Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (3)

CHƯƠNG HAI: THỰC TẠI XÃ HỘI

Dưới khía cạnh xã hội, ta không thấy một lịch sử chi tiết về hôn nhân và gia đình. Một cách tổng quát, ta có thể nói, trong ngàn năm đầu của Kitô giáo, người ta cố gắng đem các kiểu mẫu khác nhau trong việc mối lái, đính hôn và cưới xin vào một tổng hợp xem ra cho có vẻ có một thứ tự nào đó, khi Giáo Hội Công Giáo truyền đến những địa danh bên ngoài các ảnh hưởng nguyên thủy của mình. Xét trong căn bản, thì ước lệ lúc đó đòi cha mẹ và cộng đoàn đứng ra thu xếp việc lứa đôi cho con cái; con cái ít khi có cơ may phản đối sự sắp xếp đó. Trong một vài trường hợp, người chồng đền bù cho người cha và/ hoặc đề nghị cung cấp cho cô dâu các phương tiện vật chất. Gia đình cô dâu đáp lễ bằng cách tặng của hồi môn. Những sắp xếp tài chánh này không thể không có đối với những gia đình khá giả.

Có nhiều hình thức lễ nghi đính hôn khác nhau ở các xứ miền Âu Châu tuỳ theo phong tục địa phương. Và sau cùng thì người vợ tương lai sẽ rời nhà cha mẹ để di chuyển đến nơi cư ngụ của người chồng tương lai. Ðối với nàng, đây chỉ là một chuyển dịch đơn thuần từ một uy quyền nam giới này qua một uy quyền nam giới khác. Kể từ nay, nàng bắt đầu cuộc sống giúp đỡ chồng, quản lý nhà cửa, có con cái và trông nom chúng. Uy quyền của người chồng không bị thách thức, ngoại trừ trường hợp ông tỏ ra lệ thuộc và bất tài, khiến ngời vợ, dù trong các xã hội vốn trọng nam khinh nữ, phải dần dần đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Nói chung, xã hội dành ưu quyền cho người chồng trên vợ con.

Ở đầu kỷ nguyên Kitô giáo, nghi lễ hôn phối chỉ là việc cử hành của gia đình, được Giáo hội nhìn nhận. Dần dần, khi thế giá của Giáo Hội lan rộng và đạt tới đỉnh cao, hôn nhân cũng như việc cưới xin được đặt dưới thẩm quyền của Giáo hội, và trong năm trăm năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai, nghi lễ hôn phối trở thành việc tôn giáo hoàn toàn, được Giáo hội tổ chức và chúc phúc.

Sau cùng, kể từ thời Công Ðồng Triđentinô, hôn nhân chỉ được coi là thành nhận khi được cử hành trong thánh đường với sự hiện diện của cha xứ và hai nhân chứng. Tuy nhiên, người ta chỉ nhấn mạnh đến chính lễ nghi hôn phối mà thôi.

GIA ÐÌNH HIỆN ÐẠI

Theo L. Stone (1) và E. Short (2), ta có thể tìm ra các vết tích đầu tiên của gia đình hiện đại từ thế kỷ 16 trở về sau. Lúc ấy, ba trong các mục tiêu của hôn nhân hiện đại chưa thấy hiện diện.

