảm thấy cuộc sống vô vị, không có ý nghĩa, họ chơi vơi ngoài xã hội, đến khi về nhà lại cảm thấy cô đơn ngay chính trong gia đình của mình. Chúng tôi mới thực hiện cuộc điều tra nghiên cứu về “Prolems, Coping Strategies and Help-Seeking Motives of Vietnamese Adolescents”[3].Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 132 học sinh Trung học trường Nguyễn Thị Minh Khai tại Sài Gòn. Trong đó có 120 học sinh trả lời bảng câu hỏi và 12 học sinh được mời phỏng vấn sâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng ‘gia đình’ là vấn đề các em ưu tư thứ hai, sau ‘học tập’. 107 học sinh trong số 132 học sinh than phiền rằng những mối quan hệ và bầu khí trong gia đình đã trở nên căng thẳng và gây khó khăn cho các em. Các em cho thấy ngày càng có khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Bầu khí trong gia đình nặng nề. Cha mẹ và con cái thường mâu thuẫn với nhau. Người trẻ không còn tìm thấy gia đình là mái ấm, là nơi mình có thể trao gởi những tâm tư tình cảm của mình. Sau đây xin trích một vài tâm sự của các bạn trẻ đã chia sẻ cho chúng tôi. “Tôi là người cô đơn vì thiếu thốn tình cảm từ khi ba mẹ ly dị. Tôi phải tự lo cho mình mọi chuyện, ngay cả những chuyện tế nhị của phụ nữ trong tuổi dậy thì tôi cũng không biết phải hỏi ai. Xa mẹ đã gây sốc và hụt hẫng lớn trong đời tôi. Tôi rất tủi thân và khóc thật nhiều. Tôi thèm khát có một gia đình nghèo nhưng hạnh phúc và có đầy đủ cha và mẹ”(N.T lớp 12). Bạn B.M lớp 11 cũng chia sẻ nguyên nhân, tác hại và nỗi cô đơn từ trong chính gia đình: “Tôi mong tôi có cuộc sống bình dị như bao bạn khác. Cuộc sống của tôi rất cô đơn, buồn chán và lập dị. Tôi không còn có năng lực, hứng thú để giải quyết một vấn đề gì. Cứ để mặc tới đâu thì tới vì giải quyết làm gì, ngày mai khổ đau lại tiếp diễn. Ví dụ: Ba tôi có người phụ nữ khác, mẹ tôi buồn quá thay đổi tính tình và bỏ bê chăm sóc tôi và gia đình. Chiến tranh xảy ra trong gia đình tôi mỗi ngày”.

Trước sự rạn nứt đỗ vỡ của đời sống gia đình, người trẻ nhận thức được và cố gắng xây dựng nhưng nhiều người cảm thấy bất lực trước sự cố gắng thiện chí của mình như bạn V.P lớp 12 tâm sự: “Ngày càng có khoảng cách, xa lạ với Cha mẹ mặc dù em đã cố tình và cố gắng nói chuyện, tâm sự với cha mẹ nhưng cha mẹ nói nhiều và không lắng nghe em cũng không hiểu em, em không thể biểu lộ suy nghĩ của mình cho cha mẹ. Lắm lúc em ước chi mình đui, mù trước mặt tiêu cực/ mặt trái của gia đình và xã hội có lẽ mình sẽ sống vui và hạnh phúc hơn”.

Đời sống vật chất quá đầy đủ và thậm chí dư thừa cũng không bù lấp nổi những thiếu hụt trong tâm hồn. Cuộc sống dường như mất định hướng và ý nghĩa của cuộc sống. Chưa bao giờ có hiện tượng người trẻ tự tử nhiều như ngày hôm nay. Có thể tình trạng thiếu cân bằng trong cuộc sống, tình trạng không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, cảm giác cô đơn trong xã hội và ngay cả trong gia đình là nguyên nhân đưa đến việc người trẻ đi tìm sự giải thoát trong cái chết?

