ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC ?

Thư chung của HĐGM/VN năm 1980

Sau biến cố 1975, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo đều kêu gọi các tín hữu bình tĩnh, chấp nhận hoàn cảnh mới, chấp nhận chế độ mới, để cùng với đồng bào cả nước xây dựng cuộc sống mới. Hai khuôn mặt nổi bật là đức cha Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Huế, và đức cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sàigòn, những vị lãnh đạo theo tinh thần Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Đức tin của các ngài, lòng yêu nước và óc thực tế của các ngài, chính là điểm tựa cho người tín hữu đang đối mặt với bao nỗi khó khăn, bao nhiêu đau khổ trong tình thế mới.

Đến Đại hội các Giám mục năm 1980, các Giám mục đã ra thư chung kêu gọi các tín hữu sống phúc âm giữa lòng dân tộc, hay đồng hành với dân tộc. Văn kiện này được xem như bản Định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Nếu đối với mọi người, dân tộc và chế độ là hai phạm trù khác nhau, thì riêng đối với người cộng sản, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, vì thế nên khi sử dụng cụm từ đồng hành với dân tộc, mỗi bên nghĩ một kiểu.

Đến cuối thập niên 80, nhất là từ khi nảy sinh xung đột giữa Nhà Nước và Giáo Hội nhân vụ phong thánh, và đặc biệt hơn nữa, đến giai đoạn Việt Nam đi vào nền kinh tế thị trường với cái đuôi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kéo theo hậu quả là giai cấp cán bộ có chức có quyền ngày càng giàu sụ một cách bất chính trong một thời gian kỷ lục, giữa lúc đa số người dân ngày càng nghèo đi, thì cụm từ đồng hành với dân tộc đã bị bốc hơi từ lúc nào rồi. Cao điểm là vào lúc dân oan hết lớp này đến lớp khác nằm la liệt trên hè phố để đòi công lý thì Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Ai cũng ngạc nhiên trước thái độ thờ ơ này. Và không thiếu người mạnh mẽ chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Thư ngỏ của HĐGM/VN năm 2002

Sau mỗi Đại Hội Thường Niên, chắc chắn không thiếu những kiến nghị các Giám mục gửi lên Nhà Nước. Vì nội dung các kiến nghị đó không được thông tri cho cộng đồng dân Chúa, nên không ai biết các ý kiến đóng góp đã được tiếp nhận như thế nào, và các vấn đề yêu cầu cứu xét đã được giải quyết đến bao nhiêu phần trăm.

Tới Đại Hội 2002, HĐGM/VN đã gửi đến “Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam” một văn kiện đặc biệt quan trọng (xem nội dung đính kèm sau đây). Không rõ văn kiện đã được hình thành như thế nào, ai (hay những ai) là tác giả đầu tiên của bản văn, chúng ta không biết. Nhưng không sao, vì điều quan trọng là bản văn đã được HĐGM/VN chấp thuận.

Câu hỏi đặt ra là các đối tác, tức là Quốc Hội và các Hội Đồng Nhân Dân đã tiếp nhận văn kiện đó như thế nào. Có thể là đã có một hoặc một số văn thư cám ơn theo phép lịch sự. Nhưng hình như cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Các phương tiện thông tin nằm trong tay Nhà Nước thì tuyệt đối không đả động gì đến văn kiện này, và do đó rất ít người được biết. Giá mà văn thư đó được phổ biến rộng rãi, ví dụ được đọc trong các nhà thờ thì người ta không còn lý do để chê trách lãnh đạo Công Giáo thờ ơ trước các vấn đề nhức nhối của xã hội.

Trong lá thư ngỏ nói trên, khi phản bác cơ chế xin-cho, các Giám mục không chỉ nói thay cho tập thể Công Giáo vốn chỉ chiếm từ 7 đến 8 phần trăm dân số, nhưng có thể nói là các ngài đã diễn tả được nguyện vọng sâu xa thầm kín của hơn 80 triệu người Việt Nam không phải là đảng viên cộng sản, những người dân muốn nói nhưng không nói được. Và chính vì vậy mà khi phản bác cơ chế xin-cho qua lá thư ngỏ của HĐGM/VN thì tập thể Công Giáo đã thực sự đứng về phía đại đa số người dân đang bị bóc lột, đang bị chèn ép. Có thể nói qua lá thư vô tiền khoáng hậu đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã thể hiện ước muốn đồng hành với dân tộc.

