HIROSHIMA – Hôm nay phái đoàn Đức Hồng Y Saigòn đã tới thăm thành phố lịch sử Hiroshima. Chính nơi đây vào lúc 8:15 sáng ngày 20.8.1945 quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima và gây cảnh chết chóc kinh hoàng.

Chính vì biến cố lịch sử này mà dân chúng Hiroshima đã xây dựng lại một Viện Hồi Ức về sự tàn phá của bom nguyên tử để ngàn đời cho hậu thế khắc ghi là: hãy chấm dứt chiến tranh, hãy thôi giết hại nhau, hãy hủy diệt võ khí giết người hằng loạt.

ĐHY Phạm Minh Mẫn ghi vào sổ lưu niệm: "We pray for no more war ever !"
Khi thăm viếng và chứng kiến cảnh tàn sát kinh hoàng đó, Đức Hồng Y Saigòn đã ghi lại trong cuốn lưu niệm ở đây dòng chữ như sau: “Chúng tôi cầu nguyện rằng đùng bao giờ có chiến tranh nữa – We pray for no more war ever!”.

Cha Trương Kim Hương sau khi được chứng kiến tận mắt những hình ảnh vô cùng đau thương và sự tàn sát dã man, ngài đã thốt lên rằng: “Nếu những ai còn muốn chiến tranh, hãy cho họ lại đây coi tận mắt thì chắc chắn sẽ không còn có can đảm mà gây chiến nữa...”

Thực vậy, cả một thành phố to lớn mà chỉ một quả bom nguyên tử nổ tại đó, đã tàn phá bình địa ra tro mọi thứ, chỉ còn trơ lại chừng 11 căn nhà chơ vơ... Bao nhiêu người và nhà cửa chết lập tức. Tất cả những ai sống trong vòng 5 cây số nơi trái bom rớt xuống đều chết hết, những người khác thì dần dà cũng chết...nhưng nếu còn sống thì nửa sống nửa chết... coi những hình ảnh và chứng tích rất hãi hùng.

Sau khi thăm viện hồi ức nguyên tử, chúng tôi có dịp đi thăm một trong những thắng cảnh đẹp vào bậc nhất nước Nhật, đó là Miyajima (có nghĩa là hòn đảo hoàng cung), nơi đây có đền thờ Thần Đạo Nhật.

Sau chừng 15 phút đi tầu ghé bến lên đảo, tự nhiên ai nấy đều cảm thấy một cảnh thanh thoát lạ thường... Cổng tam quan mầu đỏ tuy đơn giản nhưng trang nghiêm uy nghi chào đón khách bước vào cõi thiên thai... Vừa ra khỏi tầu có cả đàn nai con và hươu, đến cả 100 con tung tăng đón chào khách, hay lẽo đẽo theo mấy em nhỏ xin ăn. Lạ thường thay, người ta thường nói “nhát và sợ sệt như nai con”, nhưng ở đây những đàn nai rất thân thiết và quen với người không chút bẽn lẽn chút nào cả.

Đền thờ Thần Đạo
Thứ đến cả một rừng cây mầu sắc khác nhau, đôi khi chen lẫn những sắc hoa anh đào rực rỡ đưa chân du khách vào trong một thứ “đạo” rất linh thiêng và rất phổ quát của thần giáo Nhật bản.

Đạo Thần là thứ đạo đa thần, thần hiện diện và lan tỏa khắp nơi. Thần là ‘dương’ ẩn tàng trong vũ trụ và nhân sinh, nhưng biểu hiệu của Thần là “hoàng đế” là ‘âm’ được thể hiện qua con người của thiên hoàng. Hoàng đế là con trời là “thần”. Sự biểu hiện của Thần không chỉ qua thiên hoàng mà còn qua đền đài uy nghiêm, qua vạn vật chúng sinh. Thế nên tại Đền Thần thì lại trống không, không có để hình ảnh hay tượng thần của bất cứ ai, ngay cả hoàng đế hay thánh nhân nào cả. Các ‘tu sĩ’ của thần giáo chỉ có nhiêm vụ coi đền và phục dịch đền chứ không phải là một loại tăng lữ giáo phẩm. Tuy nhiên các tu sĩ Thần giáo đều thuộc về dòng tộc cha truyền con nối, chứ không phải bất cứ ai muốn đi tu cũng được.

