PARIS - Tối ngày thứ tư, 11/06/2008, từ 19g00 đến 22g30, Giáo xứ Công Giáo Việt Nam Paris đã được hân hạnh tiếp đón ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn để nghe Ngài nói chuyện về việc "Cử hành Năm thánh 2010 tại Việt Nam". Chương trình: 19g: khai vị tiếp đón; 19g30: dùng cơm tối; 20g30: họp mặt, nghe ĐHY và trao đổi với Ngài; 22g30: ra về.

19 giờ: tiếp đón khai vị. Trong một căn phòng nhỏ ấm cúng và thân mật. Một bàn chữ nhật đặt chính giữa. Trên bầy nước uống, bánh và rượu khai vị xen lẫn vài chậu bông xinh tươi chào đón quí khác. Quanh bốn bức tường một dẫy ghế xếp hình chữ nhật chờ đón khách mời.

Đức ông Vinh và ĐHY Mẫn
Một số giáo hữu đã có mặt, vui mừng đón tiếp Đức Hồng Y và cha Nguyễn Duy, đến rất đúng giờ. Rồi kẻ trước, người sau, các thành phần đại diện dân Chúa Paris đã tề tựu đông đủ: Ban Giám Đốc giáo xứ, Ban Cố Vấn, Ban Thường vụ, Một số Đại Diện các Địa Điểm và Hội Đoàn Mục Vụ, Một số linh mục ngoài giáo xứ: Cha Hà Quang Minh, đại diện Tuyên Úy Đoàn, cha Nguyễn Minh Thắng, đại diện Liên Tu Sĩ, cha Hồng Kim Linh, cựu đại diện Liên Tu Sĩ,….

Tay cầm ly nước với bánh gia vị, mỗi người ai cũng ghé chào Đức Hồng Y và cha Nguyễn Duy. Giây phút tiếp đón và chào hỏi đã tạm đủ, …

19 giờ 30: dùng cơm tối. Đức ông giám đốc Mai Đức Vinh mời Đức Hồng Y, cha Nguyễn Duy và các quan khách sang phòng cơm, dùng bữa tối. Trong một giờ đồng hồ, vừa dùng cơm tối, vừa làm quen, một vài trao đổi về tình hình công giáo ở Việt Nam, về mục vụ di dân với các cộng đoàn việt kiều hải ngoại, về những giao lưu, trao đổi và liên đới khả thi giữa người Việt Nam trong các châu lục khác nhau,… đã bắt đầu khơi mào.

Một vài gởi ý về buổi gặp gỡ Đức Hồng Y đã được trao đổi. Người thì nhấn mạnh đến việc lắng nghe Đức Hồng Y, kẻ thì lưu ý nên trao đổi với ngài về sinh hoạt mục vụ của mình, người lại lưu tâm đến một khung tổ chức và điều hợp tối thiểu cho buổi gặp gỡ có hiệu quả. Kết quả, một phân công tổ chức nhỏ đã được quyết định: luật sư Lê Đình Thông điều hợp tổng quát, giáo sư Trần Văn Cảnh ghi chép và phổ biến, Đức Ông Mai Đức Vinh ngỏ lời chào mừng, tặng quà và cám ơn. Mục tiêu phải đạt là lắng nghe lời chỉ dậy của Đức Hồng Y, mà không quên trao đổi chân tình với ngài.

20 giờ 30: Đức Hồng Y nói chuyện và trao đổi. Mọi người ai nấy đã dùng cơm, làm quen và trao đổi đôi lời. Đức Ông Mai Đức Vinh mời mọi người xuống hội trường để nghe Đức Hồng Y.

Trước một chiếc bàn phủ khăn hồng đơn sơ mà xinh xắn, thêm oai nghiêm mà cởi mở với một chậu bông lộng lẫy, Đức Ông mời Đức Hồng Y an tọa. Vây vòng bán nguyệt chung quanh bàn Đức Hồng Y, khoảng 50 đại biểu cộng đoàn dân Chúa Paris cũng vừa an toạ. Mở đầu, Đức Ông Mai Đức Vinh nói lời chào mừng Đức Hồng Y, Cha Nguyễn Duy và quý khách. Ngài trao tặng Đức Hồng Y cuốn sách giáo xứ vừa xuất bản và phổ biến cách đây ba ngày, vào chủ nhật 08 tháng 06 vừa qua: Hội đồng Qúi Chức.