Sau thư ngỏ

Khi đưa ra những ý kiến nhằm xoá giảm những khuyết tật của xã hội và phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, các Giám mục đã có thái độ thẳng thắn chưa từng thấy đối với Nhà Nước. Còn việc Nhà Nước độc tài toàn trị không đếm xỉa gì đến các ý kiến xây dựng kia thì chẳng có gì phải làm ta ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là sau văn thư nói trên, trong nhiều năm liên tiếp, ta không thấy một động thái nào khác từ phía HĐGM liên quan đến các vấn đề xã hội, ít là một cách công khai.

Cầu nguyện để đòi đất

Tuy nhiên, làm sao Giáo Hội có thể dửng dưng nhất là trong một xã hội thối nát và bất công như xã hội chúng ta đang sống? Vấn đề là bắt đầu từ chỗ nào. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giu-se Ngô Quang Kiệt là người đã có sáng kiến phát động chiến dịch cầu nguyện để đòi lại thửa đất Toà Khâm Sứ cũ. Cùng lúc, phong trào được phát động mạnh mẽ tại Giáo xứ Thái Hà do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đảm nhiệm. Chỉ cần một que diêm là rừng cây khô bốc lửa. Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam. Sự việc lại xảy ra ngay giữa lòng thủ đô, lôi kéo sự chú ý của dân Hà Nội cũng như của phóng viên nước ngoài. Điều đáng chú ý là lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục được đón nhận hết sức nồng nhiệt, không chỉ tại Hà Nội, mà là khắp nơi trong cả nước, đặc biệt trong khắp Giáo Tỉnh miền Bắc, đồng thời lời mời gọi đó lan toả ra nhiều nơi khác nữa ở Bắc Mỹ, nhiều nước Âu Châu và Úc Châu.

Mặc dù báo đài Nhà Nước coi như không có các sự kiện này, nhưng với công nghệ thông tin của đầu thế kỷ 21, không gì có thể che giấu được. Chính nhờ các bản tin cập nhật từng ngày và có lúc từng giờ của VietCatholic mà mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi những gì đang diễn ra tại Toà Khâm Sứ, tại Giáo xứ Thái Hà, và tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.

Mục tiêu tối hậu

Phát động một phong trào, phải bắt đầu từ một nơi nào đó, từ một việc gì đó. Giả sử vấn đề đơn giản chỉ là đòi lại một hai miếng đất của Giáo Hội Công Giáo thì người ngoài Công Giáo chẳng có lý do gì để phải quan tâm, và giải quyết vấn đề cũng không phải là chuyện khó đối với Nhà Nước. Thế nhưng ngay từ đầu, trong thánh lễ Giáng Sinh 2007 tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội, đức cha Ngô Quang Kiệt đã minh định: muốn có hoà bình bền vững, cần thiết phải thực thi công lý. Còn tại Sàigòn, trong một thánh lễ cầu nguyện cho Hoà Bình và Công Lý với quãng 4000 người tham dự tại nhà thờ Kỳ Đồng đêm 11-01-2008, vị giảng thuyết là linh mục Vũ Khởi Phụng đã nói rõ mục tiêu (và từ đó được nhắc lại nhiều lần trong các buổi cầu nguyện tương tự): mảnh đất tuy quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là mảnh đất tâm linh. Mục tiêu nhắm tới là công lý và hoà bình. Và như thế là các buổi cầu nguyện tại Toà Khâm Sứ cũ và Giáo xứ Thái Hà cũng như tại các nơi khác, đã đưa người Công Giáo đến với người nghèo, đến với dân oan mất ruộng mất vườn đang mỏi mòn đi tìm công lý. Tuy không có những lời tuyên bố công khai, cuộc đấu tranh này đã thật sự đưa cộng đồng Công Giáo đồng hành với dân tộc. Điều này càng rõ ràng hơn nữa khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội tuyên bố trước mặt UBND Hà Nội rằng tự do tín ngưỡng không phải là ân huệ xin-cho, nhưng là quyền. Điều này có nghĩa là việc đòi lại một vài miếng đất chỉ là khởi đầu cho tiến trình đòi nhân quyền, đòi tự do dân chủ. Khi khẳng định như thế, Đức Tổng Kiệt chỉ lặp lại nội dung của Thư Chung HĐGM/VN đã gửi Nhà Nước sau Đại Hội năm 2002 như đã nói trên đây. Điều đáng tiếc là trong văn thư trả lời Chủ tịch HĐND/Tp Hà Nội sau Đại Hội các Giám mục tại Xuân Lộc 2008 vừa qua, điểm trùng hợp quan trọng này đã không được nhắc tới.

