Gần trưa ngày 30.10.2007 ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Toà Giám Mục Hà Nội, gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục, thị sát khu nhà đất Toà Khâm Sứ và chứng kiến cảnh giáo dân cầu vọng từ ngoài hè phố vào trong sân nơi có tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh Giá.

Người giáo dân Hà nội một cách nào đó cũng cảm thấy hồ hởi, vì đang khi bức xúc, đang khi xếp hàng ký tên vào kiến nghị để gửi lên chính quyền các cấp, thì vị đại diện chính quyền ở cấp cao nhất đã đến tận nơi thăm viếng và gặp gỡ.

Tuy nhiên để thẩm định lại chuyến thăm viếng của Ông Thủ Tướng Việt Nam tới Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ vào ngày hôm qua 30.12.2007 xem thực sự có những tác động nào và kết quả ra sao chúng ta cần nhìn lại một số những dự kiện để có một phán đoán đúng mức về tương lai. Trong khi chờ đợi mọi chuyện sáng tỏ hơn, chúng tôi thử phân tích hình thức, nội dung, hoàn cảnh và ý nghĩa của chuyến viếng thăm để xem phía Tòa Giám Mục và người giáo dân Hà nội được lợi gì và mất gì sau chuyến viếng thăm này đồng thời có một thái độ ứng xử thích hợp hơn.

Kết quả của cuộc gặp gỡ giữa ông Dũng và TGM Kiệt là gì?

Cho đến nay, báo chí của nhà nước cũng không có một dòng và Toà Giám Mục Hà Nội cũng không có thông cáo. Mà thực chất có lẽ cũng chẳng có gì quan trọng để phải ra thông báo. Như vậy cuộc gặp gỡ này chưa xác nhận được hậu quả ra sao. Biết đâu đây chỉ là thế cờ ngoại cảnh, bề ngoài là quan trọng, nhưng bên trong thì trống rỗng? Như đã xẩy ra, đó là cuộc gặp gỡ rất ngắn ngủi giữa hai bên đang có những vấn đề, nó đột xuất, lại xẩy ra trong một ngày nghỉ, thì nguyên nghi thức cũng đã hết giờ rồi, còn đâu mà bàn những điểm then chốt!

Ông Nguyễn Tấn Dũng tới thăm TGM Ngô Quang Kiệt và Tòa Khâm Sứ với tư thế nào?

Câu hỏi thứ hai là, nếu là như vậy thì ông Nguyễn Tấn Dũng với “tư cách nào” đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục, thăm Toà Khâm Sứ và chứng kiến linh mục, tu sĩ và giáo dân cầu nguyện tại đây?

Ông Dũng đang đóng rất nhiều vai trò trong chính phủ: Ông Thủ tướng chính phủ, ông cũng là thành viên của Bộ Chính trị, đại diện Nhà Nước. Vậy ông đã đến theo kế hoạch của Bộ Chính trị và Chính phủ Việt Nam hay trong tư cách cá nhân, hay là đến đề mà có mặt, còn ai muốn hiểu sao cũng được?

Người ta cũng có thể nghĩ rằng ông đến như là người đi thị sát thực tại địa lý, tình hình và bối cảnh hầu phối hợp giải quyết vấn đề cho chính xác hơn. Tuy nhiên cũng có thể đây chỉ là màn trình diễn có tính cách ngoạn mục hầu làm an lòng những người đang bị búc xúc và đưa ra được một hình ảnh cho thấy ông “quan tâm” nhưng thực chất vẫn là con số không to lớn.

Tác động về sự hiện diện của Ông Thủ tướng Dũng ra sao?

Phải công nhận một các khách quan rằng: về mặt nổi, cuộc viếng thăm của ông với TGM Hà Nội và tới quan sát Tòa Khâm Sứ mang lại ấn tượng rất tích cực. Truyền thông đưa tin rất rõ và chi tiết: (1) Gặp Đức Tổng Giám Mục tại phòng khách Toà Giám Mục. (2) Thăm khu vực Toà Giám Mục, Nhà Thờ Lớn và Toà Khâm Sứ. (3) Chứng kiến cảnh giáo dân cầu nguyện và nghe giải thích về vấn đề nhà đất Toà Khâm Sứ. Một cách nào đó những giáo dân đang tranh đấu đòi trả lại Tòa Khâm Sứ được phấn khởi và có thiện cảm với ông và đang kỳ vọng vào ông rất nhiều, và những người Việt ở hải ngoại khi thấy những bức hình ông tươi cười thân thiện cũng có một ý nhĩ tốt về ông. Báo giới ngoại quốc nghĩ rằng ông thực tâm muốn giải quyết vấn đề tận gốc rễ...