Có trách nhiệm điều hợp buổi gặp gỡ, luật sư Lê Đình Thông mới Đức Hồng Y ban huấn từ.

Đức Hồng Y nói về «Năm thánh 2010 tại Việt Nam » (dưới khía cạnh Mục vụ di dân). Để khai triển đề tài này, ĐHY đã đề cập đến hai khía cạnh sau đây: Đường hướng mục vụ di dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tìm một chương trình Mục Vụ Di Dân chuẩn bị Năm Thánh 2010. Sau đó, ngài trao đổi với Cộng Đoàn Công Giáo Paris.

1. Mục Vụ Di Dân

Mỗi Giáo Hội địa phương đều có trách nhiệm mục vụ với người công giáo. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có trách nhiệm với người việt nam trên khắp thế giới, ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Đối với người công giáo việt nam ở hải ngoại, Giáo Hội Việt Nam có bổn phận: Giúp họ hội nhập vào xã hội và vào đời sống Giáo Hội sở tại nơi họ định cư; Giúp họ duy trì và củng cố sự hiệp thông với đời sống Giáo Hội Việt Nam; Giúp họ bảo tồn những giá trị tinh thần và đạo đức trong truyền thống văn hoá việt nam.

Từ sau 1975, Giáo Hội Việt Nam không có điều kiện chu toàn bổn phận mục vụ di dân hải ngoại. Do đó Bộ Truyền Giáo đặt ra Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ, do Đức Ông Hoài và Đức Ông Đạo liên tiếp điều hành để lo Mục vụ cho người việt nam công giáo ở hải ngoại. Gần đây, thấy rằng người công giáo việt nam đã hội nhập vào các xã hội và giáo hội địa phương Âu Mỹ một cách tốt đẹp rồi, Bộ đã giải tán văn phòng đó.

ĐHY Mẫn và qúi chức Công giáo Việt Nam tại Paris
Nhưng vấn đề di dân ở Việt Nam vẫn là một điểm nóng. Từ ít lâu nay có hiện tượng di dân nội địa, từ thôn quê ra thành thị, từ bắc, trung vào nam. Rồi người ngoại quốc vào Việt Nam. Riêng ở Sài Gòn, cộng đoàn người Trung Hoa có đến 400 000 người. Các cộng đoàn người Đại Hàn, ngưười Úc, người Anh, người Pháp cũng quan trọng. Tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận, có văn phòng lo cho cộng đoàn nói tiếng Anh. Và người việt nam di dân ra hải ngoại vẫn tiếp tục đi ra, đặc biệt đến những nước Á châu: hằng ba bốn chục ngàn cô dâu đi lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn. Người việt nam ở Đài Loan có khoảng 150 000, ở Đại Hàn trên 100 000, ở Mã Lai trên 100 000, ở Nhật có mấy chục ngàn.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giao cho tôi công tác Mục vụ Di Dân. Công việc mục vụ di dân thật là mênh mông. Tôi đã hình thành ba Ban Mục vụ Di Dân: di dân nội địa, di dân người nước ngoài tại Việt Nam, di dân việt nam ở hải ngoại. Trong Ban Mục Vụ Di Dân hải ngoại có một số quý cha từ Hoa Kỳ, từ châu Âu, có nhiệm vụ liên hệ với các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam hải ngoại, nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu mục vụ, rồi cùng nhau xem xét coi cần và có thể làm những gì để đáp ứng nhu cầu của người công giáo việt nam hải ngoại.

Tôi muốn đi xem tận chỗ và tìm hiểu xem có thể làm gì để giúp đỡ các cộng đoàn công giáo việt nam hải ngoại, đặc biệt trong hai sứ vụ « Hiệp thông và kết hợp với giáo hội ở Việt Nam » và « Bảo tồn những giá trị tinh thần và đạo đức của văn hóa việt nam ». Trong chuyến công du này, Paris là trạm đầu, sau đó, tôi sẽ đi Canada, rồi Washington, rồi Seatles, nơi mà tôi có người bạn hồng y và các cha bạn cùng lớp.

