Midrash
Phương pháp Midrash (chú giải Kinh Thánh), cách chú giải Midrash. Là lối diễn giải Kinh Thánh do các bậc thầy Do Thái thực hiện từ đầu thế kỷ thứ ba, một yếu tố quan trọng trong khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo. Lối diễn giải này được áp dụng cho nhiều phần trong Kinh Thánh, nhằm khám phá ý nghĩa sâu xa ẩn tàng dưới mặt chữ, tương tự lối “giải thích thiêng liêng” trong Kinh Thánh của Kitô giáo.

Migne Patrologia
Bộ Giáo Phụ Học Migne, Tuyển Tập Giáo Phụ Học Migne. Ấn bản đầy đủ nhất cho đến nay về các Giáo Phụ và văn sĩ của Giáo Hội. Cha Jacques Paul Migne (1800-1875) là cha xứ ở Orléans, Pháp, mãi cho đến năm 1844, khi ngài bắt đầu xuất bản Bộ Tuyển Tập về các tác giả Latinh từ thời đầu đến thời Đức Innocentê III (217 tập, 1844-1855). Sau đó ngài xuất bản tiếp Bộ Tuyển Tập về các văn sĩ Hi Lạp từ thời đầu đến năm 1439 TCN (162 tập, với bản dịch Latin, 1855-1866). Hai tuyển tập, Giáo Phụ Học Latinh (P.L.) và Giáo Phụ Học Hy Lạp (P.G.), mặc dù còn thiếu sự chú thích hoàn thiện hơn của các học giả hiện đại, vẫn là nguồn tài liệu chuẩn mực để tham khảo và trích dẫn.

Mildness
Hiền hòa, ôn hòa, hiền dịu. Hiền lành trong tính cách và hành xử. Như là hoa trái của Thánh Thần, hiền hòa là sự trọn lành của đức ái, hướng dẫn đức công bằng qua việc tránh né bất cứ hành động không cần thiết nào mà có thể khơi lên dận giữ hoặc oán hờn.

Military Vicariate
Giáo Hạt Quân Đội. Địa hạt được đặt dưới sự coi sóc của một vị đặc trách về đời sống tâm linh cho các nhân viên quân đội trong vùng ấy. Giáo hạt có quyền hạn pháp lý trên các vị tuyên úy, nhân viên quân đội và các gia đình sống chung với họ. Quyền hạn pháp lý này được xác lập theo Giáo Luật bởi Tòa Thánh.

Millennium
Thuyết một ngàn năm, Thiên niên kỷ thuyết. Một ngàn năm Chúa Kitô thống trị trên trái đất, trước khi xảy ra ngày tận thế, dựa trên sách Khải Huyền 20, 1-5. Được một số Giáo Phụ như Giustinô (A.D. 100-165) và Irênê (130-200) đồng thuận, thuyết một ngàn năm hiện vẫn được tin nhận nơi một số giáo phái Tin Lành. Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng đoạn Kinh Thánh này được áp dụng cho vương triều thiêng liêng của Chúa Kitô trong Giáo Hội và hiểu “một ngàn năm” chỉ có ý nghĩa là một thời gian lâu dài bất định mà thôi.

Mina
Đơn vị đo lường trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, tương đương với một trăm gam Hy Lạp (drachma), hoặc tương đương với một cân Anh (pound, khoảng 450 gram). Đồng xu tiền cổ tương đương với 1/60 đơn vị tiền tệ (talent) Hy Lạp.

Mind
Tâm, tâm trí, tinh thần. Bất cứ một trạng thái hoặc hoạt động nào thuộc lãnh vực tri thức luận lý. Cũng là danh xưng chung để chỉ tất cả năng lực, trạng thái và hoạt động có lý tính và ý thức. Trong triết học, tâm trí thường được dùng đồng nghĩa với trí năng, tức khả năng đón nhận tri thức.

Mind Dust
Tâm bụi, hạt tâm bụi. Mệnh đề giả định của chủ nghĩa duy vật cho rằng tinh thần con người phát sinh từ sự kết hợp giữa những phân tử của trí óc vốn đã hiện hữu trong sự liên đới với các nguyên tử vật chất. Ngược lại với chủ trương trên là sự xuất hiện của thuyết tiến hóa (ví dụ, Teilhard de Chardin, 1881-1955), tuyên bố rằng tinh thần là kết quả tự nhiên của tiến trình tiến hóa sinh học.

Mind Of The Church
Tinh thần của Giáo Hội. Thái độ hoặc đường lối của Giáo Hội trong những vấn đề đức tin hay luân lý vốn đã không được giảng dạy cách minh nhiên trong các tuyên ngôn chính thức. Trong những vấn đề nào mà giáo lý hoặc huấn thị của Giáo Hội không đề cập đến, thì ý hướng của Giáo Hội được trình bày qua những giáo huấn hoặc quy luật. Hành động “theo tinh thần của Giáo Hội” là dấu hiệu của sự trung thành Công Giáo và là điều rất hay được các Đức Giáo Hoàng mới đây thúc đẩy nơi các tín hữu.

Minims
Tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô Paola. Dòng Anh Em Bé Nhỏ (Tiểu Đệ), được thành lập năm 1435 bởi thánh Phanxicô Phaola (1416-1507). Danh xưng của Dòng biểu tượng cho ước nguyện của các thành viên muốn sống cuộc đời khiêm hạ. Bản quy luật đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Alexandre VI năm 1493, căn bản dựa trên Quy Luật của Thánh Phanxicô Assisi. Bản luật sau đó được sửa đổi và Bản Quy Luật thứ hai có tính độc sáng hơn, được chính Đức Alexandre VI phê chuẩn vào năm 1501. Một nét đặc biệt của Luật Dòng này là lời khấn thứ tư: kiêng cữ tuyệt đối thịt, cá, trứng và những sản phẩm chế biến từ bơ sữa. Các bề trên thì mang danh xưng là “những người sửa dạy”. Mục đích của Dòng là chiêm niệm và hoạt động tông đồ qua thừa tác vụ, thuyết giảng và giảng dạy tại các giáo xứ. Cộng đoàn nữ, cũng mang danh xưng “Bé Nhỏ” (Tiểu Muội, Minims), thường được biết đến như là các Nữ tu Dòng Thánh Phanxicô Paola (Miniams), Dòng Chị Em Bác Ái Đức Mẹ Sầu Bi.

Minister
Thừa tác viên, vị phục vụ. Danh hiệu dành cho nhiều thành viên trong Giáo Hội Công Giáo. Đó là những người cử hành các bí tích, tức là các thừa tác viên cử hành bí tích. Đó là những người phụ giúp trong cử hành Thánh Lễ, ví dụ, thừa tác viên đọc sách và giúp lễ. Vị phục vụ là danh hiệu dành cho các bề trên trong một số các dòng tu, ví dụ bề trên tổng quyền của các tu sĩ Dòng Phanxicô được gọi là “tổng phục vụ” (ministers general), trong Dòng Tên, người đóng vai trò thứ nhì của một cộng đoàn địa phương được gọi là “vị phục vụ” (minister). Cách mặc nhiên tước hiệu này bao hàm khái niệm phục vụ. Từ sau phong trào cải cách Thệ Phản, các tông phái Tinh Lành thường gọi những giáo sỹ được tấn phong của họ là thừa tác viên (minister), để phân biệt họ với bậc tư tế (priesthood). (Nguyên ngữ Latinh: minister, người phục vụ).

Ministerial Priesthood
Chức tư tế/linh mục thừa tác. Bí tích truyền chức thánh và bậc sống cố định của một người được thụ phong linh mục, phân biệt với chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu, được dành chung cho hết mọi người đã lãnh bí tích rửa tội. Điểm thiết yếu dành cho chức tư tế thừa tác là được trao ban năng quyền của chức tư tế độc nhất để thánh hiến và tiến dâng Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ và năng quyền tha các tội đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, thông qua bí tích thống hối (giải tội) và xức dầu bệnh nhân.

Ministeria Quaedam
Tông thư Ministeria Quaedam của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, bãi bỏ chức cắt tóc, các chức nhỏ và chức phụ phó tế (chức năm) trong nghi lễ Latinh của Giáo Hội Công Giáo (ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1972).

Ministeriorum Disciplina
Sắc lệnh Ministeriorum Disciplina (Quy luật về các Thừa tác vụ). Sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự, ban hành năm 1972, đưa ra những quy tắc và nghi thức dành cho các thừa tác viên đọc sách và giúp lễ, việc tiếp nhận ứng viên phó tế, và việc tuyên hứa dấn thân vào đời sống độc thân (ngày 3 tháng 12 năm 1972).

Ministries
Tác vụ. Danh hiệu này trước đây được dùng để gọi các chức nhỏ trong Giáo Hội Công Giáo, như chức đọc sách, chức giúp lễ. Những tác vụ này ngày nay có thể được giao phó cho các tín hữu và không còn được coi như là những chức vụ dành riêng cho các ứng viên chức thánh nữa.

Ministry
Thừa tác vụ. Một tác vụ được ủy thác để phụng sự Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân, theo như các quy luật được mặc khải bởi Chúa Kitô và được Giáo Hội xác định. Trong truyền thống Công Giáo các thừa tác vụ đa dạng này cần bao gồm những đặc tính sau: 1. Phụng sự Thiên Chúa, tôn vinh Ngài qua việc yêu thương phục vụ tha nhân; 2. Được quyền bính Giáo Hội cho phép, qua Đức Giáo Hoàng hoặc đấng bản quyền địa phương; sự cho phép này có thể phải kèm theo việc phong chức, chẳng hạn trong trường hợp thừa tác vụ linh mục, hoặc sự thánh hiến, như trường hợp đời sống tu dòng, hoặc nghi thức chúc lành trong phụng vụ, như trường hợp của các thừa tác viên đọc sách và thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa; 3. Đặt nền trảng trên giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng đã nêu gương qua lời nói và hành động của Ngài về cách thức phục vụ những nhu cầu thiêng liêng cũng như trần thế của dân chúng; và 4. Theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, phù hợp với các chỉ thị và điều lệnh do Giáo Hội ban hành.

Minor Basilica
Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Tước hiệu Đức Giáo Hoàng phong cho một số thánh đường có tầm vóc nổi bật về sự cổ kính, về những tổ chức hiệp hội có bề dày lịch sử, về tầm quan trọng, chẳng hạn như các trung tâm phụng tự, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn là Đại Vương Cung Thánh Đường. Ví dụ: Tiểu vương cung thánh đường thánh Laurenxô ở Rôma, Mission Dolores ở San Francisco, Thánh Anne de Beaupré ở Quebec.

Minor Orders
Các chức nhỏ. “Các chức nhỏ” là danh xưng được dùng qua nhiều thế kỷ để chỉ các phận vụ mà ngày nay gọi là tác vụ đọc sách và giúp lễ. Các tác vụ này chưa bao giờ được xem như là thành phần thuộc về bí tích truyền chức và đã được giản lược thành các thừa tác vụ Giáo Hội để trao cho những ai được chỉ định qua một nghi thức phụng vụ do một giám mục hoặc do một bề trên cả dòng tu chủ sự.

Miracle
Phép lạ. Một hiệu quả có thể xác nhận được một cách hợp lý, siêu vượt ít là những năng lực tự nhiên hữu hình, được Thiên Chúa thực hiện để minh chứng một sự thật nào đó hoặc chứng thực sự thánh thiện của một người nào đó. (Nguyên ngữ Latinh: miraculum, phép lạ, phép mầu, kỳ công; bởi động từ mirari: kinh ngạc, thán phục).

Miracle Of Grace
Phép lạ của Ơn Sủng – Ơn biến đổi/hoán cải. Sự hoán cải đột ngột tới bất ngờ từ chỗ không biết đổi thành kính tin, từ chỗ nghi ngờ biến thành xác quyết, từ người tội lỗi trở nên thánh thiện. Điều này xảy ra không do nhữnng nguyên nhân thông thường mà do một ân sủng đặc biệt được Thiên Chúa ban không. Đó là một tác động linh thánh vượt qua khuôn khổ những tác động thông thường của Đấng Quan Phòng.

Miraculous Medal
Ảnh phép lạ. Huy hiệu hình bầu dục có hình Đức Trinh Nữ Maria. Mẫu mã ảnh đeo này được mặc khải vào năm 1830 cho bà thánh Catherine Labouré (hiển thánh năm 1947), thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, trong những lần thánh nữ được thị kiến Đức Mẹ. Mặt trước của mẫu ảnh mang hình Đức Mẹ dang tay với dòng chữ: “ Ôi Maria vô nhiễm thai, xin cầu cho chúng con đang cậy nhờ nơi Mẹ”, và mặt sau có chữ M với thánh giá và 12 ngôi sao trên đó cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Con số những phép lạ liên quan tới những người đeo mẫu ảnh này đã khiến dân chúng gọi đó là “ảnh phép lạ”. Vì thế mẫu ảnh này cũng được mến chuộng và phổ biến như Ảnh Áo Đức Bà vậy. Mẫu ảnh này trở thành huy hiệu biểu tượng của Hội Con Đức Mẹ. Có nhiều đền thánh hành hương và việc sùng kính được đặc biệt dâng tiến Đức Mẹ Mẫu Ảnh Phép Lạ và việc sùng kính hàng tuần dành cho tước hiệu này được ghi trên lịch của hàng ngàn thánh đường Công Giáo trên thế giới.

Miraculous Medal (Shrine)
Đền Mẫu Ảnh Phép Lạ. Ở trong nguyện đường của nhà mẹ Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô tại đường Rue de Bac, Paris. Năm 1830, Đức Trinh Nữ đã hiện ra ba lần với tập sinh Catherine Laboué. Mẹ ngự trên một chiếc ngai, yêu cầu chị phổ biến lòng tôn kính sự Thụ Thai Vô Nhiễm của Mẹ. Chiếc ngai này nay còn được gìn giữ như thánh tích ở đó. Mẹ Maria đã nói với Catherine về những điều khủng khiếp có thể xảy đến nếu lòng nhiệt thành đạo đức chân thật của dân chúng không được hồi sinh. Nỗ lực đầu tiên của chị Catherine để làm theo chỉ thị của Đức Mẹ đã không thành công, nhưng sau đó, mẫu ảnh đã được họa thêm Đức Trinh Nữ. Catherine Laboué đã được phong hiển thánh năm 1947 bởi đức giáo hoàng Piô XII, và thân xác không bị hư hoại của thánh nữ đặt trong nhà mẹ đã làm cho linh địa này thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng nhất. Bản sao của đền thánh cũng thu hút hàng ngàn khách hành hương làm tuần cửu nhật tại Germantown, Pennsylvania, Hoa Kỳ để tôn sùng Mẹ Thiên Chúa và tôn kính vị Nữ Tử Bác Ái khiêm cung, người đã được Mẹ hiện ra với mình tại Pháp.

Mirae Caritatis
Thông điệp Mirae Caritatis (Đức Ái Cao VờI). Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII về Thánh Thể (23 tháng 5 năm 1902). Đây là một trong những nguồn giáo huấn hiện đại chính yếu của Giáo Hội về Bí Tích Cực Trọng này, được tiếp nối với thông điệp Mediator Dei (Đấng Trung Gian Thiên Chúa) của Đức Piô và Mysterium Fidei (Mầu Nhiệm Đức Tin) của Đức Phaolô VI. Đề tài chính của các thông điệp này là nói về những hiệu quả tuyệt diệu của việc tôn sùng Thánh Thể trong đời sống đạo đức và tâm linh của tín hữu. Nguyên do chính yếu của những rối rắm trong thời đại hôm nay, theo thông điệp Mirae Caritatis, là thiếu tình bác ái giữa con người với nhau, một hậu quả của việc giảm sút tình yêu đối với Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, Bí Tích Thánh Thể là một phương cách hiệu quả nhất để thăng hoa tiến triển tình yêu quyên mình, vị tha.

Miriam
Bà Miriam. Chị của ông Môsê và Aharon. Khi sinh ông Môsê, mẹ của ông đã đặt ông trong một chiếc thúng và đem thả trôi sông, bởi vì vua Pharaôn có chỉ dụ sát hại các bé trai Do Thái (Xh 1,22). Chính Miriam đã khéo léo xoay xở để đem Mô sê về lại với người mẹ ruột của mình là bà Jochebed, để bà chăm sóc bú mớm cho em (Xh 2, 2-10). Nhưng về cuối đời Miriam lại không được thuận lợi mà cũng mất cả khôn ngoan. Khi Môsê cưới Zipporah, cả Miriam lẫn Aharon đều cho rằng ông đã tự hạ thấp mình khi đi cưới một người Mađian làm vợ. Khi họ phê phán chỉ trích ông thì Đức Chúa đã đến cứu giúp ông và phạt bà Miriam bị cùi hủi. Trong suốt một tuần bà bị đuổi ra khỏi trại, mãi tới khi ông Môsê bầu cử nài van Đức Chúa chữa lành cho bà mới thôi (Ds 12, 1-15). Những năm sau đó bà qua đời và được an tang tại Kades (Ds 20,1).

Mirror
Gương, Gương soi, Phản ảnh. Là biểu tượng của Đức Trinh Nữ, Đấng là hình ảnh trung thực của Người Con Chí Thánh, là “phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hiện thân lòng nhân hậu của Người.” (Kn 7,26). Trong Kinh Cầu Đức Bà, Đức Maria được ca tụng: “Đức Bà là Gương Nhân Đức”.

Miserere
Xin thương xót. Một trong ba Thánh Vịnh: 50, 55 và 56 (Bản Vulgata), mỗi Thánh Vịnh này trong bản Latinh đều bắt đầu bằng lời khẩn cầu: “Miserere” (Xin thương xót), nhưng nhìn chung tựa đề này chỉ quy vào Thánh Vịnh 50 vốn là lời cầu thông dụng nhất về lòng thương xót trong phụng vụ Kitô giáo. (Nguyên ngữ Latinh, Miserere, xin hãy thương xót [mệnh lệnh cách]).

