Cây cầu thông thương



Hồi đầu mùa Hè năm nay 2007, một cây cầu bên Hoa Kỳ chảy ngang qua dòng sông Mississipi bị gẫy vào lúc có nhiều xe cộ chạy ngang qua.

Cây cầu sụp gẫy đổ làm ngưng trệ giao thông gây thiệt hai về nhân mạng cùng tài sản!

Hôm 26.09.2007 tin từ Việtnam: Nhịp cầu Cần Thơ đang thi công bắc ngang qua sông Hậu giang, bị sụp gẫy.

Sự cố gây thiệt hại bị thương và làm chết nhiều người. Nhịp cầu gẫy đổ làm công trình xây cất cầu bị gían đoạn.

Những tin trên gây sửng sốt, làm đau lòng cùng gây suy nghĩ cho mọi người.

Cây cầu mang ý nghĩa gì cho đời sống cùng cho đời sống đức tin?

1.Nhịp cầu đời sống xã hội

Cây cầu nào cũng nối liền hai bên bờ vực bị ngăn cách, như cây cầu bắc ngang qua dòng sông tỉnh LongXuyên nối liền hai bên bờ thành phố lại với nhau; cầu Mỹ Thuận bắc ngang qua sông Tiền Giang nối liền giao thông các tỉnh miền Đông với các tỉnh miền Tây Việtnam…

Khi một cây cầu được xây bắc ngang qua dòng sông, qua thung lũng hay eo biển, khoảng ngăn cách hai bên bờ được thu nhỏ lại.

Và nó xóa bỏ biên giới, rào cản hai bên ngăn cách chia rẽ. Nó tạo điều kiện giao thông đi lại được thuận tiện, an toàn cùng nhanh chóng hơn.

Khi giao thông được khai mở ra qua cây cầu, nền văn hóa cùng nền kinh tế phát triển được chuyên chở từ bờ bên này sang tới bờ bên kia và ngược lại.

Nhịp cầu cũng là hình ảnh cho sự thông thương giao hảo làm bớt căng thẳng cùng những khác biệt chia rẽ giữa con người với nhau.

Nhịp cầu nối liền không chỉ bờ đất đá hai bên, mà còn cả con người lại với nhau nữa. Nó không cất đi hay bài trừ lấp dòng sông nước đang chảy, cùng xóa bỏ sự khác biệt giữa con người với con người. Nhưng nhịp cầu tôn trọng thiên nhiên, cùng con người.

Trong nghệ thuật, cây cầu là hình ảnh như một cây cung giữ cho hai bên mối dây căng thẳng ra, không bị đứt gãy, hay nằm chùng dãn vô dụng, hay bị loại bỏ đi.

Trong đời sống con người, cây cầu là hình ảnh của thăng bằng giữa hai bên bờ cực. Nếu một bên bờ cột trụ cầu bị yếu đi hay lún xuống, cây cầu đời sống sẽ sụp đổ gẫy.

Cây cầu làm bằng xi măng cốt sắt, bằng gạch gỗ, hay cây cầu đời sống con người cũng thế. Nó sống đứng vững được nhờ có thăng bằng bám trên những cột trụ nâng đỡ, không để cho những căng thẳng bị lệch nghiêng về một bên phía nào gây sụp đổ gẫy.

2. Nhịp cầu đời sống tinh thần

Khi một cây cầu giữ được thăng bằng đứng vững chắc, nó tạo cơ hội đường đi biến chiến tranh thành hòa bình, biến sự buồn sầu đau khổ thành niềm hy vọng, biến đổi đời sống từ nghèo đói thiếu thốn thành no đủ sung túc, nối liền hai thế hệ gìa trẻ, người bệnh tật và người mạnh khỏe, người đau khổ và người được may mắn lại với nhau.

Con người xây nhịp cầu, khi họ tỏ tình liên đới với nhau; khi họ trao đổi thông tin, nói chuyện với nhau; khi trao tặng nhau lời an ủi tha thứ làm hòa, tặng nhau nụ cười chiếu tỏa tình thân ái cùng quan tâm đến nhau.

Và qua nhịp cầu đó phát sinh tình yêu mến, niềm tin tưởng nơi nhau, niềm hy vọng và làm tan biến hận thù ghen ghét cùng sợ hãi hoài nghi.

3. Nhịp cầu đời sống đức tin

Tình yêu là cây cầu nối liền con người lại với nhau. Tình yêu là nhịp cầu nối liền con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa bắc nhịp cầu đến với con người qua Chúa Giêsu Kitô.

Nhịp cầu Giêsu nối liền hai bờ vực thẳm giữa Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và con người loài thụ tạo lại với nhau.

Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, từ trời cao đã xuống trần gian làm người, hy sinh đời sống chết và sống lại, đã bắc nhịp cầu sự sống nối mở đường thông thương trời và đất lại với nhau.

Nhịp cầu sự sống Giêsu xóa bỏ ngăn cách do tội lỗi gây ra. Nhịp cầu đó mang ánh sáng ơn cứu độ tình yêu Thiên Chúa cho con người, và nhịp cầu này là lối đi dẫn con người đến với Thiên Chúa.

Khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã trao quyền cho các Thánh Tông đồ và Giáo Hội bắc nhịp cầu sự sống tiếp theo: „ Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Nước Thiên Chúa cho muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân Cha và Con và Thánh Thần.“ ( Mt 28,19).

Nhiệm vụ bắc nhịp cầu đức tin tinh thần đó cho con người của Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian rất khó khăn và tế nhị.

Người Rôma ngày xưa đã dùng danh hiệu „ Pontifex : Pons= Cây cầu; Facere, facit = làm - Người bắc nhịp cầu“ chỉ các đức Giáo Hoàng cùng các Giám mục. Ngày nay danh hiệu Pontifex vẫn còn là danh xưng dành cho Đức Giáo Hoàng Roma.

Từ ngày lãnh nhận làn nước cùng ánh sáng cây nến Rửa tội, nhịp cầu sự sống đức tin vào Thiên Chúa nối liền người tín hữu với Chúa Giêsu Kitô và với Giáo Hội của Người trên trần gian.

Nhịp cầu đó không tự động biến đổi ai thành thánh. Nhưng nhịp cầu đó là con đường dẫn lối nhắc bảo sống nên người tốt lành, nên người làm chứng cho làn nước Rửa tội cùng ánh sáng cây nến đức tin vào Chúa.

Khi một cây cầu đã được xây dựng xong, nó cần phải được bảo trì gìn giữ cùng tân trang sửa chữa. Có thế, mới giữ được thăng bằng đứng vững không bị nghiêng đổ sụp gẫy.

Cây cầu có chức năng nối liền, thu nhỏ ngăn cách, xóa bỏ rào cản biên giới. Nhưng cây cầu cũng phải chịu đựng những gánh nặng đè trên nó.

Phải chăng sống tế nhị, kính trọng nhân phẩm người khác, cùng tôn trọng sự khác biệt của nhau trong đời sống làm người, trong đời sống Giáo Hội là cung cách sống bắc nhịp cầu, cùng gìn giữ nhịp cầu đức tin, nhịp cầu tình người được thăng bằng đứng vững?

Tháng Mân Côi và truyền giáo trong Giáo Hội, 10.2007