Thêm vào những hiểu biết căn bản này, chúng tôi còn có dịp biết một điều khác rất lạ lùng -- Cha Cao sơn Thần đã ở Nhật lâu năm -- giải thích rằng các võ sĩ đánh “sumo” họ cũng được xếp vào hàng “thần”, nên võ đài đánh “sumo” không chỉ đơn thuần là môn thể thao mà còn là biểu hiện tôn giáo của Nhật và là nét văn hóa của truyền thống Phù Tang.

ĐHY thăm dòng Nữ Tu Ánh Sáng Phúc Âm
Tiếp đến chúng tôi tới thăm Dòng của các Nữ Tu Ánh Sáng Phúc Âm. Sở dĩ ĐHY đến thăm Dòng này là hiện nay Dòng này đã có cơ sở và ơn kêu gọi tại Việt Nam, hiện đã có tới 10 nữ tu Việt Nam đã được khấn trong Dòng này. Dòng Áng Áng Phúc Âm được thành lập sau thế chiến II hầu giúp cho những người bị chiến tranh bật rễ và lâm cảnh túng thiếu, các nữ tu làm công tác từ thiện bác ái xã hội. Với những thay đổi mau chóng về mọi mặt tại Nhật, nên ngày nay tuy dù các Sơ vẫn còn đang trông coi nhà hưu dưỡng vườn trẻ, v.v..., nhưng trong tương lai không biết sẽ đi về đâu! Đang khi đó tại Việt Nam tình trạng ơn goị rất nhiều, nên các nữ tu Nhật nghĩ rằng có thể tiếp tục trao lại sứ mạng và đường hướng tu đức để các thiếu nữ Việt Nam muốn làm việc truyền giáo có thể thay thế các nữ tu Nhật mà dấn thân giúp cho người Việt Nam.

Trong mối tương quan đó, ĐHY Saigòn đã chính thức mời các nữ tu Nhật sang Việt Nam đề thành lập nhà Dòng và thành lập một Nhà Hưu Dưỡng lo cho người già Việt Nam. Hy vọng rằng với tình thế biến chuyển mới tại Việt Nam, mọi truyện sẽ mau chóng được hiện thực và mang lại thành quả.

Vào buổi chiều, Đức Hồng Y cùng phái đoàn đến thăm nhà thờ Chính tòa Hiroshima và thăm Đức giám mục Joseph Misue của Giáo phận Hiroshima.

Phái đoàn đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thăm đức GM Joseph Misue của gp. Hiroshima
Tại Tòa Giám Mục, Đức Cha Misue đã cho biết tình hình giáo phận của Ngài có chừng 8 triệu dân, nhưng chỉ có 21,000 người Công giáo. Riêng tại thành phố Hiroshima chỉ có 5 nhà thờ Công giáo, đang khi đó có tới 759 ngôi đền chùa. GM Misue nói vào năm 1981 khi Đức Giáo Hoàng John Paul II thăm Hiroshima thì lúc đó ngay chính một số người Nhật mới biết là tại đây cũng có một số người theo đạo Công giáo. Đức Cha cho biết sau thế chiến II số Công giáo đã xuống và càng xuống chứ không tăng lên.

Hiện nay, ảnh hưởng vật chất tiêu thụ ở Nhật rất mạnh, nên nhiều người không coi trọng việc tôn giáo. Truyền giáo rất là khó khăn. Ngài chia sẻ rằng khi ngài sang thăm Việt Nam thấy số người đi lễ nhiều, ấm cúng, sinh động như vậy... Ngài rất “thèm” được có như vậy. Rồi tự hỏi không biết chúng tôi hay chính tôi là giám mục có làm gì sai không mà tại sao lại không truyền giáo thành công như các bạn được?” Rồi ngài nói, dầu vậy người Công giáo Nhật rất xác tín về con đường sự thật mà họ đang bước đi...”.

Và ơn Chúa và sự quan phòng của Chúa thì rất là lạ lùng. Ngài nói chính ngài đã sang Việt Nam kiếm ơn gọi. 3 năm trước đã có 1 thầy Việt Nam sang học tại đại chủng viện cho giáo phận Hiroshima, và chính ngày hôm nay có 2 ứng sinh khác từ Việt Nam qua đây để tu học cho giáo phận chúng tôi. Thế rồi chính các Sơ Ánh Sáng Phúc Âm của chúng tôi đã đạt được những bước đi rất thành quả và hiệu lực trong việc hợp tác với Tổng giáo phận của Đức Hồng Y, đã gửi người qua, và đang có những dự án rất cụ thể khác.