Misericorde
Lòng thương xót, nhân từ, tha thứ. Thanh gỗ nhỏ gắn ở mép mặt dưới của loại ghế gấp tự động trong nhà thờ để giúp người ta trong lúc đứng có thể tựa vào một khi chiếc ghế đã gập lên.

Miss
Viết tắt của từ Latinh: Missa (Thánh lễ, lễ Misa), hoặc missionarius (nhà truyền giáo, nhà thừa sai).

Missal
Sách Lễ. Cuốn sách chứa đựng những lời kinh nguyện mà linh mục đọc tại bàn thờ trong khi cử hành Thánh Lễ. Từ Công Đồng Vatican II, Sách Lễ bao gồm cả Nghi Thức Bí Tích (tức là phần nghi lễ của Thánh Lễ) dành riêng cho chủ tế, và phần Bài Đọc (gồm các bài đọc Sách Thánh) dành cho chủ tế và thừa tác viên giúp lễ. (Nguyên ngữ Latinh: missalis, thuộc về Thánh Lễ).

Miss. Apost., M.A.
Viết tắt của cụm từ Latinh: Missionarius apostolicus (Tông đồ thừa sai, tông đồ truyền giáo)

Missale Romanum
Sách Lễ Rôma. Tông hiến Missale Romanum, Tông hiến do Đức Phaolô VI nhằm công bố Sách Lễ Rôma mới. Những yếu tố có ý nghĩa nhất của sách lễ mới này là việc thêm vào ba kinh nguyện Thánh Thể mới và sửa đổi phần nghi thức Thánh Lễ. Tuy nhiên, trong mỗi một kinh nguyện Thánh Thể, Đức Thánh Cha chỉ thị rằng phải dùng chung một công thức thánh hiến (hay lời truyền phép) giống nhau như sau: "Chúng tôi muốn rằng những lời sau đây cần được đọc cách rõ ràng: lời đọc trên bánh là ‘Accipite et manducate ex hoc omnes; Hoc est enim corpus meum, quod pro vobis tradetur' (Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con); và lời đọc trên chén rượu là 'Hic est enim calix sanguinis mei, novi et aeterni testamenti, qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum. Hoc facite in meam commemorationem’ (Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và cho nhiều người để được ơn tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy). Những lời 'Mysterium fidei' (Đây là mầu nhiệm đức tin), được trích dẫn từ trong khung cảnh những lời của Chúa Kitô và được linh mục tuyên đọc, sẽ được sử dụng như là khởi xướng cho lời tung hô của các tín hữu (sau truyền phép)” (mồng 3 tháng Tư năm 1969). Hai năm sau khi ban hành Sách Lễ Rôma, Đức Phaolô VI đã cho phép sử dụng ngôn ngữ bản xứ “ngay cả trong Lễ Quy” (mồng 4 tháng Năm, 1967).

Missiology
Truyền giáo học, thần học về truyền giáo. Một ngành của thần học nghiên cứu về những nguyên lý và thực hành trong công việc truyền giáo. Đó là khoa học về truyền giảng Tin Mừng và giảng dạy giáo lý trong các vùng miền và nơi những dân tộc mà Giáo Hội đang được hình thành.


Mission
Sứ mạng/ Sứ vụ, Truyền giáo/Thừa sai, Điểm truyền giáo. Hạn từ dịch sát có nghĩa là “sai đi” và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung đều diễn tả ý tưởng ra đi, đến với tha nhân để mang lại một sự biến đổi tốt lành nào đó cho thiện ích của họ. Ở mức độ cao vời nhất là những sứ mạng thừa sai của Ba Ngôi: sứ mạng hữu hình của Ngôi Hai, được sai đi bổ Chúa Cha trong nhân vị Giêsu Kitô, và sứ mạng vô hình của Chúa Thánh Thần, được sai đi bởi Chúa Cha và Chúa Con. Rồi Chúa Kitô sai các Tông Đồ đi giảng dạy muôn dân. Sứ mạng thừa sai của họ là rao giảng Tin Mừng, làm phép rửa, và dạy dỗ dân chúng “giữ các điều răn Thầy đã truyền” (Mt 28, 19-20). Đến lượt mình, chính các Tông Đồ và qua các người kế vị các ngài, đã sai các tín hữu ra đi tiếp tục công trình của Thầy Chí Thánh để rao giảng Tin Mừng cho nhân loại. Sứ mạng thừa sai hay truyền giáo, vì thế, là mục đích của ơn gọi. Tất cả những ai được kêu gọi bước theo Chúa Kitô là đều được Chúa Kitô sai đi, qua chính thân mình là Giáo Hội Ngài, để mở rộng Triều Đại Nước Thiên Chúa (Nguyên ngữ Latinh missio, sự sai đi).

