LỊCH SỬ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

HÔN NHÂN THEO VATICAN II


Việc thay đổi thái độ trên đã được phản ảnh trong văn kiện của công đồng Vatican II. Công đồng đã dành hẳn một chương trong hiến chế mục vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay để bàn về các vấn đề hôn nhân và gia đình, và mặc dù không đảo ngược giáo huấn truyền thống của Công Giáo về hôn nhân, văn kiện này cũng không chấp nhận quan điểm nhân vị về tính dục. Cách riêng, công đồng tránh không nói đến hôn nhân như một khế ước hay mối ràng buộc luật lệ, nhưng thay vào đó đã nhắc đến nó bằng những ngôn từ xã hội học, bản thân và thánh kinh. Văn kiện nói đến hôn nhân như một định chế xã hội và thần linh, một thỏa thuận giữa hai con người, một hùn hạp tay đôi (partnership) đầy tình thân mật, một kết hiệp trong yêu thương, một cộng đoàn, và một giao ước.

Như thế, một đàng, công đồng tái khẳng định rằng “tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu phu phụ đã được xếp đặt để sinh sản và giáo dục con cái” (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay 48). Đàng khác, văn kiện trên cũng xác nhận rằng tình yêu giữa hai vợ chồng có tính “nhân bản một cách trổi vượt” và “liên hệ đến cái tốt của toàn bộ nhân vị ta”. Cái tình yêu toàn bộ ấy “được biểu lộ và hoàn thiện hóa cách độc đáo qua hành vi phu phụ,” vì liên hệ tính dục “biểu trưng và thăng tiến việc hiến thân cho nhau kia qua đó hai vợ chồng làm giầu cho nhau với một ý chí hân hoan và biết ơn” (49). Chính vì hôn nhân là một ơn gọi cao qúi và thánh thiêng như thế mà “vợ chồng Kitô hữu có được một bí tích đặc thù nhờ đó họ được tăng cường sức mạnh và tiếp nhận được sự thánh hiến nào đó trong các nhiệm vụ và phẩm giá của bậc sống của họ”. Qua bí tích này, “họ được thấm nhiễm thần khí đức Kitô”, một thần khí sẽ “tràn ngập trọn cuộc sống họ bằng đức tin, đức cậy và đức mến” (48). Bản chất bí tích của hôn nhân, sự hiệp nhất trong yêu đương, và phúc lợi của con cái tất cả đều hàm nghĩa hôn nhân là điều không thể hủy tiêu được. “Như thế, người đàn ông và người đàn bà, nhờ giao ước hôn nhân trong tình yêu phu phụ, ‘không còn là hai nhưng là một thân xác’, sẽ đem lại sự giúp đỡ lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau qua một kết hiệp thân mật hai con người và các hành động của họ. Qua sự kết hiệp này, họ cảm nghiệm được cái ý nghĩa của việc nên một của mình và đạt tới nó bằng sự trọn lành mỗi ngày một lớn mạnh hơn. Như một tặng phẩm của nhau giữa hai con người, sự kết hiệp thân mật này, cũng như phúc lợi của con cái, buộc hai vợ chồng phải tuyệt đối chung thủy với nhau và sự nên một giữa họ phải vĩnh viễn mãi mãi” (48).

Trong những văn kiện khác, công đồng cũng nhắc đến sự loại suy (analogy) truyền thống lấy từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Như thế, “Qua bí tích hôn phối, vợ chồng Kitô hữu, biểu trưng cho và tham dự vào mầu nhiệm và sự sống phong phú đang hiện hữu giữa Đức Kitô và Giáo Hội” (11). Và trong Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, công đồng nói đến tính bí tích của hôn nhân theo một nghĩa rộng hơn rằng vợ chồng Kitô hữu, đối với nhau, với con cái và với trần gian, phải là dấu chỉ của mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội qua chứng tá tình yêu lẫn nhau và sự quan tâm đối với những người khốn khó.