Lửa Thái Hà tiếp tục cháy

Nay thì hai mảnh đất tranh chấp đã thành hai công viên. Nhưng ngọn lửa tranh đấu đã không vì thế mà tàn lụi. Ở trong nước cũng như ở nước ngoài, các buổi cầu nguyện cho Hoà Bình và Công Lý tại Việt Nam vẫn tiếp tục. Ở trong nước, sau Hà Nội, không nơi đâu sôi động bằng giáo phận Vinh. Lý do là ngay từ đầu, khi cùng với một nhóm linh mục đến Thái Hà hành hương, đức cha Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh đã dõng dạc tuyên bố: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh, của cả Giáo Hội Việt Nam… Do đó chúng tôi đến đây để cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý và hoà bình…” Rồi kể từ lời tuyên bố đó, khắp nơi trong giáo phận, hết nhà thờ này đến nhà thờ khác, các tín hữu đốt nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình. Theo bản tin của VietCatholic ngày 01-11-2008, tại nhà thờ Kẻ Gai, thuộc giáo hạt Cầu Rầm, trước giờ chầu Thánh Thể, Cha xứ đã trình chiếu lại các hình ảnh của Toà Khâm Sứ với lời phát biểu của Đức Tổng Kiệt (tại trụ sở UBND Tp. Hà Nội ngày 20-09-2008), sau đó là một số hình ảnh nơi này nơi kia trên thế giới lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, cũng như những cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm nước Úc gần đây. Còn ở Thuận Nghĩa, làng tôi (thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Cha xứ đã có sáng kiến photo bài phát biểu của Đức Tổng Kiệt để các em học sinh có thể đưa cho thầy cô hay các bạn khi nghe người ta xuyên tạc lời Đức Tổng.

Kết luận

Sống trong một xã hội đầy dẫy những dối trá, những thối nát bất công, ai lại không muốn thay đổi ! Trong khi dân Mỹ vốn đa số là người da trắng, đã bầu vào chức vụ Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh một người da đen 47 tuổi, con một người Hồi Giáo, kinh nghiệm chiến trường không có, kinh nghiệm chính trường chưa nhiều, chỉ vì người dân Mỹ thấy rằng đã đến lúc phải thay đổi, chỉ vì người dân Mỹ tin vào khả năng, vào bản lĩnh của người mình chọn, và đã bầu với một đa số phiếu áp đảo. Trong khi đó tại Việt Nam ta, vốn “dân chủ gấp triệu lần so với các nước tư bản”, thì nguyên việc để cho dân bầu chức Chủ tịch xã thôi chứ chưa phải huyện hay tỉnh, mà ý tưởng mới manh nha được một hai tuần đã bị Quốc hội đánh bại. Và ai cũng biết là do chỉ đạo của đảng cộng sản. Vậy thì muốn có dân chủ, muốn có tự do (trong đó có tự do tôn giáo), chờ mong đảng cộng sản một ngày đẹp trời nào đó đi ban phát những ân huệ đó cho hơn 80 triệu người Việt Nam không thuộc đảng cộng sản, chỉ là chuyện mơ tưởng hão huyền. Đòi lại tự do, dân chủ, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Và hình như trong tình hình hiện tại, không có tập thể nào có những yếu tố thuận lợi hơn là Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề ở chỗ: chúng ta có thực lòng muốn đồng hành với dân tộc hay không.

Sài-gòn, ngày 12 tháng 12 năm 2008

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm, pascaltinh@gmail.com

_____________________________________

Sau đây là Thư Ngỏ của HĐGMVN năm 2002

THƯ NGỎ

CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM


Kính gửi Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam

Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.


I. XÓA GIẢM NHỮNG KHUYẾT TẬT HIỆN HỮU CỦA XÃ HỘI

1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người.

Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;

- khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;

- khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;

- khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.

2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người.

Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.

II. PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN LÀM CHO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG TRỞ NÊN NGƯỜI HƠN, SỐNG XỨNG VỚI PHẨM GIÁ CỦA MÌNH HƠN

1. Phát huy phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người và gia đình.

4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia.

Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.

Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng kính chào.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM