Seoul: Lần đầu tiên sau hơn 200 năm, Giáo Hội Công Giáo Ðại Hàn đã vui mừng có được trọn bộ bản dịch Kinh Thánh Công Giáo bằng chính ngôn ngữ của mình do các chuyên viên Kinh Thánh Công Giáo.

Bản dịch mới được bắt đầu từ năm 1989 và được hòan tất vào cuối năm vừa qua 2002. Bản dịch mới này sẽ thay thế bản dịch hiện hành của Công Giáo-Tin Lành. Nhưng sự thay thế sẽ có hiệu lực có thể vào năm 2005, sau khi các Giám Mục Ðại Hàn xem xét kỹ lưỡng.

Từ năm 1977, Giáo Hội Công Giáo Ðại Hàn đã dùng bản Kinh Thánh với sự hợp tác của Giáo Hội Tin Lành trong nước. Tuy nhiên Cha Jung Tae-hyn Dòng Callitus là một trong những dịch giả, đã nói rằng bản dịch chung của Công Giáo và Tin Lành đã không nghiêm chỉnh "theo sát với bản gốc bằng tiếng Hy Lạp, và chịu ảnh hưởng quá nhiều đến thị hiếu ngôn từ của Ðại Hàn".

Cha Jung đã nói với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu vào ngày 13/1 rằng phần lớn Giáo Hội Tin Lành đã không dùng đến bản dịch Kinh Thánh đó, do Hội Kinh Thánh Ðại Hàn xuất bản. Tuy nhiên bản văn vẫn còn được dùng trong các Giáo Hội Anh Giáo và Công Giáo.

Linh Mục Giuse Im Seung-phill, người đã cầm đầu trong nhóm cho bản dịch mới đã nói: "mục đích công việc là đưa ra một bản văn Kinh Thánh trung thành với bản gốc và thích hợp âm điệu ngôn từ cho người Công Giáo Ðại Hàn".

Cha Im, thư ký của Ủy Ban Kinh Thánh của Hội Ðồng Giám Mục, đã cho biết bản Cựu Ước được chuyển dịch từ văn bản Do Thái và phần Tân Ước lấy từ bản Hy Lạp.

Kể lại những bước tiến trong công việc phiên dịch, Cha đã cắt nghĩa các dịch giả đã dịch riêng các phần được giao phó và sau đó ngồi lại với nhau xem xét lại các phần dịch của họ qua nhiều cuộc hội thảo. Sau đó, các nhà văn chuyên môn gọt dũa lại các bản dịch để trở thành "bản văn trong sách và đọc được cho người Ðại Hàn". Toàn bộ bản dịch đã hoàn tất vào cuối tháng 12 mà cuốn cuối cùng là Sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Cha Im cũng tiết lộ thêm rằng, sau khi được tu chính kỹ lưỡng, toàn bộ 28 sách Kinh Thánh được in thành một cuốn và sẽ phát hành vào năm 2005. "Khi ấn bản hòan tất được đem in và được sự chấp thuận của các Giám Mục. Nó sẽ thay thế bản dịch chung đang hiện hành".

Bản dịch phần Cựu Ước được bắt đầu vào năm 1989 và được hoàn tất cuốn cuối cùng Sách Maccabê vào cuối năm 1999.

Cha Im cũng thừa nhận rằng "tìm những ngôn từ diễn đạt đúng đắn sự tôn kính là một điều muôn vàn khó khăn" cho các dịch giả, bởi vì không dễ đưa ra cho phù hợp những từ dùng trong Cựu và Tân Ước.

Cha Im, người đã đậu bằng tiến sĩ tại Học Viện Kinh Thánh ở Roma, nhìn nhận qua việc ấn hành bản dịch mới "chúng tôi chỉ trèo lên một ngọn núi" bởi vì "chúng tôi phải tiếp tục suy tư đến những phản ứng và phê bình về bản dịch này". Ngài cũng nhắc đến Giáo Hội Công Giáo khởi sự dịch bản văn theo ngôn ngữ Ðại Hàn tương đối trễ, vì người Công Giáo không thường dùng Kinh Thánh không như người Tin Lành.

Cha Jung cũng đồng ý quan điểm Giáo Hội Công Giáo đã muộn màng đi sau trong việc dịch Kinh Thánh. Cha nói Giáo Hội Công Giáo Ðại Hàn một mình "không thể đưa ra toàn bộ bản dịch Kinh Thánh" mặc dầu sự hiện diện Công Giáo trên quần đảo Ðại Hàn đã có từ năm 1784.

Theo bản Kinh Thánh đang xử dụng được dịch chung từ Công Giáo và Tin Lành, Cha Jung ghi nhận thêm các Linh Mục Công Giáo đã dịch "riêng theo cá nhân" cho bản dịch đó, "tác quyền bản văn chung thuộc về Hội Kinh Thánh Ðại Hàn".

Vào thời điểm đó, Cha Jung nói: "chúng tôi không có một cơ cấu chính thức như Ủy Ban Kinh Thánh hiện tại. Giáo Hội Công Giáo lúc ấy không nhận thức ra tác quyền bản dịch Kinh Thánh là quan trọng".

Ðức Giám Mục Gioan Chrysostom Kwon Hyok-ju tại An Ðông, Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Thánh, đã nói với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu vào ngày 14/1: "Thật là điều rất quan trọng để có bản dịch Kinh Thánh hoàn toàn do các chuyên viên Kinh Thánh Công Giáo".

Ði ngược lại dòng lịch sử, vào năm 1790, một giáo dân Công Giáo đã cố cống dịch một số phần theo bản văn Trung Hoa ra tiếng Ðại Hàn. Vào năm 1910 Cha Phaolô Han Gi-geun đã dịch từ bản văn La Tin ra tiếng Ðại Hàn và năm 1963, Cha Laurensô Sun Jong-wan đã dịch một số bản văn Cựu Ước ra tiếng Ðại Hàn theo bản văn Do Thái.