Cũng như đối với các bí tích chính thức khác, nghi lễ hôn nhân Công Giáo đã được sửa đổi để thích ứng hơn đối với những hoàn cảnh và những ý thích cá nhân khác nhau. Từ năm 1969, các cặp vợ chồng có thể tùy ý chọn lựa những đoạn Thánh Kinh khác nhau làm bài đọc nếu hôn lễ được cử hành trong một thánh lễ, và họ được phép sử dụng nhiều công thức khác nhau để tỏ bày sự ưng thuận cho nhau trong hôn lễ. Ở một số nơi, họ còn được phép thêm vào những bài thơ và những bài đọc khác không phải là Thánh Kinh mà họ cho là có ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Họ còn được cả phép tự soạn lấy lời thề nguyền kết hôn miễn là chúng nói lên được ý nghĩa Kitô giáo căn bản của hôn nhân. Các giám mục tại các xứ truyền giáo được khuyến khích đưa các tập tục địa phương, bao nhiêu có thể, vào nghi lễ hôn phối, cũng như soạn ra các nghi thức mới có thể nói lên ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo bằng các biểu tượng và cử chỉ lấy từ chính các nền văn hóa riêng của họ. Và các qui định của Giáo Hội cũng đã được sửa đổi để những người không phải là Công Giáo trong các cuộc kết hôn liên phái có thể mời các mục sư cũng như các linh mục chủ tọa lễ nghi hôn phối của mình trong nhà thờ Công Giáo, một tập tục từng bị cấm trước đây.

Từ thời của công đồng giữa thập niên 1960, thần học và các qui định của Giáo Hội về hôn nhân Công Giáo đều có khuynh hướng trở nên cởi mở hơn nữa, bằng cách nhích xa lối hiểu hôn nhân vốn có tính pháp chế một cách đồng điệu, để nhích gần lại một lý thuyết và một lối thực hành qui vào con người nhiều hơn. Trong thần học, người ta thấy có sự nhích ra xa khỏi khuynh hướng của thế kỷ mười chín muốn đồng hóa bí tích với dây hôn phối hay hôn ước đề hướng tới khuynh hướng nặng phụng vụ và thánh kinh hơn trong việc đồng hóa bí tích với chính cuộc hôn nhân. Theo Edward Schillebeeckx, nghi lễ hôn phối phải là dịp để người ta tự bản thân gặp được cái thực tại thấy được của tình yêu Thiên chúa trong và qua tình yêu con người mà hai người phối ngẫu vốn có cho nhau, và để xác nhận ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo như là sự kết hiệp trong giao ước và hợp tác. Nhưng hơn thế nữa, hôn nhân còn phải tiếp tục hiện diện như là dấu chỉ bí tích của hành động cứu vớt của Chúa trong đời sống con người và của lòng thủy chung cũng như tận tụy giữa đức Kitô và Giáo Hội. Karl Rahner còn khai triển ý niệm ấy xa hơn bằng cách coi hôn nhân Kitô giáo như là dấu chỉ duy nhất của việc nhập thể, tức của mầu nhiệm này là thực tại siêu việt của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm trong con người và cuộc đời của Đức Kitô, y như người đàn ông và người đàn bà đã nhập thể sự biến đổi thực tại ơn thánh Chúa trong tình yêu toàn diện họ dành cho nhau. Cho nên, hôn nhân là cách thế trong đó, Giáo Hội, trong tư cách là sự hiện diện tiếp tục của Chúa Kitô giữa trần gian, đã trở nên hiện hữu; nó là sự hiện thực hóa bản chất Giáo Hội trong và qua tình yêu nhập thể hàng ngày mà hai vợ chồng vốn dành cho nhau. Đối với Bernard Cooke cũng thế, tình yêu trong gia đình là bí tích của tình yêu Thiên Chúa theo cùng cách thế như Chúa Giêsu là bí tích của Thiên Chúa đối với những ai biết Ngài, và theo cùng cách thế các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là bí tích của Đức Kitô đối với thế giới cổ thời. Một đàng, tình yêu dục tính là biểu hiệu tự nhiên về năng lực ban sự sống của tình yêu Thiên Chúa theo nghĩa nó chứa đầy sinh lực và dẫn đến việc tạo ra sự sống mới. Đàng khác, lòng chung thủy và chăm sóc mà hai người dành cho nhau là biểu tượng cho ý nghĩa siêu việt mà tình yêu của Chúa vốn có cho mọi người, và tùy theo mức độ ý nghĩa ấy tỏa chiếu ra từ cuộc sống sẻ chia của vợ chồng mà cuộc hôn nhân của họ là bí tích đối với người khác để biến cải năng lực ơn thánh.