Missionary
Nhà truyền giáo / Nhà thừa sai. Người được quyền bính Giáo Hội sai đi để rao giảng Tin Mừng, hoặc loan truyền đức tin đã lãnh nhận, giữa các dân tộc tại một địa điểm hay một vùng miền được ủy thác cho họ. Điểm chính yếu trong đời sống nhà truyền giáo, dù tại bản xứ hay ở ngoại quốc, là lòng nhiệt thành mở mang Vương Quốc Chúa Kitô qua việc rao giảng, giáo huấn, hoặc qua các phương tiện giáo lý và truyền giáo khác nữa.

Miter
Mũ “mítra”, Mũ lễ (mũ gầu, mũ giám mục). Là chiếc mũ các đức giáo hoàng, hồng y, viện phụ và giám mục thuộc nghi lễ Latinh đội khi cử hành phụng vụ. Đó là một chiếc mũ gồm hai mảnh cứng ghép lại, được làm bằng chất liệu vải lụa hoặc vải len, thường được trang trí cầu kỳ bằng những đường riềm vàng, gắn lại với nhau bằng một mảnh vải mềm mại, để có thể xếp gấp lại với nhau. Chiếc mũ này thường được gắn bằng hai dây vải nhỏ rủ xuống phía sau lưng. Người ta cũng dỡ bỏ mũ ra khi chủ tế cầu nguyện. Có ba loại mũ mítra để thay đổi tùy theo mức độ long trọng của dịp lễ và mùa phụng vụ: loại vàng kim, loại cầu kỳ và loại đơn giản. Loại đơn giản thường chỉ là màu trắng trơn và được dùng trong thứ Sáu Tuần Thánh và trong các lễ tang. Các giám chức thông thường cũng chỉ giới hạn trong việc mang loại mũ mitra màu trắng này. (Nguyên ngữ Hy Lạp Mitr_, dây đai, thắt lưng, dải băng đầu, khăn xếp).

Mitigated Tutiorism
Chủ nghĩa giảm khinh. Hệ thống luân lý để giải quyết những nghi vấn thực tiễn. Theo chủ thuyết này, một người sẽ được miễn trách nhiệm nếu lý lẽ bênh vực quyền tự do có thể đạt đến mức độ cao nhất.

Mixed Contemplation
Chiêm niệm hỗn hợp (pha trộn/sơ khởi). Cảm nghiệm xen kẽ giữa chiêm niệm thụ động và chủ động, nghĩa là việc cầu nguyện đơn giản thủ đắc bởi cố gắng của con người và sự thần hiệp thiên phú ban không bởi Thiên Chúa. Đôi khi tình trạng này được gọi là cấp độ thứ nhất của chiêm niệm thiên phú. Sự thần hiệp có thể kéo dài ngắn ngủi, hoặc có thể tồn tại lâu hơn, phần nào tùy thuộc vào khả năng duy trì của đương sự, nhưng chủ yếu là tùy thuộc vào đặc ân ban không của Chúa quan phòng.

Mixed Marriage
Hôn nhân hỗn hợp. Hôn nhân giữa một thành viên thuộc Giáo Hội Công Giáo và một người không Công Giáo. Chủ đích của truyền thống Giáo Hội Công Giáo Rôma về vấn đề hôn nhân hỗn hợp là phải khích lệ họ, trong khi nhìn nhận rằng kiểu hôn nhân này là không thể tránh né được trong một xã hội đa dạng. Hai lý do xa xưa khiến cho Giáo Hội không khuyến khích kiểu hôn nhân này là nguy cơ rủi ro cho đức tin của phía Công Giáo và mối hiểm nghèo xảy ra khi con cải của họ không được giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo. Từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã kỹ càng xét lại tính hợp pháp liên quan đến hôn nhân hỗn hợp, nhất là từ năm 1966 đến năm 1970. Có sự khoan dung hơn trong việc cho phép kiểu hôn nhân này nhưng không thay đổi mối quan tâm căn bản trong việc gìn giữ đức tin của phía Công Giáo và việc bảo đảm rằng mọi con cái của họ được rửa tội và giáo dưỡng trong Giáo Hội Công Giáo.