1550-1700

Các tiền đề luân lý của thời kỳ 1550-1700 khiến lối suy nghĩ hiện nay của ta phải được sắp xếp lại từ căn bản. Nghĩa là, muốn hiểu được hậu cảnh của hôn nhân và gia đình đầu thời hiện đại, cần phải loại bỏ ba ý thức hệ hiện tại. Stone miêu tả việc này như sau: "Dự tưởng thứ nhất là hiện tượng phân cực giữa hôn nhân vì lợi, hiểu như tiền bạc, địa vị hoặc quyền lực, và hôn nhân vì tình, hiểu như tình yêu, tình bạn hoặc lôi cuốn thể xác; và rằng hình thức hôn nhân thứ nhất đáng chê trách về phương diện luân lý. Trên thực tế, ở thế kỷ 16, không có sự phân cực như vậy, và nếu có, thì tình là thứ yếu so với lợi, vì tình yêu lãng mạn và việc hưởng hoan lạc bị công kích một cách kịch liệt coi như căn bản phù phiếm và phi lý của hôn nhân. Dự tưởng thứ hai của thời hiện đại cho rằng giao hợp thể xác mà không có liên hệ tình cảm là vô luân, nên hôn nhân vì lợi là một hình thức đĩ điếm. Dự tưởng thứ ba cho rằng sự tự lập bản thân, tức việc cá nhân theo đuổi hạnh phúc riêng, là tối thượng, một yêu sách được biện minh bởi lý thuyết cho rằng thực ra sự tìm kiếm ấy góp phần vào phúc lợi của xã hội nói chung. Ðối với khán giả thời Elizabeth, thảm kịch Romeo và Juliet, cũng như thảm kịch Othello, không hệ ở mối tình lãng mạn yểu số của họ, cho bằng ở cách thế họ tự hủy diệt mình bằng cách vi phạm các quy phạm của xã hội họ đang sống" (3).

Các quy phạm này có ý nói đến sự vâng phục của con cái và việc dựng vợ gả chồng phải là quyết định tập thể của gia đình và dòng tộc. Ở thời kỳ có những thay đổi lớn về tôn giáo, khi trật tự xã hội bị căng thẳng nghiêm trọng, gia đình đảm nhiệm một uy quyền gần như tuyệt đối. Khuynh hướng rõ rệt là phụ quyền với việc con cái tùng phục cha mẹ, vợ phục tùng chồng. Người cha thay thế vị linh mục bên trong gia đình mình và ông chờ mong các con vâng lời ông không thắc mắc; ý muốn của chúng phải bị bẻ cong bằng roi vọt; và cả người vợ nữa cũng được chờ mong vâng phục ông như thế, và nếu cần, vẫn bị sửa trị bằng vũ lực. Gia hộ được cai trị bởi người cha, hành sử như nhà lãnh đạo mục tử đối với gia đình.

1640-1800

Giai đoạn này chồng lên giai đoạn trước, nó cho thấy một vài đặc điểm của hôn nhân hiện đại đã bắt đầu xuất hiện. Như việc tìm kiếm hạnh phúc hoặc cá nhân chủ nghĩa về phương diện tình cảm. Trong thời kỳ này, thanh niên đã được quyền chọn người phối ngẫu tương lai, cha mẹ chỉ có quyền phủ quyết mà thôi. Stone đã tóm lược sự thay đổi này như sau: "Rõ ràng ở gốc của hai thay đổi trong quyền quyết định về hôn nhân và trong động lực (tình cảm) hướng dẫn quyết định này, ta thấy có sự thay đổi xâu sắc về ý thức: người ta chịu nhìn nhận nhu cầu tự lập bản thân và kính trọng việc cá nhân kiếm tìm hạnh phúc"(4).

Tình yêu lãng mạn bắt đầu trở thành một động lực đáng kính, đặc biệt đối với những người thuộc giai tầng kinh tế cao hơn. Tuy thế, mặc dù sự lựa chọn và việc kiếm tìm tình cảm có trở nên quen thuộc trong thời kỳ này, người vợ và các con vẫn bị lệ thuộc người chồng, người cha. Tuy nhiên sự vâng phục của họ không bị cưỡng bức nữa và, đặc biệt, các hình phạt có tính cách vũ lực giảm hẳn. Dù vậy, như Blackstone đã nhấn mạnh một cách khúc chiết: "Chồng và vợ đã trở nên một, nhưng cái một ấy chính là người chồng"

Sự kỳ thị chống lại phụ nữ vẫn còn mạnh. Người vợ không được mua bán vật gì mà sau đó vật ấy lại không thuộc quyền sở hữu của chồng. Tất cả mọi quyền lợi và tài sản cũng như tự do hành động đều nằm trong tay người chồng. Ngay cả sau khi chồng qua đời, người mẹ cũng không có quyền hành trên con cái, trừ khi di chúc của ông chỉ định bà làm người giám hộ. Trong bầu khí ấy, các tan vỡ hôn nhân vẫn không thiếu, và Stone bình luận rằng sự gia tăng các vụ ly thân trong thế kỷ 18, giống như sự gia tăng ly dị trong thế kỷ 20, cho thấy có sự gia tăng trong các hoài mong tình cảm (5).