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) “năm 2000 có đến 1 triệu người trên thế giới chết vì tự tử, như thế trong 40 giây có tới 1 ca tự tử. Số người có hành vi dọa tự tử cao gấp 20 lần so với số liệu chết do tự tử. Tại Việt Nam chúng ta, tuổi tự tử càng ngày càng trẻ hóa. Tự tử dần trở thành một trong 5 nguyên nhân gây chết hàng đầu của nhóm trẻ từ 15-24 tuổi. Phần lớn các nước thuộc cộng đồng châu Âu, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 10 gây tử vong. Năm 2003 Việt Nam có khoảng 18.000 người tự tử và 600 người đã chết vì tự tử”[4]. Chỉ riêng bệnh viện Trưng Vương, Tp Sài Gòn trong 1 năm từ tháng 5/2007 đến 5/2008 cho thấy, có đến 310 trường hợp nhập viện vì tự tử. Độ tuổi người tự tử chủ yếu dưới 35 tuổi, trong đó, từ 25 tuổi trở xuống chiếm đến 50%[5].

2. Nạo phá thai

Trong những năm gần đây, tại các đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn đã hình thành nếp sống công nghiệp. Mọi người nói “tốc độ”, đi “tốc độ”, và ăn uống cũng “tốc độ” hơn. Tình yêu của giới trẻ cũng không ra khỏi quỹ đạo tốc độ đó. “Yêu tốc độ” của giới trẻ đang là nỗi lo nhức nhối của gia đình và xã hội.

Việc “tiếp cận” quá nhanh chóng với những kiểu sống “tốc độ” như trên đưa đến vấn đề dễ dãi trong quan hệ tình dục và nạo phá của thanh thiếu niên. Nước ta đã được Liên Hiệp Quốc báo động và xếp hạng là một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới[6]. Trong khi đó chỉ số phát triển con người (thu nhập GDP tính theo đầu người, trình độ học vấn, tuổi thọ, mức sinh hoạt) tuy có tăng lên 4 bậc nhưng vẫn còn đứng thứ 105/177 nước trên thế giới. Tuy nhiên so với các nước láng giềng, thì Việt Nam còn xếp sau rất xa; như Thái Lan (đứng thứ 78), Trung Quốc (đứng thứ 81), Philippines (90) và Xri Lanca (99)[7].

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2002 cả nước có 572.425 trường hợp nạo phá thai và năm 2003 là 540.377 trường hợp. Tỉ lệ phá thai trên tổng số sinh chung của toàn quốc là 52%. Đặc biệt các tỉnh miền Đông Nam bộ lên tới 80%. Tại Sài Gòn, thống kê của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em TP cho biết năm 2003 toàn TP có 114.002 ca nạo phá thai, trong khi số ca sinh là 112.426 ca (tỉ lệ nạo phá thai trên tổng số ca sinh là hơn 101%, cao gấp đôi bình quân của cả nước). TP Sài Gòn “dẫn đầu” cả nước về số ca nạo phá thai, kế đến là Hà Nội (48.140 ca) và Cần Thơ (28.888 ca). Năm 2004 có 108.193 ca, trong khi số ca sinh là 107.314 ca (tỉ lệ cũng hơn 100%)[8].

Năm tháng đầu năm 2008, khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ TP Sài Gòn đã tiếp nhận trên 13.000 ca nạo hút thai (NHT), trong đó đối tượng vị thành niên chiếm khoảng 10% (hơn 1.300 ca) và 60% là thai to trên 12 tuần tuổi. Tại BV Hùng Vương, chỉ riêng việc phá thai bằng thuốc mỗi tháng cũng tiếp nhận 800-900 ca, trong đó phần lớn cũng ở tuổi vị thành niên[9].

Chỉ tính riêng Bệnh Viện Từ Dũ mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai. Như thế mỗi ngày trên đất nước ta có hàng ngàn thai nhi bị giết chết. Đây chỉ là những trường hợp đã được thống kê, các nhà nghiên cứu còn ước tính cả nước ta mỗi năm nước ta có trên 3 triệu ca nạo phá thai. Bởi vì, hiện nay tất cả các bệnh viện, các trung tâm y tế đều được phép nạo phá thai, ngoài ra còn rất nhiều phòng mạch tư nhân nạo phá thai lậu mọc lên nên không thể kiểm tra và thống kê được.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc nghiên cứu phỏng vấn 150 trẻ vị thành niên đi nạo phá thai tại bệnh Từ Dũ Tp. Sài Gòn đã ghi nhận rất rõ về sự tác hại của nạo phá thai quả thật đúng như các y bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã đưa ra trong những năm vừa qua. Quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai của tuổi vị thành niên đã mang đến những tai hại trầm trọng về mặt sức khỏe, tâm lý và xã hội, thậm chí tử vong cho chính đương sự và đặc biệt ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, sự phát triển phồn vinh của đất nước[10]. Kết quả cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, giới trẻ ngày nay chấp nhận quan hệ tình dục một cách thoải mái, nhưng phần lớn họ đều không hiểu hoặc hiểu không đúng về vấn đề sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai. Họ không hiểu mang thai sớm, nạo phá thai sẽ ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe phần lớn những đối tượng này chưa được chuẩn bị kỹ về tâm lý... Thực tế này đặt ra vấn đề: Làm thế nào cung cấp cho thanh thiếu niên những kiến thức, hiểu biết đúng đắn về tình bạn, tình yêu và sức khỏe sinh sản.