Tuy nhiên cho đến nay, kết quả cụ thể về cuộc thăm viếng của Ông Thủ Tướng đối với vấn đề Tòa Khâm Sứ có thể nói vẫn là con số không to tướng. Báo đài của Nhà Nước không hề đả động gì tới việc ông thăm viếng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, dù ông là Thủ Tướng, là vị cầm đầu chính phủ Việt Nam. Nếu tinh tế hơn, người ta tìm vào Trang Web chính thức của Tổng giáo phận Hà Nội cũng không thấy có bài về cuộc thăm viếng này, ngay dù là hình của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đi chung với Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt cũng không có. Xem vậy cho đến bây giờ có thể cho rằng cả hai phía đều không thấy có gì quan trọng đáng nói về cuộc thăm viếng này.

Để thực sự có một giải pháp cho vấn đề Tòa Khâm Sứ, thì tất nhiên phải có những cuộc bàn thảo và vấn đề phải được trình bầy đến nơi đến chốn, nếu như Ông Thủ Tướng thấy không thể chấp thuận việc trả lại Tòa Khâm Sứ cho Tổng giáo phận Hà Nội ngay lập tức, thì ít ra ông phải có thiện chí hoặc cho lập một ủy ban nghiên cứu, đối thoại tìm ra giải pháp, hoặc là sẽ hứa hẹn một lộ trình làm việc ra sao. Đàng này cả Ông và Đức Tổng Kiệt cũng im ru sau cuộc gặp gỡ.

Đối với quần chúng và giáo dân Hà nội, việc Ông Dũng tới thăm Đức TGM Kiệt đã đặt ra nhiều nghi vấn mà chưa có câu trả lời. Trong những cuộc bàn tán tại chỗ này chỗ kia, nhóm này nhóm nọ, đề tài cuộc thăm viếng của Ông Thủ Tướng luôn là cái gì sôi nổi nhất trong 2 ngày qua. Một nhân vật trí thức Hà thành nhận định rằng: Ông đến để biết sự thật nhằm sớm giải quyết dứt điểm vấn đề. Nhưng ngưòi khác phản phé lại nói rằng: Ông ta đến chỉ cốt ý thoa dịu cơn bức xúc của giáo dân mà thôi.

Một giáo sĩ Hà nội lại đặt vấn đề một cách khúc mắc tinh tế như sau: Hãy xét kỹ lại xem là việc ông Thủ Tướng đến thăm Tòa Tổng Giám Mục và Tòa Khâm Sứ là vì dân hay vì bản thân ông ta? Và vị này cho biết: “Tôi nghĩ là ông ta đến cốt ý để làm đẹp hình ảnh của chính ông ta mà thôi. Giữa lúc đang có những lộn xộn và xao động về vụ tranh chấp đang có cao trào đi lên tại khu vực Tòa Khâm Sứ, sự hiện diện của ông Thủ Tướng là một hình ảnh tuơi mát, như cơn mưa làm mát lại thiên nhiên... Anh em hãy ý tứ và đề phòng kẻo dẽ làm mất đi cái khí thế của mình”.

Một vị cựu công chức đưa ra một nhận định như sau: “Hiện có nhiều vụ biểu tình và tranh chấp liên quan đến đất đai đang diễn ra trên khắp đất nước, ông Thủ Tướng đến khu vực Toà Khâm Sứ biết đâu có thể là ông muốn đưa một bức thông điệp ngầm cho thấy ông tuyên chiến với nạn lấn chiếm đất đai của các cán bộ địa phương chăng? Đưa ra một chính sách diệt trừ tham những thì dễ, nhưng thay đổi guồng máy thối nát và thay thế được các cán bộ tham những thì là điều quá khó khăn và có khi không tưởng trong cái xã hội quan quyền mà có rất nhiều thành phần hối lộ và mục nát ngày nay!”


Một số những hậu quả cấp thời:

Đối ngoại: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạo được một hình ảnh khả quan về mình:

Dù ông Nguyễn Tấn Dũng đến với tư cách nào và mục đích nào và đi nữa thì ông cũng được lợi trong chuyến viếng thăm này. Mọi người sẽ có một hình ảnh đẹp hơn về ông, khi ông thị sát địa điểm tranh chấp, chứng kiến giáo dân cầu nguyện và ký tên trong sự giám sát của công an. Có người sợ rằng hành động viếng thăm của ông sẽ khiến ông bị áp lực giữa các phe phái trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam. Điều ấy có thể xảy ra, nhưng trong một hướng khác, ông vẫn được điểm và đuợc thêm điểm. Vì chuyến viếng thăm của ông góp phần “hạ hoả” nỗi bức xúc của dân oan và tô hồng dung nhan bộ máy lãnh đạo chính quyền Việt Nam, chứ không chỉ cho riêng ông. Xét cho cùng thì hành vi này góp phần làm yên cái ghế của chung qúi vị quan chức lãnh đạo chứ không cho riêng ông Dũng.

