Sứ điệp của Cha Thánh Pio

Phỏng vấn Đức Cha Domenico Umberto D'Ambrogio, Tổng Giám Mục Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo, về sứ điệp thánh Pio thành Pietrelcina nhắn gửi con người ngày nay

Ngày 23-9-2008 là lễ nhớ thánh Pio thành Pietrelcina, cũng là ngày kỷ niêm 40 năm thánh nhân qua đời. Trước đó 20-9 là ngày kỷ niệm 90 năm thánh nhân được ơn mang năm dấu thánh Chúa trên thân xác. Nhân dịp này Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã viếng thăm San Giovanni Rotondo để chủ sự thánh lễ kính thánh Pio và làm phép khánh thành các khu vực mới của nhà thương ”Thoa Dịu Khổ Đau” do cha Pio thành lập.

Giảng trong thánh lễ tại nhà thờ mới kính thánh Pio trước sự hiện diện của hơn 10.000 tín hữu, Đức Hồng Y Bertone nhăc đến biết bao ơn lành tín hữu đã nhận được nhờ lời bầu cử của thánh Pio. Thánh nhân thực là máng nước tuôn chảy dồi dào từ nguồn mạch, mà tất cả đều có thể đến uống nước mát của chân lý và tình thương Chúa rộng ban cho mọi người. Cha thánh Pio là một linh mục đã không tìm kiếm sự gì khác ngoài việc tận tụy tiêu hao chính mình trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Những ngày dài cha ngồi giải tội cho các hối nhân, và những đêm dài cầu nguyện với Chúa chịu đóng đanh làm chứng cho điều đó. Cha Pio là người con chân thành của Giáo Hội; cả trong những hoàn cảnh đau thương nhất, cha đã không muốn tự hiện hộ cho chính mình, mà chỉ chết đi và chôn vùi mình trong thinh lặng, khiêm tốn và vâng phục, tuy đau thương nhưng phong phú.

Sau khi nhắc lại một số biến cố trong cuộc đời thánh Pio đặc biệt là biến cố Chúa cho tim của thánh nhân bị một vết thương thần bí chiều ngày mùng 5 tháng 8 năm 1918, và năm dấu thánh in trên thân xác của thánh nhân sau thánh lễ ngày 20 tháng 9 năm 1918, Đức Hồng Y Bertone khẳng định: thánh lễ là tổng luận toàn cuộc sống của người. Qua hiến tế thánh thể, được đồng hóa và nhập thể nơi thánh nhân qua các dấu thánh, cha Pio diễn tả lại một cách hữu hình hình ảnh của Chúa Chịu Đóng Đinh.

Vào lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 23-9-2008 Đức Hồng Y Bertone đã làm phép khánh thành các khu vực mới của nhà thương ”Thoa Dịu Khổ Đau”.

Ngỏ lời với các bác sĩ, y tá, nhân viên và các bệnh nhân hiện diện Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nêu bật lòng yêu thương của thánh Pio đối với các bệnh nhân. Đức Hồng Y nói: ”Cha Pio đã muốn rằng các bệnh nhân không chỉ được săn sóc thuốc men, nhưng cũng phải nhận được hơi ấm tình người và sự trợ giúp tinh thần nữa. Sứ điệp này ngày nay vẫn còn giá trị và phải linh hoạt thế giới săn sóc người bệnh. Không bao giờ có thể giản lược nhà thương trở thành nơi chỉ săn sóc thuốc men, dù có giá trị chuyên môn và tân tiến đến mức nào đi nữa. Nếu thiếu hơi ấm tình người cần thiết cho mọi tương quan với mỗi một người và nhất là với các người bệnh tật, thì nhà thương thiếu sót một khía cạnh nòng cốt trong sứ mệnh của mình. Chính vì thế Cha Pio muốn biến ”Nhà Thoa Dịu Khổ Đau” không phải chỉ là một cơ cấu trợ giúp, mà là một ”Nhà thờ chính tòa thoa dịu khổ đau”, với tình liên đới đích thật và các trợ giúp vật chất tinh thần, qua các dâng cúng tài chánh của giáo dân toàn thế giới và sự trợ lực tinh thần của ”các nhóm cầu nguyện”. Việc săn sóc bệnh nhân phải có tính cách toàn diện. Bác ái và cầu nguyện là lời nhắn nhủ Cha Pio lập lại với chúng ta hôm nay.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qùy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Domenico Umberto D'Ambrogio, Tổng Giám Mục Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo, về sứ điệp thánh Pio thành Pietrelcina nhắn gửi con người ngày nay.