3. Ma túy

Toàn xã hội đã và đang nhức nhối trước hàng vạn người trẻ đã sa chân vào vực sâu ma túy, hàng ngàn gia đình tan nát, điêu đứng vì thảm họa khủng khiếp của bạch phiến. Xã hội đã mất đi hàng chục vạn sức lao động trẻ, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng để phòng chống và cai nghiện ma túy. “Số người nghiện có hồ sơ kiểm soát có trên 20 vạn lượt người nghiện được cai, gần như 100% tái nghiện. Đến cuối năm 2007, toàn quốc có 178.305 người nghiện ma túy, trung bình mỗi năm tăng trên 1 vạn người nghiện mới[11]”. Tuy nhiên những con số trên đây chỉ là những con số được báo cáo trong những trại cai nghiện chính thức. Cho tới nay không thể thống kê được số liệu tại các dịch vụ, trung tâm cai nghiện tư nhân chưa có giấy phép. Theo Ông Nguyễn Văn Minh, cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước vẫn còn đến 40% người nghiện chưa được quản lý, gây bất an cho xã hội[12].

Ma túy không phải là một tệ nạn xã hội thông thường như bao tệ nạn khác; nó vô cùng phức tạp và đan quyện với các yếu tố chính trị, kinh tế, tâm lý, đạo đức và tâm linh…. Nó còn nguy hiểm hơn cả AIDS vì nạn nhân nhìn nó như một cuộc chơi, và cái chết dù có thật nhưng không sơ sờ trước mắt như AIDS. Ma túy là nguyên nhân dẫn tới vô số tội phạm và nhiều tác hại khác: cá nhân thân tàn ma dại, đạo đức suy yếu, gia đình tan nát, tan gia bại sản, quốc gia suy tàn. Hiện nay có tới “60% người nghiện là đối tượng có tiền án, tiền sự; nhiều trung tâm có trên 70% đối tượng tiêm chích ma tuý và bị nhiễm HIV; số đối tượng bị bệnh lao, gan... chiếm hơn 20%[13]”. Qua tin tức báo chí, chúng ta cũng thấy rằng ma túy không chỉ đánh vào giới trẻ nhưng xâm nhập vào mọi địa bàn, mọi tầng lớp trong xã hội, ngay cả các cán bộ, công nhân viên nhà nước, công an và cả thấm phán, kẻ giữ kỷ cương cho quốc gia cũng nhận hối lộ để cho ma túy được bành trướng, lộng hành.

Ma túy ập vào khi đất nước ta mở cửa cho nền kinh tế thị trường đầu tư và phát triển mà chưa chuẩn bị cho người trẻ những kỹ năng sống. Giáo dục học đường ngày càng còn nhiều bất cập, thiếu địa chỉ trách nhiệm. Theo Giáo Sư Tiến Sĩ Đoàn Văn Điện thì chương trình và phương pháp giảng dạy của ta chưa thực hiện được bốn cột trụ giáo dục của thế kỷ 21 theo UNESCO: “học để biết, học để làm, học để sống với cộng đồng và học để tự khẳng định mình”[14]. Trách nhiệm của xã hội đối với vấn đề ma túy quả là một trách nhiệm chiến lược cho toàn quốc gia và cho mỗi người công dân.

4. Thiếu kỹ năng sống để đối đầu trước những khó khăn trong cuộc sống

Người trẻ việt nam ngày này phải sống “hai trong một”, giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại du nhập từ nước ngoài vào. Họ thực sự giỏi về khoa học kỹ thuật, vi tính, ngoại ngữ… so với những thế hệ trước đây, nhưng họ lại không biết cách ứng phó khi gặp những khó khăn thất bại. Rất nhiều bạn trẻ suốt ngày dành thời gian vào các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, những trò chơi điện tử một mình, ít tham gia vào các hoạt động xã hội, các cuộc giao tiếp giữa người và người. Vì thế, các kỹ năng giao tiếp và những nhạy bén trước những nỗi đau của người khác cũng kém đi, do không có cơ hội chứng kiến và thực hành.