Bữa chủ nhật 08/06 vừa rồi, tôi có gặp Đức Hồng Y André Vingt-trois, tổng giám mục Paris. Ngài cho tôi biết tên của 4 cha và 3 thầy sáu vĩnh viễn đang làm việc tại Giáo Xứ Việt Nam. Theo ngài, Giáo Xứ Việt Nam Paris là một cộng đoàn rất tốt. Ngài rất hài lòng và tự hào về đời sống mục vụ phồn thịnh và sốt sắng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Lời Đức Hồng Y André Vingt-trois làm tôi nhớ lại những cuộc gặp gỡ các đấng bản quyền địa phương hải ngoại khác mà tôi đã gặp. Khi tôi cám ơn họ đã giúp đỡ người công giáo việt nam, thì họ lại cám ơn ngược lại tôi. Họ cám ơn Giáo Hội Việt Nam đã gởi cho họ những giáo dân có đức tin vững mạnh và đang góp phần tích cực xây dựng giáo hội của họ.

Những phản ứng của các đấng bản quyền ấy làm tôi ý thức rằng « Chúa rất thương người tín hữu Việt Nam ». Ngài đã dùng những biến cố lịch sử để biến người công giáo việt nam thành những sứ giả của Tin Mừng, của Hy Vọng. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy từ lúc khai sinh, bị bách hại, giáo dân Việt Nam đã bị phân tán. Một số chạy qua Ai Lao, Cao Mên, Thái Lan và lập thành những cộng đoàn công giáo việt nam ở đó. Khi được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa, giám quản Địa phận Đàng Trong (09.09.1659), Đức cha Lambert de la Motte lên đường đi nhận giáo phận. Đến Thái Lan năm 1662, ngài đã gặp một làng việt nam có nhiều giáo dân công giáo. Ngài đã qui tụ họ lại và lập giáo xứ việt nam đầu tiên ở Thái Lan. Đó là Giáo xứ thánh Giuse ở Ayuthia, thủ đô Thái Lan hồi đó. Năm 1954, người công giáo di cư Bắc Kỳ đã làm cho các giáo phận miền Nam được đông đảo và phồn thịnh hơn. Hiện nay ở Sài gòn có 199 nhà thờ công giáo. Hết 144 cái là do giáo dân di cư 1954 lập nên. Chúa đã dùng giáo dân việt nam để mang Hồng Ân Ngài đến nhiều nơi.

2. Công Giáo Việt Nam cử hành Năm thánh 2010

Bây giờ, từ những năm 2000, sự giao lưu nội ngoại Việt Nam dễ dàng hơn. Giáo Hội Việt Nam có thể nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với các Cộng Đoàn Công Giáo Hải Ngoại. Ở Pháp, ở Mỹ, ở Việt Nam, mỗi cộng đoàn có những cá tính độc đáo của mình, nhưng tất cả chúng ta đều là một cộng đoàn dân Chúa Việt Nam. Mình phải hiệp thông với nhau thế nào ? Nên giúp đỡ nhau làm sao ?

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam muốn tổ chức năm thánh 2010 để kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo Phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài Việt Nam (09.09.1659) và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon (24.11.1960). Kỷ niệm hai biến cố trên, chúng ta muốn tỏ bày lòng biết ơn và cảm tạ Chúa đã yêu thương ta. Đồng thời ta muốn khơi nhớ lại ngày ta đón nhận đức tin, để củng cố và bảo vệ cho nó vững mạnh hơn. Chúng ta bàn hỏi nhau xem phải làm gì và làm làm sao để liên kết và hiệp thông các thành phần Giáo Hội Việt Nam nội ngoại ?

Tôi đã từng đi thăm một số văn phòng di dân và tỵ nạn ở Mỹ. Bây giờ một số đổi tên là văn phòng lo cho các sắc tộc. Điều đó có nghĩa là nhu cầu của những người di dân, tỵ nạn, sắc tộc đã thay đổi. Đối với người việt nam công giáo ở hải ngoại, câu hỏi mục vụ quan trọng đầu tiên phải đặt ra là « Nhu cầu của người công giáo việt nam hải ngoại mình là gì ? ».

Ở Đức, Hàng giáo phẩm địa phương muốn lo cho các cộng đoàn công giáo việt nam. Nhưng cho chính họ, họ cũng không đủ người. Họ kêu gọi các cha việt nam tìm các cha việt nam để thay thế các cha việt nam đã già cả hay đã mất để lo cho các cộng đoàn việt nam. Họ biên thơ cho các địa phận việt nam để kêu gọi chia sẻ ơn gọi trẻ, gởi sang cho họ đào tạo. Rồi khi đã chịu chức linh mục và làm việc 5 hay 7 năm, đương sự muốn ở lại hay về tùy ý. Càng ngày càng có nhiều đấng bản quyền ngoại quốc muốn liên hệ với Việt Nam để tìm linh mục lo cho người công giáo việt nam tại nước họ. Đó là nhu c ầu thứ nhất.

