Nhà Thờ Đá Vĩnh Hòa

Nằm giữa khu dân cư đông đúc của Quận 11 – Sài Gòn, gần khu du lịch Đầm Sen, từ năm 2004 đã bắt đầu một công trình nhà thờ Đá khởi công. Vật liệu đá từ miền Bắc đưa vào và nhờ những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Làng Đá Hoa Lư – Ninh Bình thổi hồn vào trong đá, nay đã hoàn thành và chuẩn bị ngày thánh hiến 24 – 6 - 07, Nhà Thờ để dâng Thiên Chúa – kính Thánh Gioan Baotixita.

Nhà thờ đá Vĩnh Hòa
Nhìn từ bên ngoài, đá được mài nhẵn sáng lên giữa vùng trời. Nhà Thờ Đá với kiến trúc Đông Phương đầy vẻ uy nghi và vững chãi, khoẻ khoắn trên mảnh đất bé nhỏ chưa đầy 900 mét vuông. Từ phía tiền đường nhìn vào, công trình nhà thờ đá vươn cao lên, xen lẫn với hàng cau, thể hiện cứng cỏi nhưng lại mềm dẻo hoà quyện cùng thiên nhiên, hoà cùng đất trời.

Đúng như tính cách của vị Thánh Bổn Mạng Giáo Xứ: Thánh Gioan Baotixita, một con người bước ra từ hoang địa với lời nói đanh thép: “Hãy dọn đường cho Chúa đến” (Mt 3, 3), Tiếng nói của Sự Thật bao giờ cũng đanh thép và cứng cỏi như biểu hiện của đá, nhưng là “Những viên đá sống động” có tính hiền hoà như tên gọi của Giáo Xứ “Vĩnh Hoà”. Sự Thật đến để giải thoát cũng như chính bản thân của công trình, con người đến gặp gỡ Thiên Chúa để được giải thoát.

Người dọn đường cho Chúa, công trình nhà thờ đá bằng vật chất này cũng là một phương tiện dẫn con người đến gặp Chúa. Nơi đây, mỗi người và cả cộng đoàn cùng gặp gỡ Thiên Chúa, không những chỉ con người mà chính cả “đá” cũng cất tiếng chúc tụng Chúa.

Biểu hiện chính của Nhà Thờ Đá, được trình bày ngay ở tháp tiền đình của lối vào. Với bức điêu khắc đá chừng 8 mét vuông ngay chính diện “Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan”. Tâm điểm của lời giới thiệu của Thiên Chúa Cha đến mọi người: “Đây là Con ta yêu dấu“ (Mt 3, 17). Và từ đó, Gioan Baotixita cũng lên tiếng để giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1, 9). Giới thiệu Chúa cho mọi người là trọng tâm của sứ vụ “Sống đạo hôm nay” chiếu theo thư Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007. Giáo xứ Vĩnh Hòa một lần nữa nối tiếp theo gương Thánh Bổn Mạng giới thiệu Chúa với mọi người bằng cung cách sống đạo của mình.

Bức điêu khắc bên trái của tháp tiền đình diễn tả việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Hình ảnh này gợi nhắc đến cung cách của năm sống đạo: “Yêu thương và phục vụ” Rửa chân cho nhau là rửa các mối tương quan để đến với nhau mật thiết hơn, gắn bó hơn và xây dựng mối hiệp thông với nhau và với Chúa. Rửa chân cũng còn là rửa sạch những tội lỗi đã mang vào thân phận mà chính Chúa sẽ thanh tẩy bằng hiến tế cứu độ của Chúa Giêsu: Với tâm hồn thanh sạch con người nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa, hình ảnh này diễn tả Môi
Nhà thờ đá Vĩnh Hòa
Sê cởi dép ra để bước vào nơi đất thánh, nơi Thiên Chúa ngự. Hình ảnh điêu khắc ngả mũ quỳ dưới chân Thập Giá ở phía bên phải của tháp chính diện. Nhận ra mình tội lỗi và nhận ra mình cần được lòng Chúa xót thương, đó cung cách khiêm nhường của một con người lên Đền Thờ cầu nguyện. Sám hối là một hành vi cúi xuống nhưng lại là phẩm cách cao thượng của con người. Cao thượng bởi vì từ đây, con người sẽ dễ dàng đón nhận nhau, sẵn sàng rửa chân cho nhau, sống với nhau yêu thương hơn, đến với nhau bằng tấm lòng thật thà trong những con người được Chúa thương xót.

Sống đạo trong hòan cảnh hiện tại của giáo xứ, cũng là tiếp nối truyền thống cha ông để lại: “Dĩ hòa vi quý”. Bằng cấu trúc cổ điển cổ kính, với ba tầng mái biểu hiện ba cấp bậc trật tự tự nhiên: Trời - Người - Đất. Bức điêu khắc giữa lối vào chính điện diễn tả hình ảnh Chúa hoá Bánh ra nhiều. Phép lạ dường như đang thực hiện tại đây: Khi con người thuận hoà với nhau thì cũng thuận hoà với thiên nhiên và thuận hảo với Thiên Chúa. Phép lạ luôn luôn có khi con người thực hành giới răn Chúa dạy: “Hãy yêu thương nhau”. Tình yêu, là một yếu tố đặc trưng để đá trở thành mềm mại, uyển chuyễn trong “phục vụ”.

“Yêu thương như Thầy đã yêu thương”, một cách thế diễn tả của bức điêu khắc bên trái và bên phải: “Chúa Giêsu bị phó nộp” – “Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết”. Tình yêu cuả Thiên Chúa là tình yêu phó nộp: Cha phó nộp con, Con tự phó nộp Con, Phó nộp trong Thánh Thần. Chính vì thế niềm tin của con người nhận biết Thiên Chúa luôn tuyên tín rằng: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Thiên Chúa chịu phó nộp để con người được tự do trong ân sủng làm con cái Thiên chúa.

Phía trên ô vuông của tháp chuông sẽ gắn đá điêu khắc hình ảnh trống đồng Việt nam, biểu hiện tính vuông tròn, nối kết tình trời với đất, mang tính biểu tượng của đoàn con Dân Việt thờ kính Thiên Chúa dựa trên Tình Yêu Thiên Chúa để hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng ngay trên quê hương.

Công trình xây dựng được ráp bằng vài ngàn viên đá sống động, mỗi viên đá nặng như trọng lượng của một người lớn cũng như cũng có những viên nhỏ như trọng lượng của những em bé, hoặc thiếu niên, biểu trưng đặc biệt nhất của mỗi thành viên trong giáo xứ Vĩnh Hoà, không những chỉ xây dựng Nhà Thờ bằng đá mà còn là chính mỗi tâm hồn là những viên đá sống động đễ Thiên Chúa cư ngụ. Xin Chúa chúc lành cho công trình và cho mọi thành viên của Giáo xứ, những ân nhân, thân nhân đã góp về dâng Chúa công trình này.

Đây là những nét phác thảo, sẽ còn những nét chi tiết hơn sẽ được dần dần giới thiệu đến mọi người.