Viện nghiên cứu giáo dục, trường đại học Sư phạm Sài Gòn đã thực hiện cuộc nghiên cứu “Nhận thức và thái độ của học sinh – sinh viên (HS/SV) về định hướng tương lai” được tiến hành trên 2.000 học sinh PTTH và sinh viên tại bốn thành phố lớn là Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Cần Thơ từ tháng 6 đến tháng 11/2008, đã thu được những kết quả đáng suy ngẫm. Cụ thể: 90,7% các em khẳng định ‘Tương lai do chính mình quyết định’ và 85,7% cho rằng mình có nhiều ước mơ đẹp trong tương lai. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra hạn chế quan trọng: “Các em còn e dè chưa dám dấn thân vào đời mà cứ muốn ‘học lên’ mà thôi. Các em cũng chưa biết phải có hành trang gì để lập nghiệp mà chỉ tập trung học vi tính, ngoại ngữ’. Điều đáng báo động là hơn 80% giới trẻ Việt Nam tỏ ra lạc quan trong cuộc sống nhưng lại thiếu định hướng cho tương lai[15].

Chuẩn bị mừng Lễ Noel 21-12-2008, chúng tôi đưa một nhóm 34 bạn trẻ đi thực tập làm công tác xã hội từ thiện tại một nhà Hưu Dưỡng, nơi giành cho các bà già bị bỏ rơi, không nơi nương tựa và giúp vui cho bệnh nhân ở Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa WT2. Phải trải qua một tuần huấn luyện mới dám “xuất quân”. Các bạn trẻ này đã được chia sẻ, thảo luận về những điều nên và không nên làm khi đến những nơi đó. Các bạn được học và thực tập (sắm vai) các kỹ năng trò chuyện, cách tặng quà những người bất hạnh, được dạy cho cách cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, massage và tập múa tập hát để cùng với các ông già Noel, hai Thiên Thần hát thánh ca và chúc mừng năm mới cho các bệnh nhân. Hầu hết các bạn rất vui khi được phục vụ và đã phục vụ rất tốt. Tuy nhiên cũng có một số bạn vừa đến nơi thì mặt đã tái mét không thể hát chung vì sợ hãi và không dám bắt tay mấy bà mẹ hưu dưỡng!

[1] Nguyễn Thái Hợp, (2007). Để họ lớn lên (tái bản lần 1). NXB Đức Tin và Văn Hóa (tr. 51-106)
[2] Xu hướng "cô đơn" trong giới trẻ, http://www.baomoi.com/Home/VanHoa/2008/
[3] Nguyễn Thị Hồng Quế, Nov 13, 2007, “Problems, Coping Strategies and Help-Seeking Motives of Vietnamese Adolescents”, Master’s thesis, De La Salle University, Manila, Philippines.
[4] Hồng Sam,, (10-2006). Số lượng người tự tử ngày càng gia tăng. http://vietbao.vn/Suc-khoe/So-nguoi-tu-tu-ngay-cang-gia-tang/30148250/248/

[5] Viết Toàn, (10-2008). Một năm có 300 người tự tử. http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/10/3BA07440/
[6] Henshaw, S. K.; Singh, S.; and Haas, T. (1999). The incidence of abortion worldwide. International Family Planning Perspectives, 25, S 30-S38
[7] UNDP, (28-11-2007). Báo cáo phát triển con người 2007-2008, tr 227-282
[8] Lê Thanh Hà, 08-08- 2005. Trẻ nạo phá thai: tương lai dằn vặt. tuổi trẻ online. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=92481&ChannelID=194
[9] Lê Thanh Hà, 08-08- 2005. Trẻ nạo phá thai: tương lai dằn vặt. tuổi trẻ online
[10] Nguyễn Thị Hồng Quế, (1999).Tình hình nạo phá thai của trẻ vị thành niên Việt Nam, Luận văn cử nhân xã hội học.
[11] Hồng Long, Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng – Giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống ma túy – Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam, http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT30110765174
[12] Phong Cầm, Cả nước còn 40% người nghiện ma túy chưa được quản lý, http://www.tin247.com/ca_nuoc_con_40_nguoi_nghien_ma_tuy_chua_duoc_quan_ly-1-141419.html
[13] ibid.
[14] Đoàn Văn Điện, (06-09-2004). Cần làm gì để thực hiện bốn cột trụ trong giáo dục. Báo Người Lao Động
[15] Công ty Wrigley, (06-12). Trang bị ‘kỹ năng mềm’ để vào đời. http://chaongaymoi.com/vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet/trang-bi-ky-nang-mem-de-vao-doi/