Nhu cầu thứ hai liên hệ đến sự thay đổi hoàn cảnh sinh sống và ảnh hưởng văn hóa địa phương. Hạt giống Chúa gieo, tươi tốt hay khô cằn, có phần ảnh hưởng lớn của đất nơi nó mọc.

Tôi có một người em cư ngụ tại Mỹ, đã có cháu ngoại. Tối đến, bố đứa cháu ngoại này bảo nó đi đánh răng đi con. Nó trả lời: bố ra lệnh cho con, con không đi. Bố nó bảo « Bao lâu còn ở trong nhà này thì con phải nghe bố ». Nó trả lời: « Nhà này đâu phải chỉ là của bố, mà còn là của mẹ và của con nữa ». Qua đối thoại bố con này, ta thấy ảnh hưởng của xã hội hoa kỳ trên các gia đình việt nam càng ngày càng trông thấy. Truyền thống văn hóa đức tin việt nam mà máu 117 thánh và 1 á thánh đã tưới trên hạt giống đức tin làm cho Giáo Hội Việt Nam được tươi tốt như ngày nay, ta phải nhớ công ơn và gìn giữ

Tôi đã có dịp đến thăm Văn Phòng Di dân và Tỵ Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Washington DC. Tôi có hỏi cha giám đốc văn phòng một câu: « Người Công Giáo VN đã định cư từ lâu ở Hoa Kỳ, sao họ vẫn là tỵ nạn » ? Cha trả lời: thế hệ thứ nhất họ vẫn là Việt; Thế hệ thứ hai họ là Việt Mỹ; Thế hệ thứ ba họ là Mỹ Việt. Sau đó, trong một buổi gặp gỡ một số anh em trí thức công giáo việt nam ở Houston, tôi có hỏi họ câu trả lời trên nghĩa là làm sao ? Một bác sĩ giải thích cho tôi rằng: Việt có nghĩa là nhà thờ còn đầy, Việt Mỹ nghĩa là nhà thờ lưa thưa, Mỹ Việt đó là lúc họ bán nhà thờ. Tôi không biết giải thích đó đúng với thực tế đến đâu ? Nếu thực tế có tiến theo hướng đó, thì ai có nhiệm vụ chính về giáo dục đức tin trong gia đình, trong cộng đoàn công giáo việt nam ?... Đó là nhu cầu thứ hai của người công giáo việt nam hải ngoại: nhu cầu thích ứng với thực tế địa phương hải ngoại mà không quên truyền thống văn hóa đức tin việt nam.

Giáo Hội tại VN có thể làm gì để góp phần thoả mãn hai nhu cầu trên của người công giáo việt nam hải ngoại ? Năm thánh 2010 là cơ hội để tất cả chúng ta, trong nước cũng như hải ngoại, cùng nhìn lại với nhau về những nhu cầu và những công việc nên làm để thoả mãn những nhu cầu ấy, hầu bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa và đức tin việt nam. Giáo Hội Việt Nam phải làm gì trong tương lai ? Đâu là những chương trình cần đưa ra để thực hiện ?

• Phải phát triển việc giáo dục và y tế chăng ? Có nhiều đoàn nhóm từ khắp các châu lục hải ngoại, Mỹ, Đức, Úc, Đài Loan, Pháp.. về Việt Nam, đến thăm tôi. Họ đề nghị phải làm sao để liên kết giữa Việt Nam và hải ngoại để thiết lập lại nền giáo dục công giáo, nền giáo dục đã đào tạo cho Việt Nam rất nhiều nhân tài; Nền giáo dục ở mọi trình độ, từ mẫu giáo, tiểu học, qua trung học, đến đại học, từ tồng quát đến chuyên ngành, chuyên nghề; Nền giáo dục đa chiều, đa khoa và đa dạng, từ tôn giáo, xã hội, văn chương, qua chính trị, kinh tế, pháp luật, đến kỹ thuật, kỹ nghệ. Trong những cuộc gặp gỡ các nhân viên các bộ liên hệ, tôi hỏi họ sao không để cho người công giáo mở trường dậy học ? Từ xưa đến nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn góp phần phát triển đất nước bằng việc giáo dục và y tế, tại sao từ 1975 Chính Phủ không cho Giáo Hội lo nữa ? Họ trả lời: Để từ từ giải quyết; Phải coi và làm lại pháp luật. Mỗi lần gặp các hội dòng, tôi vẫn nói với họ: Phải chuẩn bị liên kết với nhau, đặc biệt trong và ngoài nước, để cùng làm việc chung với nhau. Liên kết trong cầu nguyện cũng như trong những việc làm kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội,…Trên cơ sở hiệp thông: một Chúa, một đức tin, để xây dựng Giáo Hội và Quê Hương, Dân Tộc.

