Mùa Giáng sinh năm 2007, tôi đã có dịp tâm sự qua một bài viết “Tản mạn truyền giáo” khi đúng vào Đêm Thánh Vô Cùng 24 tháng 12 năm ấy tôi đã dâng thánh lễ với một giáo dân, với một cây nến khi trời đang nỗi cơn giông bão.

Mùa Giáng sinh năm nay có vẻ khả quan hơn nhiều vì tôi đã học được kinh nghiệm năm trước. Vào chiều ngày 24 tháng 12, tôi đã cử hành nghi thức hôn phối cho ông bố của ông Thị trưởng nơi tôi đang làm việc. Ông chú rể dở hơi này đã làm tôi hơi bực mình nhưng tôi đã cố gắng kìm lại để tìm chiên lạc về cho Chúa. Vợ ông đã qua đời cách đây 30 năm và ông đã tái giá với bà thứ hai này cách đây 27 năm mà chưa làm phép hôn phối và cũng chẳng them đếm xỉa gì đến đạo hạnh. Những người trong Hội Legio Maria đã thuyết phục ông và cuối cùng đã chấp nhận với điều kiện là đúng 5 giờ chiều ngày 24 tháng 12 trước lễ đêm Noel, ông xin linh mục làm phép cưới cho ông, nếu ngày khác thì ông không chịu. Đúng là ông chú rể già dở hơi! Những người giáo dân đạo đức đã giãi bày với tôi về sự vụ của ông già cứng đầu này và xin tôi hãy chiều theo ý ông một lần để có thể lôi kéo được cả gia đình lôi thôi của ông. Cuối cùng tôi đã chấp thuân dù trong lòng chẳng vui tý nào.

Cả ngày trời nắng đẹp và bà con lo dọn dẹp sân bãi để tổ chức thánh lễ đêm. Tuy nhiên, vào lúc 4 giờ chiều, trời lại kéo mây đen và cơn mưa lại ập đến. Tâm trạng tôi không được vui vì phải chuẩn bị cử hành phép cưới cho ông già trong một tiếng đồng hồ nữa. Bây giờ trời lại mưa như thế nên tôi chạy vào nhà thờ và cầu nguyện trước Thánh Thể. Tôi đã càm ràm với Chúa là nếu trời tiếp tục mưa như thế và tối nay người ta không tham dự thánh lễ không phải vì do họ biếng nhác mà vì trời mưa thì lỗi này là của Chúa chứ không thể trách họ được. Hình như Chúa có nghe lời phàn nàn của tôi nên hơn 30 phút sau trời lại tạnh mưa và những cơn gió nhẹ thổi qua làm lòng tôi dịu lại. Sau đó tôi đã cử hành hôn phối cho đôi uyên ương già với những người thân có thế gia trong gia đình của họ. Trong những phút chia sẻ ngắn ngủi sau bài Tin Mừng, tôi đã nói với họ về tầm quan trọng của đời sống gia đình Kitô giáo và nghĩa vụ của một Kitô hữu trong đời sống Giáo hội. Những tham dự viên là các chính khách, đặc biệt là ông Thị trưởng, con trai của ông chú rể già có vẻ chăm chú lắng nghe. Tôi đã thực hiện đúng vai trò ngôn sứ của một linh mục và nói điều cần thiết để những vị cầm quyền biết thực thi nghĩa vụ của họ.

Và vào lúc 9 giờ tối đêm Noel, tôi đã cử hành thánh lễ trang trọng để mừng Chúa Giáng sinh. Có lẽ Chúa Hài Đồng đã thưởng cho tôi mùa Giáng sinh năm nay bù lại cho năm trước. Trời mát mẻ do cơn mưa ban chiều nên mọi người tham dự thánh lễ rất đông. Tôi quan sát có nhiều người nước ngoài cư ngự ở giáo xứ tôi cũng tham dự thánh lễ, trong đó có vị Tu huynh người Mỹ cùng Dòng với tôi cũng tham dự và giúp tôi trao Mình Thánh Chúa. Trước khi kết thúc thánh lễ, tôi đã mời 5 quốc gia đại diện lên nói lời chúc mừng Giáng sinh và Năm Mới bằng chính ngôn ngữ riêng của họ và mọi người cùng vỗ tay vui mừng. Tôi cũng được dịp nói tiếng Việt để mừng lễ Giáng Sinh và Năm Mới với họ và họ được dịp nghe cái ngôn ngữ là lạ của tôi và cười thật tươi. Cả nhà thờ cùng nhau hát bài Feliz Navidad (Chúc Mừng Giáng Sinh) để kết thúc thánh lễ.

Đêm Giáng Sinh năm nay để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống truyền giáo. Tôi nghĩ rằng Chúa luôn có những cách riêng của Ngài để huấn luyện các nhà truyền giáo theo ý của Ngài để họ biết thực thi thánh ý Chúa.