***

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI

Kính thưa Hội Nghị,

Vậy đâu là trách nhiệm của xã hội đối với những căn bệnh xã hội hay hành vi lệch chuẩn nêu trên? Nói đến ‘trách nhiệm xã hội’ thì phải xét trên cả hai bình diện: vừa cá nhân vừa tập thể. Khi một người có hành vi lệch chuẩn như sử dụng ma túy, trộm cắp, tham nhũng, mại dâm, tự tử… chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cá nhân đó mà xã hội vô can; hoặc ngược lại, đổ lỗi cho xã hội để chứng minh cá nhân ấy vô tội. Hành vi lệch chuẩn của cá nhân bị tác động và tương tác qua lại của một chùm nguyên nhân. Trách nhiệm xã hội không chỉ bao hàm đòi hỏi của xã hội đối với cá nhân, nhưng còn bao hàm trách nhiệm đối với cá nhân nữa; và ngược lại, cá nhân cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Trách nhiệm xã hội còn phản ánh mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và xã hội, giữa người dân với Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, trong phần trình bày hôm nay, chúng ta không nói đến trách nhiệm cá nhân đồi với xã hội (vì trách nhiệm này đã được luật pháp điều chỉnh), mà chỉ tập trung vào trách nhiệm của xã hội đối với người dân. Nói cách khác, chúng ta sẽ phân tích trách nhiệm của người lãnh đạo và các tổ chức Nhà nước đối với nhân dân. Trong hiến pháp nước Cộng hòa Chủ nghĩa Việt Nam số 9 và 10 đã ghi rất rõ: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”[1]. Cùng với thao thức xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, trong văn kiện đại biểu toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các tổ chức Đảng, nhà nước, cán bộ công chức của nhà nước đối với nhân dân: “Chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên, và công chức nhà nước phải thực sự là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”[2]. Nghĩa là những người có chức có quyền phải làm gương, phải có trách nhiệm và chịu sự giám sát, lắng nghe tiếng nói của dân. Nhưng đến nay, dù có những nỗ lực trên nhiều lãnh vực, thì cũng phải công nhận rằng chủ trương ấy chưa hoàn toàn biến thành hiện thực.

Trong bối cảnh xã hội hiện tại với những mặt tích cực và những hệ quả tiêu cực do xã hội mở cửa cho nền kinh tế thị trường, đã có một vài cơ quan và đoàn thể của nhà nước, những nhà nghiên cứu xã hội lên tiếng cảnh báo. Cũng đã có những hội đoàn tôn giáo, những nhóm thiện nguyện và nhiều cá nhân đã cố gắng với tiền của và những nỗ lực riêng để đồng hành và xoa dịu phần nào những căn bệnh xã hội hiện đang tràn lan khắp nơi trong nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Làm sao xóa được hoặc ngăn chặn, phòng ngừa việc xảy ra những vấn nạn xã hội đã trình bày ở trên? Hay ít nhất làm sao có thể giảm bớt những vấn đề xã hội tai hại ấy ngay từ bước đầu? Đây là công việc đòi hỏi một cách tư duy toàn diện về con người và xã hội trong việc ứng phó hoặc sống với những biến đổi trong xã hội hiện tại, để từ đó hình thành nên những cấu trúc tương tác mang tính tích cực và hiện thực giữa con người và xã hội. Kế tiếp, từ tư duy và cấu trúc tương tác này, chúng ta có thể cung cấp cho người trẻ và những gia đình trẻ những hành trang cần thiết để sống và hoạt động trong xã hội chúng ta đang sống, một xã hội hiện đại nhưng cũng dầy dẫy những yếu tố phức tạp.

Trên một số phương diện, thiết nghĩ chúng ta cần có những thay đổi căn bản: thay đổi cách sử dụng nguồn nhân lực và mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với chính quyền, giữa các quốc gia với nhau. Tuy sự lãnh đạo hỗ trợ của Nhà nước là hết sức cần thiết, nhưng vai trò hàng đầu dẫn đến những thay đổi này phải xuất phát từ xã hội dân sự. Người dân cần trở nên trung tâm cho mọi mối quan tâm của Nhà nước thì mới mong có một sự phát triển hài hòa và tốt đẹp.