Mixed Marriage Promises
Cam kết trong hôn nhân hỗn hợp. Lời cam kết trong hôn nhân hỗn hợp được phía Công Giáo đề nghị đối với phía không Công Giáo. Như đã được đề cập đến trong Tông Thư cúa ĐỨc Phaolô VI năm 1970, lời cam kết này gồm hai điểm: “Phía Công Giáo phải bày tỏ rằng họ phải sẵn sàng loại bỏ mọi nguy cơ đánh mất đức tin. Họ cũng buộc phải thành thật tuyên hứa làm hết khả năng của mình để cho tất cả các con cái của họ được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo (Tông Thư “Hôn nhân hỗn hợp” [Matrimonia Mixta], điều 4). Tại nhiều quốc gia, chẳng hạn tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục chỉ thị rõ rằng để được hưởng phép chuẩn hôn nhân hỗn hợp, người ta phải được thực hiện bằng ngôn từ và văn bản như Giáo Hội Công Giáo đã đề ra.

M.H.
Giờ (Kinh) Trưa (Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín).

Mina
Đơn vị đo lường trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, tương đương với một trăm gam Hy Lạp (drachma), hoặc tương đương với một cân Anh (pound, khoảng 450 gram). Đồng xu tiền cổ tương đương với 1/60 đơn vị tiền tệ (talent) Hy Lạp.

Modalism
Lạc thuyết hình thái, Thuyết Mô Thức, Phái Hình Thức. Nhóm lạc giáo liên quan đến Tín Điều Ba Ngôi vào thế kỷ II và III chủ trương rằng chỉ có một ngôi vị nơi Thiên Chúa, nhưng một ngôi vị duy nhất này lại tỏ mình dưới ba hình thái hay cách thức khác nhau, chẳng hạn, như là đấng tạo hóa (Cha), đấng cứu chuộc (Con), và đấng thánh hóa (Thánh Thần). (Nguyên ngữ Latinh “modus”: đường lối, cách thức, hình thái).

Modality
Hình thái, dạng thức, hình thể, thể thức. Hình thái hay mô thức quan đó một vật hiện hữu, hoặc là bất cứ sự biến thái nào của một vật gì. Trong triết lý Kitô giáo, theo thánh Tôma Aquinô, những mô thức có tính trừu tượng, nghĩa là, có những đặc tính chung cho tất cả mọi hữu thể, như tính đơn nhất, tính chân thực và thiện hảo. Theo tư tưởng của trường phái Descastes, những mô thức là những tùy thể bất khả tách biệt khỏi bản thể, như là tư tưởng đối với tinh thần, ngoại trương hiện thực đối với thân thể. Theo phiếm thần thuyết, những mô thức là hiện thân của thần linh trong vũ trụ vật chất nơi mà xem ra các thụ tạo có hiện hữu biệt lập tự thân, nhưng kỳ thực chỉ là những hình thức hiển hiện khác nhau của một thực thể Tuyệt Đối duy nhất. (Từ nguyên Latinh modalis, từ chữ modus, hình thái, phương pháp.)

Model
Khuôn mẫu, kiểu mẫu, người mẫu, thần tượng. Một nhân vật, một vật thể hoặc ý tưởng làm khuôn mẫu cho sự hình thành một người hay một vật nào đó. Theo nghĩa này, Chúa Kitô và các thánh là những khuôn mẫu tuyệt hảo cho sự trọn lành Kitô giáo. Còn xét theo nghĩa mô phạm, “model” là một hình thức kiểu mẫu mà một người chú tâm để tìm cách bắt chước noi theo.

Moderation
Sự tiết chế, điều độ. Việc sử dụng một cách quân bình những gì vốn tự nhiên là thích hợp với thân xác hay tinh thần. Đó chính là sự kiểm soát có ý thức trên các ước muốn của mình để sử dụng các năng lượng nhân bản nào đó sao cho mang lại lợi ích lớn nhất cho mình hoặc cho tha nhân.

