Boulder, CO (CNA) – George Weigel, nhà tư tưởng Công giáo và người viết tiểu sử Đức thánh cha Gioan Phaolô II, hôm thứ năm tuần qua đã đọc một bài diễn văn về tôn giáo và chính trị thế giới, trong đó ông lý luận rằng Đức giáo hoàng Bênêđictô đã tạo ra một mẫu mực độc đáo để cho toàn thế giới hiểu biết những tương quan giữa Thiên Chúa giáo, chủ nghĩa thế tục Phương Tây và Hồi giáo.

Trong bài diễn văn, Weigel cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn nhằm chấp nhận và kịch liệt kết án những lạm dụng cụ thể về nhân quyền và tự do tôn giáo nơi một số quốc gia theo đạo Hồi.



Trong diễn văn đọc tại trường đại học Colorado ở Boulder, do Viện Nghiên cứu Tư tưởng Công giáo Aquinas bảo trợ, Weigel nói rằng Đức giáo hoàng Bênêđictô là người duy nhất thích hợp để nói lên những xung đột trên thế giới bắt nguồn từ các khác biệt về tôn giáo. Weigel tin tưởng rằng Đức giáo hoàng, đặc biệt là trong diễn từ Regensberg năm 2006, cung ứng một “văn phạm” cho các nhà lãnh đạo thế giới, có thể giúp họ hiểu và cải tổ cả chủ nghĩa tương đối của một Phương Tây thế tục lẫn bạo lực của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Khi đọc diễn từ tại trường đại học Regensburg, Đức giáo hoàng nói rằng bạo hành và cưỡng chế tôn giáo bắt nguồn từ ý tưởng cho rằng Thượng Đế là thuần ý chí chứ không phải là một đấng yêu thương và hướng theo lý trí. Ngài nói rằng niềm tin của Thiên Chúa giáo vào một đấng Thượng Đế nghe theo lẽ phải và yêu thương đã giúp người Kitô hữu hoà giải chính mình với các giá trị của Thời đại Khai sáng về tự do tôn giáo và nhân quyền, trong lúc đó những khía cạnh của thần học Hồi giáo ngăn cản một sự canh tân như thế giữa lớp tín đồ.

Weigel phản bác lại việc giới truyền thông mô tả bài diễn từ là “sai lạc” vì coi đó như là điều nhục mạ Mohamet. Ông lý luận rằng, bài diễn từ tại Regensburg không chút nào là sai lạc, mà là một suy tư quan trọng về các vấn nạn quan yếu trong chính sách thế giới ngày nay. Các vấn nạn này là:

“Hồi giáo có thể tự kiểm được không? Các nhà lãnh đạo có thể kết án và đặt ra ngoài lề các phần tử cực đoan của họ, hoặc người Hồi giáo có bị kết án khi cầm giữ con tin vì lòng cuồng nhiệt của những kẻ coi việc sát hại những người vô tội là việc làm vui lòng Thượng Đế? Phương Tây có thể phục hồi lại sự cam kết tuân theo lý trí, và do đó giúp yểm trợ cuộc canh tân Hồi giáo?”

Weigel lý luận rằng không ai khác hơn Đức giáo hoàng Bênêđictô là có khả năng đóng khung cuộc thảo luận vào đường hướng như thế. Ông nói: “Không vị tổng thống, thủ tướng, quốc vương, nữ hoàng hoặc vị tổng thư ký nào đã có thể đặt các vấn nạn này ở một trình độ tinh tế trước thính giả toàn thế giới.”

Bài diễn từ của ĐGH Bênêđictô đã cung ứng cho cộng đồng chính trị thế giới “một bản văn phạm nói lên những vấn nạn này, một văn phạm vượt văn hóa chân chính về tính duy lý và bất duy lý.”

Ông nói tiếp: “Không hề là một hành xử theo trừu tượng thần học, bài diễn từ Regensburg là một nỗ lực can đảm nhằm tạo lập một bản văn phạm công khai mới có khả năng áp dụng kỷ luật và hướng dẫn cuộc thảo luận toàn cầu tìm xem trong tranh luận đâu là khó khăn lớn lao nhất thế giới”

Weigel cũng phê phán một số phản ứng về bài diễn từ Regensburg. Mặc dầu công nhận rằng các chỉ trích của Hồi giáo về Phương Tây thường “không phải là không có thế giá”, nhưng Weigel lý luận rằng lá thư của 138 nhà lãnh đạo Hồi giáo công bố hồi tháng 10 năm 2007 “tránh né” các vấn nạn do bài diễn từ của Đức giáo hoàng đặt ra

Lá thư của các học giả Hồi giáo nhan đề “Một Từ Chung Giữa Chúng Tôi và Quý Vị” gửi cho các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo toàn cầu nhằm theo đuổi cuộc đối thoại liên tôn giáo. Nhiều nhà quan sát coi bức thư như một sự khai thông quan trọng.