V. THỬ TÌM MỘT HƯỚNG GIẢI QUYẾT.

1. Minh bạch hóa những lạm dụng quyền lực.

David C.Korten trong tác phẩm “Bước vào thế kỷ XXI – hành động tự nguyện và chương trình nghị sự toàn cầu” cho rằng “việc giám sát và phản kháng vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Có nhiều yếu tố đòi hỏi phải có những hành động kiểm tra việc lạm dụng quyền lực, vừa vi phạm luật pháp, vừa vi phạm những nguyên tắc xử thế được xã hội loài người thừa nhận, nhất là khi sự lạm dụng quyền lực là do chính phủ và giới kinh doanh gây nên. Then chốt để có được sự theo dõi và phản ứng hữu hiệu, là một hệ thống giám sát của nhân dân, đưa những hành vi lạm dụng quyền lực ra cho mọi người cùng nhìn thấy và để có hành động”.

Sự lạm dụng quyền lực sống được là nhờ sự im lặng. Thường thường, tâm trạng sợ bị tố giác đã đủ để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực. Những người lạm dụng quyền lực tự coi họ có quyền làm như thế và rất không thích bị giám sát và phản đối. Cần phải có lòng dũng cảm để giám sát và tố giác việc lạm dụng quyền lực trong xã hội dù sau đó rất có thể sẽ bị trả đũa.

Khó có tổ chức nào tự mình giữ được tốt kỷ cương chỉ bằng xử lý nội bộ. Chính vì thế, nền dân chủ phải dựa vào một hệ thống chế tài và đối trọng của các định chế xã hội, chẳng hạn một nền tư pháp độc lập và một nền báo chí tự do. Ngay cả những định chế này nếu muốn hoạt động hữu hiệu thì lại phải nhờ vào sự giúp đỡ của các công dân biết cảnh giác và thông thạo tình hình[3].

2. Tăng cường khả năng tham gia của nhân dân.

Cần tăng cường khả năng tham gia của nhân dân vào việc xây dựng các cộng đồng bền vững bằng cách nỗ lực phát triển nhanh chóng các tổ chức nhân dân và giáo dục ý thức cho họ. Khuyến khích các cộng đồng tăng cường việc tổ chức và hỗ trợ cho các sáng kiến của nhau. Khuyến khích và hỗ trợ các chính phủ trong việc tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi cho hành động của nhân dân, đặc biệt là các tổ chức như các tôn giáo, đoàn thể, hiệp hội của xã hội dân sự, nghĩa là các tổ chức hợp pháp và hợp hiến, nhưng không trực thuộc chính quyền.

Tất nhiên thay đổi vì sự phát triển, bằng cách lấy con người làm trung tâm, thực sự là một thách thức và lo sợ căn bản đối với những người đang hưởng các đặc quyền đã được xác lập lâu nay trong xã hội. Tương lai của tất cả chúng ta tùy thuộc vào một sự chuyển hóa cơ bản về tư duy và hoạt động, đưa mọi người khám phá lại giá trị nhân văn đích thực và tái lập mối quan hệ giữa người và người, giữa con người và môi trường. Muốn thực hiện công cuộc thay đổi đó, cần đi vào thực tế, chứ không chỉ đề ra một đường hướng mang tính lý tưởng cao nhưng lại không thể nào biến thành hiện thực được.

Tương lai đất nước Việt Nam của chúng ta tùy thuộc vào hàng triệu dân và người trẻ tự nguyện, mỗi người là một trung tâm năng lực tự nguyện góp phần tăng cường sức mạnh cho một phong trào tiến bộ năng động của đất nước. Mỗi người đều có thể và có cơ hội góp công sức của mình. Mỗi người sẽ góp phần vào việc xây dưng đất nước phát triển bền vững nếu chúng ta biết khơi gợi tiềm năng và sử dụng họ đúng người đúng việc.

3. Cải tiến hệ thống giáo dục và chương trình đào tạo ở các cấp học

Tại các trường học, các nhà văn hóa, các câu lạc bộ, các trung tâm và các đoàn thể, tổ chức tôn giáo nên mở thêm nhiều lớp học “làm người”. Điều này đóng góp một phần rất quan trọng và căn bản cho việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục gia đình và giới trẻ hôm nay. Trong quá trình đào tạo căn bản này chúng ta cần phải thay đổi phương pháp giáo dục đạo đức: Thay vì thuyết giảng theo kiểu giáo điều, lý thuyết khô khan, kiểu áp đặt làm cho học sinh chỉ biết thụ động tiếp nhận, chúng ta nên dùng những phương pháp giáo dục chủ động lấy học sinh làm trung tâm để tạo nguồn hứng thú, sáng tạo trong học tập, ví dụ như thảo luận nhóm, sắm vai, trò chơi, xem phim và thuyết trình trước lớp…. Chỉ qua phương pháp giáo dục chủ động học sinh mới có cơ hội sáng tạo và phát triển tài năng tối đa của mình.

