Hiện tình Giáo Hội Pêru

Một số nhận định của Đức Cha Hector Miguel Cabrejos Vidarte, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, về hiện tình Giáo Hội tại đây

Trong thời gian qua Giáo Hội Công Giáo Perù đã phát động chiến dịch phổ biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh qua các chương trình của đài phát thanh, là phương tiện truyền thông được dân chúng toàn nước trung thành theo dõi nhất. Hầu như mọi người: từ các linh mục tu sĩ nam nữ cho tới giới sinh viên học sinh và giới công nhân, từ giới doanh thương cho tới các bà nội trợ, ai ai cũng nghe đài phát thanh, trên xe bus, trên xe tư và tại nhà.

Đây là lý do khiến cho Ủy ban truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Perù chọn đài phát thành làm phương tiện phố biến giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Trong vòng 16 tuẫn lễ liên tiếp, 200 đài phát thanh toàn nước gồm các đài thương mại, đài giáo phận và giáo xứ hay đài cộng đoàn, sẽ phổ biến 112 chương trình dành cho các đề tài giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Đây sẽ là chương trình chắc chắn đem lại các hiệu qủa tốt, vì Perù là một môi trường còn có rất nhiều mâu thuẫn và bất công xã hội. Đức Cha Ricardo García García, Giám Mục Yauyos, chủ tịch Ủy ban truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Perù, giải thích rằng mục đích chiến dịch nhắm tới là đem giáo huấn xã hội của Hội Thánh đến cho hàng triệu người dân toàn nước Perù, nhằm góp phần xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Hector Miguel Cabrejos Vidarte, Giám Mục giáo phận Trujillo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, về hiện tình Giáo Hội tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong các thánh lễ Chúa Nhật mọi nhà thờ toàn nước Perù đều chật ních tín hữu, không phải chỉ có người già, nhưng cũng có rất nhiều gia đình trẻ, người trẻ và các trẻ em. Hiện tình của Giáo Hội Perù ra sao?

Đáp: Vâng, số tín hữu tham dự thánh lễ tại Perù rất đông, vì có tới 80% dân chúng xưng mình là tín hữu công giáo. Và theo các bản thăm dò ý kiến thì Giáo Hội là cơ cấu có uy tín và được dân chúng tín nhiệm nhất. Nói chung người dân sống lòng tin tôn giáo rất sâu đậm và rộng mở cuộc sống cho Thiên Chúa. Vì thế Perù là một quốc gia có cuộc sống tinh thần mạnh mẽ. Và đó là sự phong phú của dân nước Perù.

Riêng trong giáo phận Trujillo của tôi, tôi nhận thấy có hiện tượng thức tỉnh tôn giáo. Trong các năm qua đại chủng viện có 200 chủng sinh thuộc nhiều nơi khác nhau. Sự lớn mạnh ơn gọi này là niềm hy vọng lớn cho Giáo Hội.

Giáo Hội Perù còn có một kho tàng khác nữa: đó là các giáo phận và các giáo xứ, cũng như các phong trào và hiệp hội. Tại Perù có sự thức tỉnh dấn thân mạnh mẽ của giáo dân vào trong các phong trào, tổ chức và hiệp hội khác nhau.

Hỏi: Kết qủa một cuộc thăm dò ý kiến công bố trên nhật báo ”Thương mại” mới đây, cho thấy 71% dân chúng cho rằng Giáo Hội là cơ cấu đáng tin cậy nhất. Tại sao vậy thưa Đức Cha?

Đáp: Có nhiều lý do. Trước hết là sự can thiệp mau chóng và cụ thể của Giáo Hội mỗi khi xảy ra các tai ương thiên nhiên hay các hoàn cảnh khó khăn nào đó cần được trợ giúp. Giáo Hội luôn luôn đi tiên phong trong các sinh hoạt cứu trợ và hiên diện khắp nơi với mạng lưới cứu trợ của mình. Điển hình là trong vụ động đất hồi trung tuần tháng 8 năm 2007. Thành phố Pisco nằm gần trung tâm vùng động đất bị tàn phá như thể đã bị bỏ bom vì chiến tranh. Đó đã là cảm tưởng của tôi khi cùng Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến viếng thăm vùng này.

Giáo Hội đã hiện diện tại chỗ ngay tức khắc và phối hợp công tác cứu trợ trên mọi bình diện. Các hoạt động cứu trợ như thế hay các hoạt động trong lãnh vực giáo dục và y tế diễn tả sự gần gũi của Giáo Hội đối với dân chúng. Ở đây cũng cần đưa ra lời phê bình xây dựng: tại những nơi nào chính quyền không hiện diện, thì Giáo Hội luôn luôn hiện diện. Luôn luôn có một linh mục hay tu sĩ nam nữ, một thừa sai hoặc giáo dân dấn thân, hay một hiệp hội nào đó của Giáo Hội hiên diện.

