Nga Sô đã hiểu sai Karl Marx

Ông Nikolas Luhmann (1927-1998), một chuyên gia người Đức về xã hội học và lý thuyết gia về các hệ thống tư tưởng xã hội, đã có lần quả quyết rằng: «Chủ nghĩa Mác-xít sẽ không bao giờ tái diễn trở lại nữa, bởi vì nó đã qua rồi». Nhưng có lẽ ông Luhmann đã lầm chăng, vì chủ nghĩa Mác-xít đang tìm mọi cách để sống còn, và không chỉ trên phương diện chính trị nhưng cả trên lãnh vực phim ảnh và nghệ thuật nữa. Thật vậy, ông Alexander Kluge, nhà văn và nhà làm phim người Đức, đã nổi tiếng qua ba dĩa DVD phim tài liệu về tác phẩm «Tư Bản Luận» của Karl Marx dài gần mười giờ đồng hồ liền, mà ông đã dựa theo những ghi nhận trong cuốn Nhật Ký của nhà đạo diễn người Nga Sergei Eisenstein, một người từng mang ước vọng quay tác phẩm trên thành phim từ năm 1972, nhưng ông đã không thể thực hiện được ước vọng của mình.

Nhưng người ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi là những người Mác-xít đã lấy đâu ra tinh thần vùng dậy như thế? Phải chăng là tinh thần chống đối hay ý chí muốn cách mạng hóa xã hội tân tiến ngày nay một lần nữa?

Marx đã học hỏi được các phương pháp nơi thầy mình là Hegel, và ông đã lật ngược chủ thuyết duy tâm của Hegel thành chủ thuyết duy vật. Thật ra, chính Hegel đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại rồi, khi ông bác bỏ nền triết học về hữu thể học Tây phương. Theo Hegel, khoa siêu hình học của Aristote cũng như khoa phê bình siêu hình học của Kant phải đối mặt với sự mâu thuẫn như là nguyên tắc tối thượng. Đối với siêu hình học truyền thống, thì tự bản chất, sự hữu và Thiên Chúa được coi như bất khả phủ nhận. Nhưng Hegel đã phi bác truyền thống Tây phương đó, khi ông nói: «Tự bản chất, tất cả mọi sự vật đều mâu thuẫn». Và giờ đây, khi tinh thần chống đối hay mâu thuẫn, cũng như sự chống đối lại quyền bính đã thực sự bùng nổ, thì đối với Karl Marx quả là một phương tiện tốt để vận tải lý thuyết cách mạng trường kỳ vào trong xã hội. Trong tác phẩm chính của ông «Wissenschaft der Logik» (Khoa học luận lý), Hegel đã khẳng định rằng chính sự hữu chỉ là cái chi có vẻ bề ngoài là thật hay tương tự thật mà thôi và nó nằm lẫn sâu trong phạm vi của chủ quan tính, nghĩa là một sự suy luận thuần tuý và vì thế bất khả tự lập đối với sự tư duy. Dựa theo tư tưởng trên của Hegel, Marx đã đem áp dụng vào sự biến đổi của vật chất, khi ông trình bày trong tác phẩm «Tư Bản Luận» tính cách khách quan của thế giới hàng hóa như là một cái chi chỉ có vẻ bề ngoài thật hay tương tự thật mà thôi và ông nói đến tính chất linh vật của hàng hóa. Trong tập phim tài liệu của Kluge, các hàng hóa đã làm say đắm quyến rũ con người. Việc Marx hoàn toàn ý thức được sự phê bình hữu thể học với thuyết duy vật biện chứng của ông, đã được chứng minh ngay ở phần đầu tác phẩm của ông «Phê bình triết học luật pháp của Hegel», ông viết: «Đối với Đức quốc, sự phê bình tôn giáo là trọng tâm mọi vấn đề, và sự phê bình tôn giáo là điều kiện cho mọi phê bình khác… Nền tảng của tất cả mọi phê bình phản tôn giáo là: Con người làm nên tôn giáo, chứ không phải tôn giáo làm nên con người.»

Hai nhà biện chứng, Hegel (tinh thần biện chứng) và Marx (duy vật biện chứng), đã có thể trình bày được các lý thuyết của họ như thế, là nhờ dựa vào các cơ cấu trật tự thuộc hữu thể học, tức qua việc đổi ngược lại ý niệm về yếu tính và bản thể của hữu thể học truyền thống.

Chủ nghĩa duy vật tìm cách làm cho các sự vật nói được, khi họ dành cho chúng quá nhiều quyền lợi riêng và tự do. Và do đó, trong cuốn phim, Joseph Vogl, nhà nghiên cứu chuyên ngành văn chương, đã nói đến «Nhân quyền của các sự vật». Thật vậy, chủ nghĩa duy vật đã qui gán cho các sự vật tiềm năng hành động, ví dụ nơi trường hợp tên sát nhân: Y quả quyết là cái dao găm của y thực hiện hành động giết người, chứ không phải chính y giết người. Tiềm năng hành động này của sự vật đã đặt câu nói «tôi muốn» của chủ thể hành động thành vấn đề, tức «tôi muốn» chưa hẳn hay không nhất thiết là nguyên nhân của hành động.