Các nhà thần học và ngay cả giáo luật học khác lại đi chất vấn những hệ luận thực tiễn của quan điểm mới về bí tích hôn nhân. Thí dụ như có còn cần phải nói rằng bí tích đồng nhất với hôn ước như đức Piô IX nói hay không, và liệu mọi hậu quả bí tích của hôn nhân có phải là do việc tỏ lời ưng thuận nhau trong nghi lễ hôn phối hay không? Và có cần phải chủ trương rằng dây hôn phối là một thực tại hữu thể như Thánh Augustine và các nhà thần học Trung Cổ vốn tin, dây hôn phối này không thể bẻ gẫy được ngoại trừ khi một trong hai người phối ngẫu qua đời hay không? Nếu không cần, thì tính bất khả tiêu của hôn nhân Kitô giáo có phải là một ý niệm luân lý hơn là một thiên luật, như các học giả vốn cho đó là ý niệm thời Chúa Giêsu và trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo hay không? Một số đã đề nghị nên trở về với truyền thống giáo phụ, một truyền thống vẫn còn được bảo tồn trong các Giáo Hội Chính Thống vốn coi tính bền vững của hôn nhân như một qui phạm nhưng qui phạm ấy vẫn cho phép những ngoại lệ trong một số trường hợp. Số khác lại cấp tiến hơn đã đề nghị rằng hôn nhân là bí tích khi nó mặc lấy và nói lên thứ tình yêu vốn có giữa đức Kitô và Giáo Hội, và một hôn nhân như thế tất yếu phải vĩnh viễn vì tình yêu trong nó là một tình yêu chung thủy, sẵn sàng tha thứ, và tự hy sinh. Nhưng nếu hôn nhân không còn mặc lấy và nói lên thứ tình yêu ấy, thì thực ra nó không hề còn là bí tích nữa, và do đó cần phải chấm dứt nó bằng ly dị.

LY DỊ GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO

Tuy nhiên, một số vợ chồng Công Giáo chẳng cần chờ những ý kiến thần học trên để được Giáo Hội cho phép chính thức, mà thực tế tỷ lệ ly dị giữa những người Công Giáo Mỹ chẳng hạn hiện nay cũng gần cao như tỷ lệ giữa những người Mỹ khác. Dù thế, theo giáo luật hiện hành, họ vẫn không được tự do tái kết hôn và như thế nếu họ tự ý tái kết hôn, họ lập tức bị loại trừ không được lãnh các bí tích cũng như bị từ chối sự hoà giải cho đến khi họ từ bỏ tội ngoại tình của mình. Đối với nhiều người trong số này, vấn đề chấm dứt ở đấy, và họ hết là người Công Giáo. Nhưng những ai vẫn muốn được tái nhận vào làm thành viên đầy đủ của Giáo Hội thì lại ráng gia tăng con số để cuộc hôn nhân đầu của họ được chính thức vô hiệu hóa (annulled).