Sau cuộc gặp gỡ rất thân mật và cởi mở tại Tòa giám mục, đức cha Misue cùng với Cha Tổng Quản là LM Ignatius Saito đã mời Đức Hồng Y và phái đoàn dự tiệc. Trong bữa tiệc cũng có sự tham dự của Sơ bề trên và phó bề trên Dòng Ánh Sáng Phúc Âm, có LM Cao Sơn Thân, SJ, là vị linh mục đã có những móc nối rất hữu nghị giữa nhiều nhà dòng Việt Nam và nhà dòng Nhật.

Tiệc mừng phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn
Trong suốt bữa cơm, Đức Hồng Y, Giám mục Misue, hai linh mục Tổng Quản, và các linh mục tháp tùng Đức Hồng Y đã chia sẽ nhiều về những kinh nghiệm sống đức tin tại Nhật, sống đức tin trong tù, sống đức tin dưới thời Cộng sản và làm thế nào nhìn về tương lai tươi sáng với những dự án hợp tác chung... Hai giáo phận đang tiến tới sự kết hơp làm giáo phận anh em với nhau.

GM Misue nói khi quả bom nguyên tử rớt xuống thành phố này thì người Nhật bị một cơn chấn động bàng hoàng và họ mất tinh thần, nhưng dần dần, từ từ chúng tôi đã xây dựng lại...

ĐHY Mẫn đáp lại rằng: Nhật Bản bị 2 quả bom nguyên tử tàn phá, còn chúng tôi qua bao nhiêu năm đã bị quả bom của chế độ Cộng sản... nhưng ngày nay chúng tôi cũng đang quyết tâm vươn lên.

GM Misue nói là hiện tại ở Nhật số người gìa rất nhiều, còn người trẻ thì chỉ lo hưởng thụ, nên chúng tôi cũng đang phải thao thức tìm ra phương thế phục vụ tốt cho lớp người già trong tương lai.

Nhân đó, LM Trần Công Nghị chia sẻ với Đức Cha Misue về một bài báo mới đây nói về tình hình người già tại Nhật, cho rằng tại Nhật người già trê 65 tuổi chiếm trên 25% tổng số dân chúng. Và tại Nhật cũng có một làng được coi là làng có những người có tuổi thọ nhất trên thế giới... Nhưng chính về sự kiện các đôi vợ chồng trẻ Nhật không muốn sinh con, hay là “lười” sinh con, nên có nguy cơ trong việc an sinh xã hội trong vài thập niên tới, đàng khác nguy cơ còn trầm trọng là việc mục vụ cho người già bệnh tật lại càng trở nên khẩn thiết hơn nhất là khi thiếu linh mục như hiện nay...

Đức Cha Misue cũng đồng ý về mối nguy cơ này, và cho rằng ngày nay các Giáo hội phải chia sẻ với nhau về kinh nghiệm mục vụ, về trao đổi đối tác, về nhân sự, v.v... hầu mau chóng cùng nhau tìm ra phương cách tốt nhất đối diện với các vấn đề.

ĐHY Mẫn nhân đây cũng ca tụng những đức tính của người Nhật mà nói rằng người Việt Nam cần phải bắt chước người Nhật như sự tự trọng. Ngài nói: Người Nhật có những cái mà chúng tôi rất thán phục như tinh thần tự trọng. Và vì tự trọng nên không làm đồ giả dối như một số người Tầu, người Việt, người Đại hàn, v.v... Chẳng những thế, người Nhật chế biến đồ gì thì làm với chất liệu và càng ngày càng làm cho khá hơn, kéo theo được sự tín nhiệm và lòng tin tưởng của ngưòi tiêu thu...”.

Đức giám mục thành Hiroshima sau cùng nhận định như sau: Thực ra dân chúng Nhật cũng giống tại Việt Nam trong thời kỳ bách hại đạo, nên Đức Mẹ La Vang đã hiện ra để an ủi và dẫn đường, làm phần khởi đức tin. Tại thành phố Hiroshima, chúng tôi cũng có một linh địa mà người Công giáo Nhật tin rằng chính Đức Mẹ Maria đã hiện ra để cứu thoát và an ủi chúng tôi. qua chiến tranh và những thay đồi chóng mặt về vật chất, chúng tôi cũng vẫn còn phải đối diện với biết bao nhiêu khó khăn... nhưng chúng tôi cũng như các bạn, vãn kiên trì tiến lên, vì chúng ta có cùng một đức tin và niềm hy vọng... Và nhân đây cũng xin mời Đức Hồng Y và các bạn Việt Nam khi nào có thể được tới hành hương tham dự với chúng tôi ngày Hành Hương kính Đức Mẹ vào ngày 3.5 mỗi năm.