Như thế, trong hạ bán thế kỷ 17 và trong trọn thế kỷ 18, sự nghiêm nhặt trong gia đạo đã được cải thiện, và việc cá nhân kiếm tìm hạnh phúc trong hôn nhân đã gia tăng.

1800-1914

Sự thường, người ta mong các thay đổi trong bầu không khí gia đình của thế kỷ 17 và 18 nói trên sẽ tiếp tục diễn biến không bị gián đoạn. Thực tế lại không như vậy. Người ta đã trở lại với phụ quyền, và uy quyền hiện có của người chồng được gia tăng. Một lần nữa, con cái lại chịu kỷ luật của cây roi và, ít nhất trong các nhóm kinh tế xã hội cao hơn, lại thấy xuất hiện cảnh ức chế nặng nề trong các hành vi tính dục.

Một thẩm quyền có uy tín về y khoa, Bác sĩ William Acton (6) chủ trương rằng đa số phụ nữ muốn không bị quấy rày vì các cảm quan tính dục. Bà Ellis khuyên họ vào năm 1845 như sau: "Hãy đau khổ và lặng thinh" (7).

Cũng như ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên hiện đại, những căng thẳng ngoài xã hội có khuynh hướng biến gia đình thành nơi an ổn và trật tự; do đó, ở ngưỡng cửa cách mạng kỹ nghệ với những thay đổi xã hội rõ rệt, gia đình, một lần nữa, lại trở thành pháo đài của trật tự phẩm trật cố thủ. Cách mạng kỹ nghệ đem lại một hậu quả đặc biệt đối với bộ mặt xã hội: người ta thấy các gia đình nghèo trong xã hội có khuynh hướng bị ly tán vì con cái, vợ chồng phải di chuyển tới những khu vực kỹ nghệ khác nhau. Ðối với người nghèo, sự sống trở nên khó khăn, tàn nhẫn, và mục tiêu của họ chỉ còn là sinh tồn. Ở các nhóm kinh tế cao hơn, người vợ có khuynh hướng bận bịu với con cái và gia đình trong một vai trò lệ thuộc vào chồng là người vẫn ở vị thế cao về xã hội và tâm lý.

1914 TRỞ VỀ SAU

Từ Thế chiến Thứ nhất, quả lắc đồng hồ lại một lần nữa bắt đầu chuyển động. Sự đóng góp không thể chối cãi của phụ nữ vào các cố gắng chiến tranh và việc mở rộng chân trời khi các nhóm xã hội kinh tế cao phải ra ngoài kiếm việc làm khiến, sau chiến tranh, người ta kêu gọi phải gia tăng vị thế cho phụ nữ, và cuộc đấu tranh giành quyền đầu phiếu là đòi hỏi nổi bật của phong trào phụ nữ liền ngay sau khi kết thúc chiến tranh.

Cùng lúc ấy, các phương tiện giáo dục dành cho phụ nữ bắt đầu gia tăng và liên hệ vợ chồng bắt đầu lấy lại được đặc tính tình cảm cá nhân hóa. Ðiều này chỉ thực sự xuất hiện trọn vẹn sau Thế chiến Hai, nhưng ngay từ lúc ấy trở đi, sự độc lập và tự quyết của phụ nữ trong việc lựa chọn người phối ngẫu cũng như nghề nghiệp đã trở nên rõ nét.

Trong các thập niên 60 và 70, sẽ còn nhiều đợt đấu tranh khác trong phong trào giải phóng phụ nữ. Một số sách có giá trị do phụ nữ viết cho thấy có sự gia tăng trong việc giải phóng họ về xã hội, tâm lý, kinh tế và luật lệ (8,9,10,11). Các đòi hỏi của họ dần dần được thỏa mãn nhờ bình đẳng hơn về cơ hội làm việc, nhờ chiếm được những chức vụ cao, và nhờ công bình hơn trong việc phân chia tài sản, nhất là khi hôn nhân tan vỡ. Việc sử dụng nhân công phụ nữ một cách phổ quát cũng còn có nghĩa là ngày nay, ít còn phụ nữ nào bị bó buộc về lý do kinh tế phải tiếp tục sống trong những cuộc hôn nhân đã trở thành không thể chịu đựng nổi.