Dân chúng Quận Hoàn Kiếm có quyền hy vọng sẽ được sống an tâm hơn không:

Về phía các cơ quan chính quyền địa phương -- cụ thể là thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm -- có lẽ sẽ không còn tiếp tục những hành động ngang ngược trong việc khẳng định chủ quyền nhà đất ở đây như trước. Các sinh họat vui chơi giải tri, kinh doanh ở đây có lẽ sẽ không còn tiếp tục mở rộng và phô trương ồn ào. Vì ngay cả trong trường hợp chuyến viếng thăm của ông Dũng chỉ có tính mị dân, thì chính quyền sở tại cũng phải lo giữ nguyên trạng cho đẹp mặt ông Thủ Tướng. Hơn nữa, có thể chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm sẽ lúng túng trong cuộc viếng thăm này của Thủ tướng. Vì ai làm trong bộ máy hành chính tham nhũng hiện tại và hiểu cơ chế làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm của bộ máy này thì biết chắc chắn liên quan đến vụ nhà đất Toà Khâm Sứ, các cán bộ ở đây chưa báo cáo lên Thủ tướng và cũng không ngờ rằng Thủ Tướng đến tận nơi để thăm viếng.

Giáo dân Hà Nội được an ủi nhưng đề phòng ngón đòn cốt ý làm ru ngủ:

Trong gần 2 tuần vừa qua, liên tiếp có những cuộc cầu nguyện biểu lộ khí thế của tập thể người Công giáo Hà nội, bao gồm giáo dân, tu sĩ và linh mục, và ngay cả những người không Công giaó nữa. Điều đó đã đánh dấu một khúc quặt quan trọng rằng: các thành phần dân Chúa cũng vì thế mà cảm thấy mạnh dạn hơn, xác tín hơn trong sứ mạng đòi công lý cho Giáo hội mình bằng sự hiện diện và bằng lời cầu nguyện.

Với sự kiện được báo giới quan tâm về mục tiêu của cuộc tranh đấu cho chính nghĩa và công lý, cũng như sự hiện diện của ông Thủ Tướng vào ngày 30.12, một số đông người đang cảm thấy được hài lòng vì nguyện vọng và hành động của mình được chính quyền lắng nghe và có vẻ quan tâm giải quyết.

Kỳ vọng về việc Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi lại được tòa Khâm Sứ:

Có lẽ việc đòi lại được Tòa Khâm sứ cho Giáo Hội không phải là việc đễ dàng ngay đâu và chắc chắn sẽ không sớm mà có ngay được! Ngay cả trong trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng, vì lý do nào đó, thực sự có thiện chí trong việc giải quyết, thì ông cũng phải đối diện với thực tế mà các đồng chí tham ăn của ông đưa ra là: Sợ rằng nếu trả nhà đất cho Toà Giám Mục Hà Nội, thì phải trả đất cho các giáo xứ khác trong thành phố Hà Nội.

Nhiều người nhận định rằng, nếu bây giờ ông Dũng trả đất ngay cho Giáo phận Hà Nội thì rồi đây là cớ cho các nơi khác cũng phải trả tài sản và đất đai lại cho các Giáo phận trong cả nước, và ngay cả cho các tôn giáo khác nữa. Đây là điều cực khó cho lối ứng xử còn mang nặng mặc cảm với tôn giáo trong một chế độ có bề dày chiếm đoạt tài sản bất công dưới các chiêu bài khác nhau.

Hơn nữa, người ít nhiều có kinh nghiệm về sự tranh chấp quyền lực địa vị cũng như sự kiềm chế lẫn nhau giữa các phe phái và cá nhân trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay, cũng còn biết rằng: Các nhân vật lãnh đạo cao cấp, dù khác biệt nhau và tranh chấp gay gắt với nhau đến mấy đi nữa, thì cũng rất đồng thuận với nhau trong việc bảo vệ chức vụ, quyền lợi cục bộ của mình và tập đoàn mình.

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn thường nhìn thái độ của chính quyền Cộng sản Việt Nam cư xử với tập thể tôn giáo ra sao, nhất là với các Cộng đồng tôn giáo mạnh như Công giáo và Phật giáo tại Việt Nam để đánh giá về mức độ về tự do tôn giáo ở Việt nam. Họ cũng nhân đó đánh giá về mức độ cải tổ, đổi mới và mức độ bảo đảm và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Trong viễn tượng đó, ông đến để thực thi công lý hay để mang lại cho Việt Nam một hình ảnh tốt đẹp với thế giới bên ngoài thì vẫn còn là một nghi vấn có tính cách chính trị.

Mỗi người có quyền tin hay không tin vào hiệu quả tích cực của chuyến viếng thăm ông Thủ Tướng thực hiện ở 40 Nhà Chung hôm qua. Tuy nhiên có một vị linh mục Hà Nội đã từng có kinh nghiệm sống dưới chế độ Cộng sản lâu năm đã phát biểu như sau: “Ai tin thì cứ việc tin. Phần tôi, tôi tôi không tin. Có chăng tôi tin rằng vẫn đề nhà đất của Giáo phận Hà Nội sẽ còn phức tạp và còn cần phải trường kỳ cầu nguyện và hành động. Do đó lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh thức và cầu nguyện kẻo ngủ gật và sa chước cám dỗ”.