Modernism
Chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tân thời. Chủ thuyết về nguồn gốc và bản chất của Kitô giáo, được phát triển thành hệ thống trước hết bởi George Tyrrell (1861-1909), Lucien Laberthonnière (1860-1932), và Alfred Loisy (1857-1940). Theo thuyết Chủ Nghĩa Hiện Đại, tôn giáo chủ yếu là vấn đề kinh nghiệm, kinh nghiệm cá nhân và tập thể. Không có sự mặc khải khách quan của Thiên Chúa dành cho nhân loại, để có thể làm nền tảng cho Kitô giáo; cũng chẳng có bất cứ nền tảng hợp lý nào cho sự khả tín của đức tin Kitô giáo, dựa trên các phép lạ hay chứng cứ lịch sử. Đức tin, vì thế, chỉ có thể bắt nguồn từ bên trong nội tâm. Quả thực, đó là một phần của nhân tính, “một dạng cử động của con tim”, ẩn khuất và vô thức. Theo cách nói của chú nghĩa hiện đại, đó là bản năng tự nhiên thuộc về thế giới cảm tính, một “cảm nghiệm linh thiêng” không thể diễn tả bằng lời hoặc bằng các điều khoản tín lý, một thái độ tinh thần mà mọi người đương nhiên đắc thủ nhưng chỉ một số người ý thức là mình có. Chủ nghĩa hiện đại bị lên án bởi thánh giáo hoàng Pius X trong hai tài liệu chính thức, Lamentabili và Pascendi, đều ban hành năm 1907. (Nguyên ngữ Latinh: modernus, thuộc về thời trang hiện hành).


Modern World
Thế giới hiện đại. Hạn từ được dùng với nhiều nghĩa, nhưng cách đặc biệt, được dùng trong Khoa Phê Bình Văn Thể Tin Mừng, để làm rõ sự tương phản giữa xã hội hôm nay với thế kỷ thứ nhất, hay là thời đại Chúa Kitô. Thế giới hiện đại được cho là trí thức, thông thái, vì thế, trở nên hoài nghi và đòi hỏi bằng chứng khoa học cho mọi vấn đề, ngay cả khi đã tạm thời chấp nhận đó là chân lý.

Mokameh (Shrine)
Đền Mokameh. Đền Thánh Đức Mẹ Đầy Ơn Thánh Sủng (Our Mother of Divine Grace), một ngôi thánh đường được xây dựng vào năm 1947, bên dòng sông Hằng, cách Calcutta khoảng 200 dặm. Thánh đường có kiểu kiến trúc Ấn giáo (Hindu), và có đặt một bức tượng Đức Maria mặc áo sari với cặp mắt chìm sâu trong thiền nguyện. Trung tâm được tố chức bởi các nhóm hành hương, trong đó có những người là Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo đến từ xa xôi.

Molech
Thần Molech, thần ô nhục. Vị thần ngoại của một vài sắc dân Sêmít. Việc thờ thần Molech có kéo theo việc tế lễ trẻ em bằng cách đem thiêu lửa hoặc nung trong lò, một tập tục được nhắc tới trong trình thuật về Abraham và Isaac và trình thuật về Jephthah và con gái của ông. Nghi lễ tàn ác này bị cấm bởi luật Do Thái (Lv 18, 21), và chỉ rõ hình phạt thích ứng là bị ném đá tới chết. Vị vua khét tiếng Manasseh đã phải chịu trách nhiệm trong việc du nhập việc thờ cúng Molech vào thế kỷ VII TCN, khi ông đem tế thần chính đứa con trai của mình (2 V 21, 6). Một trong những cải tổ mà vua Josiah đã làm là hủy bỏ lò lửa tế thần ở tại thung lũng Ben-hinnom để chấm dứt thói tục khủng khiếp này (2 V 23, 10). Vị thần này cũng còn được kêu tên là Moloch.

Molinism
Thuyết Molina. Học thuyết liên quan đến ơn sủng và ý chí tự do con người do nhà thần học Dòng Tên người Tây Ban Nha Louis Molina (1535-1600) chủ xướng. Học thuyết chủ trương rằng không có sự khác biệt nội tại, nhưng chỉ có những khác biệt ngoại tại có tính tùy thể giữa ân sủng toàn túc (túc sủng) và ân sủng hữu hiệu (hiệu sủng). Thiên Chúa ban cho mọi người ơn túc sủng để họ hoàn thành mọi hành động siêu nhiên. Nếu họ tự do chấp nhận và cộng tác với ân sủng Chúa ban thì công việc cứu độ được thực hiện; sự cộng tác này tự khắc biến ơn túc sủng thành ơn hiệu sủng. Nếu ý chí tự do từ khước sự cộng tác, ơn sủng vẫn chỉ là ơn túc sủng mà thôi. Thiên Chúa từ ngàn xưa đã thấy trước sự ưng thuận tự do cúa ý chí con người bởi sự tiền kiến bất khả ngộ của Ngài về điều mà một người có thể thực hiện với bất cứ một ơn sủng nào mà họ đã lãnh nhận. Lý do tại sao Thiên Chúa vẫn chọn lựa để ban cho một người ân sủng sung mãn để họ thực hiện, trong khi đã biết trước là họ sẽ chấp nhận hay từ chối ân sủng này, được coi như là một mầu nhiệm bởi Thiên Chúa.