Việc đi tìm công bằng trong việc làm đã được hỗ trợ rất nhiều nhờ việc phổ biến rộng rãi các phương tiện điều hòa sinh đẻ, giúp phụ nữ giảm thiểu được đáng kể số thời gian vốn sử dụng cho việc thai nghén và nuôi con. Sự công bằng này cũng đã được nới rộng qua lãnh vực các liên hệ bản thân trong đó càng ngày người ta càng tiến đến chỗ bình đẳng về giá trị.

Thêm vào việc giới hạn số con cũng như kiểm soát được thời gian chúng sinh ra, người ta đang mở chiến dịch rộng rãi đòi cho được phá thai dễ dàng hơn. Ðối với một số phụ nữ, mục tiêu của họ là làm chủ thân xác mình, với quyền kiểm soát diễn trình sinh sản của họ bằng thuốc ngừa thai và quyền kết liễu sự sống của đứa trẻ không được họ mong muốn bằng cách phá thai. Thứ tự do đó là ý muốn thân thiết của một số phụ nữ, nhưng không phải là của tất cả. Ða số phụ nữ, trong khi chấp nhận thuốc ngừa thai, đã từ khước phá thai, vì theo bản năng, họ thấy điều đó trực tiếp tấn công vào sự sống. Thêm vào ý nghĩ sâu kín đó, còn có các niềm tin tôn giáo mạnh mẽ chống cả ngừa thai lẫn phá thai. Trong khi những cấm kỵ về ngừa thai trở nên kém hiệu lực, thì việc chống đối phá thai vẫn còn mạnh mẽ nơi những Kitô hữu dấn thân.

Như thế, trong các xã hội đương thời, hoàn cảnh hiện nay là: vợ chồng chọn lựa nhau, dù có hay không có thỏa thuận của cha mẹ, họ có thể sống chung với nhau trước khi lấy nhau, rồi cưới nhau để thực hiện một liên hệ được nhấn mạnh trên tình đồng chí, với cuộc sống tính dục nhằm thỏa mãn cả hai, hạn chế số con trong một gia đình nhỏ hơn và việc ra đời của chúng được ấn định nhờ sử dụng các phương pháp hạn chế sinh đẻ.

Gia đình như vậy đã được kéo ra khỏi vòng thân bằng quyến thuộc để mặc lấy hình thức ta gọi là gia đình hạt nhân chủ yếu bao gồm cha mẹ và con cái. Liên hệ vợ chồng đã được chuyển dịch ra khỏi hình thức tổ phụ, trong đó, người chồng là đầu của gia hộ, người lãnh đạo tự nhiên mà mọi người phải vâng lời và kính trọng, người nắm quyền kiểm soát các nhu cầu kinh tế của gia đình và điều khiển việc đối ngọai của nó. Cũng thế, người vợ không còn chỉ có trách nhiệm duy nhất là chăm sóc con cái và nhà cửa, đồng thời nâng niu tình cảm cho mọi người nữa. Trái lại, ta thấy có sự công bình hơn trong trách nhiệm, các vai trò trong gia đình uyển chuyển hơn và nguyên tắc bổ sung được thừa nhận. Do đó, hôn nhân hiện đại với tính chất đồng hành đã giảm thiểu sự phân cách xã hội bắt người ta phải cung kính, giảm thiểu phẩm trật giữa vợ chồng, và giữa vợ chồng và con cái. Ðiều ấy hiển nhiên mang lại sự thân mật khiến người ta đem những tình cảm sâu đậm của nhân cách vào hôn nhân. Một nhiệm vụ của cuốn sách này là chú trọng đến bản chất mối liên hệ đồng hành và thân mật giữa vợ chồng, một liên hệ không còn bị chi phối bởi các vai trò và các chức phận cổ truyền nữa, nhưng được đánh dấu chủ yếu bằng sự thân mật có tính xã hội và tâm lý. Ðó là điều hiện đang xẩy ra cho các cuộc hôn nhân ngày nay, đem lại nhiều hậu quả lớn lao, những hậu quả này sẽ được bàn đến trong những chương kế tiếp.