• Phải yêu Quê Hương và phát triển Đất Nước chăng ? Quê hương thịnh vượng, Đất nước phát triển là do sự đóng góp của Đồng Bào, của toàn dân Việt Nam, trong đó có người Công Giáo Việt Nam. Trong những lần gặp gỡ mới đây với các nhân viên của các Bộ khác nhau, tôi thấy họ có cái nhìn khác, đổi mới hơn. Họ hỏi tôi về sự đóng góp của người Công Giáo vào sự phát triển Đất Nước. Tôi trả lời họ: chúng tôi đóng góp theo niềm tin thúc đẩy. Họ đáp lại: Vậy, xin Hồng Y cứ làm theo đức tin của Hồng Y. Mồng một Tết Mậu Tý, họ đi thăm tôi và tôi đi thăm họ, tôi cho họ biết nội dung thơ chúc tết đầu năm của tôi, trong đó, tôi nhắc nhở giới hữu trách cũng như gia đình Kitô hữu, đặc biệt các bạn trẻ Công giáo, trách nhiệm liên kết với nhau thực hiện công cuộc giáo dục con người, giúp nhau rèn luyện nhân cách, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và đất nước an bình thịnh vượng trong bối cảnh xã hội ngày nay. Nói chuyện với họ, tôi nhắc lại chuyện nhà hiền triết và chính trị gia Gandhi ở Ấn Độ, đặc biệt chú ý để làm cho hàng vải nội địa được mỗi ngày mỗi tốt hơn và ông chỉ dùng sản phẩm nội địa. Người Đại Hàn chỉ mua và xử dụng xe đại hàn. Người Việt Nam sao mua nhiều xe Mercedes quá ! Phát triển đất nước phải cụ thể như vậy. Họ thấy mình góp phần phát triển đất nước một cách cụ thể, không chạy theo hàng ngoại, mà khuyến khích mở mang kỹ nghệ nội địa và tiêu dùng sản phẩm quốc nội. Vì vậy mà họ nói: Xin Hồng Y cứ làm theo đức tin của Hồng Y.

• Phải liên kết và hiệp thông nội ngoại chăng ? Cha Nguyễn Duy mà anh chị em thấy ở đây hôm nay, ngài đặc biệt lo qui tụ giáo chức, nghệ sĩ, doanh nhân,… Cuối tháng này, ở Mỹ, tôi sẽ có dịp gặp một số hội chuyên gia, doanh nhân, …tôi sẽ trao đổi và hỏi họ xem người công giáo việt nam đôi bên nội ngoại, mình có thể làm gì để liên kết hiệp thông ? và liên kết hiệp thông để làm gì ? Nhưng bây giờ, ở Paris đây, tôi muốn biết thêm về Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Và tôi muốn nghe các cha và các anh các chị phát biểu về nhu cầu và nguyện vọng của mình, cũng như về những đề nghị mà cộng đoàn công giáo hải ngoại Paris có thể nêu ra để người công giáo quốc nội và hải ngoại kết hiệp mừng đón Năm Thánh 2010.

3. Trao đổi giữa Đức Hồng Y và Cộng Đoàn Công Giáo Paris

a) Đáp lời đề nghi của Đức Hồng Y, cha Hà Quang Minh, Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp, đã giới thiệu về Mục Vụ ngoại kiều công giáo việt nam tại Pháp.

Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp hiện nay có 40 linh mục và tu sĩ, trong khi đó có 52 cộng đoàn công giáo việt nam. Giáo Xứ Việt Nam là một cộng đoàn duy nhất có các linh mục việt nam làm việc toàn thời và có sinh hoạt độc lập của một giáo xứ. Tất cả các cộng đoàn khác, ngay cả những cộng đoàn lớn, như Lyon, Marseille, Lille,..chỉ có các tuyên úy làm việc bán thời gian, thường là phó xứ trong một xứ đạo Pháp. Nhiều Tuyên Úy phải coi sóc hai ba cộng đoàn khác nhau. Nhiều cộng đoàn không có linh mục hoặc tu sĩ tuyên úy. Giáo dân tự đứng ra tổ chức sinh hoạt với nhau, rồi thỉnh thoãng được một cha sinh viên đến làm lễ.

Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều vụ bên cạnh các tuyên úy việt nam tại Pháp, cùng với các tuyên úy việt nam tạo thành Tuyên Úy Đoàn, sinh hoạt qua ba cơ cấu trung ương: Ban Điều hành trung ương, Ban Mục Vụ giới trưởng thành và Ban Mục Vụ giới trẻ. Không kể những sinh hoạt mục vụ địa phương, tùy cha tuyên úy hành xử, ở lãnh vực chung của Tuyên Úy Đoàn, có 4 sinh hoạt chính yếu hàng năm: Họp hàng năm của các tuyên úy; Khóa hội thảo hàng năm của Ban mục vụ giới trưởng thành; Đại hội toàn quốc hàng năm của giới trẻ; Hành hương chung toàn quốc hay từng vùng.

Qua đôi lời giới thiệu vắn tắt này, hẳn Đức Hồng Y cũng đã nhận ra nhu cầu chính yếu của các cộng đoàn công giáo việt nam tại Pháp là nhu cầu linh mục tuyên úy, người bất khả khuyết để truyền thống văn hóa và đức tin việt nam được duy trì và để cộng đoàn được tồn tại. Trong khóa hội thảo mục vụ trưởng thành tháng 5/2008 vừa qua, tất cả các đại diện các cộng đoàn đều đã báo động về 1- sự nguy vong của văn hóa việt nam trong các gia đình trước ảnh hưởng của văn hóa vật chất và 2- sự nguy vong sống còn của các cộng đoàn nhỏ, không có tuyên úy.

b) Tiếp lời cha Tổng Đại Diện Tuyên Úy Đoàn Hà Quang Minh, nhiếu phát biểu khác đã được trình bày cùng Đức Hồng Y:

• Sự gắn bó của giáo dân việt nam tại Pháp với Giáo Hội Việt Nam, sẵn sàng tham dự và đóng góp vào các chương trình nghiên cứu lịch sử giáo hội, chuẩn bị và sinh hoạt năm thánh 2010.
• Nhân dịp năm thánh 2010, có nên tổ chức các phái đoàn hải ngoại về trong nước ? Có nên tổ chức những giao lưu cho từng giới, từng nghề, từng tuổi giữa trong và ngoài nước ?
• Chúng con sẽ tổ chức học hỏi về Giáo Hội Việt Nam và về năm thánh 2010 cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là giới trẻ tại Pháp.
• Xin hoàn toàn ủng hộ đường hướng phát triển giáo dục, y tế, xã hội mà Giáo Hội sẽ đưa ra. Và nếu cần, chúng con sẵn sàng cộng tác theo khả năng.
• Xin hứa đóng góp tài chánh vào việc tổ chức năm thánh 2010.
• Xin Đức Hồng Y cho biết Giáo Hội Việt Nam muốn chúng con phải làm gì ?
• Làm sao bù đắp sự thiếu linh mục tuyên úy việt nam tại Pháp ? Làm sao gieo mầm non ơn gọi cho trẻ việt nam tại Pháp ?
• Để phát triển sự nối kết quốc nội và hải ngoại, xin tổ chức « Kết Nghĩa » giữa các địa phận hay các cộng đoàn công giáo quốc nội với các cộng đoàn công giáo hải ngoại, đặc biệt trong thời gian năm thánh 2010.
• Các đoàn thể công giáo tiến hành đã được phép sinh hoạt lại chưa ? Có thể đưa phong trào Cursillo vào Việt Nam được chưa ?
• Việc chọn các bài thánh ca trở thành phức tạp. Có nên lợi dụng dịp Năm Thánh 2010 để tổ chức trình diễn thánh ca và giúp cách chọn thánh ca một cách bảo đảm ?
• Đâu là những đường hướng phát triển tương lai mà Giáo Hội Việt Nam đang nghĩ tới ? Có sẽ được soạn thảo thành văn không ? Có sẽ được phổ biến không ? Có sẽ được tổng kết kết quả thi hành và dự thảo cải tiến không ?

c) Trước những phát biểu trên đây, Đức Hồng Y đặc biệt trả lời về việc sinh hoạt của các tổ chức công giáo tiến hành.