Từ thời công đồng Trent, căn bản để vô hiệu hóa đã được xác định rõ ràng và được giải thích khá chặt chẽ. Các kết ước hôn phối chỉ được tuyên bố là vô hiệu nếu một trong hai vợ chồng không hoàn toàn ưng thuận để kết hôn (thí dụ nếu bị ép buộc), hoặc nếu không có khả năng chu toàn các trách nhiệm phu phụ (thí dụ nếu bất lực), hay nếu không có phép chuẩn đối với một trong các trở ngại để một hôn nhân thành sự (thí dụ nếu có họ hàng gần). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tòa án Giáo Hội đã và đang giải thích các căn bản để vô hiệu hóa một cách rộng rãi hơn, như nếu một người không có khả năng về phương diện tâm lý để thực hiện một lời ưng thuận trọn vẹn và chín chắn hoặc về phương diện xúc cảm không có khả năng thực hiện một cam kết suốt đời với người khác, thì một hôn nhân thành sự có thể đã không có ngay từ buổi đầu. Nhưng những căn bản rộng rãi ấy rất mơ hồ, và thực tế hiện nay đôi khi được dùng để vô hiệu hóa các cuộc hôn nhân từng bị đổ vỡ vì những lý do hệt như các lý do mà các tòa án đời vốn công nhận để chuẩn cấp ly dị.

Như thế, hiện nay, cách duy nhất người Công Giáo có thể tái kết hôn mà vẫn còn ở trong Giáo Hội là xin vô hiệu hóa cuộc hôn nhân đầu của họ. Đấy là một diễn trình dài và liên lụy nhiều, và mặc dù thiện chí của các luật gia giáo luật vốn sẵn sàng khảo sát từng trường hợp để tìm ra những căn bản khả hữu, phần lớn các người Công Giáo đã ly dị theo luật đời hoặc là không biết đến sự kiện mình có thể có được án vô hiệu hóa hoặc là không muốn kinh qua cái đau đớn thống khổ của một vụ xử khác nữa, dù lần này là do một tòa án Giáo Hội. Bên trên vấn đề ấy, chính các luật gia giáo luật cũng ghi nhận rằng nếu nhiều người Công Giáo hơn muốn xin vô hiệu hóa hôn nhân, thì chắc tòa hôn phối không đủ khả năng đương đầu với số lượng công việc được.

Một vài vị còn đặt nghi vấn về phương thức theo đó các cuộc hôn nhân hiện nay được vô hiệu hóa qua điều có thể được coi như là lỗ hổng hợp pháp của giáo luật, và tự hỏi không biết hàng giáo phẩm Công Giáo có nên nhìn nhận rằng các cuộc vô hiệu hóa của Giáo Hội thường được sử dụng để hợp thức hóa các cuộc ly dị phần đời hay không. Một thiểu số khác lại lại chất vấn giá trị và sự thích đáng của toàn bộ hệ thống pháp lý của Giáo Hội đang nghiên cứu và phân xử các vụ án hôn phối, và đề nghị rằng ta nên bãi bỏ cái hệ thống ấy đi. Họ đồng ý để việc kết hôn cũng như ly dị trở về với quyền kiểm soát của dân chính, như thời Giáo Hội sơ khai, còn các linh mục thì chỉ nên quan tâm đến các khía cạnh mục vụ và tôn giáo của hôn nhân Kitô giáo mà thôi.