Trên thực tế, hậu quả tất yếu của một tình yêu như thế của nhà nghiên cứu văn chương Vogl đối với các sự vật không gì khác hơn là sự loại bỏ tất cả mọi tính cách trách nhiệm nhiệm của tác nhân hành động. Phải chăng một quan điểm duy vật về kinh tế như thế có thể được coi là hoàn hảo nhất?

Điều mà Alexander Kluge đã luôn luôn nêu thành đề tài trong các cuộc nói chuyện, cũng chính là điều mà Karl Marx đã gọi là tính chất linh vật của hàng hóa. Đối với nhà triết học về xã hội Oskar Negt thì luật lệ về giá trị luôn luôn thực hiện phía sau lưng những người làm mậu dịch. Sự tập trung hàng hóa trong các siêu thị và trong các tiệm buôn bán chỉ mới là một hình thức bề ngoài, bởi vì đó chưa phải sự giàu có phồn thịnh thực tiễn. Theo Marx, sự giàu có phồn thịnh thực tiễn hệ ở việc lao động, vì sự lao động mới sản xuất ra hàng hóa. Nơi các cuộc đình công hay những vấn đề thuyên chuyển sẽ nhanh chóng cho thấy một cách rõ ràng các hàng hóa trở nên vô giá trị ra sao và đánh mất đi các đặc tính hàng hóa của chúng như thế nào.

Người ta biết được nhiều thông tin qua các đối tác tranh luận của Alexander Kluge với những luận cứ chống lại Nga Sô và Trung Hoa, những nước mà họ cho rằng đã không thực hiện được chủ nghĩa Mác-xít một cách đúng đắn. Negt nhắc đến Karl Korsch, một người Mác-xít, qua đời năm 1961 ở Mỹ, đã nhận ra chủ nghĩa Mác-xít Liên Sô là một sự ý thức sai lạc, bởi vì Liên Sô đã chỉ lợi dụng chủ nghĩa Mác-xít như ý thức hệ để làm phương tiện cho công cuộc kỹ nghệ hóa của riêng mình mà thôi, chứ không phải để thấm nhuần chủ nghĩa Mác-xít một cách đầy đủ ý thức. Trong khi ý thức hệ Mác-xít là một lời thề hứa giải phóng từng lớp thợ thuyền, chứ không phải nô lệ hóa họ trong bộ máy kỹ nghệ quốc doanh. Đây cũng là điều đã xảy ra hoàn toàn tương tự như thế ở Trung Hoa và ở tất cả các nước theo chế độ độc tài cộng sản khác. Và triết gia Peter Sloterdijk cho rằng chủ nghĩa Mác-xít thực tiễn là một cái chi thiết thực và cạnh tranh với chủ nghĩa duy thực nghiệm bình thường. Ông cũng cho rằng Marx, Engels và Lê-nin là một bộ ba bất hạnh, và dĩ nhiên cả Ovid cũng là một thành phần thuộc về bộ ba đó nữa(1) Bởi vì, nếu không có tác phẩm «Metamorphosen» - (Sự hóa thân) của Ovid, thì người ta sẽ không bao giờ hiểu được «Tư Bản Luận» của Karl Marx, và đây quả là một sự phân tích tính cách hấp dẫn quyến rũ nhất. Nhưng Sloterdijk cũng cho rằng những kinh nghiệm Mác-xít sâu sắc luôn vẫn còn chứa đựng sự bất cập, bởi vì «lý thuyết những nhóm nhỏ bị lẫn lộn với lý thuyết những nhóm lớn». Nhân loại không phải là một đoàn thể thân hữu rộng lớn của những người bạn với nhau, điều đó là «sự đánh tráo cảm xúc, sự đánh tráo gia đình.»