Hỏi: Thưa Đức Cha, kể từ ngày 24 tháng 4 năm nay xác thánh Pio thành Pietrelcina đã được trưng bầy cho tín hữu kính viếng, và đã có 2 triệu tín hữu tuốn về San Giovanni Rotondo hành hương. Ngoài con số kể trên, đâu là ý nghĩa tinh thần của việc trưng bầy này, thưa Đức Cha?

Đáp: Rất nhiều người chỉ đến trong lúc này thôi, nhưng có nhiều người khác đến và dừng lại lâu hơn để cầu nguyện, và gặp gỡ các tu sĩ capuchino để tìm hiểu cuộc sống của cha thánh Pio, và để hiểu đâu là sứ điệp cha nhắn gửi con người ngày nay. Chính người đã nói là người sẽ gây nhiều tiếng vang khi đã chết hơn là khi còn sống.

Hỏi: Đức Cha giải thích tiếng vang này như thế nào?

Đáp: Cha Pio kể lại mầu nhiệm của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và Thập Giá là trung tâm điểm cuộc sống của chúng ta. Ai kêu gọi chúng ta quy chiếu về biến cố cứu độ lớn lao này của chúng ta, thì không thể không tạo ra chung quanh mình các vấn nạn, các chú ý, thiện cảm, sự sùng mộ và lời khẩn cầu. Biết bao nhiêu tín hữu đã kể lại cho tôi nghe sự cảm động của họ, và một số người đã kể lại cho tôi biết ơn hoán cải nhận được khi dừng lại chốc lát bên hòm đựng di hài thánh nhân. Có cái gì đó không thể tin được và không thể giải thích được trên mọi bình diện. Đó là một dòng người tuốn đến kính viếng di hài cha thánh Pio.

Hỏi: Tại sao Giáo Hội lại lại muốn trưng bầy thi hài các thánh cho giáo dân kính viếng thưa Đức Cha?

Đáp: Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta có xác có hồn. Thân xác của chúng ta tham dự một cách vẹn toàn vào mầu nhiệm trung thành với lời, mà qua đó Chúa đã mời gọi chúng ta. Giáo Hội đã luôn luôn kính trọng thân xác phải chết, bởi vì nếu chúng ta đạt đến sự thánh thiện, thì đó là vì chúng ta đã đem theo tất cả thực tại đã nâng đỡ chúng ta, trong đó có thân xác.

Đàng khác, chính trong thân xác phải chết của người mà cha thánh Pio cho thấy các dấu vết cuộc Khổ Nạn của Chúa. Với các dấu chỉ này người đã tạo ra nơi nhiều người sự nghi ngờ, tâm tình ước mong và lòng hoán cải. Không có sự phô trương hay ước muốn tạo ra sự kinh hoảng hay ngạc nhiên nào cả, mà chỉ có ước muốn nói rằng: Chúa cũng dùng thân xác phải chết của chúng ta để tạo ra một tác phẩm tuyệt vời của sự thánh thiện.

Hỏi: Ngày nay tín hữu xin gì với thánh Pio, nhân loại xin gì với thánh nhân qua các tín hữu đến kính viếng cha thánh Pio, đại diện cho các dân tộc toàn thế giới này?