KHÍA CẠNH DÂN SỐ HỌC

Ðể có thể lượng gía ý nghĩa của hôn nhân đồng hành, cần phải tìm hiểu xem cơ cấu của hôn nhân đã chịu ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố dân số học như tuổi khi kết hôn, thời gian kéo dài của nó, việc thai nghén và con cái.

TUỔI LÚC KẾT HÔN

Trong thế kỷ 16, phụ nữ thường lấy chồng vào khoảng 20 tuổi. Tuổi ấy tăng lên 22 vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Nó tiếp tục tăng vào thế kỷ 19, và sang đầu thế kỷ 20, thì tuổi trung bình đi lấy chồng là 25, kéo dài đến tận Thế chiến Hai; sau đó, giảm đi; năm 1854, tuổi trung bình lấy chồng là 24, năm 1969 là 22.5 với sự gia tăng chút đỉnh lên đến 22.9 vào năm 1977.

Ðối với đàn ông, những con số trung bình ấy cao hơn. Tiếp tục cao trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, rồi từ từ giảm xuống sau Thế chiến Hai: năm 1951 là 26.7, nhưng năm 1969 là 24.53; trong thập niên qua, con số ấy tăng dần, lên đến 25.1 vào năm 1977.

THỜI GIAN KÉO DÀI CỦA HÔN NHÂN

Thời gian kéo dài của hôn nhân tuỳ thuộc ba biến tố sau đây: tuổi khi kết hôn, tuổi khi chết và tuổi khi hôn nhân bị tiêu hủy vì những lý do không phải là chết. Như thế, tuổi thọ là tiêu chuẩn quan trọng đối với thời gian kéo dài của hôn nhân. Trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, tuổi thọ của đàn ông tính từ lúc anh ta 30 tuổi vào khoảng từ 22 đến 26 năm. Thời gian kéo dài của hôn nhân cũng vì vậy tương đối ngắn và một bản nghiên cứu cho thấy thời gian kéo dài trung bình của những cuộc hôn nhân lần đầu trong các gia đình nghèo vào khoảng từ 17 đến 19 năm, gia tăng lên 22 năm vào cuối thế kỷ 19. Tử xuất của cả hai giới, đặc biệt của nữ giới trong khi đang mang thai cũng như trong thời gian sau khi sinh con, là nguyên nhân chính của việc kéo dài vắn vỏi ấy.

Ðến năm 1971, tuổi thọ trung bình tính từ lúc mới sinh là 68.6 đối với đàn ông, và 74.9 đối với phụ nữ, nhờ thế, thời gian kéo dài trung bình của một cuộc hôn nhân là vào khoảng 50 năm. Sự phối hợp giữa tuổi thọ và thời gian tương đối dài của hôn nhân là một trong những thách đố đối với sự bền vững trong hôn nhân.

CON CÁI

Tử xuất cao của người lớn cho thấy trẻ em trong thế kỷ 16, 17 và đầu 18 có thể đã mất một trong hai cha mẹ trước khi chúng tới tuổi trưởng thành. Tử xuất cao của người lớn cũng thường đi đôi với tử xuất cao của trẻ em. Cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, vào khoảng phân nửa trẻ em nông dân Pháp chết ở tuổi lên 10, và giữa khoảng một nửa đến hai phần ba chết ở tuổi 20. Tại London vào năm 1764, 49 phần trăm trẻ em chết lúc lên 2 và 60 phần trăm chết lúc lên 5. Mãi đến năm 1750, mức tử của trẻ em sơ sinh và trẻ thơ mới bắt đầu giảm dần (12).

Vào đầu thế kỷ 20, một bà mẹ thuộc giai cấp lao động thường mang thai 10 lần và thường dành 15 năm mang thai và chăm sóc con thơ cho đến khi đứa con lên 1 tuổi. Thời Ðệ Nhị Thế Chiến, thời gian đó vào khoảng 4 đến 5 năm.

