THEO ĐẠO CÔNG GIÁO TẠI MÔNG CỔ

Năm 1991, Cộng Hòa Mông Cổ - vừa ra khỏi 65 năm (1924-1989) kềm kẹp của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô cầm đầu - ủy phái Phó Thủ Tướng đếm Roma. Phó Thủ Tướng có nhiệm vụ xin Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ đồng thời xin gởi các nhà thừa sai đến dạy ngoại ngữ và phụ trách công tác xã hội.

Tòa Thánh chấp nhận ngay và giao phó trách nhiệm truyền giáo cho các Linh Mục Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, hay cũng gọi là Các Cha Scheut. Scheut là tên của khu ngoại ô Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ, nơi Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ thành hình và có trụ sở đầu tiên vào năm 1862. Trong buổi khai sinh, Dòng đặt trọng tâm truyền giảng Tin Mừng Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho Đại quốc Trung Hoa. Quả thế, năm 1865, Dòng bắt đầu hoạt động tại Nội Mông Cổ. Nhưng đến năm 1924, các Cha Scheut bị bắt buộc rời bỏ Mông Cổ, khi quốc gia này trở Cộng Hòa dân quốc Mông Cổ.

Với niềm hân hoan khôn tả, các Linh Mục Khiết Tâm Đức Mẹ lên đường đi Mông Cổ, nối lại nhịp cầu dĩ vãng. Ngày 10-7-1992, 3 Linh Mục Thừa Sai, hai vị người Phi-luật-tân và một vị người Bỉ: Wens Padilla, Gilbert Sales và Robert Goessens, đặt chân đến Oulan-Bator. Các Linh Mục khởi đầu công tác truyền giáo với các dịch vụ thuần túy văn hóa và xã hội, theo lời yêu cầu của chính quyền Mông Cổ.

Các Cha Thừa Sai Khiết Tâm Đức Mẹ mở trường dạy miễn phí tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Dần dần trung tâm văn hóa của các ngài thu hút rất đông bạn trẻ Mông Cổ, kể cả người trưởng thành. Họ đến theo các khóa học, nhưng nhất là, xem các Linh Mục Thừa Sai sống như thế nào, bởi lẽ họ ngỡ ngàng trước một tôn giáo hoàn toàn trao ban cách nhưng không.

Ba năm sau, Thứ Bảy Tuần Thánh Vọng Lễ Phục Sinh 15-4-1995, 6 nam và 7 nữ Mông Cổ, tuổi từ 18 đến 40, lãnh bí tích Rửa Tội và nhận bí tích Thêm Sức một tháng sau đó. Những năm kế tiếp, số người tương tự cũng xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Mùa Phục Sinh năm 1999 tại cứ điểm truyền giáo Oulan-Bator có tổng cộng 24 người lớn và 2 trẻ em lãnh Phép rửa tội.

Được hỏi vì lý do nào khiến họ theo Đạo Công Giáo, một thiếu nữ Mông Cổ trả lời:

- Tôi khám phá nơi Kitô Giáo một liên hệ cá nhân với THIÊN CHÚA. Tôi có thể thân thưa trực tiếp với Ngài. Đây là điều không thể làm trong Phật Giáo!

Một thiếu nữ khác trả lời:

- Phần tôi, tôi hiểu rằng, trở thành tín hữu Kitô có nghĩa là trở thành một người lãnh nhận Tình Yêu THIÊN CHÚA.

Một thanh niên Mông Cổ giải thích lý do theo Đạo Công Giáo:

- Lòng tôi bị thu hút bởi một điều gì đó tôi không rõ. Tôi chỉ cảm nghiệm rằng, mỗi khi bước chân vào thánh đường Công Giáo, khoảng trống trong tim tôi như tức khắc được lấp đầy. Giờ đây tôi tin rằng tôi sẽ không bao giờ còn đơn độc một mình nữa.

Một người đứng tuổi nói:

- Đối với tôi thì hình như lý do thôi thúc tôi đến trung tâm văn hóa của các Linh Mục Thừa Sai Scheut - hôm nay và tiếp tục sau này - giống như một tiếng gọi. Tôi nghĩ chính THIÊN CHÚA và Đức Tin mời gọi tôi đến đây. Qua các buổi học hỏi Kinh Thánh, tôi tiến dần đến chỗ hiểu biết về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Và vì tôi ao ước biết thêm hơn nữa về Ngài trong tương lai nên tôi quyết định xin lãnh bí tích Rửa Tội.

Con đường tìm kiếm và gặp gỡ Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi người Mông Cổ khác xa nhau. Mỗi tiếng gọi là một mầu nhiệm. Mỗi con đường là một khám phá, có lúc thật dài thật chậm như trường hợp của một thanh niên. Anh nói:

- Vào năm 1993, nhờ xem một cuốn phim diễn tả hành động và trọn cuộc đời Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà tôi hiểu được Ngài là ai. Nhưng mãi đến năm 1998, tôi mới bắt đầu lui tới thánh đường của cứ điểm truyền giáo Oulan-Bator của các Cha Thừa Sai Scheut. Mặc dầu có nhiều nghi thức tôi không hiểu ý nghĩa nhưng tôi vẫn học hỏi chúng bằng cách đem chúng ra thực hành. Theo tôi thì chúng ta phải nghĩ đến và tìm hiểu về các nghi thức tôn giáo.

... ”Anh chị em hãy vui luôn trong niềm vui THIÊN CHÚA. Tôi nhắc lại: vui lên anh chị em! Sao cho mọi người thấy anh chị em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh chị em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh chị em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt THIÊN CHÚA những điều anh chị em thỉnh nguyện. Và bình an của THIÊN CHÚA, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh chị em được kết hợp với Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ngoài ra, thưa anh chị em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh chị em hãy để ý. Những gì anh chị em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và THIÊN CHÚA là nguồn bình an sẽ ở với anh chị em” (Thư gởi tín hữu Philipphê 4,4-9).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.349, Mai/2000, trang 138-143)