Đáp: Cha Pio là vị thánh đặc biệt tiếp đón các anh chị em giòn mỏng yếu đuối trên thân xác cũng như trong tinh thần. Biết bao nhiêu người xin thánh nhân bầu cử cho được ơn thay đổi cuộc sống, được ơn hoán cải triệt để và sâu đậm. Và có biết bao nhiêu người phải khổ đau trên thân xác cũng như phải sống các hoàn cảnh bất an. Cha Pio là vị thánh của đại chúng. Dân chúng xác tín rằng thánh nhân có thể bầu cử cho tất cả mọi người, vì thánh nhân đã là một người đơn sơ. Thánh Pio đã sinh ra trong một gia đình nông dân bé nhỏ nghèo nàn làng Sannio, và đã sống và làm lụng vất vả trên một thửa đất khô cằn, với tất cả những nỗi nghèo túng và bất ổn của cuộc sống thường ngày.

Thế rồi có những người được đặc ân hiểu sứ điệp của Cha thánh Pio trong hai chiều kích: thứ nhất là người vén mở cho thấy tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa và thứ hai là người đại diện cho mầu nhiệm của Chúa Chịu Đóng Đanh. Cha Pio diễn tả ước mong sự toàn thiện và khơi dây sự nuối tiếc nơi nhiều người. Đó là sự toàn thiện mà bạn cảm thấy phải tiến tới; bạn có thể đạt tới sự thánh thiện nhưng với sự mệt nhọc, vì bạn phải tính sổ với cuộc sống thường ngày, với sự bần cùng và bất ổn của cuộc sống.

Hỏi: Cha thánh Pio đã không cho mọi người sự toàn thiện, nhưng ngài cho tất cả mọi người cơ may được săn sóc trong nhà thương do cha thành lập, đó là nhà thương ”Thoa dịu khổ đau”. Đây lại không phải là công việc của các thánh hay sao, thưa Đức Cha?

Đáp: Đây là một phép lạ khác nữa của cha thánh Pio. Nó tiếp tục vượt qua các khó khăn và các vấn đề, mà một cơ cấu to lớn như thế phải đương đầu mỗi ngày. Cha Pio đã muốn có một nơi thoa dịu các khổ đau của thân xác cũng như tâm hồn. Ngài đã không gọi nó là nhà thương, nhưng là ”nhà” và đã định nghĩa nó như là nơi của lời cầu nguyện và của khoa học. Nó là đền thờ, là nơi thánh, trong đó khoa học thành hôn với lời cầu nguyện và lời cầu nguyện yểm trợ khoa học để khoa học có thể trợ giúp người bệnh trong đó có Chúa Giêsu ngự trị. Cha Pio cũng từng nói khi người bệnh đó nghèo nàn, thì Chúa Giêsu hiện diện nơi họ hai lần.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong những ngày này tín hữu mừng hai biến cố: biến cố 90 năm ngày Cha Pio được in 5 dấu thánh cuộc Khổ Nạn của Chúa và 40 năm ngài qua đời. Đâu là sứ điệp cha Pio để lại cho xã hội ngày nay, là một xã hội rất khác với thời của thánh nhân?

Đáp: Sứ điệp đó là Thánh Giá được cắm trong tâm lòng của từng người trong chúng ta và chúng ta không thể làm khác được. Trong các lời của Cha Pio có một sứ điệp nền tảng: đó là liên lỉ nhắc nhở mọi người quay trở về với Thiên Chúa Cha từ bi, Đấng tiếp đón mọi con cái để họ trở về với Người.

Cha Pio đã trao ban cho lời cầu nguyện nhiệm vụ chịu đựng gánh nặng của lịch sử và gánh nặng của thế giới. Cha đã thành lập các nhóm cầu nguyện và năm 2006 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã trao ban cho các nhóm cầu nguyện ấy cho một sứ mệnh, khi nói rằng chúng ta là một đạo binh của những người cầu bầu gõ cửa tâm lòng của Thiên Chúa.

Có lễ cưới giữa việc bầu cử và thực thi bác ái. Và đó là năng động được trao phó cho các nhóm cầu nguyện: giơ tay lên trời khẩn nài Chúa, nhưng đồng thời cũng giơ tay ra và cúi mình xuống để vực lên, để nâng đỡ và trợ giúp các anh chị em khác.

Cầu nguyện và bác ái là hai điều mà chúng ta sống mỗi ngày trong ”Nhà Thoa Dịu Khổ Đau”.

(Avvenire 20-9-2008)