Dường như đấy không hẳn là lối thoát dễ dàng đưa người ta ra khỏi thế lưỡng nan. Vì trong suốt tám trăm năm qua hay gần như thế, Giáo Hội Công Giáo đã mạnh mẽ chủ trương rằng một cuộc hôn nhân khi đã thành sự thì không thể tiêu hủy được không những vì luật Giáo Hội mà còn vì luật Chúa nữa. Nó đã trở thành một phần của học thuyết Công Giáo, và nếu thay đổi nó là đụng đến vấn đề vô ngộ của Giáo Hội. Cũng trong thời gian ấy, hệ thống pháp lý của Giáo Hội đã phát triển thành một cơ cấu phức tạp gồm các luật lệ và các tòa án với mục đích bảo toàn tính cách tinh tuyền của hôn nhân. Nó đã trở thành một phần của Giáo Hội định chế, và như thế nếu thay đổi là đụng tới một cuộc tái lượng giá còn căn để hơn cả cuộc tái lượng giá đã xẩy ra tại Vatican II. Đàng khác, sự biện minh có tính lịch sử đối với hệ thống học thuyết và pháp lý hiện hành đã được những nghiên cứu về thánh kinh và giáo phụ đặt thành nghi vấn. Sự biện minh về thần học đối với tính cách bền vững hữu thể (metaphysical permanence) của dây hôn phối đã không còn nữa khi người ta rời bỏ triết lý kinh viện để tiến vào triết lý nhân vị, và người ta đã đặt nghi vấn về nó là do quan niệm rằng bí tích hôn phối không phải là một khế ước có tính trói buộc theo luật mà là một liên hệ sống động giữa hai con người lấy nhau. Còn việc biện minh về phương diện thực tiễn đối với việc không thể ly dị được đã bị đặt thành nghi vấn do sự kiện này là việc ngăn cấm đã chẳng ngăn đe được người Công Giáo khỏi tìm cách ly dị mà chỉ ngăn cản họ khỏi còn là người Công Giáo.

Tuy vậy, nếu thế tiến thoái lưỡng nan kia không giải quyết được, thì người ta đã tiến hành nhiều bước để tránh né nó. Giáo Hội Công Giáo đã và đang làm nhiều hơn trong quá khứ để chuẩn bị hôn nhân cho các thành viên của mình. Ở Mỹ chẳng hạn, các trường trung học và cao đẳng đã mở những giảng khóa không những về thần học hôn nhân mà còn về những đòi hỏi và những hậu quả thực tế của việc kết hôn. Các địa phận Công Giáo tổ chức các “Buổi Hội Thảo Tiền Cana” cho các cặp đính hôn, trong khi các cha xứ cố vấn cho họ về các bổn phận và trách nhiệm của hôn nhân cũng như giúp họ chuẩn bị nghi lễ hôn phối. Phong Trào Gia Đình Kitô Hữu, Gặp Gỡ Hôn Nhân, và những tổ chức tương tự mang lại những trợ giúp nhóm để duy trì cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tuy thế, những chương trình chính thức và không chính thức này chỉ tới được một số nhỏ những người Công Giáo sắp kết hôn hoặc đã kết hôn rồi. Dường như còn cần phải làm nhiều hơn nữa mới mong tránh được cái thế tiến thoái lưỡng nan trên.

KẾT LUẬN

Vậy còn vấn đề hôn nhân như “ ngưỡng cửa đi vào thánh thiêng” thì sao? Có đúng vào lúc này không? Có đã đúng bao giờ chưa? Đang đúng, và đã từng đúng, bất chấp sự kiện này là phần lớn lịch sử hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo đã chỉ là một lịch sử pháp lý, và bất chấp sự kiện này là thần học bí tích về hôn nhân, trong một thời gian dài, đã được công thức hóa bằng ngôn từ luật pháp. Hôn nhân xưa nay được coi là bí tích theo nghĩa rộng bằng hai cách khác nhau. Một trong hai cách ấy bắt đầu từ thời giáo phụ, cách thứ hai từ thời Trung Cổ.