Khi người Mác-xít sử dụng ngôn ngữ của tôn giáo

Hiện tượng hiển nhiên ở đây là trong các cuộc nói chuyện, người ta thường sử dụng các ý niệm trừu tượng mang tính cách Kitô giáo. Chẳng hạn, khi nghĩ tới sự khủng hoảng kinh tế hiện nay, Sloterdijk đã phát biểu là có lẽ còn cần phải tổ chức «những công đồng kinh tế», hầu để thiết lập lại niềm tin tưởng trong vấn đề tư bản. Hay: để tu sửa lại «đức tin» vào tiền bạc, thì có lẽ giữa công đồng Vatican I và Vatican II về các vấn đề tôn giáo người ta còn cần phải tổ chức một «công đồng Vatican về tư bản» - vì Kitô giáo luôn luôn vẫn được coi là địa chỉ của lòng tin tưởng. Nhà chuyên môn về văn học Joseph Vogl còn sử dụng ngôn ngữ của Kitô giáo một cách rõ ràng hơn nữa, khi ông giải thích thị trường chứng khoán một cách đầy màu sắc tín ngưỡng thiêng liêng và cho rằng thị trường chứng khoán là một thị trường hoàn hảo nhất, vì ở đó hoàn toàn không có sự hiện diện của tiền bạc vật chất, nhưng chúng chỉ được nói đến bằng những tiếng gọi hay hô hoán. Nhưng ông ta đã đi quá xa và trở nên hoàn toàn sai lạc khi tuyên bố rằng «thị trường chứng khoán là phép thánh thể của các sự vật», trong đó sự truyền phép làm thành các thân mình vô chất được thực hiện, tương tự như trong một «thánh lễ trọng thể của các sự vật». Nhưng người ta nhận thấy một cách rõ ràng rằng hình ảnh ẩn dụ mang tính cách duy vật như thế đã không thể đạt tới được mục đích là trình bày được một cách đúng đắn tính cách bề ngoài của thế giới hàng hóa.

Cả nhà văn Dietmar Dath, một người từng được chỉ định nhận phần thưởng văn chương Đức, cũng là một người Mác-xít đúng hiệu. Khi được hỏi: Ông hiểu điều gì khi nghe nói đến từ «tân thời», thì ông ta đã gọi sự độc lập tân thời của tư bản, qua đó con người không còn phải sống từ tay vào miệng nữa. Theo Dath, sự tự do mới đắc thủ được đã nêu lên câu hỏi: Nói một cách tổng quát thì con người ước muốn điều gì – theo Rousseau hay theo Nietzsche thì chính ý chí con người là ý niệm nòng cốt. Ông cho nền văn hóa tân thời là ngành nông nghiệp ở phạm vi cao nhất. Dath cũng hết sức dè dặt thận trọng đối với việc hiện thực ý tưởng Mác-xít tại các quốc gia. Vì chính Karl Marx khi còn sinh thời cũng đã xác tín rằng chủ nghĩa Mác-xít chỉ cần thiết bao lâu còn có nhiều chủ nghĩa xã hội khác tồn tại. Một nền kinh tế đúng đắn và nhân bản sẽ làm cho chủ nghĩa Mác-xít thành dư thừa, cũng tương tự như khi khoa sinh vật học được hiểu một cách đúng đắn sẽ làm cho thuyết tiến hóa của Darwin trở thành thừa thải. Theo Dath, Liên Sô đã hiểu sai tác phẩm «Tư Bản Luận» của Karl Marx, bởi vì Liên Sô đã tin tưởng là có thể hiện thực ngay được thực tại của chủ nghĩa Mác-xít, mặc dù chủ nghĩa Mác-xít đang còn nằm trong tương lai và không thể áp đặt được.

Những lộ trình trên sự vô nghĩa của sự thực hiện chủ nghĩa Mác-xít thuộc về những chỗ hay nhất trong cuốn phim. Nhưng nói chung, người khán giả cần phải tự khám phá rằng các ý tưởng Mác-xít đã được tuyên truyền trong cuốn phim như là lối thoát lý tưởng cho những sự khủng hoảng của thời đại tân tiến. Và cũng phải khám phá ra rằng nữ tài tử Sophie Rois trong phim còn cho thấy rằng sự đòi hỏi của Karl Marx phải loại bỏ gia đình - mà cô gọi là «mọi rợ», lại thật đáng tiếc là không còn nằm trong cuộc nói chuyện nữa – quả thực đòi hỏi loại bỏ gia đình là một ý tưởng nông nổi và thiếu hẳn lý hữu của vũ trụ quan duy vật vậy.

_____________________

Chú thích:

1. Ovid (Publius Ovidius Naso), sinh năm 43 trước công nguyên và chết năm 18 sau công nguyên. Vào năm thứ 8 sau công nguyên, ông bị hoàng đế Augustus đày sang miền Biển Đen. Ông là một thi sĩ người Roma, bắt đầu với những bài thơ tình yêu ai ca và những bài thơ ái tình, như «Ars Amatoria», «Remedia Amores». Cùng với tác phẩm «Metamorphosen», ông đã sáng tác nên bài thơ nổi danh gồm 250 câu, trình bày về sự biến thể của thần thoại Hy Lạp (từ người trở thành loài vật, các dòng suối hay hoa cỏ). Đây là một sáng tác vào thời ông bị lưu đày.

Sách tham khảo:

Alexander Kluge: «Nachrichten aus der ideologischen Antike. Marx – Eisenstein – Das Kapital. Ba DVD mit einem Essay von Alexander Kluge, kéo dài vào khoảng 570 phút, Suhrkamp Verlag.

Lm Nguyễn Hữu Thy