Kế đến tùy theo lứa tuổi và kinh nghiệm sống cần có những lớp kỹ năng làm cha làm mẹ, lớp chuẩn bị hôn nhân gia đình, lớp kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho giới trẻ. Dùng phương pháp chủ động và sáng tạo để học viên có thể dễ nhớ bài và được thực tập ngay trong từng lớp học. Cần tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội suy nghĩ, thảo luận về mục đích, lý tưởng, giá trị sống để nhận ra chính mình.

Trong các chương trình huấn luyện và giáo dục trên, chúng ta hướng người trẻ đến với chính họ để nhận ra những giá trị riêng của mình, cho họ cảm thấy sự sống của mình là một ân huệ và hạnh phúc, đồng thời giới trẻ cũng phải thấy họ có trách nhiệm đóng góp với xã hội đang sống. Việc này phải được giáo dục từ nhỏ ngay từ trong gia đình và được bổ túc qua nhà trường và ngoài xã hội. Hơn nữa để trở thành công dân toàn cầu, người trẻ cần phải biết ý thức về những vấn đề toàn cầu và phải biết ứng xử và hành động trong bối cảnh sống mới này, phải hội nhập và tiếp nhận theo nghĩa chủ động, việc này không thể có nếu như người trẻ không được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Phần trách nhiệm này không thể thiếu trong chương trình giáo dục của nhà trường và của những trung tâm đào tạo, các trường đại học.

4. Cung cấp các dịch vụ cho thanh niên vào đời

Các tổ chức xã hội cần cung cấp nhiều loại hình giáo dục, câu lạc bộ, địa điểm vui chơi mang tính văn hóa và giáo dục cho thanh niên vào đời, để thu hút họ tránh rơi vào những môi trường xấu, gây tác hại đến chính họ và đến những người xung quanh.

Cần đào tạo thêm các chuyên viên tư vấn và nhân rộng thêm các trung tâm tư vấn về tâm lý – giáo dục tình yêu gia đình. Nhu cầu cần được tư vấn để giải quyết các vấn đề cá nhân và gia đình là nhu cầu rất bức xúc và cấp bách hiện nay. Mặt khác, đất nước ta không thiếu gì những người sẵn sàng học hỏi để trở thành chuyên viên tư vấn, nhưng hiện nay, nhu cầu này cũng chưa được đáp ứng đầy đủ.

Cần đào tạo thêm cách giảng viên giảng dạy theo phương pháp “chủ động” đặc biệt trong các chương trình huấn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ. Các phụ huynh và các bạn trẻ đã nhận ra sự thiếu hụt kỹ năng để đối phó với cuộc sống thường ngày giữa một xã hội đầy biến động hôm nay.

Tôi xin đơn cử một ví dụ: Đầu tháng 10/2008 chúng tôi mở lớp “Kỹ Năng Sống” cho giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh đã có 130 bạn trẻ theo học. Sau ngày khai giảng 2 tuần có gần 40 bạn nữa đến đăng ký xin học nhưng lớp học đã quá tải chúng tôi không thể nhận thêm. Cách đây hai tuần, chúng tôi lại khai giảng lớp “Kỹ Năng Sống” cho giới trẻ tại một giáo xứ nơi mà giới trẻ đã xa rời dần các lớp giáo lý và những sinh hoạt của nhà thờ, tại Tỉnh Đồng Nai. Số lượng học viên học theo phương pháp chủ động dự trù chỉ nhận 30 bạn trẻ. Trước ngày khai giảng chúng tôi lo lắng không biết có được 20 học sinh tham dự không. Đến ngày khai giảng số lượng các bạn trẻ đến đông không ngờ, họ đã đăng ký 112 bạn. Lúc này chúng tôi lại phải tuyển chỉ nhận 40 bạn và có thể mở một lớp. Nhìn khuôn mặt buồn rầu của 70 bạn trẻ khao khát được học nhưng không được vào lớp lòng tôi lại quặn đau. Cuối cùng chúng tôi quyết định mở thêm một buổi nói chuyện chuyên đề hàng tháng cho tất cả các bạn trẻ còn lại và cho những ai muốn tham dự.