Một trong những lý do của những thay đổi trên là do việc mang thai cũng như sự sống của trẻ sơ sinh nay đã an toàn nhiều. Tuy nhiên việc giảm tử xuất nơi trẻ sơ sinh (chết dưới 1 năm) và chết lúc mới sinh thì tương đối mới xảy ra đây. Vào năm 1911, toàn diện tử xuất của trẻ sơ sinh được tính là 129.4 trên 1,000 vụ sinh, trong khi vào năm 1977, tỷ lệ đó là 14 (13). Vào năm 1928, tử xuất các trẻ chết ngay lúc sinh (stillborns) được tính là 40.1 trên 1,000 vụ sinh, giảm xuống còn 9.3 vào năm 1977. Những tiến bộ lớn về chữa trị và phòng ngừa trong y khoa, đi đôi với điều hòa sinh đẻ cho phép phụ nữ có số con họ muốn, đã được mệnh danh là "sự nới rộng có tính cách mạng của tự do " (14).

Sự tự do ấy đã dẫn đến việc rút nhỏ khuôn khổ gia đình: trung bình mỗi gia đình có khoảng 2 đứa con. Các tài nguyên được giải thoát do đó đã được sử dụng đặc biệt bởi phụ nữ để họ có thể đi làm trở lại. Họ phải ngưng làm việc khi sinh con, nhưng khi con vừa lớn khôn đủ, họ từ từ quay lại sở làm, khiến con số phụ nữ làm việc toàn thời gian đạt đến 60% sau 20 năm kết hôn (15).

TÓM LƯỢC

Thực tại xã hội của hôn nhân hiện đại là tiểu gia đình gồm cha mẹ và con cái, với 3 giai đoạn của chu kỳ hôn nhân. Những năm đầu trước khi các con ra đời, thời gian các con ra đời và lớn lên, và thời gian sau khi các con đến tuổi thiếu niên và ra đời để cha mẹ trở lại với mối liên hệ tay đôi như trước - giai đoạn ba này có thể kéo dài đến 20 năm hoặc hơn. Trong suốt thời gian lấy nhau, vợ chồng nhiều khi đảm nhận những vai trò vốn được coi như truyền thống, nhưng họ cũng đạt được mức độ cao trong sự mềm dẻo tiếp nhận các vai trò khác nhau của vợ chồng, sống thân mật với nhau hơn về phương diện xã hội và tâm lý, chờ mong ở nhau biểu lộ tình cảm và thoả mãn tính dục nhiều hơn cũng như đem cái sâu sắc trong nhân cách can dự nhiều hơn vào mối liên hệ vợ chồng. Tất cả những yếu tố đó, đi đôi với khuôn khổ nhỏ hơn của gia đình cũng như tỷ lệ ly dị cao hơn, chính là những yếu tố của hôn nhân hiện đại.

Các đặc điểm xã hội dẫn đến việc tự chọn lựa người phối ngẫu, việc nhấn mạnh đến sự công bình trong liên hệ và sự hiện diện rõ rệt của tình thân mật đã có nhiều vang dội tâm lý, vì các vai trò cố định không còn che dấu được thế giới cảm quan và xúc cảm nữa. Chính hai thế giới này điều hành sự trao đổi giữa hai vợ chồng. Chương sau sẽ đề cập đến vấn đề này.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Stone, L., The Family, Sex and Marriage in England 1500-1800. Weidenfield and Nicolson, 1971.

2. Shorter, E., The Making of the Modern Familỵ Collins, 1976.

3. Stone, p. 86

4. Ibid., p. 273

5. Ibid., p. 233

6. Acton, W., Functions and Disorders of the Reproductive System. London (4th Ed.), 1865.

7. Ellis, F., The Daughters of England. London, 1845.

8. de Beauvoir, S., The Second Sex. Penguin, 1972.

9. Greer, G., The Female Eunuch. MacGibbon and Kee, 1970

10. Millett, K., Sexual Politics. Rupert Hart-Davis, 1971

11. Tweedie, J., In the Name of Love. Jonathan Cape, 1979.

12. Stone, pp.68, 72.

13. Population Trends, no 15. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1979

14. Titmuss, R.M., Essays on the Welfare State. Allen and Unwin (2nd Edn.), 1963

15. Population Trends, No.2. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1975