Trong các thế kỷ đầu, đoạn văn về hôn nhân trong thư gửi tín hữu Êphêsô của thánh Phaolô không được dùng để tiêu biểu cho sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, nhưng đúng hơn sự hy sinh của Chúa Kitô cho Giáo Hội và sự vâng lời của Giáo Hội đối với Chúa Kitô đã được sử dụng để tiêu biểu cho việc người chồng và người vợ phải cư xử với nhau ra sao. Như thế, hôn nhân được coi là thánh thiêng nhưng không phải là bí tích vì điểm khởi hành của loại suy là mối liên hệ thần linh, sau đó được dùng để minh hoạ mối liên hệ nhân bản. Tuy nhiên, thánh Augustine đã dùng loại suy ấy theo hai lối: ngài coi liên hệ nhân bản như dấu chỉ liên hệ thần linh, và liên hệ thần linh như dấu chỉ liên hệ nhân bản. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh hơn đến lối sau, và như thế ngài dùng sự kết hiệp trường cửu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội để biện luận cho sự kết hiệp bền bỉ giữa người chồng và người vợ. Trong thời Trung Cổ, lối loại suy của thánh Phaolô tiếp tục được hiểu chủ yếu theo lối này, nhưng một khi hôn nhân đã được hiểu như một bí tích theo nghĩa Công Giáo chặt chẽ, các nhà thần học bắt đầu cũng coi nó như một bí tích theo nghĩa rộng hơn tức dấu chỉ sự kết hiệp thiêng liêng đã được nhập thể giữa đức Kitô và Giáo Hội. Lối nhìn hôn nhân này vẫn còn đang tiếp diễn trong Giáo Hội hiện nay, và trong những thời gian gần đây nó còn được nhấn mạnh bởi những nhà thần học Công Giáo muốn khẳng định tính bí tích của hôn nhân trong khi tránh tính cách pháp chế của nền thần học bí tích trước đây. Ngày nay lối loại suy trên đang được dùng trong sách vở cũng như các bài giảng để dẫn đưa người Công Giáo đến chỗ hiểu biết sâu sắc hơn về việc liên hệ của họ với đức Kitô và với nhau hiện ra sao và phải như thế nào.

Lối thứ hai trong đó hôn nhân đã được coi là bí tích và tiếp tục là một bí tích theo nghĩa rộng hiện tìm thấy trong các nghi lễ cử hành bí tích hôn phối. Nghi lễ này khởi đầu từ thời Trung Cổ, diễn biến qua một loạt các hình thức, trở thành ổn định trong thời cải cách của công đồng Trent, và hiện nay đang tiếp tục diễn biến nữa. Tuy nhiên, các nghi lễ hôn phối luôn luôn có tính bí tích, ít nhất theo nghĩa rộng như một cử hành các giá trị thánh thiêng của hôn nhân, bất luận giá trị đó là gì trong một nền văn hóa nhất định, cũng như theo nghĩa những nghi thức dẫn nhập vào một lối sống mới được tôn trọng và có ý nghĩa, được phong tục xã hội và truyền thống tôn giáo nâng đỡ. Theo những phương cách ấy, các nghi thức hôn phối Kitô giáo luôn luôn có tính bí tích, vì chúng đã cử hành các giá trị thánh thiêng của hôn nhân trong nền văn hóa Kitô giáo, và chúng đã dẫn nhập những người đàn ông và những người đàn bà vào một lối sống vốn rập khuôn theo mối liên hệ giữa đức Kitô và Giáo Hội. Thời Trung Cổ và thời cận đại, lối sống ấy thường được hiểu là uy quyền và chung thủy về phía người chồng và vâng phục cũng như tận tụy về phía người vợ, vì đức Kitô được coi như Chúa và chủ, còn Giáo Hội được coi như đầy tớ và nàng hầu. Thời hiện đại, lối sống ấy thường được hiểu như một lối sống luôn luôn cho mình đi về phía cả chồng lẫn vợ nhiều hơn, vì đức Kitô và Giáo Hội đều được coi là hiện thân của tình yêu siêu việt. Nhưng dù giá trị và ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo được hiểu thế nào chăng nữa, nghi lễ hôn phối luôn là dịp quan trọng và có ý nghĩa. Các ngôn từ và cử điệu của nó, ngay cả tác phong và lối diễn tả của các người tham dự, cũng biểu tượng cho cô dâu chú rể và mọi người hiện diện cái ý nghĩa và tầm quan trọng của điều đang diễn ra và của điều sắp sửa xẩy đến cho cặp vợ chồng này. Họ đang được biến đổi và sắp sửa được biến đổi hơn nữa. Và hôn lễ là ngưỡng cửa qua đó họ bước vào sự biến đổi thánh thiêng kia./.

(Viết theo Joseph Martos, Doors to the Sacred do Nhà Doubleday xuất bản năm 1981)