Weigel nói rằng lá thư nói dài dòng về “Hai Giới Điều Lớn Lao” yêu mến Thượng Đế và yêu thương người khác như chính mình. Tuy nhiên, Weigel cho rằng lá thư không nói điều gì có thể áp dụng được vào các vấn đề thích đáng như “đức tin, tự do, và việc điều hành xã hội” như chuyện đe dọa giết chết người theo Hồi giáo cải đạo thành Kitô hữu, hoặc ngăn cấm việc thờ phượng của người Thiên Chúa giáo tại Saudi Arabia.

Ông thách đố các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải chính xác hơn trong cuộc đối thoại trong tương lai:

“138 vị lãnh đạo Hồi giáo này đồng ý hay không đồng ý rằng tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa thần quyền và thế quyền là những vấn đề ở trọng tâm mối căng thẳng giữa Hồi giáo và Phương Tây, thực ra là giữa Hồi giáo và “phần còn lại”, và hơn nữa là ngay trong nội bộ Hồi giáo. Có phải là hữu ích hơn không, khi tập trung vào các vấn đề cấp bách về lý trí cổ điển này – liên quan đến tổ chức xã hội của thế kỷ 21 – hơn là đóng khung cuộc đối thoại vào việc triển khai chung chung Hai Giới Điều Lớn, có nguy cơ dẫn đến chuyện trao đổi những điều sáo rỗng?

Weigel hỏi: “Tại sao không đi thẳng vào các vấn đề?” Ông còn quả quyết thêm rằng cuộc đối thoại chân chính cần phải có “một trọng tâm chính xác” và một cam đoan “kết án đích danh những phần tử trong cộng đồng họ đã nhân danh Thượng Đế để sát nhân.”

Weigel cũng chỉ trích “các luận điểm thế tục hóa” chủ trương rằng các quốc gia, theo với thời gian, sẽ ít sùng đạo hơn. Ông lý luận rằng, trong thực tế, sự tục hóa ở Phương Tây là một điều ngoại lệ, không phải một định luật. Luận đề về tục hóa, ông nói, đã bao phủ u ám các phân tích của những nhà tư tưởng và chính trị gia Phương Tây, họ không hiểu được nền tảng tôn giáo của nhiều phong trào trên thế giới, gồm cả chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Weigel nghĩ rằng, cuộc gặp gỡ lâu nhiều thế kỷ của người Công giáo với các giá trị tích cực của Thời kỳ Khai sáng về tự do tôn giáo và nhân quyền, có thể là mẫu mực cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Trong lúc không đồng ý với điều mà Weigel gọi là “lời bỡn cợt” của chủ nghĩa vô thần khoa học Thời kỳ Khai sáng, các lầm lỗi và thành công của Công giáo có thể giúp người Hồi giáo tìm được đường hướng cải tổ trong chính tôn giáo mình.

Weigel trưng dẫn diễn từ lễ Giáng sinh năm 2006 của Đức giáo hoàng Bênêđictô như là bằng chứng Đức thánh cha chấp thuận một chiến lược tương tự như thế. Trong diễn văn đó Đức thánh cha nói:

“Trong cuộc đối thoại được tăng cường với Hồi giáo, chúng ta phải ghi nhớ sự kiện là thế giới Hồi giáo ngày nay đang thấy họ phải đương đầu với một nhiệm vụ khẩn thiết. Nhiệm vụ này rất giống nhiệm vụ áp đặt lên người Kitô hữu kể từ Thời đại Khai sáng, và qua đó, công đồng Vatican II, do kết quả tìm kiếm lâu dài và khó khăn, đã tìm ra được những giải pháp đích thực cho Giáo hội Công giáo.”

Bài diễn từ của Weigel được trích trong nội dung cuốn sách ông mới xuất bản: ”Đức Tin, Lý Trí, và cuộc Chiến Chống Chủ Nghĩa Thánh chiến: Một lời kêu gọi hành động.” Buổi diễn thuyết được đồng bảo trợ do Hội St. Thomas More Society of Colorado.