Hậu Giáng Sinh

Cũng trong những ngày mừng lễ Giáng sinh này, tôi được mời dâng thánh lễ ra trường cho 94 giáo viên tại Học Viện Sư Phạm. Vị hiệu trưởng của Học viện này đang làm việc với giáo xứ tôi và tôi cũng đang họach định chương trình mời các giáo viên vào ban giáo lý. Thực ra không phải tất cả mọi người tham dự trong buổi lễ ra trường đều là Công giáo nhưng họ rất trang nghiêm trong khi tham dự thánh lễ. Những vị khách mời đều có vai vế trong vùng đển dự để phát bằng cho các Tân Cử. Tôi chỉ là một linh mục vô danh nhưng nhờ Danh Chúa mà mọi người đều yêu thương quí trọng. Sau thánh lễ tạ ơn kết thúc năm học là đến phần trao bằng. Vị hiệu trưởng đã hỏi các Tân Cử của khoa sư phạm là có kính mến Thiên Chúa, trung thành với quốc gia và tận tụy phục vụ học sinh hay không. Tất cả đều đồng thanh tuyên thệ: Tôi xin hứa. Và kế đó là tôi ban phép lành cho họ. Đây là lần đầu tiên tôi cử hành thánh lễ ra trường cho các Tân Cử trong ngành sư phạm và tôi thật sự cảm động. Người Paraguay nói riêng và người Nam Mỹ nói chung dù họ ít tham dự tham dự thánh lễ vì thiếu linh mục và thiếu nhà thờ nhưng họ rất sung đạo và có cái tâm. Khi đi ngang qua một nhà nguyện hay nhà thờ họ đều làm Dấu Thánh Giá dù đôi lúc họ làm sai. Văn hóa của họ không có truyền thống lâu đời như văn hóa bốn ngàn năm văn hiến của Việt Nam nhưng họ biết kính trên, nhường dưới và biết tôn trọng lẽ phải. Điều đó cũng đáng cho chúng ta học hỏi, nhất là những người làm trong môi trường sư phạm để họ dạy cho con trẻ biết làm người hơn.

Vào ngày Chúa Nhật lễ Thánh Gia, tôi đã dâng thánh lễ ở một giáo điểm xa và chia sẻ với dân nghèo ở đó. Khi chuẩn bị về lại giáo xứ, một chị giáo dân đã mời tôi về nhà chị để làm phép nhà. Tôi ngỡ là chị vừa làm xong nhà mới nên vội vã theo chị về nhà để làm phép nhà và chia vui với gia đình chị. Đến nơi tôi mới giật mình vì cái nhà mà chị nhờ làm phép giống như cái chuồng heo ở Việt Nam không hơn không kém với chỉ vài tấm ván cũ ghép lại và hai cái giường cũ kỹ để cho con chị nằm. Đến rồi thì phải làm dù đẹp hay xấu. Tôi đã xin chị một ly nước lã và bẻ một nhánh cây nhỏ để chuẩn bị làm phép nhà cho chị. Khi mọi sự đã xong, tôi tặng chị một tràng chuỗi Mân Côi và hướng dẫn chị cách đọc kinh. Người phụ nữ nhà quê này nói tôi đợi một tý và chị đã rượt bắt một con gà lớn nhất tặng cho tôi. Tôi không muốn nhận tý nào vì nhà chị quá nghèo với mấy đứa con nheo nhóc nhưng tôi hiểu rằng không nhận quà có nghĩa là khinh họ và sỉ nhục họ theo văn hóa của vùng này. Người nghèo mạt rệp như chị mà có tấm lòng tốt như vậy khiến tôi cảm động vô cùng. Một con gà chẳng đáng giá là bao đối với nhiều người, nhưng với người phụ nữ nhà quê này là cả gia tài của họ.

Chiều ngày 31 tháng 12 năm 2008, một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng đến từ Mỹ bất ngờ viếng thăm tôi và đem theo nào là mì tôm, gạo, giăm-bông… để mừng tết tôi. Gặp nhau anh em tay bắt mặt mừng và thao thao nói tiếng Việt làm nhiều người cũng bỡ ngỡ. Tôi đã mời người anh em này cùng đồng tế dâng thánh lễ tạ ơn cuối năm với giáo xứ. Sau thánh lễ, hai anh em chúng tôi đèo nhau trên chiếc Moto cũ kỹ của giáo xứ để thăm và chúc mừng năm mới đến các gia đình trong xóm đạo. Mọi người ai nấy đều vui mừng khi thấy hai linh mục trẻ Việt Nam đến thăm họ trước thềm năm mới. Chúng tôi cũng được nếm thử các món ăn truyền thống của họ và bày tỏ niềm vui với họ và gia đình và cùng cầu chúc nhau một năm mới thịnh vượng. Nhìn thấy sự sum họp của gia đình nhân ngày cuối năm mà trong lòng nao nao khó tả. Gần 12 giờ khuya, hai anh em cáo từ ra về trả lại bầu khí gia đình cho họ.

Năm mới 2009 đã đến. Thế là thêm một năm nữa tôi không được gần gia đình và những người ruột thịt để đón Xuân, nhưng bù lại tôi có thêm những bạn hữu và những người giáo dân xứ truyền giáo đã xem tôi như người thân của họ. Tạ ơn Chúa đã cho con được sống đến giây phút này để yêu thương và phục vụ tha nhân như Chúa đã phục vụ.

Paraguay, 2/1/ 2009