Và sau mỗi buổi dạy học các lớp về tâm lý, kỹ năng sống cho giới trẻ, kỹ năng làm cha làm mẹ chúng tôi có ít là 4 tới 7 học viên xin hẹn để được tư vấn nhưng do công viêc quá tải tôi không dám nhận. Quả thật, nhu cầu tư vấn và được tư vấn là một vấn đề thuộc trách nhiệm của xã hội.

IV KẾT LUẬN:

Với đề tài “Trách nhiệm của xã hội đối với khủng hoảng của người trẻ và của gia đình”, chúng tôi đã nêu lên các vấn đề gây khủng hoảng cho người trẻ và gia đình, cũng như đề xuất một vài phương hướng để giải quyết. Qua đó, chúng ta cũng thấy rằng xã hội, hay cụ thể hơn, Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo cơ sở và môi trường để giải quyết các khủng hoảng và xóa bỏ các căn bệnh xã hội. Chúng ta sẽ đạt những kết quả khả quan, ngày nào người dân được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mọi thành phần trong guồng máy chính quyền thể hiện đúng bản chất của một Nhà nước XHCN, nghĩa là một Nhà nước ‘từ dân, do dân và vì dân’.


[1] Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 13-15
[2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2006, Tr 44.
[3] David C.Korten, “Bước vào thế kỷ XXI – Hành động tự nguyện và chương trình nghị sự toàn cầu”. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996

***
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Wrigley, (06- 12- 2008) Trang bị ‘kỹ năng mềm’ để vào đời, http://chaongaymoi.com/vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet/trang-bi-ky-nang-mem-de-vao-doi/
Đảng Cộng Sản Việt Nam, (2006). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính Trị Quốc Gia - Hà Nội, Tr 44.
David C.Korten, (1996). “Bước vào thế kỷ XXI – hành động tự nguyện và chương trình nghị sự toàn cầu”. NXB Chính trị quốc gia -Hà Nội
Đoàn Văn Điện, (06-09-2004). Cần làm gì để thực hiện bốn cột trụ trong giáo dục. Báo Người Lao Động
Henshaw, S. K.; Singh, S.; and Haas, T. (1999). The incidence of abortion worldwide. International Family Planning Perspectives, 25, S 30-S38
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2002). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 13-15
Hồng Long, Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng – Giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống ma túy – Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT30110765174
Hồng Sam, (10-2006). Số lượng người tự tử ngày càng gia tăng, http://vietbao.vn/Suc-khoe/So-nguoi-tu-tu-ngay-cang-gia-tang/30148250/248/
Lê Minh Tiến, (20-07-2008). Ly hôn là thất bại, Báo Người Lao Động,
Lê Thanh Hà, (08-08- 2005). Trẻ nạo phá thai: tương lai dằn vặt. tuổi trẻ online. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=92481&ChannelID=194
Nguyễn Thái Hợp, (2007). Để họ lớn lên (tái bản lần 1). NXB Đức Tin và Văn Hóa (tr. 51-106)
Nguyễn Thị Hồng Nga, (1995). Quan hệ bố mẹ và trẻ có khó khăn trong học tập, Tạp chí nghiên cứu giáo dục, viện khoa học giáo dục, số 11.
Nguyễn Thị Hồng Quế, (1999). Tình hình nạo phá thai của trẻ vị thành niên Việt Nam, Luận văn cử nhân xã hội học.
Nguyễn Thị Hồng Quế, (Nov 13, 2007). “Problems, Coping Strategies and Help-Seeking Motives of Vietnamese Adolescents”, Master’s thesis, De La Salle University, Manila, Philippines.
Phong Cầm, Cả nước còn 40% người nghiện ma túy chưa được quản lý, http://www.tin247.com/ca_nuoc_con_40_nguoi_nghien_ma_tuy_chua_duoc_quan_ly-1-141419.html
TTXVN, Gia đình "hoàn hảo" vẫn ly hôn, 17/07/2008
UNDP, (28-11-2007). Báo cáo phát triển con người 2007-2008, tr 227-282
Viết Toàn, (10-2008). Một năm có 300 người tự tử. http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/10/3BA07440/
VTC, (22-04-2008). Xu hướng "cô đơn" trong giới trẻ. http://www.suctrevietnam.com/Web/TinTuc/Content.aspx?distid=51336