Về các hội đoàn công giáo tiến hành, cách đây 10 năm hơn, từ những năm 90, có Légio Mariae (nhưng rất giới hạn), Hội các bà mẹ công giáo, Hội Con Đức Mẹ, Hiệp hội Thánh Mẫu. Các hội khác, từ từ sống lại. Bây giờ các hội mới dần dà được thành lập, như Tông đồ gia đình, Doanh Thương, Chuyên Viên, Văn Nghệ Sĩ, Gia Đình Chúa, … Rồi ở Sài Gòn, có ít nhất 20 phong trào tông đồ: Thiếu nhi Thánh thể, Thanh Sinh Công, ….

Tôi đã soạn một tài liệu « Chỉ dẫn về các đoàn thể công giáo », để giúp những ai muốn gia nhập và sinh hoạt với các đoàn thể này. Tôi soạn ra cái khung, rồi họ viết ra cho kỹ hơn. Mình đưa đạo vào gia đình. Giáo Hội là nơi hiệp thông và tham gia của và cho mọi người. Chúng tôi đã lấy lại được Tiểu Chủng Viện và tổ chức những khóa học ở đó. Nhiều gia đình vui mừng về tham dự những khóa học. Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng mình thiếu cán bộ hành động và cán bộ đào tạo. Giáo dân tham gia chưa được bao nhiêu. Hội Đồng Giáo Xứ thiếu người. Giáo lý viên căn bản và giáo lý viên chuyên biệt, mình còn thiếu. Mình cần đào tạo người, thì rồi mới có cán bộ thực hành, nhưng cán bộ giảng huấn còn thiếu lắm.

Kinh tế thị trường mang tính chất cạnh tranh rất gắt gao. Người ta có thể giết nhau bằng tiền bạc dễ như chơi. Tôi khám phá ra rằng Thành phố quá đông dân cư. Dân số chính thức là 8 triệu dân. Thực tế trên 9 triệu. Thành phố trở thành một cái chuồng gà kỹ nghệ. Nhiều căng thẳng, nhiều giao động tâm thần. Con số 250 linh mục đi khám sức khoẻ, có trên 100 bị các bệnh tim, gan, …. Làm sao vượt qua tình hình ô nhiễm, bụi bặm, vật chất và tinh thần ? Chúng tôi đứng trước nhiều vấn đề mục vụ mới mà chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết. Thiện chí có nhiều, nhưng chuyên môn còn thiếu.

d). Và cha Nguyễn Duy, Tổng thơ ký Ủy Ban Giám Mục về Thánh nhạc đã trả lời về đề nghị liên hệ đến việc chọn thánh ca.

Ủy ban thánh nhạc toàn quốc, từ 1960 đến 1964, Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đã thông báo cho các nhạc sĩ soạn thảo thánh ca phải xin phép Imprimatur lại. Sau 1975, để đáp ứng nhu cầu, số bài thánh ca ra đời rất nhiều. Một loạt những bài thánh ca mới nở rộ. Người ta nghe hát, thấy hay, chuyền tay nhau, mang về, rồi phổ biến. Cũng từ 1975, chỉ Nhà Nước mới có quyền cho phép xuất bản, không giám mục nào cho Imprimatur nữa. Kết quả chỉ còn cách là nhạc sĩ viết nhạc tự duyệt cho mình. Nhiều bài nhạc viết theo cảm hứng, cảm tình và cảm nghiệm. Thành ra vàng thau lẫn lộn. Bây giờ muốn chấn chỉnh lại, không biết phải làm sao. Mới đây, Đại Hội Thánh Nhạc toàn quốc đã đưa ra ý kiến này: Một cách nhổ cỏ là trồng hoa. Hoa càng nhiều và tốt, thì cỏ càng giảm và bớt. Và Ủy Ban Thánh Nhạc đang cho ấn hành 4 Tuyển Tập Thánh Ca: Tập 1: gồm những bài dễ và đơn sơ, từ đầu đến 1975; Tập 2: Cũng những bài dễ và đơn sơ, từ 1975 đến nay; Tập 3: những bài của các tác giả chỉ có một số ít bài, từ 1975 đến nay; Tập 4: Những bài đa âm.

Ngoài ra để chuẩn bị năm thánh 2010, Ủy Ban Thánh Nhạc

• Kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác hướng về phụng vụ năm thánh
• Soạn những bài hát sinh hoạt trong khi thảo luận
• Trao trách nhiệm cho các cha trong các giáo phận, để ghi lại các cung điệu ngắm nguyện, kinh sách
• Sẽ tổ chức một đêm Thánh Ca do Ủy Ban Thánh Nhạc toàn quốc trách nhiệm.