Hỏi: Đứng trước các hậu qủa tàn phá kinh hoàng của trận động đất bên Perù hồi trung tuần tháng 8 năm 2007, đã có cả một phong trào liên đới với Perù từ khắp nơi trên thế giới, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng vậy. Đã có rất nhiều đồ cứu trợ được gửi tới Perù. Một số do chính quyền phân phối, số khác do tổ chức Caritas của Giáo Hội lãnh nhận và phân phát. Nhiều Hội Đồng Giám Mục các nước Mỹ châu La tinh và Âu châu cũng đã liên đới trợ giúp chúng tôi. Hội Đồng Giám Mục Italia đã trợ giúp 1 triệu Euros. Tất cả những gì chúng tôi nhận được đều đã được phân phối cho các giáo phận những vùng bị nạn: nhất là để tái thiết các nơi thờ phượng, vì 80% các nhà thờ và nơi thợ phượng trong vùng bị nạn đã bị phá hủy. Nếu Giáo Hội không lo việc xây cất, thì sẽ không có ai lo. Song song cũng còn có tất cả các chương trình tài trợ xã hội với các trợ giúp được gửi tới tổ chức Caritas Perù. Điều khó nhất là công việc sau thời gian cảm xúc ban đầu.

Hỏi: Thưa Đức Cha, hầu như phân nửa tổng số dân Perù có cuộc sống nghèo. Giáo Hội có vai trò nào trong một đất nước có tình trạng nghèo túng cao như thế?

Đáp: Giáo Hội gần gũi với người dân. Nhưng trong các thời gian qua chúng tôi cũng nhấn mạnh trên một điểm khác nữa cần suy tư: đó là sự kiện nền kinh tế đang lên tại Perù. Chúng tôi vui mừng biết ơn về sự kiện này. Nhưng bên cạnh sức lớn mạnh của kinh tế, kỹ nghệ và thương mại, chúng ta không được quên các trách nhiệm xã hội và tình liên đới với những người nghèo nhất. Kho tàng lớn nhất của đất nước Perù là dân chúng. Nhưng cần có sự dấn thân của chính quyền, tinh thần trách nhiệm của các hãng xưởng trong nhiều lãnh vực khác nhau như giáo dục và y tế, an sinh và công lý.

Hỏi: Trong toàn châu Mỹ Latinh có hiện tượng các giáo phái lan tràn. Tại Perù có xảy ra tệ nạn này không thưa Đức Cha?

Đáp: Có, tại Perù cũng có sự hiện diện mạnh mẽ của các giáo phái, cả khi các thống kê có hơi bị báo chí thổi phồng một chút. Nhưng người dân Perù cũng có thói quen chạy theo nhiều giáo phái khác nhau, họ thay đổi, nhưng cũng có nhiều người trở lại với Giáo Hội công giáo. Sự hiện diện của các giáo phái là một thực tại, nhưng tại Perù không đáng lo ngại cho lắm.

Hỏi: Hồi tháng 5 năm 2007 Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi đã nhóm hội nghị lần thứ V tại Aparecida bên Brasil. Các kết qủa đã được đúc kết trong tài liệu Aparecida, Đức Cha nhận thấy tài liệu đó như thế nào?

Đáp: Trên bình diện mục vụ, nó là một tài liệu tuyệt vời. Nó diễn tả ước muốn làm cho Nước Chúa lớn lên nơi các dân tộc Mỹ châu Latinh và trong quần đảo Caraibi. Nó đã được tiếp đón một cách nồng nhiệt tại Perù. Trong phiên họp thường niên vừa qua Hội Đồng Giám Mục Perù đã suy tư về tài liệu này. Ngoài ra các giáo phận, các dòng tu, các hiệp hội cũng bắt đầu suy tư về tài liệu Aparecida và dấn thân đáp trả lại các đòi hỏi hiện nay. Hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho Hội Nghị truyền giáo châu Mỹ Latinh kỳ III, sẽ diễn ra tại Quito thủ đô Ecuador. Đề tài của tài liệu Aparecida và sứ mệnh truyền giáo cho Mỹ châu Latinh cũng được lấy lại.

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã miêu tả châu Mỹ Latinh như là đại lục của niềm hy vọng. Đức Cha có đồng ý như thế không?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin lấy lại tư tưởng của Đức Hồng Y Alfonso Lopez Trujillo, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình. Đức Hồng Y nói định nghĩa của Đức Thánh Cha Biển Đức diễn tả một sự thực. Chúng ta hãy nhớ rằng phân nửa tổng số tín hữu công giáo toàn thế giới sống bên châu Mỹ Latinh. Trên bình diện này thì châu Mỹ Latinh qủa là lục địa của niềm hy vọng, của lòng tin công giáo đối với thế giới. Nhưng nó cũng là đại lục của niềm hy vọng vì sự dấn thận và tham dự của dân chúng. Châu Mỹ Latinh có thể cống hiến cho thế giới nhiều điều, cả trên bình diện lòng tin cũng như sự phong phú nhân lực và tinh thần, chứ không phải chỉ trên bình diện tài nguyên thiên nhiên mà thôi.

(Avvenire 19-12-2007)