Hy vọng những việc trên sẽ giúp những người hữu trách tìm ra phương cách để chọn lựa thánh ca, và sẽ giúp thánh nhạc phát triển thêm về lượng cũng như về phẩm.

Lời kết

Sau khi đã ban huấn từ, nghe phát biểu và trao đổi với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã tổng kết cuộc gặp gỡ như sau:

«Tôi xin có hai ý kiến để tóm kết: Thứ nhất, tôi rất vui mừng. Chưa bao giờ tôi được tham gia một cuộc trao đổi, góp ý như thế này. Chắc là vì các anh các chị đã được phúc làm việc chung với Đức Ông nên được lây nhiễm cung cách làm việc sâu rộng. Những góp ý của các anh các chị vừa có chiều sâu, vừa có chiều rộng. Thật là một khích lệ lớn cho tôi được tham dự những buổi gặp gỡ như thế này. Tôi muốn có một biên bản để đọc và phổ biến cho mọi người.

Thứ hai, như tôi đã gợi ý và như các anh các chị đã đề nghị, để phát triển giao lưu nội ngoại, tôi xin thông báo một điều: trong dịp mửng lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, tôi đã gặp các Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Như Thể và Ngô Quang Kiệt, tôi đã gợi ý với các ngài là mình có hai thời điểm quan trọng để kỷ niệm: ngày 09.09.1659, thành lập 2 Giáo Phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài; ngày 24.11.1960, thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Và mình có ba ngày nên mời các hội dòng hay giáo phận, thánh bộ đã tham gia vào việc truyền giáo ở Việt Nam. Tội đề nghị nối kết nội ngoại, mời Đức Hồng Y André Vingt- Trois, Tổng Giám Mục Paris và cha Echarren, Tổng Bề Trên Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris tham dự lễ khai mạc năm thánh ngày 24.11.2009; Mời các dòng đã khởi đầu truyền giáo ở Việt Nam vào ngày 24.11.2010; Mời Thánh Bộ Truyền Giảng Đức Tin cho các dân tộc vào lễ bế mạc năm thánh, ngày 02.01.2011.

Những góp ý hôm nay mới chỉ là bước đầu. Tôi xin chân thành cám ơn Đức Ông và các anh các chị
».

Tiếp lời Đức Hồng Y, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh đã đại diện cộng đoàn cám ơn Đức Hồng Y.

«Kính thưa Đức Hồng Y,
Được Đức Hồng Y đến thăm và ban huấn từ cho chúng con, chúng con thấy buổi nói chuyện hôm nay thật là hữu ích. Đức Hồng Y đã cho chúng con thấy chiều sâu của đức tin việt nam và cho chúng con được hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam. Cụ thể, Đức Hồng Y đã đưa chúng con về với Đại Hội Dân Chúa năm 2010.

Qua những điều Đức Hồng Y trình bày và sự góp ý của chúng con, chứng tỏ có sự hiệp thông hội thánh. Chúng con xin cám tạ Hồng Ân Chúa. Xin Hồng Ân Chúa và Thánh Linh Ngài luôn ở mãi bên cạnh và hướng dẫn chúng con phát triển đời sống đức tin, cho con em chúng con lo bảo toàn các giá trị văn hóa đức tin.

Chúng con xin cám ơn Đức Hồng Y và cha Nguyễn Duy. Trong công việc chuẩn bị Năm Thánh 2010 bận rộn, trong chuyến công du mệt nhọc, chúng con cầu chúc Đức Hồng Y nhiều sức khoẻ, nhiều Hồng Ân Chúa. Xin Chúc Đức Hồng Y nhiều thành công trong chuyến công du. Xin Chúc Đức Hồng Y nhiều thành công trong việc chuẩn bị Năm Thánh ».

22 giờ 30: chấm dứt buổi gặp gỡ, nói chuyện và trao đổi với Đức Hồng Y, các giáo dân việt nam tại Pháp lần lượt đến bái biệt Đức Hồng Y và từ từ ra về, trong tâm tư còn vẳng nghe lời Đức Hồng Y và cung nhạc bài Lắng Nghe Tiếng Chúa: « Lời Ngài là sức sống của con…, Lời Ngài là ánh sáng đời con…
»

Paris, ngày 13 tháng 06 năm 2008